Quan tham Trung Quốc: Tôi là ‘Chủ tịch Sở giao dịch Tiền - Quyền', vợ tôi là thu ngân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những "đại hổ" tham nhũng của Trung Quốc đã ngã ngựa là ông Tô Vinh (Su Rong), cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Trong “Lời thú tội”, ông ta tự nhận là “Chủ tịch” của “Sở giao dịch Tiền - Quyền” tại gia. Những người thân cận trong gia đình ông ta như vợ, con trai, con gái, con rể… cũng tham gia đường dây tham nhũng này.

Vào ngày 14/6/2014, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo, ông Tô Vinh bị điều tra vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Ông Tô Vinh là "lãnh đạo đảng và nhà nước" đầu tiên bị bãi nhiệm sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngày 23/1/2017, ông Tô Vinh bị Tòa án trung cấp thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông tuyên phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và sở hữu khối tài sản lớn không rõ nguồn gốc.

Ông Tô Vinh bị cáo buộc lợi dụng các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cam Túc, Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây để chuộc lợi. Tổng số tiền nhận hối lộ là 116 triệu nhân dân tệ (theo tỷ giá hiện tại là khoảng 420 tỷ VNĐ); ngoài ra còn có số tài sản 80,27 triệu nhân dân tệ (khoảng 290 tỷ VNĐ) không rõ nguồn gốc. Hành vi lạm dụng chức quyền này đã gây ra những tổn thất nặng nề cho quốc gia.

Ông Triệu Hồng Chúc (Zhao Hongzhu), khi đó là Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – cơ quan chống tham nhũng của ĐCSTQ. Ông cho biết: “Vụ án Tô Vinh là vụ điển hình mà cả gia đình tham nhũng, cả nhà từ già đến trẻ, từ nam đến nữ đều tham dự”. Có tổng cộng 14 thành viên gia đình ông Tô Vinh dính líu đến vụ án, bao gồm vợ, con trai, con gái, con rể, anh vợ, v.v.

Tô Vinh trở thành ‘Chủ tịch Sở giao dịch Tiền - Quyền’

Theo XinhuaNet, ông Tô Vinh đã viết trong "Lời thú tội" rằng: "Gia đình tôi đã trở thành một 'Sở giao dịch Tiền - Quyền', tôi là 'Chủ tịch', còn vợ tôi là 'thu ngân'". “Như tôi tính thì số lượng lãnh đạo tỉnh, từ cấp phó trở lên, đã tặng tôi tiền và vật phẩm có giá trị là hơn 40 người”.

Tội đầu tiên của ông Tô Vinh là mua quan bán chức từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Ông ta không từ chối bất kỳ món đồ gì, dù là số tiền mặt khổng lồ, các bức tranh, bức thư pháp và đồ sứ có giá trị, hay là đồ trang trí nhỏ chỉ trị giá khoảng nghìn tệ. Làm được thu tiền, không làm được cũng thu tiền, còn có trường hợp nhận tiền nhưng không làm như đã hứa. Nhiều kẻ hối lộ chế giễu ông ta không có chút tư cách nào của bí thư tỉnh ủy, chỉ là một thương gia buôn “mũ quan”.

Các đối tượng mà ông Tô từng bán mũ quan cho bao gồm các ông:

  • Trần An Chúng (Chen Anzhong), cựu Phó Chủ tịch Đại hội đại biểu Nhân dân tỉnh Giang Tây;
  • Diêu Mộc Căn (Yao Mugen), cựu Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tây;
  • Tống Thần Quang (Song Chenguang), Hứa Ái Dân (Xu Aimin) và Lưu Lễ Tổ (Liu Lizu), cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Giang Tây;
  • Triệu Trí Dũng (Zhao Zhiyong), nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tây;
  • Lý An Trạch (Li Anze), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Giang Tây;
  • Lý Thiên Âu (Li Tianou), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước tỉnh Giang Tây;
  • Trần Vệ Dân (Chen Weimin), cựu Bí thư Thành ủy Bình Hương;
  • Mao Tông Bảo (Mao Zongbao), cựu Chủ tịch huyện Nghi Hoàng, v.v.

