Sợ bị đói như dân Thượng Hải, dân Quảng Châu vơ vét thực phẩm trước nguy cơ phong tỏa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Toàn bộ 18 triệu dân Quảng Châu bắt đầu xét nghiệm sàng lọc vào cuối tuần trước, các trường trung học và tiểu học chuyển sang dạy trực tuyến trong một tuần từ ngày 11/4. Trước nguy cơ phong tỏa toàn diện, người dân Quảng Châu đã tràn vào các siêu thị, khu chợ để mua đồ tích trữ. Có người nói thẳng rằng, chứng kiến ​​cảnh người dân Thượng Hải “thiếu đói”, ai cũng cảm thấy bất an.

Hôm thứ Hai tuần này, Quảng Châu thông báo ngày 10/4 có 27 ca nhiễm Covid. Thành phố cho biết không ghi nhận ca nhiễm nào trong ngày 11/4.

Bắt đầu từ hôm qua, thủ phủ tỉnh Quảng Đông đã từ chối hầu hết người bên ngoài vào thành phố. Các trường tiểu học và trung học ở Quảng Châu đã chuyển sang dạy học trực tuyến đến ngày 17/4.

Cũng trong ngày 11/4, ông Trần Bân (Chen Bin), phát ngôn viên của chính quyền thành phố Quảng Châu, nói rằng các công dân chỉ rời Quảng Châu khi "thực sự cần thiết", và phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành.

Quảng Châu xét nghiệm toàn bộ 18 triệu dân; quan chức nói tình hình nghiêm trọng hơn năm ngoái

Quảng Châu đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh kể từ ngày 8/4 và xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ 18 triệu cư dân trong 11 quận. Trong số đó, đã phát hiện các ca dương tính tại quận Bạch Vân, quận Hải Châu và quận Phiên Ngung.

Quảng Châu cũng áp dụng hình thức phân khu phân loại để kiểm soát dịch bệnh, gồm 3 khu là: Khu vực phong tỏa kiểm soát (cư dân không bước chân ra khỏi nhà); Khu vực quản lý kiểm soát (cư dân không bước chân ra khỏi khu chung cư); và Khu vực phòng ngừa (nghiêm cấm cư dân tụ tập).

Không lâu sau khi nhà chức trách thông báo triển khai đợt xét nghiệm PCR hàng loạt, một trung tâm triển lãm đã được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến.

Một số lối vào và lối ra của Đường cao tốc Sân bay Quảng Châu đã bị đóng, tạm thời kiểm soát đi lại.

Vào ngày 9/4, tại cuộc họp báo về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh thành phố Quảng Châu, giới chức thừa nhận rằng tình hình hiện nay ở Quảng Châu nghiêm trọng hơn năm ngoái. Sau khi nghiên cứu và nhận định sơ bộ, các quan chức cho biết có thể đã xảy ra lây nhiễm cộng đồng trong khu vực phong tỏa kiểm soát, và có khả năng lây sang các vùng khác của Quảng Châu.

Dân Quảng Châu đổ xô mua hàng tích trữ sau bài học ở Vũ Hán và Thượng Hải

Mặc dù chính quyền Quảng Châu không đề cập đến từ "phong thành", nhưng tình trạng phong tỏa hỗn loạn cùng các chính sách phòng dịch “thay đổi xoành xoạch” của chính quyền nhiều nơi ở Trung Quốc đã khiến công dân Quảng Châu cảnh giác.

Một đoạn video đăng tải trên Internet cho thấy, sau khi nhà chức trách thông báo "phân cấp phân loại kiểm soát", một bộ phận người dân đã bắt đầu đổ xô tới siêu thị để mua đồ tích trữ, đề phòng thành phố đóng cửa đột ngột.

Một cư dân mạng bình luận: "Quảng Châu bắt đầu kiểm soát khép kín, người dân Quảng Châu bắt đầu tranh nhau mua hàng. Người Trung Quốc không ngốc, Vũ Hán và Thượng Hải mỗi nơi đều đã ngu một lần, quá tam ba bận".

Theo tờ New Express (Xin Kuaibao) của Quảng Châu, một bộ phận người dân phàn nàn rằng một số siêu thị đã bán hết thịt và rau, "Mọi người mua hết túi lớn này đến túi lớn khác, muốn mua miếng thịt nấu canh cũng không có”. (Link video Weibo)

Trong các video và hình ảnh khác được đăng tải trên mạng cho thấy, lượng khách lớn đổ về các siêu thị ở Quảng Châu khiến nhiều kệ hàng trống trơn, các quầy hàng đông lạnh cũng trong tình trạng tương tự, ai nấy đều xách túi lớn túi bé.

Theo Thời báo Hoàn cầu đưa tin ngày 9/4, quét tìm tin tức về mua bán tích trữ rau quả trong các nhóm chat và mục Khoảnh khắc trên WeChat của người dân Quảng Châu cho thấy, nhiều người đã đổ xô đến chợ rau và siêu thị để tranh thủ mua sắm. Một số người dân cho biết, đây là lần đầu tiên họ thấy nhiều thanh niên đi chợ mua rau như vậy, thậm chí thanh toán online còn bị tắc nghẽn và họ phải dùng tiền mặt.

Năm ngoái trước khi Quảng Châu bị phong tỏa, hầu hết những người tới chợ và siêu thị mua đồ tích trữ là người trung niên và người cao tuổi, còn phần lớn thanh niên mua sắm online. Nhưng sau bài học không thể vơ vét thực phẩm trực tuyến, năm nay giới trẻ cũng nhập cuộc trực tiếp tới siêu thị mua hàng.

Đông Phương



BÀI CHỌN LỌC

Sợ bị đói như dân Thượng Hải, dân Quảng Châu vơ vét thực phẩm trước nguy cơ phong tỏa