Quy định chống tham nhũng mới nhất của Bắc Kinh tiếp tục đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nan giải của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chiến dịch chống tham nhũng trong lịch sử Trung Quốc luôn diễn ra một cách có chủ đích. Giới cầm quyền thường xuyên sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi các vấn đề mà hệ thống kinh tế - xã hội của Trung Quốc không thể nào giải quyết nổi - thậm chí còn làm chúng trầm trọng hơn.

Ngày 20/06, tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc đưa tin: “Tổng Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành quy định về hoạt động kinh doanh của thân nhân các quan chức”.

Mặc dù chưa được giải thích đầy đủ, đây được xem là biện pháp mới nhất nhắm vào các viên chức và quan chức của ĐCSTQ trong chiến dịch chống tham nhũng kéo dài một thập kỷ của ông Tập Cận Bình.

Thông báo này là đáng tin cậy hay chỉ để đánh lạc hướng người dân?

Chiêu bài chống tham nhũng ở Liên Xô

Khi Liên Xô triển khai chiến dịch chống tham nhũng, mục đích chính xác của nó là đánh lạc hướng, đánh lừa người dân khỏi những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều, đồng thời gia tăng quyền kiểm soát về chính trị đối với các tổ chức là mục tiêu của chiến dịch.

Các chiến dịch chống tham nhũng của Liên Xô đã chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi nạn đói khủng khiếp tái diễn liên tục do mùa màng thất bát. Chúng là hậu quả của chủ trương hợp tác xã hóa nông nghiệp và chủ nghĩa Lysenko lập dị (một chủ nghĩa trong sinh vật học, theo đó ảnh hưởng của môi trường có tác động tới thế hệ sau chứ không phải do gen di truyền), cũng như tình trạng thiếu hụt chung phổ biến tại Liên Xô.

Theo báo cáo năm 1977 của Văn phòng các Chương trình Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, một chuyên gia Liên Xô đã ước tính rằng số lượng các vụ phạm tội kinh tế, như hối lộ và tham nhũng, chiếm tới 25% tổng số vụ phạm tội xảy ra ở Liên Xô.

Nạn tham nhũng thậm chí còn lan rộng đến những người điều hành nhà máy, những người thường xuyên gặp phải khó khăn trong việc có đủ nguồn cung cần thiết để sản xuất ra thành phẩm. Các nhà quản lý đã sử dụng “blat” để đáp ứng các điều kiện sản xuất trong doanh nghiệp của họ. “Blat” là thuật ngữ chỉ “việc sử dụng ảnh hưởng cá nhân để có được những ưu đãi nhất định, thứ mà các đơn vị sản xuất không có được một cách hợp pháp”.

 

Quy định chống tham nhũng mới nhất của Bắc Kinh tiếp tục đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nan giải của Trung Quốc
Các binh sĩ ở Moscow quan sát đám tang của nhà lãnh đạo Liên Xô và cựu lãnh đạo KGB Yuri Andropov vào năm 1984. Bảy năm sau, Liên Xô sụp đổ. (Ảnh: AFP / Getty Images)

Về cơ bản, tham nhũng đã trở thành một thực tế của cuộc sống ở Liên Xô cũ. Nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô đã lợi dụng tình hình này để tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng khác nhau nhằm đánh lạc hướng người dân khỏi những thiếu sót của nền kinh tế Liên Xô và những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Trong chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu vào năm 1983, nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov thậm chí còn nhắm vào các cộng sự của người tiền nhiệm Leonid Brezhnev, cho dù cuộc thanh trừng này cũng ảnh hưởng đến những người Nga phổ thông, theo một bài báo năm 1985 của The New York Times. Bài báo viết “Theo các tin tức trên báo chí, các giám đốc ngân hàng, chủ tịch hợp tác xã nông nghiệp, bác sĩ, quan chức công đoàn, thứ trưởng, một giám đốc rạp xiếc, và thậm chí một số quan chức Đảng, cùng với những tài xế taxi, nhân viên phòng giữ đồ và nhân viên trạm xăng bại hoại đều đang bị kết án”.

Nạn tham nhũng ở Trung Quốc

Tham nhũng là căn bệnh thâm căn cố đế và là một vấn đề nghiêm trọng của ĐCSTQ. Cuốn sáchRoulette Đỏ: Câu chuyện từ người trong cuộc về sự giàu có, quyền lực, tham nhũng và báo thù ở Trung Quốc ngày nay” đã được xuất bản vào tháng 09/2021. Cuốn sách mang lại cái nhìn đặc biệt thấu đáo về nạn tham nhũng tại tại ở tầng lớp tinh hoa cầm quyền của Trung Quốc, bao gồm cả các thành viên cấp cao của ĐCSTQ.

Theo đánh giá của Publishers Weekly, tác giả cuốn sách đã lên án hệ thống chính trị Trung Quốc - nơi chỉ hô vang những khẩu hiệu trong khi các quan chức tự vơ vét của cải vào túi riêng thông qua cải cách kinh tế.

