‘Sự thật là niềm an ủi duy nhất’: Người dân Trung Quốc chán ngán chiến dịch tuyên truyền về virus Corona của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc hiện đang dốc toàn lực vào bộ máy tuyên truyền đồ sộ nhằm “củng cố quyền lực” của mình trong “cuộc tổng tấn công” virus Corona Vũ Hán. Thế nhưng, những nỗ lực ấy dường như không được người dân Trung Quốc đại lục ủng hộ và tin tưởng.

Chiến dịch truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cố gắng làm nổi bật “các nỗ lực kiểm soát” sự bùng phát dịch bệnh của chính quyền nước này. Tuy nhiên, điều này lại khiến cư dân mạng “dậy sóng” với các phản ứng mạnh mẽ hơn.

Những cư dân sinh sống tại các khu vực bị phong tỏa do tỷ lệ lây nhiễm virus cao đã liên tục bày tỏ sự thất vọng qua các bài viết trên mạng, nhưng những bài viết này thường bị xóa ngay sau đó bởi cơ quan kiểm duyệt mạng của chính quyền Trung Quốc.

Vào tháng 2 vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải một video về 14 y tá ở tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc, Trung Quốc, cạo trọc đầu, như một biện pháp phòng ngừa trước khi lên đường ra “tiền tuyến” chống virus corona tại tâm dịch Vũ Hán. Một vài y tá đã khóc khi cạo đầu, một số khác trông thật buồn bã.

Truyền thông nhà nước đã ca ngợi các y tá tình nguyện ấy như những anh hùng. Video đã thu hút hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng khi xem video này lại có suy nghĩ khác...

“Cạo trọc đầu cho cả nhóm… và lợi dụng sự hy sinh của họ để tạo ra màn trình diễn này, sau đó cường điệu hóa với công chúng, đây là một hành động quá tàn nhẫn”, một nhà bình luận Trung Quốc đã viết trên tờ Eastday, một cơ quan truyền thông có trụ sở đặt tại Thượng Hải.

Cam Túc Nhật Báo là cơ quan đăng tải video này, nhưng sau đó đã xóa video trên Weibo.

Tuy nhiên, sự giận dữ không chỉ giới hạn trên cộng đồng mạng. Tại khu vực bị virus tấn công nặng nề nhất, Vũ Hán, người dân địa phương (trong một tình huống hiếm hoi) đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình với cách mà chính quyền ứng phó với dịch bệnh bùng phát, vì theo họ đó là những cách phi truyền thống.

Ngày 5/3, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) cùng một nhóm các quan chức đã đến thăm một khu chung cư phức hợp tại Vũ Hán, người dân địa phương nơi đây dù bị giữ trong nhà nhưng cũng “chào đón” họ bằng cách la hét từ các ô cửa sổ của căn hộ.

“Giả dối, mọi thứ đều là giả dối!” một người phụ nữ hét lên. Họ tiếp tục la hét như vậy cho đến khi các quan chức rời khỏi khu chung cư phức hợp đó.

Tuy vậy, các quan chức đã đảm bảo chắc chắn rằng việc đó sẽ không lặp lại khi chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Vũ Hán vào ngày 10/3. Cảnh quay lưu hành trên mạng cho thấy các cảnh sát mặc đồ bảo hộ đứng gác bên trong và bên ngoài ban công căn hộ của người dân ở đây.

Trong một thông báo trên ứng dụng WeChat, một cảnh sát thuộc Ban quản lý dân cư địa phương tại một tòa nhà ở Vũ Hán, đã nói rằng các cảnh sát sẽ ở trong nhà của cư dân trong vòng một giờ để “đảm bảo yêu cầu về an ninh”.

Một nhà bình luận chính trị Trung Quốc đã viết trên một chuyên mục tiếng Trung của The Epoch Times rằng: “Bất cứ ai tỉnh táo đều nhận thấy rằng đây hoàn toàn là một đợt kiểm tra”.

Một người đàn ông Trung Quốc đeo khẩu trang khi ngồi bên ngoài nhà ga Bắc Kinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/3/200. (Kevin Frayer / Getty Images)

Kịch bản tuyên truyền của Bắc Kinh

Một tài liệu rò rỉ mới đây từ tỉnh Hồ Bắc tiết lộ rằng, các cấp chính quyền đã tiến hành một loạt các biện pháp mạnh để thắt chặt luồng thông tin, và định hướng dư luận trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Chỉ riêng tỉnh Hồ Bắc, ít nhất 1.600 dư luận viên đã được huy động để tích cực kiểm soát phát ngôn trên mạng, và xóa bỏ những thông tin quan trọng liên quan đến chính quyền.

Tài liệu này cho biết rằng mục tiêu chính trong việc này là “lái” người dân “theo hướng tích cực”, bằng cách áp dụng cơ chế tuyên truyền “thời chiến” để kiểm soát dư luận trực tuyến và ngoại tuyến, “từ nhỏ đến lớn” và “chính xác đến từng phút”.

