'Sự thật vẫn luôn là sự thật': Thông điệp gửi đến ĐCSTQ sau 21 năm bức hại đức tin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Zhang Jian nhớ lại những năm tháng bị giam giữ trong nhà tù Trung Quốc đầy ám ảnh, chỉ vì anh đã chống lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)...

Zhang Jian ngẩng mặt lên khi anh bước ra khỏi công viên Kissena. Anh vẫy tay về phía dòng xe ô tô đang tiến đến và trò chuyện với một vài tài xế khi họ kéo cửa kính xe xuống, đôi mắt hơi nheo lại dưới ánh mặt trời giữa trưa hè.

Trên mỗi chiếc xe (trong số hàng chục chiếc) có một tấm biểu ngữ được ghim sang một bên, với màu nền thay đổi từ trắng, xanh da trời hoặc vàng kim, phù hợp với màu áo của Zhang. Vào ngày 18/7 và 19/7, nhóm các tài xế là những học viên Pháp Luân Công đã đi vòng quanh khắp các quận của New York, bao gồm: Queens, Manhattan và Brooklyn; trong một chương trình để bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, những người vẫn đang là mục tiêu của chiến dịch đàn áp tàn bạo khởi phát từ 21 năm trước của ĐCSTQ.

Vào khoảng giữa tháng 7 hàng năm, các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới sẽ tổ chức buổi lễ kỷ niệm cuộc đàn áp kéo dài hàng thập kỷ này và niềm tin kiên định đã đưa họ vượt qua sự tàn bạo đó.

Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) diễu hành quanh New York trong một cuộc diễu hành xe hơi để kỷ niệm 21 năm ĐCSTQ khởi phát cuộc đàn áp, bắt bớ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, vào ngày 18/7/2020. (Pan Jun / The Epoch Times)

Một ánh nhìn đăm chiêu xuất hiện trên khuôn mặt của Zhang, khi anh nhớ lại những năm tháng bị giam giữ trong nhà tù Trung Quốc đầy ám ảnh, chỉ vì anh đã chống lại cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngày 20/7/1999, ngày ĐCSTQ chính thức phát động cuộc đàn áp toàn diện với Pháp Luân Công, là một bước ngoặt cho khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên ở Trung Quốc. Đối với anh Zhang, người đã thoát khỏi Trung Quốc sau 4 lần bị bắt giữ và tra tấn dã man, ngày đó gợi lên một sự pha trộn của nỗi đau, hoài niệm và một sự thôi thúc muốn nói ra những lời mà anh đã “cất giữ” từ lâu. .

Trong một cuộc phỏng vấn, anh chia sẻ: “Những trải nghiệm này sẽ khắc sâu vào não bạn và chúng không biến mất. Bạn sẽ không thể loại bỏ chúng”.

Không chốn nương thân

Được giới thiệu lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1992 trong bối cảnh “bùng nổ” các môn tập luyện khí công, Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện cổ xưa với nguyên lý cốt lõi là Chân - Thiện - Nhẫn đã được giới thiệu ra công chúng và trở nên rất phổ biến vào cuối những năm 1990.

ĐCSTQ ban đầu rất hoan nghênh pháp môn tu luyện này vì lợi ích sức khỏe thiết thực. Nhưng khi Pháp Luân Công ngày càng thu hút số lượng lớn học viên, vượt xa tổng số Đảng viên vào cuối thập kỷ này, ĐCSTQ đã coi đó là một mối đe dọa đối với quyền lực cai trị của họ. Nỗi ám ảnh hoang tưởng này đã dẫn đến một chiến dịch toàn diện nhằm xóa bỏ Pháp Luân Công và chiến dịch này vẫn đang tiếp diễn cho đến hôm nay.

Học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) Zhang Jian tại Công viên Kissena ở Flushing, New York, vào ngày 18/7/2020. (Chung I Ho / The Epoch Times)

Anh Zhang là người tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc, là khu vực mà Pháp Luân Công được giới thiệu lần đầu tiên ở Trung Quốc. Khi chiến dịch đàn áp bùng nổ, anh Zhang mới ở độ tuổi 20. Anh nói rằng các tuyên truyền phỉ báng, bôi nhọ từ các phương tiện truyền thông nhà nước đối với các học viên Pháp Luân Công đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi và độc hại, đến mức tất cả người thân và bạn bè đều xa lánh anh.

“Cảm giác như thể ở vùng Trung thổ rộng lớn ấy, không có lấy một khoảng trống nhỏ nào để bạn ở lại hay ẩn náu”, anh chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Năm 2002, ba tấm biểu ngữ khổng lồ với thông điệp ủng hộ pháp môn tu luyện này đã được treo lên một cây cầu ở Thông Hóa (Tonghua) - thành phố quê hương anh. Chính quyền tỉnh coi đó là một hành vi vi phạm nghiêm trọng và đã bắt giữ hơn 100 học viên tại địa phương trong nỗ lực tìm ra kẻ đứng đằng sau sự việc này. Việc Zhang là một học viên trẻ tuổi có chuyên môn về cơ khí đã khiến anh trở thành nghi phạm chính, trở thành mục tiêu để họ trả đũa.

Để khiến Zhang chịu “thú nhận tội ác” của mình, một người quản ngục lực lưỡng với sức mạnh phi thường đã trói anh vào một chiếc ghế kim loại nặng, và túm tóc anh để xoay chiếc ghế quay vòng vòng. Tóc của Zhang đã rụng ra từng mảng. Khi phiên tra tấn kết thúc, sàn bê tông thấm đẫm mồ hôi của anh. Những đốm hói cỡ hạt đậu xuất hiện trên khắp da đầu anh, Zhang nhớ lại với đôi mắt đỏ hoe và giọng run run. Vào thời điểm đó, phần tóc còn lại của anh bị dựng ngược lên và trông rất thảm hại.

