Sau khi phá tan hơn 1.000 tỷ USD, Bắc Kinh quay đầu 'niềm nở' với các hãng công nghệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc đàn áp nhân danh chống độc quyền và an ninh quốc gia của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc bắt đầu vào cuối năm 2020 xóa sạch tổng cộng hơn 1 nghìn tỷ USD khỏi các công ty lớn nhất của đất nước. Và giờ Bắc Kinh đột ngột quay lại 'niềm nở' với các hãng công nghệ mà họ đã rất ghẻ lạnh trong 2 năm qua.

Hiện có những dấu hiệu cho thấy chính quyền trung ương Bắc Kinh đang làm dịu đi lập trường của mình đối với những người khổng lồ internet như Alibaba trong một động thái bày tỏ sự tích cực đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.

Đèn xanh sau hai năm đàn áp

“Những cơn gió ngược chiều về quy định [chống độc quyền và an ninh quốc gia Trung Quốc] mà chúng ta đã gặp phải trong hai năm qua… giờ đang trở thành cơn gió thuận chiều”, ông George Efstathopoulos, giám đốc danh mục đầu tư tại Fidelity International nói trong “Street Signs Asia” của CNBC hôm thứ Tư (29/3).

Hôm thứ Ba (28/3), Alibaba đã công bố một chương trình tái cấu trúc lớn, chia công ty thành 6 đơn vị kinh doanh. Một sáng kiến “được thiết kế để mở khóa lợi ích cổ đông và thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Ai cũng biết, Alibaba buộc phải làm vậy để hài lòng Bắc Kinh. Chia để trị luôn là một trong các phương thức mà Bắc Kinh ưa thích. Với doanh nghiệp, thì là dưới cái cớ hoàn hảo là chống độc quyền và an ninh [dữ liệu mạng] quốc gia, doanh nghiệp phải bán một phần cho chính quyền (quốc hữu hoá), người của đảng, chính quyền như PBOC cũng sẽ có quyền kiểm soát và chuyển bộ dữ liệu về các cơ quan này. Cuối cùng, xé nhỏ một tập đoàn lớn dưới danh nghĩa tái cấu trúc, như vậy Bắc Kinh sẽ dễ dàng kiểm soát các ông lớn công nghệ, những người có khối lượng dữ liệu khổng lồ của dân cư Trung Quốc. Điều Bắc Kinh lo sợ nhất luôn là mất khả năng kiểm soát. Ngoài ra, khi mô hình đó có thể kinh doanh tốt, mang lại nhiều tiền bạc thì Bắc Kinh cũng muốn có mô hình như vậy; thực thi chiến lược mà ông Đặng Tiểu Bình từng nói "Hãy để cho một số người giầu trước".

Người dân ghé thăm gian hàng Tencent tại Triển lãm 5G Thế giới ở Bắc Kinh ngày 22/11/2019. Gã khổng lồ Internet Trung Quốc đang tuân thủ chỉ lệnh của ông Tập Cận Bình trong việc phân phối lại của cải ở Trung Quốc. (Ảnh: Jason Lee / File Photo / Reuters)
Người dân ghé thăm gian hàng Tencent tại Triển lãm 5G Thế giới ở Bắc Kinh ngày 22/11/2019. Gã khổng lồ Internet Trung Quốc đang tuân thủ chỉ lệnh của ông Tập Cận Bình trong việc phân phối lại của cải ở Trung Quốc. (Ảnh: Jason Lee / File Photo / Reuters)

Trong hai năm qua, chính phủ Trung Quốc thường lên án việc “mở rộng vốn một cách vô trật tự” của các công ty công nghệ đã phát triển thành các tập đoàn lớn. Thông báo đối với phần của Alibaba lưu ý rằng các doanh nghiệp bị chia cắt này có thể huy động vốn từ bên ngoài và thậm chí niêm yết cổ phiếu, điều này dường như đang đi ngược lại với những lo ngại của Bắc Kinh.

Ông Efstathopoulos nói rằng động thái này có thể cho thấy sự bật đèn xanh từ cấp trên của chính phủ Trung Quốc.

Jack Ma trở lại

Trang CNN đưa tin, hôm nay ngày 27/3/2023, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, đối tượng doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân chịu đàn áp điển hình, đột nhiên xuất hiện tại Trung Quốc sau hơn một năm vắng bóng.

