Quyền lãnh đạo hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã suy giảm như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh là bên thua cuộc lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, và hy vọng sẽ tránh được nhiệm kỳ thứ hai của ông khi họ tranh giành để duy trì quyền lãnh đạo

Bình luận

Các sự kiện lớn và các quyết định tồi tệ đồng thời xảy ra trong vài năm gần đây đã khiến lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đối mặt với những chỉ trích từ công chúng và mất đi niềm tin của người dân Trung Quốc. Trong suy nghĩ của nhiều người, có lẽ bao gồm cả các đảng viên ĐCSTQ, họ có nguy cơ không thể bắt dân chúng phải công nhận quyền lãnh đạo hợp pháp của họ nữa.

Lãnh đạo Trung Quốc đang cảm thấy lo lắng về quyền lãnh đạo, hoặc cảm thấy không còn đủ hợp pháp nữa. Và tất cả đó là lỗi của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Không hoàn toàn như vậy. Bắc Kinh đã có một số sai lầm khủng khiếp trong vài năm gần đây, và tình trạng bất ổn kinh tế đã xảy ra trước năm 2015, trước khi ông Trump nhậm chức.

Cú đấm của Tổng thống Trump

Tuy nhiên, các chính sách của tổng thống Trump đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều đối với ĐCSTQ. Cuộc chiến thương mại quy mô và đối địch là một cú đấm hiệu quả đối với sự tăng trưởng kinh tế và quân sự “tất yếu” của Trung Quốc. Ban lãnh đạo ĐCSTQ đang rất lo lắng cho tương lai của mình khi phải đối phó với tổng thống Trump.

Ví dụ, hãy xem xét các thất bại của lãnh đạo Trung Quốc trong năm 2018, khi bắt đầu cuộc chiến thương mại. Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, doanh số điện thoại thông minh năm 2018 đã giảm 15,5% và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng cho biết doanh số xe hơi giảm 4,1%. Tồi tệ hơn nữa, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã giảm 16,8%.

Ngoài ra, tồn tại nhiều dự án đô thị ma, tình hình thất nghiệp cao trong giới sinh viên đại học mới tốt nghiệp cũng như tình hình các doanh nghiệp và doanh nhân phương Tây rời bỏ Trung Quốc. Đương nhiên sẽ dẫn đến hàng trăm tỷ nợ xấu trong hệ thống tài chính Trung Quốc trong đó có nhiều khoản cấp vốn cho các dự án đô thị ma.

Kết cục, giới công nhân Trung quốc ngày càng bị bất ổn và trở nên thiếu kiên nhẫn. Năm 2018, đã có ít nhất 1.700 sự cố lao động, tăng từ 1.200 trong năm 2017. Do đó, lãnh đạo ĐCSTQ đang tìm kiếm giải pháp hoặc biện minh cho những thất bại này.

Đó là lý do tại sao thỏa thuận “giai đoạn 1” là “một chiến thắng” mong đợi đối với Bắc Kinh.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1: Là giải pháp tạm thời?

Nhưng ngay cả thỏa thuận giai đoạn 1 cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Thỏa thuận này giảm một nửa mức thuế 15% đối với hàng hóa trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc, tạm dừng mức thuế dự kiến ​​sẽ được áp dụng trong tháng 12/2019 và đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Điều này là sự cứu vãn vô cùng cần thiết và quan trọng đối với ĐCSTQ, ít nhất cũng là tạm thời. Nhưng thuế quan 25% vẫn có hiệu lực đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc.

Đối với Hoa Kỳ, đây cũng là một thỏa thuận có lợi. Trung Quốc đã đồng ý mua hàng hóa của Hoa Kỳ trị giá 200 tỷ USD, nông sản trị giá 40 tỷ USD trong hai năm tới. Như vậy, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc sẽ lên tới hơn 260 tỷ USD năm 2020 và khoảng 310 tỷ USD năm 2021. Đây là một sự đột phá, bởi vì năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu, Trung Quốc chỉ mua 185 tỷ USD hàng hóa từ Hoa Kỳ.

Hay là một cái bẫy?

Có một vài điều đáng được đề cập liên quan đến thỏa thuận. Thứ nhất, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử phó thủ tướng của mình ký thỏa thuận. Tại sao? Ông Tập thích trực tiếp ký các thỏa thuận lớn ở châu Á và châu Phi. Tại sao ông lại không có mặt để ký kết thỏa thuận lớn nhất này?

Có một số lý do. Trước hết, ông Tập, cũng như dân chúng Trung Quốc đều biết rằng đó là chiến thắng cho Hoa Kỳ và là sự đầu hàng của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ khi chuỗi cung ứng rời đi và người dân mất việc làm. Trung Quốc cần cắt giảm thiệt hại từ chính sách thuế quan của tổng thống Trump và chấp nhận hạ mình để đạt điều này.

Cũng có khả năng ông Tập biết rằng ông sẽ không thể thực hiện được thỏa thuận đến phút chót. Tại sao lại đứng ra ký một thỏa thuận lớn với ông Trump để sẽ bị bẽ mặt khi không thể thực hiện được cam kết?

Tốt hơn cả là để nhân vật số 2 ký kết. Theo cách đó, khi thỏa thuận đi chệch hướng và Hoa Kỳ ra quyết định trừng phạt vi phạm thỏa thuận bằng cách tăng mức thuế, thì ông Tập sẽ tránh được sự chỉ trích từ dân chúng và ĐCSTQ. Dù sao, đó cũng là hy vọng của ông Tập .

Liệu thỏa thuận giai đoạn 1 có được tuân thủ hay không? Và nếu có, liệu hai bên có đi đến giai đoạn 2, giai đoạn 3 và các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận hay không?

