Số công dân Trung Quốc xin tư vấn tị nạn chính trị ở Mỹ tăng 10 lần sau Phong trào Giấy trắng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một công ty di trú, ngay sau khi các cuộc biểu tình giấy trắng nổ ra ở nhiều thành phố của Trung Quốc, số lượng công dân Trung Quốc xin tư vấn tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ đã tăng gấp 10 lần.

Một tuần sau các cuộc biểu tình vào cuối tháng 11, Bắc Kinh cuối cùng đã công bố "10 biện pháp mới" nhằm nới lỏng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt. Nhưng song song với đó, cảnh sát Trung Quốc lại âm thầm tìm kiếm và đàn áp những người tham gia vào các cuộc biểu tình, khiến họ phải nghĩ tới hướng xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

Chuyên mục "Nhà quan sát Trung Quốc" trên tờ Politico của Mỹ dẫn lời một công ty nhập cư ở California cho biết vào hôm thứ Năm (8/12) rằng, trong những ngày sau cuộc biểu tình giấy trắng, công dân Trung Quốc có sự quan tâm đáng kể đối với việc xin tị nạn tại Hoa Kỳ, yêu cầu được tư vấn đã tăng hơn 10 lần so với bình thường.

Ông Felipe Alexander, một đối tác của công ty di dân AG ở thành phố Irvine, tiểu bang California, cho biết các công dân Trung Quốc đã tiếp cận ông qua YouTube, Twitter và các tài khoản mạng xã hội Trung Quốc như WeChat để xin tư vấn.

Ông nói rằng, trước khi nổ ra các cuộc biểu tình giấy trắng, mỗi ngày có thể nhận được 20 đến 30 câu hỏi từ công dân Trung Quốc, nhưng "bây giờ chúng tôi đã nhận được gấp 10 lần con số đó".

“Đại đa số mọi người đã trực tiếp hỏi tôi về vấn đề xin tị nạn và nói: 'Tôi muốn ra khỏi đây... tôi có đủ điều kiện không?' ", ông Alexander nói.

Từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều không giải quyết vấn đề, mà giải quyết những người đặt ra vấn đề. Hơn nữa, hệ thống giám sát của nhà nước có ở khắp nơi, có thể bị chính quyền lạm dụng để xác định những người tham gia biểu tình.

Ông Alexander cho hay: "Họ lo lắng về sự an toàn của bản thân ở Trung Quốc. Họ nói: 'Tôi đã tham gia các cuộc biểu tình, hoặc tôi quen biết những người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình. Tôi đã đăng một cái gì đó lên Internet. Tôi rất sợ hãi. Những điều này đủ để được tị nạn chưa?’ ".

Theo dữ liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), số lượng công dân Trung Quốc xin tị nạn chính trị năm 2012 là 15.362 người, nhưng con số này đã vọt lên 107.864 người vào năm 2020. Ba phần tư trong số họ xin tị nạn ở Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng từng bảo vệ công dân Trung Quốc, những người sợ bị chính phủ ĐCSTQ trả thù chính trị. Chính quyền cựu Tổng thống George Bush đã thông qua “Đạo luật Bảo vệ Sinh viên Trung Quốc” (Chinese Student Protection Act) vào năm 1992 để cung cấp quyền thường trú cho sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ sau vụ thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh hồi tháng 6/1989. Điều này đã mở đường thoát thân cho 54.000 công dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Quốc hội Mỹ sẽ có hành động tương tự.

Có hơn 100 triệu lượt tìm kiếm về di dân trên Internet Trung Quốc

Mặt khác, trên phần mềm WeChat - một mạng xã hội được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc, lượng tìm kiếm từ khóa "di dân" cũng tăng đột biến, thậm chí vượt cả mức được ghi nhận vào tháng Bốn năm nay trước khi Thượng Hải đóng cửa và khi dịch bệnh lây lan mạnh ở Trung Quốc vào tháng Sáu. Trong hai thời điểm trên, cụm từ “di dân” cũng được lên xu hướng tìm kiếm.

Chức năng theo dõi dư luận của WeChat - “WeChat Index” (Chỉ số WeChat) cho thấy, số lượt tìm kiếm “di dân” trong ngày 6/12 là 116,72 triệu, tăng 112,51% so với ngày hôm trước, là con số cao nhất trong tuần qua.

Ngày 7/12 cũng có 52,15 triệu lượt tìm kiếm, giảm khoảng một nửa so với ngày 6/12.

Theo Chỉ số WeChat ngày 7/12, lượng tìm kiếm cụm từ "di dân" trong ngày 6/12 là trên 100 triệu lần và trong ngày 7/12 là 52,15 triệu lần. (Ảnh chụp màn hình WeChat)

Vậy trong hai ngày 6 và 7/12, ở Trung Quốc đã xảy ra những gì?

Kể từ ngày 6/12, khắp nơi lan truyền thông tin rằng giới chức ĐCSTQ sẽ nới lỏng chính sách Zero Covid. Vào ngày 7/12, chính quyền Trung Quốc chính thức công bố 10 biện pháp mới để tối ưu hóa công tác phòng chống dịch bệnh, bao gồm cả việc những người có triệu chứng nhẹ có thể được cách ly tại nhà, cũng không có mục nào nhắc tới Zero Covid. Sau đó, các từ khóa liên quan như "10 biện pháp mới" và "không còn xét nghiệm" đã lên xu hướng tìm kiếm.

Sau khi "10 biện pháp mới" được công khai, một số người ở Thượng Hải đã đăng bài trên WeChat để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người xuống đường (ý chỉ những người xuống đường biểu tình vào ngày 26 và 27 tháng 11 để phản đối việc phong tỏa nghiêm ngặt, khiến chính quyền phải thay đổi các biện pháp phòng chống dịch). "Cho đến nay, liên tục có người bị cảnh sát gọi đến để thẩm vấn, có một số người vẫn chưa được thả, không biết đã xảy ra chuyện gì", một nguồn tin cho biết.

Ngày 24/11, một vụ hỏa hoạn bùng phát tại một tòa nhà ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương, do bị phong tỏa nên công tác cứu hộ không thể triển khai kịp thời, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Sau đó, "phong trào giấy trắng" đã bùng lên ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh và nhiều nơi khác để phản đối Zero Covid và phong tỏa. Người dân Thượng Hải cũng hô vang yêu cầu "Đảng Cộng sản [Trung Quốc] bước xuống", "Tập Cận Bình bước xuống".

Phong trào giấy trắng cũng mở rộng ra nước ngoài, hơn một chục cuộc biểu tình tiếp sức của du học sinh Trung Quốc cũng xuất hiện tại các thành phố lớn trên thế giới. Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như "Không muốn xét nghiệm, muốn tự do", "Đảng Cộng sản [Trung Quốc] bước xuống!".

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Hoa



BÀI CHỌN LỌC

Số công dân Trung Quốc xin tư vấn tị nạn chính trị ở Mỹ tăng 10 lần sau Phong trào Giấy trắng