Theo như tài liệu này, các nỗ lực tuyên truyền sẽ tập trung vào việc biểu dương các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, cũng như “kể lại một cách sống động” các “nghĩa cử cảm động” của các nhân viên y tế, quan chức, cảnh sát và tình nguyện viên.

Thêm vào đó, tài liệu còn chỉ đạo các cơ quan truyền thông phải từng bước xây dựng “các nhân vật điển hình”, các “anh hùng” trên tuyến đầu chống dịch, với mục tiêu là mỗi tờ báo tại các tỉnh, thành phố Trung Quốc sẽ đưa tin về 2 đến 3 hình mẫu như vậy trong các ấn phẩm hàng ngày của mình.

Theo chỉ đạo, tính đến giữa tháng 2, cơ quan truyền thông chính của tỉnh Hồ Bắc đã đưa hơn 50.000 tin bài liên quan đến dịch bệnh, tài liệu cho biết. Nhiều bài báo trong số đó đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem.

Nhằm nêu cao năng lực ngăn chặn virus của chính quyền, chính quyền Trung ương đã tuyên bố ghi nhận 113 đội ngũ y tế và 506 nhân viên y tế là “các công dân kiểu mẫu”.

Một người đàn ông Trung Quốc lấy vé cổng từ một người phụ nữ ở phía bên kia bức tường rào chắn tạm thời nhằm kiểm soát lối vào và lối ra của người ngoài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 25/2/2020. (Kevin Frayer / Getty Images)

‘Sự thật là niềm an ủi duy nhất’

Ông Vương Trung Lâm, Bí thư tỉnh Vũ Hán đã gây ra một làn sóng giận dữ trong dư luận, khi mới đây ông này đề xướng chương trình “giáo dục về lòng biết ơn” một cách toàn diện, nhằm kêu gọi người dân hãy bày tỏ lòng biết ơn Đảng vì đã ứng phó với đại dịch bùng phát.

Vào ngày 6/3, ông Vương đã phát biểu trên kênh truyền thông nhà nước Changjiang Daily rằng: “Người dân Vũ Hán là những anh hùng và cũng là những người biết hàm ơn”.

Tuy nhiên, nhận định đó hoàn toàn không hợp với lòng dân địa phương.

Anh Gao, một cư dân địa phương Vũ Hán phát biểu với tờ The Epoch Times: “Lòng biết ơn nên xuất phát từ bản thân mỗi người, có đúng vậy không? Cứu người dân Trung Quốc là nghĩa vụ của họ, đó là trách nhiệm cơ bản của chính phủ… ở đây có gì để mà biết ơn?”

Ông Hu, người sống tại Quận Jianghan, Vũ Hán cho biết vị quan chức này đã “đảo ngược trật tự thông thường”.

“Ông ấy nên cảm ơn người dân Vũ Hán”, ông Hu phát biểu với The Epoch Times.

Còn có nhiều người khác bị nhốt trong nhà, than thở rằng họ phải vật lộn để có thực phẩm tươi và duy trì sự sống. Một cư dân (đề nghị giấu tên) cho biết ông đã cắt giảm bữa ăn hàng ngày để giảm chi phí sinh hoạt.

“Họ đã ‘chôn sống’ chúng tôi”, cư dân Vũ Hán tên Xin phát biểu với The Epoch Times. Ông cho biết thêm rằng giá cả của một vài loại thực phẩm đã bị đẩy lên cao gấp chục lần, dẫu vậy các quan chức vẫn có thể lạm dụng quyền lực và mua được sản phẩm theo giá gốc.

Gần đây, ông Xin đã quay một đoạn video để phản đối việc người dân bị thiếu thực phẩm và còn bị cảnh sát địa phương khiển trách.

“Họ không giải quyết vấn đề mà chỉ theo dõi ngăn chặn những ai nêu lên các vấn đề đó. Là những người dân thường, chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện để được cứu rỗi, chúng tôi đang cố sống lay lắt qua ngày”, ông nói thêm.

Ông Jiang sống tại Quận Qingshan thuộc thành phố Vũ Hán (cùng khu vực với những người đã hét lên từ cửa sổ căn hộ khi thấy các quan chức tới thị sát) đã gọi ĐCSTQ là chính quyền “đáng xấu hổ nhất” thế giới.

“Không ai còn tin vào ĐCSTQ nữa”, ông nói.

Cô Zhang cũng đến từ Vũ Hán cho biết, cô tin rằng trải nghiệm của người dân địa phương về cuộc khủng hoảng này đã khiến mọi người không sẵn lòng hợp tác với chính quyền này nữa.

“Khi lan truyền hình ảnh về các cảnh sát mặc đồ bảo hộ đang canh gác tại căn hộ của mình, những người dân địa phương đang cố gắng truyền tải một thông điệp rằng: chúng tôi không thể nói, và cũng không dám nói”, cô Zhang tâm sự khi ám chỉ về các biện pháp an ninh được áp dụng trong chuyến thị sát thành phố của ông Tập.

“Sự thật là niềm an ủi duy nhất”, cô nói.

Tuệ Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Sự thật là niềm an ủi duy nhất’: Người dân Trung Quốc chán ngán chiến dịch tuyên truyền về virus Corona của Bắc Kinh