Ông Tập dường như cũng đồng ý, ít nhất là một phần về vấn đề này. Trong một thông điệp mơ hồ vào ngày 17/06, theo Bloomberg, ông Tập Cận Bình “nói rằng tham nhũng trong nước vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng”; trong khi đó, “Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố việc giăng lưới chống tham nhũng đối với các tổ chức tài chính đã thành công”.

Ông Tập đã biến việc chống tham nhũng trở thành trọng tâm trong thời kỳ cai trị của ông ngay từ những ngày đầu. Năm 2012, ông ra lệnh cho Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương (CCDI) - cơ quan được giao nhiệm vụ chống tham nhũng trong nội bộ ĐCSTQ - ráo riết điều tra về hối lộ và tham nhũng liên quan đến hệ thống phe phái.

Mũi tên của ông Tập nhắm đến 2 đích. Một là, củng cố quyền lực chính trị bằng cách tấn công các phe phái đối địch có hành vi "tham nhũng'. Hai là, thực sự đối phó với nạn tham nhũng đang lan tràn trong các đảng viên ĐCSTQ và các phe cánh làm ăn của họ.

Theo The Washington Post, vào năm 2018, CCDI đã “kỷ luật hơn 1,5 triệu quan chức” kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng. Trong khi các hành vi tham nhũng của các Đảng viên có thể đã được kiềm chế theo thời gian, thì chiến dịch đã tạo ra hai hậu quả đi kèm: Ông Tập đã nhận được sự ủng hộ của công chúng ở mức độ nhất định cho các hành động chống tham nhũng của mình nhưng cũng khiến nhiều Đảng viên xa lánh (đặc biệt là từ phe phái đối địch).

Vào tháng 03/2018, ông Tập đã “thuyết phục” Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 (Cơ quan lập pháp có tính tượng trưng của Trung Quốc) thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới có tên là Ủy ban Giám sát Quốc gia. Cơ quan này đã sáp nhập luôn CCDI và do ông Yang Xiaodu, đồng minh và phụ tá thân cận của ông Tập, đứng đầu.

Trọng tâm chống tham nhũng của Ủy ban giám sát mới đã được mở rộng không chỉ bao gồm các thành viên của ĐCSTQ mà còn vươn tới “các nhà quản lý của các công ty và tổ chức nhà nước, bao gồm trường học, trường đại học, bệnh viện và các tổ chức văn hóa”.

Ủy ban mới này cũng tập trung vào việc duy trì sự vẹn toàn về ý thức hệ và đặc biệt là kiểm soát chính trị, bao gồm cả lòng trung thành nói chung đối với ông Tập. Tiến triển và diễn biến bên trong của chiến dịch chống tham nhũng được trình bày chi tiết ở đây.

Ông Tập đã lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng để trừng phạt các tỷ phú Trung Quốc có liên hệ với các đối thủ chính trị của ông, đặc biệt là phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Quy định chống tham nhũng mới nhất của Bắc Kinh tiếp tục đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nan giải của Trung Quốc
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (phải) trong buổi bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 24/10/2017 (Ảnh: Wang Zhao / AFP qua Getty Images)

Một ví dụ điển hình là chiến dịch nhắm đến Giám đốc điều hành của Ant Group, ông Jack Ma. Giới chức Trung Quốc đã hủy niêm yết IPO kép của công ty này tại Thượng Hải và Hong Kong vào tháng 11/2020 — đó đáng lẽ là đợt IPO “lớn nhất thế giới từ trước đến nay” với trị giá 37 tỷ USD, theo Fortune.

Người sáng lập Alibaba, ông Jack Ma, đã vướng vào cuộc điều tra chống tham nhũng của ông Zhou Jiangyong - cựu Bí thư Đảng ủy của Trung tâm công nghệ Hàng Châu. Mức độ giao dịch của Ant Group với các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đã bị điều tra, dẫn đến việc Ant Group buộc phải tái cơ cấu toàn công ty.

Ý chí của ông Tập là rất kiên định. Tuy nhiên, thông cáo chung của cuộc họp toàn thể lần thứ 6 của CCDI lần thứ 19 được công bố vào tháng 01/2022 có chứa những từ ngữ sáo rỗng và ru ngủ, đánh lạc hướng quần chúng: "Quyết tâm chiến lược về chống tham nhũng và trừng trị cái ác đã tập trung vào tổng thể tình hình hiện đại hóa và đã đóng vai trò giám sát, đảm bảo việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển toàn diện”.

Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào tháng 3 có ghi nhận sự gia tăng mạnh về hối lộ và các vụ truy tố liên quan đến tham nhũng vào năm 2021. Theo Sino Insider, có 23.000 vụ (27.000 người) tham nhũng, nhận hối lộ, và vi phạm pháp luật; thu hồi gần 59,7 tỷ nhân dân tệ tiền và hàng hóa bị đánh cắp do các vụ phạm tội liên quan đến công vụ; 13.000 trường hợp thao túng thị trường, giao dịch nội gián, gây quỹ bất hợp pháp, rửa tiền và các tội phạm khác; 134.000 người bị khởi tố về các tội danh gây rối trật tự kinh tế; 43.000 người bị truy tố về tội gian lận tài chính và gây rối trật tự quản lý tài chính; 1.262 người bị truy tố về tội rửa tiền; 9.083 người bị khởi tố về tội nhận hối lộ và 2.689 người bị khởi tố về tội đưa hối lộ; 23 cựu cán bộ cấp tỉnh và cấp bộ đã bị truy tố, trong đó có ông Wang Fuyu và ông Wang Like.

 

Quy định chống tham nhũng mới nhất của Bắc Kinh tiếp tục đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nan giải của Trung Quốc
Trung Nam Hải, trụ sở trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở Bắc Kinh. Hai quan chức cấp bộ, ông Dong Hong (trái) và ông Wang Fuyu (phải) bị tuyên án tử hình và đình chỉ thi hành án vào tháng 01/2022. (Ảnh: Mark Schiefelbein / Pool / Getty Images / The Epoch Times Edit)

Sau đó, ông Tập đã đưa ra một cam kết vào ngày 17/06 trong một buổi nghiên cứu nhóm của Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ như sau: “tiếp tục [trận chiến] với thái độ không khoan nhượng đối với tham nhũng, đồng thời nhắc lại sự cần thiết phải tạo ra các biện pháp răn đe, tăng cường các ràng buộc về thể chế và xây dựng cơ chế bảo vệ bằng đạo đức trong các quan chức”, theo truyền thông nhà nước China Daily.

Việc ông Tập nói về các nỗ lực chống tham nhũng là một tín hiệu cảnh báo đối với tất cả những ai đang theo dõi tình hình ở Trung Quốc. Tại sao lại vào thời điểm cụ thể này? Ông Tập đang che giấu điều gì? Đây có phải là để tiếp tục đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nghiêm trọng?

Dưới đây là một số ví dụ về các vấn đề thực tế mà tuyên bố chống tham nhũng mới nhất này của ông Tập có thể đang cố gắng che giấu:

Việc rút tiền hàng loạt tại ngân hàng đang tiếp diễn: sau nhiều năm cai trị của ĐCSTQ và việc phong tỏa do COVID-19, có vẻ như ngày càng nhiều người dân Trung Quốc mất lòng tin vào các nhà lãnh đạo của đất nước và e sợ mất đi số tiền tiết kiệm cả đời.

Chính sách cưỡng chế “Zero-COVID”: các vụ phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố khác đã làm gián đoạn nền kinh tế Trung Quốc và khiến những người bị nhốt ở nhà trong nhiều tuần trở nên phẫn nộ.

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản (BĐS): điều này được thể hiện bằng sự kiện phá sản của công ty phát triển BĐS khổng lồ Evergrande và các tác động lan tỏa của quả bom nợ này lên toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Nền kinh tế gặp khó khăn: sự sụp đổ nói chung đang diễn ra bên trong nền kinh tế Trung Quốc không còn có thể che giấu được nữa, được mô tả chi tiết tại đây bởi chuyên gia về Trung Quốc, ông Gordon Chang.

Kết luận

Các chiến dịch chống tham nhũng là "đặc sản"của ĐCSTQ và được chính quyền cố tình tiến hành. Chúng có 3 mục đích: (i) loại bỏ tận gốc “tham nhũng”, (ii) được sử dụng như một công cụ để áp đặt và mở rộng kiểm soát về hệ tư tưởng và chính trị, (iii) đồng thời đánh lạc hướng người dân trong nước khỏi các vấn đề nghiêm trọng.

Trọng tâm trong 10 năm cầm quyền của ông Tập là chiến dịch chống tham nhũng mà hiện vẫn đang tiếp diễn. Ngày nay, có rất nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội ở Trung Quốc - một đất nước đang bị kìm kẹp dưới sự lãnh đạo của một chính quyền chuyên chế; chúng hầu như đều do chính sách của ĐCSTQ gây ra.

Những tuyên bố mới nhất của ông Tập về “không khoan nhượng đối với tham nhũng” sẽ thực sự diễn ra? Hay đó là một tín hiệu cho các bè phái đối địch chống đối ông Tập rằng họ nên ủng hộ ông để ông có thể đạt được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Đại hội Đảng tiếp theo - điều chưa từng có trước đây; hoặc nếu không thì họ sẽ phải đối mặt với một “cuộc đàn áp chống tham nhũng” khác? Hay ông Tập đang cố gắng làm chệch hướng sự chú ý của công chúng khỏi một số vấn đề dai dẳng, bị làm cho trầm trọng hơn bởi các chính sách thất bại của ông Tập? Có lẽ cả 3 điều trên đều có cơ sở.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Minh Đăng

Lược dịch và biên tập theo The Epoch Times

 

Tác giả Stu Cvrk là Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông đã giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do - điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Quy định chống tham nhũng mới nhất của Bắc Kinh tiếp tục đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nan giải của Trung Quốc