Tà ác vô độ | I - 2: Giang Trạch Dân thăng tiến chóng mặt nhờ tận lực thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1989 là năm bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của Giang Trạch Dân. Họ Giang có thể thăng tiến đột phá phần lớn nhờ vào vụ thảm sát Thiên An Môn. Ông ta đã đóng vai trò quan trọng trong sự kiên này. Đối với một người đã sẵn sàng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Thiên An Môn là thứ mà ông ta cần để leo lên đỉnh cao quyền lực.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương I: Sự trỗi dậy của Giang Trạch Dân

Phần 2: Giang Trạch Dân thăng tiến chóng mặt nhờ tận lực thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn

Lên nắm quyền trong thời gian Quảng trường Thiên An Môn bế tắc

Các sự kiện quan trọng như sau. Bắt đầu từ tháng 04/1989, sinh viên tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn trong 7 tuần để kêu gọi xây dựng nền dân chủ và chấm dứt tham nhũng. Những yêu cầu này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp Trung Quốc.

Ngày 04/06, lệnh từ cấp cao nhất ĐCSTQ được ban hành với mục đích ‘dọn sạch’ quảng trường. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, với súng trường và xe tăng, đã gây thương vong cho sinh viên và thường dân - những người biểu tình ôn hoà không có vũ khí. Từ các tài liệu nội bộ của ĐCSTQ mà tình báo Mỹ thu thập được, 10.454 người đã bị giết trong vụ thảm sát này. Tổng số thương vong lên tới khoảng 40.000 người. Cho đến nay, ĐCSTQ vẫn luôn phủ nhận mọi trường hợp dân thường thiệt mạng do hành động quân sự diễn ra trong sự kiện.

Trước đó, ngày 15/04/1989, ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) - cố Tổng Bí thư ĐCSTQ, người vừa bị lật đổ do lập trường ủng hộ cải cách - qua đời vì một cơn đau tim tại Bắc Kinh. Đối với nhiều người, việc ông qua đời đã làm lu mờ hy vọng cuối cùng về cải cách dân chủ vào thời điểm mà mức độ lạm quyền và tham nhũng của các quan chức ĐCSTQ ở một tầm cao mới. Sẽ không mất nhiều thời gian để khởi động các cuộc biểu tình bởi vì vấn nạn tham nhũng khiến sự căm phẫn lan rộng trên khắp đất nước Trung Quốc.

Ngày 17/04, vài nghìn sinh viên ở Bắc Kinh đã rời khuôn viên trường và diễu hành đến Quảng trường Thiên An Môn, cầm biểu ngữ ghi dòng chữ “Tưởng nhớ Hồ Diệu Bang”. Họ đồng thời hô vang: “Loại bỏ tham nhũng”, “Điều hành đất nước bằng pháp trị” và “Đả đảo quan liêu!". Những yêu cầu này đã được sinh viên hô vang trên khắp đất nước. Họ tham gia nhiều hoạt động biểu tình, hội họp và thỉnh nguyện ở địa phương. Trong vòng vài ngày sau khi chiếm Quảng trường Thiên An Môn, sinh viên đã kêu gọi đối thoại với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ để thiết lập nền dân chủ và pháp quyền.

Vào thời điểm đó, Giang Trạch Dân đang giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải và sắp thôi giữ chức.

Ngày 19/04/1989, các biên tập viên của một tờ báo tự do ở Thượng Hải có tên Tin tức Kinh tế Thế giới (世界 经济 导报 - World Economic Herald) tổ chức một cuộc hội thảo. Ngày hôm sau, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thượng Hải do bà Trần Chí Lập (Chen Zhili) đứng đầu được biết rằng, Tin tức Kinh tế Thế giới sẽ dành một chuyên mục để tưởng nhớ Hồ Diệu Bang. Bà ta lập tức thông báo cho Giang Trạch Dân.

