Sau ba năm phong tỏa, sinh kế của người dân Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính sách phong tỏa dài hạn của Trung Quốc đã tạo ra nhiều bi kịch, khiến sinh kế của người dân nước này gặp vô vàn thách thức và làm dâng cao sự bất mãn trong lòng dân chúng. Trong bối cảnh đó, ông Tập Cận Bình đã 'rộng rãi' viện trợ 100 triệu USD cho Cuba, điều này đã gây ra sự phẫn nộ và những cuộc tranh luận gay gắt trên các diễn đàn.

Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Cuba Alejandro Gil Fernandez cho biết, Trung Quốc đã viện trợ 100 triệu USD cho Cuba để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.

Theo Tân Hoa xã, ngày 25/11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz-Canel tại Bắc Kinh.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc vào tối ngày 26/11, ông Diaz-Canel tiếp tục chuyến công du quốc tế đến nhiều quốc gia để kêu gọi viện trợ cho Cuba, cũng như giúp nước này cải thiện hệ thống điện vốn đã nhiều lần bị hư hại và gây mất điện thường xuyên. Trong chuyến công du lần này, ông cũng sẽ đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Cuba đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba Alejandro Gil Fernandez nói với đài truyền hình nhà nước Cuba rằng, "Trung Quốc đã viện trợ khoảng 100 triệu USD cho Cuba". Ông cho biết số tiền này sẽ được chi cho "các khoản ưu tiên".

Theo ông Alejandro Gil Fernandez, lãnh đạo Trung Quốc và Cuba cũng đã thảo luận về "khoản nợ nần" mà Cuba đang nợ Trung Quốc, nhưng không nói rõ quy mô khoản nợ.

"Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp được cả hai bên chấp thuận để lên kế hoạch và tái cơ cấu khoản nợ", ông nói.

Theo hãng tin AFP, Chủ tịch Cuba Diaz-Canel đã nhận được số tiền viện trợ kể trên sau chuyến thăm hiếm hoi tới Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba, chỉ đứng sau Venezuela. Cả Trung Quốc và Venezuela đều là những đồng minh chính trị hùng mạnh của Cuba.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã hoành hành trên khắp thế giới trong ba năm qua. Tại Trung Quốc, chính sách phòng chống dịch Zero Covid đã đi ngược lại với phần còn lại của thế giới. Chính sách phòng chống dịch hà khắc đã gây ra vô số tai họa, khiến sinh kế của người dân sa sút, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, chính quyền ông Tập Cận Bình lại "mạnh tay" viện trợ một số tiền lớn cho chính phủ Cuba để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Động thái này đã dấy lên những chỉ trích và phản ứng phẫn nộ của người dùng mạng xã hội Twitter ở nước ngoài.

"Tặng quà cho đồng minh hơn là nô lệ trong nước, đây vốn là một truyền thống lâu đời".

"Trung Quốc không có tiền mà quyên góp 100 triệu USD [cho Cuba]. Thật đáng xấu hổ".

“Vấn đề là, những gì ông Tập lấy là tiền của người Trung Quốc, là tài chính do người Trung Quốc tạo ra, thậm chí không phải tiền của chính ông ta".

Ông Tập Cận Bình vừa tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3 chưa từng có tiền lệ.

Ngày 11/9, tờ Financial Times của Anh dẫn số liệu của Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế AidData, thuộc Đại học William & Mary tại Virginia (Mỹ), cho biết, ba quốc gia nhận viện trợ và cho vay nhiều nhất từ Trung Quốc, gồm Pakistan, Sri Lanka, và Argentina. Cả ba quốc gia này đã nhận được tổng cộng 32,83 tỷ USD từ Bắc Kinh kể từ năm 2017.

"Các khoản vay khẩn cấp" bí mật này là một phần trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được đánh giá cao của Trung Quốc. Tờ Financial Times cảnh báo rằng, nợ ẩn, vốn là vấn đề nan giải trong thời bình, nay đã trở thành mối quan ngại đặc biệt trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19. Bởi vì ở thời điểm này, khả năng trả nợ của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giảm sút đáng kể.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" là chính sách hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến này được ra mắt vào năm 2013 để đầu tư vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm đưa Trung Quốc lên vị trị thống trị toàn cầu trong lĩnh vực tài chính phát triển quốc tế. Trong 2 thập kỷ qua, có không ít quốc gia đã "sập bẫy nợ" của Trung Quốc thông qua dự án này.

Theo Tiến sĩ Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), khi tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi, nhiều quốc gia nghèo hơn có thể không trả được các khoản vay nước ngoài, điển hình là trường hợp của Sri Lanka. Trung Quốc đã cho một số quốc gia mới nổi này vay hàng trăm tỷ USD. Giờ đây, những khoản nợ khổng lồ này đang đứng trước bờ vực và đặt ra thách thức đáng kể cho ông Tập Cận Bình

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Sau ba năm phong tỏa, sinh kế của người dân Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn