Sợ chính quyền ‘phong thành’ vì ca Omicron, người dân Thiên Tân hoảng loạn tranh mua thực phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, sau khi Thiên Tân phát hiện 2 ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, chính quyền địa phương đã nâng cấp các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Lo sợ thành phố bị phong tỏa, người dân Thiên Tân đã bắt đầu tích trữ đủ loại nhu yếu phẩm hàng ngày. Tại các chợ, siêu thị lớn đã xảy ra tình trạng tranh mua mặc dù chính quyền nói có đủ nguồn cung.

Sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm biến chủng Omicron cộng đồng hôm 8/1, chính quyền Thiên Tân đã thực hiện các biện pháp kiểm soát khép kín. Ngày 9/1, chính quyền đã tiến hành xét nghiệm PCR đối với 14 triệu dân trên toàn thành phố.

(Video người dân thành phố Thiên Tân xét nghiệm PCR trong đêm)

Ban chỉ huy Phòng chống dịch bệnh Thiên Tân ra thông báo yêu cầu công dân không được rời khỏi thành phố trừ khi cần thiết. Tại các sân bay, đường cao tốc, đường sắt, bến cảng, những người rời Thiên Tân cần phải có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ. Ngoài ra, còn có thông báo kiểm soát chặt chẽ việc giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên rời khỏi trường học: “Không rời Thiên Tân trừ khi cần thiết, không dạy ngoại tuyến trừ khi cần thiết”.

(Video xe buýt bắt đầu tiến vào quận Tân Nam, Thiên Tân để chuẩn bị đưa người đi cách ly ngày 10/1)

Lo sợ thành phố bị phong tỏa, người dân Thiên Tân đã đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ. Mặc dù chính quyền nói có đủ nguồn cung, nhưng không ai tin và xảy ra tình trạng tranh mua tại các siêu thị.

Theo video do cư dân mạng đăng tải, đông đảo người dân xếp hàng trước nhiều cửa hàng thực phẩm tươi sống ở quận Tân Nam, thành phố Thiên Tân để vào mua đồ. Trong một khu dân cư bị quản lý khép kín, người dân xếp hàng bên trong bức tường và chuyển tiền cho chủ cửa hàng thực phẩm tươi sống ở bên ngoài để mua rau.

Ngoài thực phẩm tươi sống, người dân còn mua các nhu yếu phẩm hàng ngày với số lượng lớn. Một người phụ trách của siêu thị cho biết, “Các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như ngũ cốc, dầu ăn, nước uống, giấy vệ sinh gần như đã bán hết. Hiện tại siêu thị còn 13 bao gạo, chúng tôi giữ lại 3 bao cho riêng mình, nếu không sẽ bị mua hết ngay lập tức. Bây giờ việc kiểm soát rất nghiêm ngặt, chúng tôi đã đóng cửa ra vào của cửa hàng, muốn mua gì chỉ có thể đưa qua một cửa sổ nhỏ, từng người mua một".

Anh Vương, một người dân ở huyện Nam Khai cũng nói rằng, chợ rau ở trước nhà anh sáng sớm đã phải xếp hàng dài, hầu hết các loại rau thông thường đều đã bán hết sạch, còn dịch vụ giao hàng của các siêu thị gần đó cũng bị tạm dừng.

Gần đây, khi Tây An “phong thành”, chính quyền cũng liên tục tuyên truyền rằng nguồn cung đầy đủ, do đó, rất nhiều người đã không mua tích trữ thực phẩm trong giai đoạn đầu của đợt phong thành, sau đó họ không thể ra ngoài do chính quyền tăng cường kiểm soát. Việc này đã khiến cuộc sống của người dân rơi vào tình trạng thiếu thốn thực phẩm trầm trọng.

Cư dân mạng bình luận rằng:

"Có đủ nguồn cung, giá cả ổn định, sẽ không phong thành. Tuyệt đối đừng tin vào ba điều trên";

“Tây An cũng như thế, nghe chính phủ xong cuối cùng phải chịu đói, người dân không ra ngoài được, người giao hàng cũng không vào trong được, nguồn cung đủ thì có tác dụng gì".

Cư dân mạng ở Thiên Tân bình luận rằng:

"Dịch bệnh ở Thiên Tân: Buổi sáng tranh mua, buổi trưa bắt đầu xếp hàng xét nghiệm PRC";

"Tình trạng tranh mua đã bắt đầu, chợ rau ở ngã tư đã ùn tắc, người xếp hàng mua rau cải dài đến cả trăm mét".

Thiên Tân là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc xuất hiện ca nhiễm Omicron trong cộng đồng. Vì Thiên Tân tiếp giáp với Bắc Kinh, nên tình hình dịch bệnh ở đây có thể kiểm soát được hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Thế vận hội Mùa đông sẽ khai mạc tại Bắc Kinh vào đầu tháng tới.

Ngoài ra, hôm 10/1, chính quyền thành phố An Dương thuộc tỉnh Hà Nam, cũng ghi nhận hai ca nhiễm biến chủng Omicron. Theo thông tin, hai ca nhiễm này thuộc cùng một chuỗi lây nhiễm ở quận Tân Nam, thành phố Thiên Tân.

Minh Anh

(t/h)

Bạn bình luận gì về tin này?



BÀI CHỌN LỌC

Sợ chính quyền ‘phong thành’ vì ca Omicron, người dân Thiên Tân hoảng loạn tranh mua thực phẩm