Quần đảo Solomon vay Trung Quốc 66 triệu USD để xây 161 trạm thu phát sóng Huawei

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Quần đảo Solomon đã đồng ý vay 448,9 triệu nhân dân tệ (66,15 triệu USD) từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu của nhà nước Trung Quốc để tài trợ cho việc xây dựng 161 trạm thu phát sóng của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Chuyên gia quốc phòng Michael Shoebridge cảnh báo rằng, Bắc Kinh đang "tiến nhanh và một cách rộng rãi" ở Nam Thái Bình Dương để tăng cường ảnh hưởng của mình, và đã kêu gọi chính phủ Úc cắt giảm tài trợ cho Đại hội thể thao Thái Bình Dương dự kiến tổ chức vào năm tới.

18/8/2022, chính phủ của Thủ tướng Manasseh Sogavare đã công bố thỏa thuận mà họ cho rằng sẽ giúp mọi người "tận hưởng" Đại hội thể thao Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này sẽ thuộc Dự án Cơ sở Hạ tầng Băng thông rộng Quốc gia của Quần đảo Solomon (SINBIP), và sẽ được "tài trợ hoàn toàn" bằng khoản vay ưu đãi 20 năm từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Exim) Trung Quốc với lãi suất 1%. Hơn nữa, việc xây dựng và cung cấp thiết bị các trạm sẽ đến từ Huawei của Bắc Kinh và Công ty TNHH Kỹ thuật Cảng Trung Quốc.

Mọi người đến tham dự bài phát biểu quan trọng của Huawei tại hội chợ thương mại thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng IFA 2020 Special Edition vào ngày khai mạc ở Berlin, Đức, 03/09/2020. (Sean Gallup / Getty Images)

"Đề xuất này sẽ là mối quan hệ đối tác tài chính lịch sử với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2019, khi mà hai nước hợp tác chặt chẽ để đảm bảo việc triển khai và vận hành thành công dự án", theo trang web chính phủ Quần đảo Solomon cho biết.

Dưới thời Thủ tướng Sogavare, Quần đảo Solomon đã chuyển quan hệ ngoại giao với Đài Loan sang Trung Quốc, một động thái đã thu hút sự tranh cãi và chỉ trích từ lãnh đạo phe đối lập và lãnh đạo tỉnh Daniel Suidani.

Âm vang của Ngoại giao 'Bẫy nợ'

Chính phủ Quần đảo Solomon cũng tuyên bố, một Ủy ban Chỉ đạo Nội các đã tham khảo ý kiến ​​của một chuyên gia địa phương và một công ty tư vấn New Zealand để xem xét khả năng thành tựu được của dự án, và cả hai đều cho rằng dự án sẽ "tạo ra đủ thu nhập cho chính phủ" để trả dứt khoản nợ Trung Quốc trong vòng 20 năm.

Thỏa thuận này sẽ tham gia vào danh sách các khoản nợ mà các chính phủ Nam Thái Bình Dương phải trả cho các tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, các quốc gia lớn ở Thái Bình Dương như Fiji, Samoa, Quần đảo Solomon, và Tonga nợ Ngân hàng Phát triển Châu Á khoảng 38% tổng khoản nợ nước ngoài của họ, với 22% là nợ Trung Quốc.

Mức nợ cao đối với Bắc Kinh gây ra những lo ngại liên tục xung quanh chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu của họ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) — vốn đã lôi kéo một số quốc gia đang phát triển vào việc vay các tổ chức Trung Quốc các khoản vay không có ích gì. Sau khi các khoản vay đến hạn, một số chính phủ đã giao các tài sản quan trọng cho Bắc Kinh để đổi lại việc xóa sổ khoản vay.

Toàn cảnh cơ sở cảng hiện thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Hambantota ở Sri Lanka, 10/02/2015. (Lakruwan Wanniarachchi / AFP / Getty Images)

Trong khi đó, về thỏa thuận hiện tại, chính quyền Quần đảo Solomon sẽ thành lập một pháp nhân nhà nước mới để sở hữu 161 trạm thu phát sóng di động, trong khi các cuộc thảo luận đang được tiến hành với Công ty Viễn thông Solomon (Solomon Telekom Company Ltd) để họ trở thành nhà điều hành. Chính quyền hy vọng sẽ hoàn thành các yêu cầu còn tồn tại xung quanh thỏa thuận vào cuối năm và hy vọng bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2023.