Chiều ngày 21/04, họ Giang đã chỉ thị cho ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) - Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải - và bà Trần Chí Lập cùng nói chuyện với ông Khâm Bản Lập - Tổng biên tập tờ Tin tức Kinh tế Thế giới. Ông Khâm dự định cho tờ báo của mình cùng với tạp chí Tân Quan sát (新 观察 - New Observations) dành ra một số trang để nói về cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 19/04 (với mục đích tưởng nhớ ông Hồ Diệu Bang). Ông Tăng và bà Trần đã ra lệnh rằng phiên bản tổng duyệt cuối cùng của số báo phải được gửi đến cho họ xem xét và phê duyệt càng sớm càng tốt.

Vào lúc 8h30 tối ngày hôm sau, khi thảo luận về bản tổng duyệt với Tổng biên tập Khâm, Tăng Khánh Hồng đã ra lệnh loại bỏ 500 từ. Những từ này là các trích dẫn từ các bài phát biểu của giới trí thức, bao gồm bà Đại Thanh - khi đó là phóng viên của Nhật báo Quang Minh (光明 日报 - Guangming Daily) - và ông Sản Gia Kỳ (Yan Jiaqi) - thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là cố vấn chính trị cho ông Triệu Tử Dương trong những năm 1980. Nói về lịch sử 70 năm của ĐCSTQ và số phận của các Tổng Bí thư, phóng viên Đại cho biết, tất cả họ đều đi đến kết cục khốn cùng do “thay đổi quyền lực”.

Đáp lại Tăng Khánh Hồng, ông Khâm khẳng định chính quyền Bắc Kinh đã đồng ý rằng Tổng biên tập của một tờ báo hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động của tờ báo đó. Ông nói: “Nếu có gì sai sót, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trong mọi trường hợp, đồng chí Giang Trạch Dân chưa thấy bản tổng duyệt. Thành ủy Thượng Hải và Ban Tuyên giáo sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ hậu quả nào từ việc xuất bản số báo này”.

Tăng Khánh Hồng đã rất tức giận. Tuy nhiên, ông Khâm quyết không dao động và đã từ chối cắt bỏ bất kỳ nội dung nào khỏi phiên bản tổng duyệt.

Giang Trạch Dân không ngờ Tổng biên tập Khâm lại cứng rắn như vậy. Họ Giang đã triệu tập Chủ tịch Hội đồng danh dự của tờ Tin tức Kinh tế Thế giới là ông Uông Đạo Hàm (Wang Daohan) để được giúp đỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, hơn 100.000 bản của tờ báo đã được in, với 400 bản được phân phối cho các sạp báo và 400 bản khác được chuyển đến Bắc Kinh. Mặc dù 20.000 bản sau đó đã bị rút không cho lưu hành, tờ báo đã được in đầy đủ.

Ngày 22/04, lễ tang của ông Hồ Diệu Bang được tổ chức.

Ngày 26/04, tờ Nhân dân Nhật báo (人民日报 - People’s Daily) đăng một bài xã luận với tiêu đề “Chúng ta phải dứt khoát phản đối tình trạng hỗn loạn”. Bài báo lên án hành động của sinh viên và cho rằng họ đã "gây rối trật tự xã hội"; đồng thời cáo buộc hành động của các sinh viên là "bất hợp pháp" và kêu gọi chấm dứt tình trạng náo động. Bài báo nói rằng mục đích của phong trào sinh viên là làm mất tinh thần của người dân, với mục tiêu cuối cùng là “phủ định vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ và toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa”.

Cũng vào ngày 26/04, Giang Trạch Dân tuyên bố tại một cuộc mít tinh có sự tham dự của 14.000 đảng viên ĐCSTQ về việc bãi nhiệm ông Khâm Bản Lập khỏi vị trí Tổng biên tập, đồng thời tái cơ cấu tờ Tin tức Kinh tế Thế giới.

Việc Giang Trạch Dân thanh trừng nội bộ tờ báo Tin tức Kinh tế Thế giới đã biến phong trào sinh viên thành một phong trào rộng lớn hơn nhiều, liên quan đến quyền tự do ngôn luận. Các cuộc biểu tình lớn nổ ra trên khắp đường phố Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố khác. Nhiều tác giả có tên tuổi trong Hiệp hội Nhà văn Thượng Hải đã tham gia biểu tình; 8.000 sinh viên đến ngồi trước Tòa thị chính Thượng Hải. Các nhân vật nổi tiếng khác trong cộng đồng trí thức ở Bắc Kinh và trên báo chí đã điện báo cho Giang Trạch Dân, yêu cầu ông ta hủy bỏ quyết định đối với ông Khâm và tờ Tin tức Kinh tế Thế giới.

