Sự bùng phát virus của Trung Quốc gây áp lực đối với kinh tế toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế toàn cầu đang bắt đầu trở nên nguội lạnh do sự bùng phát virus ở Trung Quốc.

Các nhà gây giống chồn ở Đan Mạch đã ngừng đấu giá lông vì những người mua Trung Quốc không thể tham dự do lệnh hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh.

Theo nhà cung cấp dữ liệu du lịch OAG, các hãng hàng không đã hủy bỏ 25.000 chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc khiến doanh thu bán vé du lịch bị sụt giảm. Ngoài ra, công ty General Motors và các nhà sản xuất ô tô khác đều khuyến cáo với các nhân viên hạn chế du lịch đến Trung Quốc.

Vào ngày 4/2, khu vực đánh bạc cho người Trung Quốc tại Macau tuyên bố sẽ đóng cửa các sòng bạc trong hai tuần để phòng dịch. Lãnh thổ này là một cỗ máy kiếm tiền lớn cho các nhà điều hành sòng bạc Hoa Kỳ Wynn Resorts Ltd. và Las Vegas Sands Corp.

Các công ty toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, với tư cách là người mua thực phẩm, xe hơi, vé xem phim và các hàng hóa khác. Nhưng điều này đã khiến họ mất mát nhiều hơn bao giờ hết do sự sụt giảm đột ngột của số lượng người tiêu dùng Trung Quốc.

Vào thứ Ba (4/2), triển lãm khai mạc vào tuần tới của hàng không Singapore đã tuyên bố rằng họ sẽ hủy một hội nghị kinh doanh do không có người Trung Quốc tham gia.

Doanh thu du lịch ở Thái Lan và các điểm đến châu Á khác, những nơi phụ thuộc 30% du khách đến từ Trung Quốc, đã giảm sau khi Bắc Kinh hủy các tour du lịch theo nhóm. Các doanh nhân được yêu cầu hoãn các chuyến đi nước ngoài.

Giám đốc điều hành của Kopenhagen Fur, Jesper Lauge Christensen, cho biết trong một tuyên bố: “Một số sự kiện quốc gia cũng như quốc tế đã bị hủy bỏ”.

Tập thể 1.500 nhà gây giống chồn Đan Mạch, chiếm 40% sản lượng chồn toàn cầu, đã ngừng bán đấu giá 2 triệu bộ lông trong tháng này. Hầu hết sản phẩm của họ thường xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông.

Trong một nghiên cứu được công bố hôm thứ ba, cơ quan bỏ phiếu của Ý Demoskopika cho biết nước này có thể mất tới 4,5 tỷ euro (5 tỷ đô la) doanh thu du lịch trong năm nay vì lo ngại về virus khiến du khách không đến.

Trong khu mua sắm Montenapoleone sang trọng ở Milan, hàng chục thương hiệu xa xỉ đã được bày ra cửa trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng những người mua sắm giàu có ở Trung Quốc, những người chiếm khoảng một phần ba tất cả các giao dịch mua hàng xa xỉ trên toàn cầu, đã không đến nhiều như thường lệ.

Phòng thời trang quốc gia Ý ước tính doanh số ngành sẽ giảm 1,8% trong sáu tháng đầu năm do virus, thay vì tăng 3 phần trăm như dự kiến ban đầu.

Trước đó, Trung Quốc đã phải đối phó với tác động của cuộc chiến thuế quan với Washington và một đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Dịch tả không lây nhiễm sang người dân nhưng đã làm gián đoạn nguồn cung, khiến giá thịt lợn tăng cao.

Các nhà chức trách đã đóng cửa hầu hết đường vào Vũ Hán và các thành phố xung quanh ở tỉnh Hồ Bắc với tổng số 50 triệu người dân.

Thành phố ở phía đông, Hàng Châu, quê hương của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và là trung tâm của các công ty công nghệ viễn thông, đã áp đặt các hạn chế di chuyển trong thành phố và cho biết các trạm kiểm soát sẽ được thiết lập để kiểm tra thân nhiệt người qua đường.

Chính phủ Trung Quốc đã kéo dài thời gian kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để giữ người dân ở nhà và giảm khả năng lây nhiễm.

Đường phố và tàu điện ngầm ở nhiều thành phố vẫn gần như trống trơn ngay cả khi hầu hết người dân Trung Quốc chính thức trở lại làm việc trong tuần này. Hàng ngàn nhà hàng và rạp chiếu phim đã bị đóng cửa để ngăn chặn sự tụ tập đông người. Các hãng phim Hollywood bị mất doanh thu bán vé vào dịp Tết Nguyên đán, thường là cao điểm về doanh thu.