Vị tỷ phú 58 tuổi, người trở nên ngày càng kín tiếng sau vụ chỉ trích hệ thống tài chính của Bắc Kinh vào 3 năm trước (dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình). Người sáng lập Alibaba đã trở về Trung Quốc, kết thúc thời gian lưu trú ở nước ngoài trong hơn một năm.

Sự trở lại của doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc có thể giúp dập tắt những lo ngại của khu vực kinh tế tư nhân sau cuộc đàn áp quy định kéo dài hơn hai năm qua.

(Từ phải sang) Ông Elon Musk, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tesla, và ông Jack Ma, đồng Chủ tịch Ủy ban Cấp cao của Liên Hiệp Quốc về Hợp tác Kỹ thuật số, phát biểu trên sân khấu trong Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) tại Thượng Hải hôm 29/08/2019. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Cuộc trò chuyện trực tuyến về sự trở lại của Ma bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày đầu tuần, thứ Hai (27/3), trước khi được xác nhận bởi một trường học mà ông đã đến thăm và tờ báo South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng), thuộc sở hữu của Alibaba.

Trong chuyến thăm tới trường đại học, ông Jack Ma, một cựu giáo viên tiếng Anh, đã thảo luận về các chủ đề như chatbot, ChatGPT hỗ trợ trí tuệ nhân tạo. Ông Ma cũng nói rằng ông hy vọng một ngày nào đó sẽ trở lại giảng dạy, theo tài khoản chính thức trên Wechat của Trường Yungu, nơi Jack Ma đến thăm, theo Reuters.

Ngôi trường được thành lập bởi tỷ phú Jack Ma và những người sáng lập khác của Alibaba tại thành phố Hàng Châu, quê hương phía đông của gã khổng lồ thương mại điện tử vào năm 2017.

Thủ tướng mới của Trung Quốc, Lý Cường, một đồng minh thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã nhận thấy việc Jack Ma trở lại đại lục có thể giúp tăng cường niềm tin kinh doanh giữa các doanh nhân. Kể từ cuối năm ngoái, chính phủ đã bắt đầu yêu cầu ông Jack Ma trở lại, năm nguồn tin biết về vấn đề này nói với Reuters .

Công nghệ Trung Quốc đã thoát khỏi nguy hiểm chưa?

Ông Xin Sun, giảng viên cao cấp về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại Đại học King's College London, cảnh báo rằng mặc dù có những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư, nhưng cũng có lý do để thận trọng, theo CNBC.

Ông Sun mô tả việc tổ chức lại Alibaba là một động thái nhằm “phá vỡ đế chế kinh doanh của Alibaba và giảm bớt ảnh hưởng to lớn có khả năng gây ra mối đe dọa” đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Sau khi tái cấu trúc, cơ cấu tổ chức của Alibaba sẽ trở nên phi tập trung hơn và việc kiểm soát tài sản, dữ liệu và tài nguyên của công ty sẽ ít tập trung hơn. Sau đó, Đảng có thể áp đặt sự kiểm soát chính trị mạnh mẽ hơn đối với từng thực thể mới một cách dễ dàng hơn”, ông Sun nói thêm.

Trung Quốc cấm Didi, dịch vụ gọi xe lớn nhất khỏi các cửa hàng ứng dụng. (Ảnh: Tổng hợp)
Trung Quốc cấm Didi, dịch vụ gọi xe lớn nhất khỏi các cửa hàng ứng dụng. (Ảnh: Tổng hợp)

Ông cảnh báo nên tránh sự lạc quan quá mức xung quanh lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Mặc dù những động thái mới nhất mang lại một số sự chắc chắn về quy định, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về việc những gã khổng lồ công nghệ khác có thể được hưởng như thế nào.

“Trong ngắn hạn, quá trình tái cấu trúc của Alibaba có thể được coi là thông lệ hóa các hành động quản lý của chính phủ và mang lại một số quy định chắc chắn cho lĩnh vực này”, ông Sun nói.

“Tuy nhiên, về lâu dài sẽ có nhiều câu hỏi hơn về số phận của những gã khổng lồ công nghệ khác. Tencent, Meituan và ByteDance cũng sẽ bị chia cắt? Nếu vậy, họ tự quyết định hay họ chỉ chờ lệnh từ chính phủ? Sự không chắc chắn như vậy sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nhân và nhà đầu tư làm xói mòn niềm tin của họ”.

Thuỷ Tiên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Sau khi phá tan hơn 1.000 tỷ USD, Bắc Kinh quay đầu 'niềm nở' với các hãng công nghệ