Chỉ cần biếu xén tiền và quà thì sẽ được ông ta đề bạt và trọng dụng. Nếu không hối lộ bất cứ thứ gì, Tô Vinh có câu cửa miệng: "Kêu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật điều tra anh!".

Trong tình thế “theo ta thì thịnh, nghịch ta thì vong”, rất nhiều quan chức đã không tập trung vào công việc mà dành cả ngày để nghĩ xem Tô Vinh thích gì. Ông ta đi đầu trong việc mua quan bán chức, quan lại các cấp cũng noi gương mà làm theo.

Truyền thông ĐCSTQ nhận xét rằng, Tô Vinh "đã giáng một đòn mang tính hủy diệt vào hệ sinh thái chính trị và môi trường phát triển kinh tế và xã hội của Giang Tây".

Vợ Tô Vinh là ‘thu ngân’ cho Sở giao dịch này

Vợ của ông Tô Vinh là bà Vu Lệ Phương (Yu Lifang). Sau khi theo ông Tô đến Giang Tây, bà Vu đã hoạt động rất tích cực trong giới chính trị và thương nghiệp của Giang Tây, được gọi là "chị Vu” (Vu tỷ). Ông Tô Vinh cho biết trong "Lời thú tội": " ‘Chị Vu’ nhà chúng tôi đã trở thành từ đồng nghĩa với giao dịch quyền - tiền của Giang Tây".

‘Chị Vu’ đi khắp Giang Tây, kết bạn với đủ loại người, gặp gỡ không ít quan chức và doanh nhân. Không thể đếm xuể những quan chức và doanh nhân đã đưa tiền cho ‘chị Vu’. Khi ‘chị Vu’ tĩnh dưỡng sức khỏe ở Thâm Quyến sau ca phẫu thuật, nhiều quan chức cấp tỉnh đã “cưỡi chim sắt" đến thăm và tặng phong bao.

‘Chị Vu’ không chỉ tham gia mua bán quan chức mà còn dựa vào quyền thế của chồng để trực tiếp tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, thành phố nhằm đề bạt cán bộ; thường xuyên can thiệp vào các hoạt động chuyển nhượng đất đai, dự án xây dựng, đấu thầu; vòi vĩnh và nhận hối lộ số của cải khổng lồ.

Theo tờ Nhân dân (People.cn) đưa tin, ông Chu Kiến Hoa (Zhou Jianhua), cựu Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân thành phố Tân Dư, tỉnh Giang Tây, tố cáo rằng: Vào năm 2009, Thị trưởng Tân Dư là ông Lý An Trạch, vì nịnh bợ ‘chị Vu’ mà đã bán hơn 300 mẫu đất có giá trị hơn 3 triệu nhân dân tệ / mẫu cho bạn bè của ‘chị Vu’ với giá 700 nghìn nhân dân tệ / mẫu; khiến tài sản nhà nước bị thiệt hại gần 1 tỷ nhân dân tệ. ‘Chị Vu’ cũng kiếm được một mớ lớn từ vụ giao dịch này. Vào tháng 3/2010, Lý An Trạch được đề bạt làm Bí thư Thành ủy Tân Dư. Đến tháng 3/2013, ông này được thăng chức Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Giang Tây.

Năm 2009, ông Phương Uy (Fang Wei), Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Phương Đại Liêu Ninh (Liaoning Fangda Group), đã kết nối với ông Tô Vinh thông qua ‘chị Vu’ để tham gia vào quá trình "tái cơ cấu" một công ty sắt thép ở Nam Xương. Sau khi ‘chị Vu’ nhận được tiền, ông Tô lập tức chỉ thị cho Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của tỉnh phải chọn một công ty được chỉ định; đồng thời yêu cầu hạ giá đã định và bán cho công ty này với giá thấp. Cuối cùng, 57,97% vốn sở hữu nhà nước của một công ty gang thép ở Nam Xương đã bị Tập đoàn Phương Đại mua lại với giá rẻ mạt, làm thất thoát tài sản nhà nước gần 1 tỷ nhân dân tệ. Con gái của ông Tô Vinh cũng nhận được những khoản lợi khổng lồ từ đó.

