Quốc gia cơ mật? Phát hiện bia mộ bị nghi ngờ là của lính Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc xung đột Trung - Ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 15/6, xung đột nghiêm trọng nổ ra tại Thung lũng sông Galwan ở biên giới Trung - Ấn đã gây ra thương vong. Phía Ấn Độ tuyên bố rằng họ có 20 binh sĩ thiệt mạng trong trận chiến, nhưng phía Trung Quốc luôn giữ bí mật về số người tử vong. Vài ngày trước, một bức ảnh chụp bia mộ của một quân nhân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiệt mạng trong cuộc xung đột Trung - Ấn đã được đăng tải trên mạng. Ảnh chụp màn hình cho thấy ai đó đã yêu cầu xóa bức ảnh trên Weibo, nói rằng nó liên quan đến an ninh quốc gia.

Bức ảnh được đăng tải trên Twitter cho thấy, tên của binh sĩ thiệt mạng là Trần Tường Dung (Chen Xiangrong), thuộc đơn vị 69316, quê ở Phúc Kiến, sinh tháng 12/2001 và mất tháng 6/2020.

Ảnh chụp màn hình Weibo cho thấy, sau khi bức ảnh chụp bia mộ được đăng trên Weibo, ai đó đã nhắc xóa nó với lý do "liên quan đến an ninh quốc gia".

Trước đó, kênh truyền thông của ĐCSTQ ở hải ngoại Duowei News cũng đưa tin vào ngày 6/7 rằng, một binh sĩ thiệt mạng tên là Điêu Dũng Bác (Diao Yongbo), nhập ngũ 8 năm, đã tham gia các cuộc tập trận chung Trung - Nga và thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn. Người này đã mất vào hôm 14/6 trong khi thực hiện nhiệm vụ, nghi là chết trong cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Bài báo cũng tiết lộ một số hình ảnh của người quá cố, bao gồm bia mộ, di thể được phủ cờ máu, v.v.

Vào lúc 18h ngày 24/6, một hồng nhị đại tên là Thái Tiểu Tâm (Cai Xiaoxin), người thường xuyên tiết lộ tin tức trên mạng xã hội Weibo, cho biết: “Vì bảo vệ quốc gia, hai trong số năm anh hùng của chúng ta đã bị thương do bị đâm bằng dao găm, vết thương trở nặng và được cấp cứu trong tám ngày, họ đã qua đời vào hôm kia”.

Ông Thái ám chỉ rằng trong cuộc xung đột Trung - Ấn, thực sự có 5 lính Trung Quốc bị thương, 2 người trong số họ bị thương nặng và chết sau đó 8 ngày.

Tuy nhiên, không lâu sau đó Thái Tiểu Tâm đã xóa bài viết trên. Phía chính quyền đã không xác nhận các dữ liệu liên quan.

Sau xung đột nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) và người phát ngôn của chiến khu Tây Bộ ĐCSTQ Trương Thủy Lợi (Zhang Shuili) đều từ chối tiết lộ chi tiết về số lượng binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng.

Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập báo đảng Thời báo Hoàn cầu, từng có một bài viết nói rằng, phía Trung Quốc cũng có thương vong. Có một bài viết đăng trên Internet đại lục nói rằng, quân đội ĐCSTQ có 5 người thiệt mạng và 11 người bị thương trong cuộc xung đột, nhưng sau đó đã bị quản trị viên web xóa bài.

Tuy nhiên, theo ANI, hãng thông tấn ở New Delhi, Ấn Độ, trích dẫn các nguồn tin, cuộc xung đột cũng khiến 43 quân nhân Trung Quốc thiệt mạng và bị thương nặng. Hôm 20/6, Hãng thông tấn Trung ương (Central News Agency) của Đài Loan trích dẫn bài báo của Thời báo Hindustan (Hindustan Times) cho biết, Tư lệnh và Phó Tư lệnh của quân đội ĐCSTQ cũng thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Ngày 18/6, Ấn Độ đã tổ chức lễ tang lớn cho 20 binh sĩ đã hy sinh, hàng chục nghìn người đã đến tiễn đưa. Sau khi đoạn video Ấn Độ tổ chức tang lễ cho binh sĩ được đăng tải trên mạng đã thu hút rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc chú ý theo dõi.

Vào ngày 23/6, đã có thông tin trên Twitter rằng: gia đình của những người lính Trung Quốc hy sinh trên chiến tuyến Trung - Ấn được thông báo rằng họ chỉ có thể âm thầm chôn cất thân nhân. Theo các nguồn tin, chính quyền huyện Tương Đàm tỉnh Hồ Nam - nơi binh sĩ Vương Thiếu Bạch (Wang Shaobai) - người đã hy sinh trong trận chiến sinh sống, đã nhận được cuộc gọi từ Chính ủy Hồ Dật Phi (Hu Yifei) thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân huyện. Họ được thông báo rằng Quân ủy nhận được lệnh không tổ chức các hoạt động đón di thể các anh hùng liệt sỹ trở về nhà. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ và tiêu chuẩn của liệt sĩ sẽ được ưu đãi hơn.