Các quan chức bày tỏ sự tin tưởng rằng Trung Quốc có thể vượt qua những rắc rối mới nhất nhưng các nhà dự báo cho biết mức tăng trưởng trong năm nay của nước này có thể vẫn giảm 1% phần trăm và xuống mức thấp nhất 5,2%. Nền kinh tế ​​sẽ tiếp tục chậm lại sau khi chạm mức thấp trong nhiều thập kỷ là 6,1% vào năm ngoái.

Các nhà dự báo bao gồm Barclays và Morgan Stanley nói rằng dịch bệnh có thể làm giảm 0,2 đến 0,4 % tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Trung Quốc đã phải chịu những tai ương tương tự trong đợt dịch SARS năm 2003. Tăng trưởng kinh tế của nước này phục hồi nhanh chóng sau đó, và tác động toàn cầu bị hạn chế.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ngay cả khi Trung Quốc phục hồi nhanh chóng thì tác động của dịch bệnh lần này trên toàn thế giới có thể lớn hơn SARS. Đó là bởi vì Trung Quốc hiện chiếm tới 16,3% hoạt động kinh tế toàn cầu, hơn ba lần năm 2003 là 4,3%.

Các biện pháp ngăn chặn virus sẽ làm giảm sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong quý này. Điều này “sẽ gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và gây ra nỗi sợ hãi trên thị trường tài chính”, ông Louis Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics, cho biết trong một báo cáo.

Theo nghiên cứu của IHS Markit technology, hiện là một phần của Informa Tech, việc đóng cửa Vũ Hán, một trung tâm sản xuất 11 triệu dân, đã phá vỡ việc sản xuất các tấm diode tinh thể lỏng và phát quang tại đây. Điều này khiến khiến các nhà sản xuất sử dụng diode gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung giảm và giá linh kiện này bị đẩy lên cao.

Theo các nhà dự báo, các tác động do virus có thể lan rộng như làm giảm sản lượng và giá dầu, quặng sắt và các vật liệu khác từ các nhà cung cấp Úc, Brazil và châu Phi cho các ngành công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới trong nhiều mặt hàng, bao gồm cả dầu. Giá dầu Brent đã giảm xuống còn khoảng 55 USD / thùng so với 70 USD vào đầu tháng 1, một phần do nhu cầu của Trung Quốc suy yếu.

Giá dầu thấp hơn có nghĩa là giá khí đốt rẻ hơn đối với người tiêu dùng phương Tây, nhưng điều này sẽ làm tổn thương các nhà xuất khẩu như Indonesia - quốc gia sử dụng các khoản thu từ khí đốt để chi trả cho các trường học, bệnh viện và dịch vụ xã hội.

Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo, nhu cầu và giá cả “sẽ phụ thuộc vào mức độ vận tải nhanh chóng và việc các hoạt động công nghiệp sẽ trở lại mức bình thường”.

Ngay cả các công ty nhỏ hơn cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự bùng phát dịch bệnh do mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa họ với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Nhiều nhà sản xuất vẫn chưa cảm nhận được ảnh hưởng của dịch bệnh, bởi vì các nhà máy của họ đã đóng cửa tới ba tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng các nhà dự báo cho biết sự chậm trễ trong việc mở cửa trở lại sẽ nhanh chóng làm giảm nhu cầu đối với các linh kiện và vật liệu nhập khẩu như đồng và thép.

Kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng đáng kể vì virus corona

Theo báo Thế giới và Việt Nam, một số hãng truyền thông nước ngoài đã đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Hãng Bloomberg đưa tin, sự lây lan virus tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến triển vọng của ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là sản xuất xe hơi và nhu cầu lốp xe, khi các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc tuyên bố rằng việc sản xuất sẽ tiếp tục nghỉ ít nhất cho đến ngày 9/2. Tập đoàn cao su Việt Nam, nhà sản xuất cao su lớn thứ ba trên thế giới, đang phải tích cực tìm kiếm khách hàng bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Tờ Asia Times nhận định, việc vắng bóng du khách Trung Quốc có thể gây tác động không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam. Năm 2019, thu nhập từ du lịch chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Số lượng khách du lịch Trung Quốc năm 2019 tăng 16,9% và chiếm gần 1/3 tổng số du khách đến Việt Nam.

Tờ TodayOnline cho rằng, Vietnam Airlines sẽ là một trong những công ty chịu thiệt hại do sụt giảm lượng khách.

Văn Thiện (tổng hợp)
Theo The Epoch Times, Associated Press, Thế giới và Việt Nam



BÀI CHỌN LỌC

Sự bùng phát virus của Trung Quốc gây áp lực đối với kinh tế toàn cầu