Sau lệnh cấm dạy thêm, chủ tịch tập đoàn giáo dục nổi tiếng TQ ôm 30 triệu USD bỏ trốn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Trung Quốc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm ngoại khóa, "IBEST Education Group" (ibest-edu.com) - tổ chức đào tạo tiếng Anh cho trẻ em lớn nhất khu vực Tây Nam Trung Quốc - xác nhận rằng cổ đông lớn nhất kiêm Chủ tịch tập đoàn đã ôm tiền bỏ chạy. Vụ việc liên quan đến hơn 50.000 học sinh với tổng số học phí lên đến 200 triệu nhân dân tệ (tương đương với hơn 30 triệu USD, hoặc hơn 700 tỷ VNĐ).

Tờ Thời báo Chứng khoán (Securities Times) của Trung Quốc đại lục cho biết vào ngày 4/9 rằng, do các yếu tố như dịch bệnh và chính sách "song giảm" của chính quyền - tức là giảm gánh nặng bài tập về nhà trong chương trình giáo dục bắt buộc cho học sinh và giảm gánh nặng học thêm ngoài trường, các cơ sở đào tạo (lớp ngoại khóa) ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Theo tờ báo, IBEST - một tổ chức đào tạo tiếng Anh nổi tiếng ở Tây Nam Trung Quốc thông báo ngày 28/8 rằng, chủ tịch công ty là ông Tạ Long (Xie Long) đã mất liên lạc cùng số tiền khoảng 200 triệu nhân dân tệ kể từ ngày 27/8 và hiện vẫn chưa tìm thấy. Tổng giám đốc Đường Vĩ Linh (Tang Weiling) cũng không xuất hiện. Thông báo cũng thừa nhận tình trạng nhân viên chưa được trả lương.

Điều đáng chú ý là chỉ 2 ngày trước khi có thông báo trên, tức là vào ngày 26/8, IBEST đăng tuyên bố trên tài khoản chính thức WeChat rằng một số người dùng đã phát tán các tuyên bố sai lệch như "IBEST bỏ chạy", làm mất uy tín và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty, IBEST hiện đang hoạt động bình thường và sẽ hoạt động trở lại vào ngày 28/8/2021. Chỉ hai ngày sau thông báo trên, sự việc của IBEST đã vỡ lở.

Bà Từ (Xu), phụ huynh của học sinh IBEST, cho biết, “Chúng tôi nhận được thông báo vào ngày 28/8. Giáo viên của IBEST đã gửi tin nhắn lên nhóm học tập vào ngày hôm đó, nói rằng các giáo viên đã không được trả lương trong hơn hai tháng, ông chủ đã ôm tiền bỏ trốn. Nó liên quan đến hơn 100 cơ sở với 50.000 đến 60.000 học sinh".

"Con tôi đã học tiếng Anh tại IBEST được vài năm. Mọi thứ tương đối chuẩn trong hai năm đầu. Vì vậy, sau khi khóa học này hết hạn, chúng tôi đã chi luôn hơn 9.000 nhân dân tệ cho hai năm tiếp theo. Thật không ngờ là chỉ sau nửa năm, họ đã bỏ chạy".

Các phụ huynh của IBEST đã lập nhiều nhóm bảo vệ quyền lợi, họ đã gọi cảnh sát báo án để tìm cách lấy lại tiền, và một số phụ huynh khác thì thuê luật sư.

Theo thông tin từ Tianyancha - trang web thông dụng để truy vấn thông tin về các công ty ở Trung Quốc đại lục, Công ty TNHH Tập đoàn Tư vấn Giáo dục IBEST Tứ Xuyên được thành lập vào tháng 11/2013. Có hai cổ đông là ông Tạ Long nắm 95% và ông Đường Vĩ Linh nắm 5%. Hiện tại, IBEST có 22 công ty con chưa đăng ký, chủ yếu là các chi nhánh ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu...

Theo thông tin trên trang web chính thức của IBEST, năm 2018 tổ chức có hơn 20.000 học sinh đăng ký và các trường chi nhánh do họ trực tiếp điều hành phủ khắp các thành phố ở Tứ Xuyên; vào năm 2019, công ty này có hơn 80 cơ sở, hơn 50.000 học sinh và 2.000 giáo viên; đến năm 2020 thì lên tới 100 cơ sở.

Một loạt cơ sở đào tạo ngoại khóa Trung Quốc đổ sập sau chính sách ‘song giảm’

Không riêng gì IBEST, thời gian gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ngoại khóa ở Trung Quốc cũng xảy ra tình trạng phá sản, vỡ nợ, bỏ trốn.

Ngày 31/8, “Giáo dục Cự nhân” (Giant Education), một cơ sở đào tạo quy mô lớn được thành lập từ năm 1994, thông báo rằng do khó khăn trong kinh doanh nên không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ giảng dạy cho học sinh vào mùa thu này; cũng do nhiều lý do nên có thể không thể đáp ứng yêu cầu hoàn học phí của phụ huynh.

Theo dữ liệu, Giant Education chủ yếu cung cấp các khóa học tiếng Anh, tiếng Trung, toán học, khoa học trung học cơ sở, giáo dục chất lượng, v.v. cho thanh thiếu niên từ 5 đến 18 tuổi và đã phục vụ cho hơn 5 triệu học sinh.

Vào ngày 22/8, "Giáo dục Khải Văn” (Qiwen Education), một tổ chức dạy thêm với 15 cơ sở ở Thượng Hải, thông báo rằng do ảnh hưởng của chính sách nên không thể tiếp tục hoạt động theo mô hình kinh doanh ban đầu. Công ty đã ủy thác cho các luật sư chuyên nghiệp và sẽ tuân thủ pháp luật hoàn trả học phí.

Vào ngày 13/8, "Holland Park Education", chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, tuyên bố thông qua tài khoản chính thức rằng, ông Jake Hall - cổ đông nước ngoài và Giám đốc điều hành của công ty - đã giấu tất cả nhân viên, giáo viên, phụ huynh và bỏ trốn về Anh vào cuối tháng 7. Sau đó, ông này vội vàng tuyên bố phá sản qua video và từ chối đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về các khoản nợ.

Thông báo cho thấy, "Holland Park Education" nợ gần 2 tháng lương và công tác phí của khoảng 80 nhân viên trong công ty. Ngoài ra, toàn bộ học phí và phí tư vấn du học đã bị cuỗm sạch, tổng số tiền có thể lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ.

Ngày 12/8, các cơ sở dạy học tiếng Anh ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và những nơi khác của trung tâm "Wall Street English" đột ngột đóng cửa. Sau đó rộ lên thông tin “Wall Street English” liên tục nợ lương nhân viên và công ty sắp phá sản.

Ngoài ra, từ tháng 8 tới nay, Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều tin đồn các tổ chức đào tạo ngoại khóa bỏ trốn hoặc phá sản.

Mới đây, một cơ sở của tổ chức giáo dục “Xueersi” ở Thâm Quyến bị phanh phui yêu cầu giáo viên phải ký "hợp đồng bán thời gian", hơn nữa hợp đồng lại ghi tên một công ty ở Thượng Hải. Giáo viên của trung tâm này nghi ngờ họ làm như vậy để dễ bề sa thải nhân viên bất cứ lúc nào.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Sau lệnh cấm dạy thêm, chủ tịch tập đoàn giáo dục nổi tiếng TQ ôm 30 triệu USD bỏ trốn