Những kiểu tra tấn khác mà lính canh áp dụng với Zhang bao gồm nhét một cái bật lửa sâu vào ngực anh, gây ra những vết bầm tím và vết thương bên trong, và bóp đầy một ống mù-tạt cay vào mũi anh. Mặc dù không hề liên quan đến việc treo biểu ngữ, cuối cùng Zhang đã phải thừa nhận cáo buộc sai trái để tránh chịu thêm đau đớn.

Zhang bị giam giữ trong 18 tháng, anh chủ yếu bị bắt ngồi bất động trong một phòng biệt giam. Khi được thả ra, khuôn mặt anh trông trắng bệch, vô hồn. Đôi chân trở nên cứng đến mức anh không thể đi lại trong 2 hoặc 3 tháng.

Năm 2007, đối mặt với một vụ bắt giữ khác, Zhang đã kịp trốn thoát trong một hành trình kéo dài 4 ngày 5 đêm trên một chiếc xe buýt. Đó là hình thức di chuyển duy nhất không có yêu cầu kiểm tra an ninh, và cuối cùng anh đến Thái Lan. Khi nhìn thấy các học viên địa phương ở đó, có nhiều người đã trốn khỏi Trung Quốc giống như mình, Zhang cảm thấy như thể “mặt trời đã xuất hiện và bầu trời trong sáng trở lại”. Anh nói: “Nhìn thấy họ làm tôi cảm thấy rằng tôi lại có gia đình và một ngôi nhà”.

Hiện anh sống ở New York với con trai, người đã đoàn tụ cùng anh vào năm 2013 khi ở vào tuổi 12.

Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) đi diễu hành quanh New York trong một cuộc diễu hành xe hơi để kỷ niệm năm thứ 21 của cuộc đàn áp tại Trung Quốc, vào ngày 18/7/2020. (Pan Jun / The Epoch Times)

Một thông điệp khác

Cuộc diễu hành xe hơi mà Zhang tham gia đã trở thành một truyền thống hàng năm kể từ vài năm trước. Nhưng năm nay, nó đã có thêm một ý nghĩa khác, khi các phương thức nhằm nâng cao nhận thức (về cuộc đàn áp) như diễu hành và biểu tình đã trở nên không phù hợp trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành.

Zhang nói rằng anh rất háo hức khi nhìn thấy các học viên Pháp Luân Công vào ngày hôm đó, vì đã lâu mọi người không thể gặp nhau do lệnh cách ly và phong tỏa. Nhiều người qua đường đã dừng lại để chụp ảnh những chiếc xe, trong khi những người khác vỗ tay và giơ ngón cái ra dấu với họ.

Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) đi vòng quanh New York trong một cuộc diễu hành xe hơi để kỷ niệm năm thứ 21 của cuộc đàn áp tại Trung Quốc, vào ngày 18/7/2020. (Pan Jun / The Epoch Times)

Phản ánh về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Zhang cho biết dưới sự cai trị của ĐCSTQ, chế độ này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn để phân biệt đúng và sai, từ chối cho 1,4 tỷ công dân có cơ hội “để lắng nghe quan điểm khác”, và từ đó, tước đi khả năng đưa ra phán xét độc lập của họ.

Zhang nhấn mạnh: “Họ [ĐCSTQ] có thể điềm nhiên nói dối như thể chúng là sự thật, và lẫn lộn hết [những gì] đúng sai, và bạn buộc phải tin họ. Những gì chúng tôi muốn cho công chúng biết đến là một thông điệp khác”.

“Chúng tôi muốn chứng minh rằng họ [các học viên Pháp Luân Công đang bị đàn áp] không đơn độc. Chúng tôi hiểu họ và chúng tôi ở đây vì mọi người ở Trung Quốc”, một học viên Pháp Luân Công cho biết tại buổi diễu hành.

Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) đi diễu hành quanh New York trong một cuộc diễu hành xe hơi để kỷ niệm năm thứ 21 của cuộc đàn áp tại Trung Quốc, vào ngày 18/7/2020. (Pan Jun / The Epoch Times)

Thoái xuất khỏi ĐCSTQ

Những nỗ lực nói rõ sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của các học viên diễn ra song song với một phong trào có tên là “Thoái đảng” (Tuidang), theo nghĩa tiếng Trung là “từ bỏ” ĐCSTQ. Phong trào này vốn đã được biết đến từ năm 2005. Trung tâm Thoái đảng Toàn cầu có trụ sở tại New York đã xử lý gần 361 triệu yêu cầu từ cộng đồng Trung Quốc rộng lớn để giúp họ công khai từ bỏ mối liên hệ của họ với ĐCSTQ và các tổ chức liên kết của nó.

Đối với Zhang, những hành động như vậy không chỉ mang tính tượng trưng, mà chúng còn biểu thị cho sự quyết tâm của mọi người để ủng hộ những điều đúng đắn và không đứng về phía một chế độ độc tài với ”hai tay thấm đẫm máu” của chính người dân mình.

Zhang khẳng định, nhiều người Trung Quốc đã bị lừa dối bởi những lời dối trá của ĐCSTQ. Anh đặt câu hỏi: “Làm thế nào bạn có thể không ngăn chặn khi họ [ĐCSTQ] đang đầu độc những người tốt?”.

Tuy nhiên, các học viên Pháp Luân Công tin rằng những lời nói dối đó sẽ không kéo dài lâu được nữa.

Cuối cùng, “sự thật luôn là sự thật”, một học viên nói.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

'Sự thật vẫn luôn là sự thật': Thông điệp gửi đến ĐCSTQ sau 21 năm bức hại đức tin