‘Chị Vu’ tuyên bố thích tranh tứ quý “Mai, lan, cúc, trúc” và nghệ thuật gốm sứ. Một số quan chức đã ngay lập tức tặng đồ sứ, tranh vẽ và thư pháp. Sau khi vụ án bị điều tra, lực lượng chức năng đã thu giữ tổng cộng 200 bức tranh sứ, 319 bình sứ và các đồ sứ khác tại nơi ở của Tô Vinh và người thân, bạn bè của ông ta.

Con trai Tô Vinh kiếm bộn “phí cảm ơn”

Trong bộ phim chuyên đề chống tham nhũng "Luôn Luôn Trên Đường" do CCTV phát sóng, Tô Thiết Chí (Su Tiezhi), con trai của ông Tô Vinh, cho biết, sau khi đến Giang Tây, cha anh ta đã chủ động giới thiệu một số quan chức trong giới cho con trai. Sau đó, thông qua các quan chức này, Tô Thiết Chí đã giúp bạn bè của mình nhận được các dự án, còn anh ta cũng nhận được những khoản lợi khổng lồ từ việc dắt mối.

Theo Caijing đưa tin, Công ty Hằng Phàm Giang Tây (Jiangxi Hengfan) đã ký hợp đồng thầu dự án đất ở huyện Thượng Do, thành phố Cống Châu. Người đại diện pháp nhân của công ty này là Tạ Kiến Quốc (Xie Jianguo) đã tìm đến Tô Thiết Chí, Tô Thiết Chí trực tiếp đi gặp Bí thư Thành ủy Cống Châu là ông Sử Văn Thanh (Shi Wenqing) yêu cầu đặc biệt chú ý đến Công ty Hằng Phàm. Sau khi vụ việc thành công, Tô Thiết Thành đã nhận được 12 triệu nhân dân tệ “phí cảm ơn".

Theo trang Mạng Pháp chế (Fazhi Wang) đưa tin, Tô Thiết Thành có một người bạn chí cốt tên là Tào Chính Quang (Cao Zhengguang). Tào Chính Quang tự nhận là cháu trai bên ngoại của ông Tô Vinh. Lưu Kiến Quân (Liu Jianjun), một quan chức cấp huyện thuộc thành phố Cát An, nghe nói rằng Tào Chính Quang là "anh em chí cốt" của Tô Thiết Thành nên đã mua cho mỗi người một chiếc xe hơi sang trọng. Không lâu sau, Tô Thiết Thành đã giúp Lưu Kiến Quân trở thành Phó Chủ tịch huyện Tân Can.

Quân cờ domino khiến bê bối tham nhũng của ông Tô Vinh bị đưa ra ánh sáng

Sau đó, Tào Chính Quang tìm đến Lưu Kiến Quân và nói rằng có một mảnh đất cần bán rộng hơn 4 triệu mẫu. Nếu Lưu Kiến Quân đưa cho hắn 40 triệu tệ (hối lộ) để lấy mối quan hệ thì sẽ giúp Lưu Kiến Quân mua lại mảnh đất này. Khi nghe điều này, Lưu Kiến Quân cảm thấy đó là một món hời nên đã đưa cho Tào Chính Quang 40 triệu nhân dân tệ.

Tuy nhiên, Tào Chính Quang đã tính toán sai tình hình. Mặc dù đã thuyết phục nhiều công ty đấu thầu rút lui, nhưng vẫn có một công ty tên là Xương Hà Phiếu Chính (Changhe Piaozheng) không rút, vì Changhe Piaozheng không tin rằng con trai của Tô Vinh lại có hứng thú với một mảnh đất nhỏ như vậy.

Vào ngày đấu giá, người của Changhe Piaozheng bị đánh đập vào buổi sáng, nhưng đến chiều vẫn quay lại để giơ bảng đấu giá. Cuối cùng, khi giá đấu thầu đã tăng lên 8,5 triệu tệ / mẫu, người bên phía Changhe Piaozhang mới rút lui sau khi người đại diện của Lưu Kiến Quân tiếp tục giơ bảng.

Đây là khoản đầu tư thua lỗ lớn thứ hai của Lưu Kiến Quân. Trước đó, Lưu Kiến Quân đã lấy 230 triệu nhân dân tệ tiền gửi trong tài khoản ngân hàng của công ty đầu tư mạo hiểm và hoàn toàn không thể trả lại.

Ngay sau đó, việc Lưu Kiến Quân tham ô 230 triệu nhân dân tệ và hối lộ 40 triệu nhân dân tệ đã được báo cáo cho Đoàn kiểm tra trung ương số 8. Cơ quan giám sát và thanh tra kỷ luật bắt đầu cuộc điều tra từ Lưu Kiến Quân, sau đó lôi ra Tào Chính Quang, Tô Thiết Chí và Tô Vinh. Cuối cùng, dẫn đến cơn địa trấn trong chốn quan trường Giang Tây.

Con rể Tô Vinh nhận hối lộ gần 10 triệu nhân dân tệ

Ông Trình Đan Phong (Cheng Danfeng), con rể của ông Tô Vinh, tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương. Từ năm 1982 - 2011, ông này làm việc tại Bộ Tài chính Trung Quốc trong 19 năm. Trong thời gian này, ông được cử đến Bộ Tài chính tỉnh British Columbia của Canada và một công ty quản lý đầu tư của chính phủ để học tập trong nửa năm; từng là học giả thỉnh giảng cấp cao tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ trong một năm; và có hai năm là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Quản lý Quang Hoa của Đại học Bắc Kinh.

Từ năm 2012 - 2015, ông Trình được điều động làm Ủy viên Thường vụ Thành ủy kiêm Phó Thị trưởng Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam.

Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, ở Trương Gia Giới, ông Trình Đan Phong để lại ấn tượng là người khiêm tốn, trung thực, nhã nhặn. Một người am hiểu về tình hình chính trị của Trương Gia Giới cho biết: “Trình Đan Phong làm việc ở Trương Gia Giới rất nhiệt tình, khả năng làm việc cũng được công nhận, cộng thêm kinh nghiệm làm việc tại Bộ [Tài chính] và các ủy ban, lại còn là quan chức xuất thân từ học giả, nên từng được coi là nhân vật đầy hứa hẹn”.

Ông Trình Đan Phong cho biết trong bản tự thuật rằng, trước khi ông Tô Vinh đến làm việc ở Giang Tây, bản thân ông ta hầu như không qua lại với giới doanh nhân. Sau khi ông Tô Vinh đến Giang Tây, con rể cũng thường đến Giang Tây thăm bố vợ vào cuối tuần. Các quan chức và doanh nhân Giang Tây luôn cố gắng tạo dựng mối quan hệ với Tô Vinh. Vậy nên khi con rể của Tô Vinh tới Giang Tây, ông ta ngay lập tức trở thành mục tiêu săn đuổi. Vụ Trình Đan Phong nhận hối lộ của 3 doanh nhân đều diễn ra ở Giang Tây.

Vào tháng 2/2017, ông Trình Đan Phong bị kết án 8 năm tù. Bản án cho biết, Trình Đan Phong đã lợi dụng quyền lực của bố vợ Tô Vinh để nhận hối lộ 9,476 triệu nhân dân tệ (khoảng 34 tỷ VNĐ) và 100.000 đô-la Hong Kong (gần 300 triệu VNĐ).