Chính phủ cho biết "48% đầu tiên trong số 161 trạm thu phát sóng" sẽ được hoàn thành trước Đại hội thể thao Thái Bình Dương vào tháng 11/2023, nói rằng điều này sẽ cho phép mọi người "tận hưởng các cuộc thi đấu ngay cả khi họ không đến [thủ đô] Honiara".

Không có tác dụng thực tế cho Huawei, chỉ là một nước cờ chính trị

Michael Shoebridge thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc đã đặt câu hỏi liệu có cần thiết có một công ty viễn thông lớn nữa trong khu vực mà công ty này đã bị cấm tham gia mạng 5G tại một số quốc gia phát triển — trong khi đã có công ty dẫn đầu thị trường Digicel Pacific, hiện sở hữu bởi Telstra của Úc.

"Thỏa thuận này là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang tiến nhanh và một cách rộng rãi để tạo thêm sức mạnh trên chính quyền Quần đảo Solomon", ông chia sẻ với tờ Epoch Times.

"Nó cũng cho thấy Thủ tướng Sogavare muốn có một mối quan hệ sâu rộng với Trung Quốc. Và nó làm giảm giá trị của những đảm bảo liên tục của ông ấy rằng, mối quan hệ đối tác mà ông ấy đang xây dựng với Bắc Kinh sẽ không có vấn đề an ninh quan trọng nào", ông nói thêm.

Thủ tướng Úc thuộc Công Đảng Anthony Albanese và Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong đã nhiều lần tuyên bố rằng Thủ tướng Sogavare đã đảm bảo rằng, quan hệ hợp tác giữa nước ông và Bắc Kinh sẽ không bao hàm các vấn đề an ninh tiềm ẩn.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Bên trái) chào đón Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (Bên phải) trong cuộc họp song phương tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ở Suva, Fiji, 13/07/2022. (Armao / Pool / AFP, qua Getty Images)

Hai chính khách Úc cũng quảng cáo cách tiếp cận khác biệt của mình trong việc thu hút các quốc gia Thái Bình Dương, so với chính quyền Morrison trước đây (vốn có quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh), nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng "lắng nghe" hơn và sẽ phát triển quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo của các nước này.

"Một trong những điều chúng ta cần làm là xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa Úc và các nước bạn bè của chúng ta ở Thái Bình Dương", Thủ tướng Úc Albanese chia sẻ với chương trình Today của 9News vào giữa tháng 7. "Chúng ta cần chuẩn bị để lắng nghe những gì họ nói, chuẩn bị để hỗ trợ sự phát triển của họ".

Tuy nhiên, Michael Shoebridge nói rằng chính phủ Úc "đang bị cả Bắc Kinh và Sogavare chơi xỏ".

Đưa cuộc chiến tới Bắc Kinh vì Thái Bình Dương

Michael Shoebridge cảnh báo rằng Úc và New Zealand cần có một chiến lược rộng lớn hơn cho khu vực và đưa ra một cái gì đó cho khu vực mà Bắc Kinh không bao giờ có thể làm được.

"Úc và New Zealand nên mở rộng khuôn khổ quan hệ kinh tế chặt chẽ mà chúng ta có giữa hai nước, ra các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương, bao gồm cả Quần đảo Solomon, và điều đó sẽ tích hợp nền kinh tế của chúng ta với các nền kinh tế đối tác nhỏ ở Thái Bình Dương và cho phép những thứ như miễn thị thực du lịch làm việc và giáo dục", ông nói.

"Các tổ chức xã hội dân sự của chúng ta cần tham gia vào tiếng nói dân chủ ở các quốc gia Thái Bình Dương này, bởi vì chúng ta có lợi ích trong việc tăng cường nền dân chủ và hợp tác với các nền dân chủ đối tác để củng cố nền dân chủ của họ", ông cho biết thêm.

Ông đề xuất các sáng kiến ​​như, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc có thể được mở rộng để bao gồm các nghị sĩ Nam Thái Bình Dương, và Úc nên giúp tài trợ cho các cuộc bầu cử ở Quần đảo Solomon thay vì Đại hội thể thao Thái Bình Dương.

Úc đã cam kết tài trợ 100 triệu đô-la Solomon (12,13 triệu USD) cho việc đăng cai Đại hội thể thao, với các quan chức ước tính sự kiện này sẽ thu hút khoảng 5.000 du khách đến Honiara.

Tuy nhiên, Thủ tướng Sogavare đã sử dụng Đại hội thể thao như một cái cớ để trì hoãn các cuộc bầu cử mà mình có thể bị thua.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Quần đảo Solomon vay Trung Quốc 66 triệu USD để xây 161 trạm thu phát sóng Huawei