Sau ‘chiến thắng’ là ‘chiến bại’ - Tập đoàn Tam Hiệp vừa phải bán 4 tỷ USD cổ phần để trả nợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi giành “chiến thắng vang dội” với việc mua lại danh mục đầu tư 13 dự án của nhà máy năng lượng mặt trời Tây Ban Nha có giá trị từ 500-600 triệu Euro, công ty nhà nước Trung Quốc - Tập đoàn Tam Hiệp đã vội vã bán 4 tỷ USD cổ phần để trả “nợ khủng”.

Vào tháng 8/2020 vừa qua, Tập đoàn Tam Hiệp - đơn vị vận hành đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã giành chiến thắng trong việc mua lại danh mục đầu tư 13 dự án của nhà máy năng lượng mặt trời có công suất 572 MW thuộc sở hữu của công ty Mỹ-Canada X-Elio, có trụ sở tại Madrid, Tây Ban Nha.

Chiến thắng ‘hiếm hoi’ của Trung Quốc

Các dự án năng lượng mặt trời này có giá trị từ 500-600 triệu Euro. Tháng trước, Bloomberg đưa tin rằng Tập đoàn Tam Hiệp - doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc - và Công ty điện lực Thượng Hải Shanghai Electric cũng thuộc sở hữu nhà nước - là những người mua có khả năng mua cao nhất.

Theo PV Magazine, tập đoàn vận hành đập Tam Hiệp cho biết việc mua lại “sẽ tăng cường sự hiện diện của tập đoàn ở Châu Âu, bên cạnh các khoản đầu tư vào Bồ Đào Nha, Đức, Anh và Hy Lạp”.

Việc Tập đoàn Tam Hiệp giành chiến thắng đã trở thành một trong số hiếm hoi thương vụ mua lại của Trung Quốc ở Châu Âu trong năm nay. Các công ty Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến việc mở rộng ở bán đảo Iberia; và công ty điện lực Thượng Hải trước đây đã theo đuổi các tài sản năng lượng tái tạo của Tây Ban Nha nhưng không thành công.

Tập đoàn Tam Hiệp đã mua lại tài sản ở nước ngoài trong thập kỷ qua khi Bắc Kinh khuyến khích đầu tư vào ngành điện toàn cầu (Ảnh: PATRICIA DE MELO MOREIRA/AFP qua Getty Images)
Tập đoàn Tam Hiệp đã mua lại tài sản ở nước ngoài trong thập kỷ qua khi Bắc Kinh khuyến khích đầu tư vào ngành điện toàn cầu (Ảnh: PATRICIA DE MELO MOREIRA/AFP qua Getty Images)

Tập đoàn Tam Hiệp đã mua lại tài sản ở nước ngoài trong thập kỷ qua khi Bắc Kinh khuyến khích đầu tư vào ngành điện toàn cầu. Theo Bloomberg, công ty này đã mua gần 14 tỷ USD tài sản từ châu Âu đến Mỹ Latinh trong thập kỷ qua.

Chiến thắng của Tập đoàn Tam Hiệp đại diện cho một thỏa thuận ở nước ngoài hiếm hoi của một công ty Trung Quốc, khi các chính phủ ở Châu Âu và Mỹ tăng cường giám sát các khoản đầu tư trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang.

Khối lượng các thương vụ mua lại ở nước ngoài của Trung Quốc đã giảm 34% trong nửa đầu năm 2020 xuống còn 24,5 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2012, theo dữ liệu của Bloomberg.

Sau ‘chiến thắng’ là ‘chiến bại’?

Sau chiến thắng có phần “oanh liệt” bên trên, Tập đoàn vận hành đập Tam Hiệp lại rao bán 4 tỷ USD cổ phần để trả bớt số nợ khủng.

Căng thẳng địa chính trị và sự kiểm soát gắt gao từ Mỹ và châu Âu được đánh giá là nguyên nhân khiến Tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong thời gian qua.

Hàng chục công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì tham gia xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tập đoàn Tam Hiệp đối mặt với lệnh trừng phạt đầu tiên của Mỹ sau khi bị Lầu Năm Góc xác định là công ty thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết, toàn bộ các danh mục đầu tư ở nước ngoài của Tập đoàn Tam Hiệp có tổng số tiền lên tới 20 tỷ USD. Tập đoàn Tam Hiệp đã đề cập với các quỹ có chủ quyền tại nước ngoài như GIC Pte, Singapore và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) về việc bán lại cổ phần thiểu số chiếm từ 10% đến 20% tài sản quốc tế của Tập đoàn này để giải quyết các vấn đề tài chính.

Dai Qing, nhà phê bình lâu năm về dự án cho biết: “Chính phủ xây một con đập nhưng lại phá hủy một con sông” (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Dai Qing, nhà phê bình lâu năm về dự án cho biết: “Chính phủ xây một con đập nhưng lại phá hủy một con sông” (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tuy vậy, vấn đề giải quyết nợ này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến, do các yếu tố ảnh hưởng như lũ lụt nghiêm trọng của phía Nam Trung Quốc trong thời gian qua – khiến hơn 2 triệu người dân sinh sống dọc sông Dương Tử phải sơ tán, và những khó khăn đang diễn ra kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong khi dự án đập Tam Hiệp trong nước Trung Quốc vốn dĩ chứa đựng đầy rủi ro. Vào mùa xuân năm 2011, mặc dù chính phủ Trung Quốc “hiếm khi” thừa nhận những sai phạm với dự án này, điều kịch tính nhất xảy ra khi Quốc vụ viện, do ông Ôn Gia Bảo đứng đầu, thừa nhận "những vấn đề cấp bách", trong một tuyên bố nhằm xoa dịu sự tức giận của công chúng.

Quốc vụ viện, nội các ĐCSTQ, tuyên bố cần phải chi thêm 20 tỷ NDT hoặc nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề về sạt lở đất, ô nhiễm và di dời. Dai Qing, nhà phê bình lâu năm về dự án cho biết: “Chính phủ xây một con đập nhưng lại phá hủy một con sông”.

ĐCSTQ và Tập đoàn Tam Hiệp với một dự án đập Tam Hiệp “khổng lồ” đầy “hệ quả xấu nhãn tiền” trong nước, và “núi nợ” chưa có cách giải quyết, lại còn có thể “đem chuông đi đánh xứ người”?

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Sau ‘chiến thắng’ là ‘chiến bại’ - Tập đoàn Tam Hiệp vừa phải bán 4 tỷ USD cổ phần để trả nợ