Anh vợ Tô Vinh tự tử

Theo Yicai, anh vợ của ông Tô Vinh là ông Vu Bình An (Yu Pingan) cũng có liên quan đến vụ án Tô Vinh và bị nhà chức trách điều tra. Theo bài báo, một số người nắm rõ vấn đề này nói rằng, hai anh em Vu Bình An và Vu Lệ Phương (chị Vu) đã nhận khoản hối lộ kếch xù từ một chủ doanh nghiệp tư nhân.

Vào một buổi sáng tháng 3/2015, tại Công viên Nhi đồng trên phố Nhân dân ở thành phố Trường Xuân, một người quét dọn phát hiện một người đang ngồi trên băng ghế ở góc công viên. Khi người dọn dẹp đến gần, phát hiện một người đàn ông trung niên đầu tóc rũ rượi. Người dọn dẹp chào hỏi người đàn ông, nhưng không thấy đáp lại, cảm thấy có điều gì đó không ổn nên đã ngay lập tức gọi cảnh sát.

Các nhân viên cấp cứu nhanh chóng đến hiện trường kiểm tra và xác nhận rằng người đàn ông không có dấu hiệu sinh tồn. Người này chính là Vu Bình An. Nguồn tin nói rằng, có thể Vu Bình An đã uống rất nhiều thuốc ngủ vào đêm hôm trước. Vào tháng 3 ở Cát Lâm, nhiệt độ ban đêm thường giảm xuống dưới âm 20 độ. Cái lạnh và tác dụng của thuốc ngủ đã giết chết ông ta.

Tô Vinh – Một đại quan tham do Tăng Khánh Hồng đề bạt

Sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989, Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo của ĐCSTQ. Ngay sau đó, ông ta đã bổ nhiệm ông Tăng Khánh Hồng, Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải, làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương. Kể từ đó, Giang - Tăng đã lợi dụng lẫn nhau để trở thành hai nhân vật hàng đầu phe Giang trong chốn quan trường Trung Quốc.

Từ năm 1999 - 2002, khi Tăng Khánh Hồng là Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương, ông ta đã đề bạt Tô Vinh lần lượt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải.

Từ năm 2002 - 2007, khi Tăng Khánh Hồng là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, ông ta đã đưa Tô Vinh lên làm Bí thư Tỉnh ủy Cam Túc kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.

Quê hương của ông Tăng Khánh Hồng là ở tỉnh Giang Tây. Đầu tiên, Tăng Khánh Hồng điều động Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) làm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây. Đến năm 2007, Tăng cho Mạnh giữ chức Bộ trưởng Công an và sau đó bố trí Tô Vinh làm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây.

Theo phán quyết của tòa án, con đường làm quan của ông Tô Vinh là một mạch tham nhũng, một mạch được cất nhắc từ Thanh Hải đến Cam Túc, từ Cam Túc đến Bắc Kinh, từ Bắc Kinh đến Giang Tây. Tô Vinh là do một tay Tăng Khánh Hồng đưa lên.

Kết luận

Về việc Tô Vinh biến nhà mình thành “Sở giao dịch Tiền - Quyền”, ngoài lý do cá nhân của ông ta, thì nguyên nhân quan trọng hơn là: Vào thời điểm đó, tiêu chí lựa chọn và tuyển dụng người của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là: liệu họ có sẵn sàng bán mạng vì Giang - Tăng hay không, có cam tâm tình nguyện nghe theo chỉ thị của Giang - Tăng hay không, phàm là những người như vậy thì sẽ được Giang - Tăng dung túng cho tham nhũng, càng hủ bại thì càng được đề bạt trọng dụng.

Ngày nay, vấn nạn tham nhũng trong chính quyền ĐCSTQ đã đến mức không thể cứu vãn.

Đông Phương

Theo Vương Hữu Quần - Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Quan tham Trung Quốc: Tôi là ‘Chủ tịch Sở giao dịch Tiền - Quyền', vợ tôi là thu ngân