Quảng trường rộng hơn 600.000 mét vuông trước nhà thờ tổ của ông Tập Cận Bình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, cư dân mạng đã đăng tải video về cảnh tượng phía trước nhà thờ tổ tiên của gia đình họ Tập ở làng Tập Doanh, thành phố Đặng Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Trước đó, báo chí Hong Kong đưa tin, đây là nơi sinh sống của tổ tiên ông Tập Cận Bình, chính quyền địa phương đã trưng dụng hơn 1.000 mẫu đất (khoảng 670.000 mét vuông) và hàng năm đầu tư số tiền khổng lồ để xây dựng cải tạo khu vực xung quanh từ đường.

Đoạn video trực tuyến cho thấy có một tấm hoành phi "Đặng Châu Tập Thị" (nghĩa là họ Tập ở Đặng Châu) được treo ở cổng từ đường của gia đình họ Tập, và phía trước dựng barie chắn ngang để ngăn du khách. Trước cổng có một quảng trường rất lớn, nhìn không thấy điểm cuối. Tuy nhiên, khách du lịch ở quảng trường lại rất khan hiếm.

Thông tin chính thức cho thấy nguyên quán của ông Tập Cận Bình ở huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây. Tuy nhiên, theo gia phả của dòng họ Tập ở Đặng Châu, tổ tiên của ông Tập Cận Bình đã sống ở làng Tập Doanh trong 413 năm, mãi đến khi nạn đói xảy ra ở Trung Nguyên vào năm Quang Tự thứ 8, thời nhà Thanh, cụ cố của ông Tập mới đưa vợ con chạy đến Phú Bình, Thiểm Tây.

Theo một báo cáo năm 2017 của tờ Apple Daily Hong Kong, ông Tập Cận Bình đã đích thân công nhận làng Tập Doanh là “quê hương” của mình. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, mẹ của ông Tập thậm chí còn đến thăm ngôi làng này và tự tay viết bốn chữ "Đặng Châu Tập Thị". Khi ông Tập Trọng Huân - cha ông Tập Cận Bình còn sống, các quan chức địa phương đã trình lên gia phả của dòng họ Tập, và được ông Tập Trọng Huân công nhận.

Theo bài báo, sau khi mẹ ông Tập viết bốn chữ "Đặng Châu Tập Thị", chính quyền địa phương bắt đầu xây dựng rầm rộ, rào đất để mở rộng khu vực xung quanh nhà thờ tổ của họ Tập, và bắt đầu xúc tiến tuyên truyền. Tuy nhiên, sau đó không lâu một người trong gia đình họ Tập đến thông báo rằng ông Tập Cận Bình không đồng ý việc này, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ tất cả các văn tự và hình ảnh liên quan đến gia đình ông Tập trong phòng trưng bày kỷ vật.

Tuy nhiên, tấm biển "Đặng Châu Tập Thị" được treo trên cổng và bức thư "Nhận tổ quy tông" do ông Tập Cận Bình viết và được khắc trên tảng đá lớn ở đầu làng khi ông còn là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang vẫn được giữ lại. Phòng trưng bày vẫn đang bán các tài liệu văn tự và hình ảnh liên quan đến gia đình ông Tập cho khách du lịch. Mặc dù gia đình ông Tập đã yêu cầu địa phương xây dựng "có chừng mực", nhưng cũng không nghiêm lệnh ngăn cản.

Các quan chức địa phương cho biết, bất chấp sự can ngăn của gia đình ông Tập, chính quyền địa phương vẫn “vô cùng coi trọng” nhà thờ tổ tiên, tuyên bố biến nơi đây thành “cơ sở giáo dục truyền thống cách mạng”. Mỗi năm chính quyền tỉnh Hà Nam phân bổ hàng trăm triệu nhân dân tệ để sửa chữa và mở rộng. Chính quyền địa phương cũng quy hoạch hơn 1.000 mẫu đất canh tác trước cổng làm quảng trường và trưng dụng hàng trăm mẫu đất canh tác bên đường vào làng để làm “vành đai xanh”.

Chính phủ trưng dụng đất, nhưng mỗi năm chỉ trợ cấp 800 nhân dân tệ (khoảng 2,9 triệu VNĐ) / mẫu cho dân làng. Người dân trong làng chỉ còn lại rất ít đất canh tác, gần như cả làng chỉ có thể dựa vào ngôi nhà thờ tổ này để mưu sinh. Tuy nhiên, do gia đình ông Tập phản đối việc công khai tuyên truyền nên chính quyền địa phương không dám làm lớn, dẫn đến lượng khách du lịch tới đây trở nên khan hiếm. Dân làng kêu khổ không thôi và mắng nhiếc các quan chức địa phương là “chỉ giỏi nịnh nọt ton hót".

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Quảng trường rộng hơn 600.000 mét vuông trước nhà thờ tổ của ông Tập Cận Bình