Tin tức này không được xác nhận từ chính quyền. Tuy nhiên, một báo cáo trước đó của Trung tâm Thông tin Phong trào Dân chủ và Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong đã gián tiếp xác nhận tin tức trên. Theo báo cáo, các sĩ quan và binh sĩ tử vong của Ấn Độ được truy điệu theo lễ tang cấp nhà nước, nhưng lễ truy điệu các quân nhân tử trận tại quê nhà của Mao Trạch Đông chỉ có thể âm thầm bí mật thực hiện, khiến gia đình liệt sĩ bất mãn.

Có tin rằng, vào ngày 15/6 khi xung đột biên giới Trung - Ấn xảy ra, tại huyện Tương Đàm - quê hương của Mao Trạch Đông và Bành Đức Hoài, có một "thanh niên ưu tú" mới nhập ngũ hơn một năm đã tử vong. Chính quyền làng xã ban đầu dự định huy động hàng trăm học sinh sinh viên để đón tro cốt, nhưng được thông báo rằng việc này phải được thực hiện trong bí mật và tuyệt đối không được công khai. Cách đây hơn một năm, cả xã đã khua chiêng gõ trống tiễn anh thanh niên này đi lính “trấn thủ đất nước”, kết quả là đã “hy sinh vì Tổ quốc”, lễ truy điệu được tổ chức kín đáo, âm thầm khiến gia đình và dân làng tức giận bất bình.

Ngoài ra, vào ngày 24/7, "Ban triệu tập nhập ngũ” của huyện Tương Đàm đã tổ chức một cuộc họp để sắp xếp nghĩa vụ của năm nay. Ông Doãn, người đứng đầu lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tương Đàm, và hơn 10 người khác của "Ban triệu tập nhập ngũ” đã tham dự cuộc họp, có vẻ như Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển quân năm nay.

Về vấn đề này, cư dân mạng đã bất bình nói: "Người Ấn Độ chết là chiến sĩ, anh hùng, quốc táng. Người Trung Quốc chết là gia súc, rau hẹ sao, con số cũng không thông báo; Người Ấn Độ chết là quân nhân, Quân nhân ĐCSTQ là bia đỡ đạn; Vì bảo vệ Đảng mà chết, còn phải lặng lẽ, đừng để bách tính biết, bí mật thì tăng thêm chút tiền cho anh..."

Tờ South China Morning Post thân ĐCSTQ dẫn lời truyền thông Ấn Độ tiết lộ rằng, cuộc xung đột biên giới đẫm máu giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến khoảng 35 đến 43 người Trung Quốc thương vong. Bài báo dẫn lời một nguồn tin trong quân đội ĐCSTQ tiết lộ rằng, Bắc Kinh "rất nhạy cảm" với số thương vong của quân đội, tất cả các số liệu phải được sự chấp thuận của ông Tập Cận Bình.

Ông Hồ Bình (Hu Ping), Tổng biên tập danh dự của tờ Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói rằng việc giữ bí mật là thông lệ nhất quán của ĐCSTQ. Trong ĐCSTQ, có rất ít con số không bị coi là bí mật quốc gia. Do đó, việc nên công bố hay công bố bao nhiêu thì phải được các cơ quan chức năng và chính phủ cân nhắc về mặt chính trị.

Ông Hồ Bình cho rằng, việc lần này Trung Quốc có bao nhiêu thương vong lẽ ra phải được công bố theo thông lệ quốc tế. Nhưng hiện nay nó vẫn chưa được công bố, tất nhiên là vì nó nằm ngoài trong cân nhắc chính trị, điểm này không còn phải nghi ngờ gì nữa. Nhưng điều này cũng để nhắc nhở mọi người rằng cho dù một ngày nào đó nó được công khai, thì con số ấy cũng sẽ được công bố theo nhu cầu chính trị. Nó có đáng tin cậy hay không thì cũng rất đáng nghi ngờ.

Trong bài phân tích của nhà bình luận thời sự đương thời Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan) có viết rằng, ĐCSTQ có tư duy bất bình thường về việc duy trì sự ổn định. Từ khi ĐCSTQ được thành lập cho đến việc duy trì chế độ sau khi thành lập chính phủ, những kinh nghiệm và bài học tích lũy được về nỗi sợ sụp đổ đã khiến ĐCSTQ cảm thấy lo lắng và căng thẳng.

Ở Trung Quốc, bất kỳ sự kiện nào cũng được coi là chính trị, đều sợ rằng nó sẽ dẫn đến sự bất ổn của chế độ, vì vậy mọi thứ có thể trở thành “cơ mật”. Đây có lẽ là nội tình của việc trong khi bị vây quanh bởi cái nhìn khó hiểu từ xã hội quốc tế, ĐCSTQ vẫn một mực từ chối xác nhận số binh sĩ thương vong trong cuộc xung đột biên giới Trung - Ấn.

Đông Phương
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Quốc gia cơ mật? Phát hiện bia mộ bị nghi ngờ là của lính Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc xung đột Trung - Ấn