Nhiều nhà quan sát cho rằng nhiều khả năng giai đoạn 1 sẽ không có hiệu lực lâu dài. Việc thực thi thỏa thuận này bản thân nó vẫn còn tồn tại những vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp không công bằng của chính phủ Trung Quốc cho các doanh nghiệp nhà nước. Cả hai vấn đề đều nan giải đối với Trung Quốc và có khả năng sẽ là nguy cơ phá vỡ thỏa thuận giữa chừng.

GDP giảm: Một vấn đề lớn khác

Đối với ĐCSTQ, việc đảo ngược quỹ đạo kinh tế của quốc dân là nhu cầu cấp bách. Theo Deutsche Bank, GDP năm 2020 được dự đoán sẽ giảm dưới mức 6%, còn khoảng 5,8%. Đó là điều tồi tệ nhất trong 30 năm gần đây và là điều đe dọa sự sống còn của ĐCSTQ. Tăng trưởng GDP là nền tảng để duy trì quyền lãnh đạo chính trị hợp pháp của ĐCSTQ sau cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Không có gì ngạc nhiên khi Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã phản ứng trước chỉ số thấp đó. Đầu tiên, họ sa thải nhà thống kê đã đưa ra báo cáo về tình trạng suy giảm tăng trưởng. Sau đó, ông Lưu tuyên bố rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 sẽ vượt qua mức 6% quan trọng đó. Ông cũng hứa rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường môi trường pháp lý”, và “chào đón các nhà đầu tư từ khắp thế giới”.

Việc Trung Quốc hiện đang cho phép các công ty dịch vụ tài chính nước ngoài sở hữu 100% vốn cho thấy Bắc Kinh đang tuyệt vọng đến mức nào trong việc ngăn chặn hệ thống tài chính của họ sụp đổ. Đó cũng là sự thừa nhận rằng ĐCSTQ yếu kém và cần sự chỉ dẫn của các công ty nước ngoài .

Hồng Kông hé lộ về ĐCSTQ

Nhưng không phải chỉ có sự yếu kém trong lĩnh vực kinh tế làm suy yếu sự cầm quyền của ĐCSTQ. Cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông, giờ đã là tháng thứ chín, cho thấy ĐCSTQ đã thiếu tự tin về bản thân và về quyền lãnh đạo hợp pháp của mình.

Hơn nữa, việc tổng thống Trump lấy Hồng Kông làm một điều kiện cho thỏa thuận thương mại là một cú đấm lớn vào uy tín của ĐCSTQ. Nó phá hủy mọi uy tín hoặc bí quyết mà Đảng đã từng có để bảo vệ mình trước sự chỉ trích và áp lực của phương Tây.

Hồng Kông cũng cho thấy chính quyền Trung Quốc không biết cách gìn giữ nhân tài và các giá trị được Hồng Kông đem đến cho nền kinh tế đại lục. Nó cũng khiến có nhiều người Trung Quốc đại lục hiểu được sự thật về Hồng Kông hơn, và có lẽ quan trọng hơn, là hiểu được sự thật về chính quyền của đất nước họ.

Bầu cử Đài Loan: sự từ chối đối với ĐCSTQ

Song song với thảm họa chống đối ĐCSTQ tại Hồng Kông là sự tái đắc cử long trời lở đất của tổng thống Thái Anh Văn, người chống lại nỗ lực hợp nhất Đài Loan của ĐCSTQ. Ngoài sự kiên quyết từ chối đối với chính quyền Bắc Kinh, có hai sự kiện đáng chú ý khác về cuộc bầu cử ngày 11/01/2019.

Đầu tiên là tỷ lệ cử tri cao bất thường, đã có ​​75% cử tri tham gia bầu cử trong cuộc bầu cử này. Trong cuộc bầu cử năm 2016, tỷ lệ cử tri đi bầu thấp hơn khoảng 9%. Bất chấp sự đe dọa của Bắc Kinh, dân chúng Đài Loan hoàn toàn bày tỏ sự từ chối trước ý tưởng hợp nhất với đại lục.

Thứ hai, tỷ lệ cử tri cao là do số lượng lớn cử tri trẻ tham gia. Đó cũng lại là vấn đề đối với Bắc Kinh. Có thể là Hồng Kông đã làm thức tỉnh giới trẻ Đài Loan.

Lời kêu gọi hợp tác và hợp nhất đa đảng - thật hay giả?

Cô đơn ở vị trí cầm quyền, đặc biệt là khi sự lãnh đạo không tốt như lời phóng đại. Đó chính là tình thế mà ĐCSTQ tự nhận thấy tại thời điểm hiện tại. Bắc Kinh đang chứng tỏ họ khó có thể đạt được tham vọng của mình cũng như không thể thực hiện được những lời hứa.

Trong bối cảnh sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi ĐCSTQ kêu gọi hợp tác và thống nhất đa đảng, chấm dứt nghèo đói cùng cực. Một Đảng cầm quyền thông thái và hiểu biết có lẽ sẽ không làm thế. Đặc biệt là từ năm 2014, khi ĐCSTQ lên án các hệ thống đa đảng .

Có vẻ đây là một thủ đoạn để lan truyền sự đổ lỗi cho sự thất bại ngày càng sâu rộng của lãnh đạo ĐCSTQ để có thể né tránh khủng hoảng về quyền lãnh đạo hợp pháp của họ, hoặc xấu tệ hơn.

Tác giả: James Gorrie

James Gorrie là một nhà văn và diễn giả có trụ sở tại Nam California. Ông là tác giả của cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Quyền lãnh đạo hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã suy giảm như thế nào