RFA: Trung Quốc sẽ ngắt sóng buổi trao giải trực tiếp Oscar vì đề cử phim về phong trào Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lễ trao giải Oscar lần thứ 93 sẽ được tổ chức vào ngày 25/4. Đài Á châu Tự do (Radio Free Asia - RFA) nhận được tin báo, Bộ Tuyên truyền Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông lớn của nước này âm thầm xử lý và ngắt sóng buổi lễ trao giải trực tiếp, vì trong danh sách đề cử cuối cùng có đạo diễn Chloé Zhao và phim tài liệu về phong trào chống dẫn độ về Trung Quốc của Hong Kong.

Hôm 15/3 theo giờ địa phương, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) đã công bố danh sách đề cử vòng chung kết của Giải thưởng Oscar lần thứ 93. Đạo diễn người Mỹ gốc Hoa Chloé Zhao (Triệu Đình) cùng bộ phim "Nomadland" (Tạm dịch: Cuộc sống du mục) của cô đã lọt vào danh sách đề cử cho 6 giải thưởng, bao gồm Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất, v.v.; phim tài liệu về phong trào xã hội Hong Kong "Do not Split" (Tạm dịch: Không Chia Cắt) cũng được đề cử giải Oscar.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, một số nhân viên công tác trong các kênh truyền thông của nhà nước Trung Quốc tiết lộ, các kênh truyền thông lớn đã nhận được chỉ thị của Bộ Tuyên truyền Ủy ban Trung ương rằng, vì bộ phim tài liệu "Do not Split" nói về phong trào chống dẫn độ về Trung Quốc của người dân Hong Kong và đạo diễn người Mỹ gốc Hoa Chloé Zhao - người trước kia đã đưa ra những nhận xét nhạy cảm về Trung Quốc được chọn vào danh sách top 5 đề cử, nên yêu cầu các kênh truyền thông nhà nước phải âm thầm xử lý và chọn nội dung không nhạy cảm để đưa tin. CCTV cũng sẽ hủy phát sóng trực tiếp.

Những bình luận vài năm trước của đạo diễn Chloé Zhao nay lại trở thành tội trạng

Bộ phim "Nomadland" do cô Zhao làm đạo diễn kể về một câu chuyện ở nước Mỹ và nội dung phim không hề chạm vào lằn ranh đỏ của ĐCSTQ. Tuy nhiên, bởi vì vài năm trước cô đã có những nhận xét về các khía cạnh tiêu cực của xã hội Trung Quốc, ví như “ở Trung Quốc nơi nào cũng đầy rẫy những lời dối trá”, nên đã bị các tiểu phấn hồng (từ để chỉ những thanh niên ở trên mạng xã hội Trung Quốc có tình cảm dân tộc mạnh mẽ) và truyền thông Trung Quốc “đấu tố”.

Trước khi bị ĐCSTQ hủy cấp phép công chiếu phim, truyền thông Trung Quốc thậm chí còn tung hô cô là niềm tự hào của dân tộc. Nhưng sau đó cư dân mạng đã phát hiện một bài phỏng vấn Chloé Zhao trên tạp chí "Filmmaker" vào năm 2013, trong đó cô đã đề cập đến lý do tại sao cô có tính cách nổi loạn: "Phải kể đến quãng thời gian trưởng thành khi tôi ở Trung Quốc. Vào thời điểm đó, những lời nói dối ở khắp mọi nơi, và rất nhiều thông tin chúng tôi nhận được là không đúng".

Theo thông tin công khai, Chloé Zhao sinh ra tại Bắc Kinh, cha cô là ông Triệu Ngọc Cát (Zhao Yuji), cựu Tổng giám đốc của Công ty Sắt thép Thủ đô, và mẹ kế của cô là diễn viên Tống Đan Đan (Song Dandan). Chloé Zhao theo học tại một trường nội trú tư nhân ở London khi cô 14 tuổi. Sau đó, cô đến Hoa Kỳ để học sản xuất phim tại Trường Nghệ thuật thuộc Đại học New York, dưới sự dạy dỗ của đạo diễn người Mỹ nổi tiếng Spike Lee.

Kiểm soát, ngăn chặn và xóa bỏ sự thật lịch sử, ĐCSTQ có tật giật mình

Nhà bất đồng chính kiến ​​ở Quảng Châu Vương Ái Trung (Wang Aizhong) nói với Đài Á Châu Tự do rằng, ĐCSTQ đã kiểm soát hệ tư tưởng trong một thời gian dài, và ĐCSTQ hy vọng sẽ che giấu sự thật thông qua việc che đậy và tẩy não. Ông nói: ĐCSTQ sợ người dân biết những sự việc chân thực đã xảy ra ở Hong Kong hoặc những nơi khác, vì vậy nó không phát sóng cảnh trao giải Oscar để người dân không biết gì hết.

Ông Vương chỉ ra rằng, từ lâu Bắc Kinh đã “có kỹ năng xử lý các vấn đề tương tự.” Có nhiều giải thưởng điện ảnh trước đây đã đắc tội với Bắc Kinh vì đề cập đến đức Đạt Lai Lạt Ma - nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, vấn đề Tây Tạng, và Đài Loan, Hong Kong. Các bài phát biểu của các khách mời tại lễ trao giải điện ảnh thường bị Bắc Kinh coi là phát ngôn gây hấn, chẳng hạn như Lễ trao giải Kim Mã của Đài Loan đã không được phép chiếu vào đại lục từ năm 2018 vì phát biểu liên quan đến nền độc lập của Đài Loan.

Ông Vương cho rằng chính quyền đã cố gắng hết sức để bịt tai bịt mắt của người dân. Điều này cho thấy ĐCSTQ có tật giật mình trong việc xử lý các vấn đề về Hong Kong và các vấn đề sắc tộc khác. Nếu cho rằng bản thân đang làm đúng về vấn đề Hong Kong hoặc các vấn đề ở khu vực khác, thì không cần phải lo lắng về những lời chỉ trích và bình luận từ bên ngoài. Nhưng họ không có đủ tự tin vào hành động của mình và lo lắng rằng người dân Trung Quốc sẽ hiểu đúng những vấn đề đó.

Lễ trao giải Oscar đã bị hoãn lại 8 tuần và diễn ra vào ngày 25 tháng sau.

Trước đây, tại lễ trao giải Oscars, các khách mời và người chiến thắng thường sử dụng sân khấu này để bày tỏ quan điểm chính trị cá nhân của họ, chẳng hạn như vấn đề chủng tộc, tuyên bố nhân quyền, bài phát biểu phản đối chiến tranh, chủ nghĩa nữ quyền, v.v., bao gồm cả các bài phát biểu liên quan đến Trung Quốc.

Tại lễ trao giải Oscar năm 1993, ngôi sao điện ảnh người Mỹ Richard Gere đã chỉ trích ĐCSTQ sử dụng vũ lực để cai trị Tây Tạng và vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng. Khi đó Truyền hình vệ tinh Thượng Hải đang phát sóng trực tiếp lễ trao giải Oscar, nó đã ngay lập tức cắt tín hiệu. Sau đó, Trung Quốc đã "rút ra bài học" và CCTV thường sử dụng phương pháp ghi hình rồi phát lại để phát sóng các lễ trao giải khác nhau của nước ngoài.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

RFA: Trung Quốc sẽ ngắt sóng buổi trao giải trực tiếp Oscar vì đề cử phim về phong trào Hong Kong