Giang Trạch Dân trở nên lo lắng!

Tại Bắc Kinh, hai nhà báo đã gửi một bản kiến ​​nghị tới Hiệp hội Nhà báo Trung Quốc; có chữ ký của 1.013 nhà báo từ hơn 30 tổ chức thông tấn trong khu vực thủ đô. Bản kiến ​​nghị kêu gọi đối thoại với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ phụ trách hoạt động tuyên truyền. Bản kiến ​​nghị liệt kê 3 nội dung làm chương trình nghị sự cho các cuộc đối thoại. Điều đầu tiên là việc Giang Trạch Dân giáng chức Tổng biên tập Khâm Bản Lập của tờ Tin tức Kinh tế Thế giới. Vấn đề là, hành động này của Giang Trạch Dân khiến ĐCSTQ vi phạm tuyên bố rằng Tổng biên tập của một tờ báo sẽ là người chịu trách nhiệm về hoạt động của tờ báo đó.

Ngày 30/04, Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương trở về sau chuyến thăm Bắc Triều Tiên. Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng bay đến Bắc Kinh ngay trong đêm để báo cáo với Triệu Tử Dương. Ông Triệu nói: “Việc xử lý vội vàng của Thành ủy Thượng Hải đối với báo Tin tức Kinh tế Thế giới đã biến một đốm lửa thành một đám cháy rừng và đưa chúng ta vào ngõ cụt”.

Ngày 13/05, sinh viên bắt đầu tuyệt thực trên Quảng trường Thiên An Môn. Trong khi đó, hàng nghìn sinh viên ở Thượng Hải đã tập trung trước Tòa thị chính để phản đối quyết định của Giang Trạch Dân.

Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị vào giữa tháng 5, một số ý kiến ​​cho rằng Giang Trạch Dân đã không giải quyết tốt các yêu cầu chính đáng của sinh viên và do đó họ Giang nên nói chuyện trực tiếp với sinh viên để khẳng định phong trào của họ là yêu nước và hợp pháp. Đề nghị này đã khiến các thành viên khác của Bộ Chính trị ĐCSTQ tức giận. Cuộc họp kết thúc mà không có phương án giải quyết.

Ngày 19/05, Triệu Tử Dương đến Quảng trường Thiên An Môn, dường như để tận mắt chứng kiến ​​các sinh viên tuyệt thực, với đôi mắt ngấn lệ. Vào lúc 10 giờ tối, Thủ tướng Lý Bằng (Li Peng) có bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia và tái khẳng định quan điểm của ĐCSTQ - là thực hiện “các biện pháp nghiêm khắc để chấm dứt bạo loạn”. Hai giờ sau, vào khoảng nửa đêm, một chiếc loa phát thanh ở Quảng trường Thiên An Môn tuyên bố thiết quân luật.

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 20/05, ngay sau bài phát biểu của Lý Bằng, họ Giang đã không lãng phí thời gian và trở thành quan chức đầu tiên tuyên bố ủng hộ quyết định của ĐCSTQ trong một bức điện gửi tới Ủy ban Trung ương.

Hành động trung thành như vậy giúp Giang Trạch Dân được ưu tiên hơn trong những cân nhắc sau này về việc lựa chọn một nhà lãnh đạo mới. Không nghi ngờ gì nữa, hành động này đã khiến các nhà lãnh đạo ĐCSTQ tin tưởng rằng họ đã tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy cho Triệu Tử Dương. Theo tài liệu của tác giả Kuhn, “các quan chức cấp cao [của ĐCSTQ] tuyên bố rằng, vào thời điểm này, ngày 20/05, quyết định đã được đưa ra, đề cử Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư mới của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ”. Chi tiết này không xuất hiện trong ấn bản tiếng Trung của cuốn sách do ông Kuhn viết.

Ngày 27/05, tại một cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, Giang Trạch Dân đã được chọn làm Tổng Bí thư kế nhiệm. Như một người tham dự từng nói, mặc dù Giang Trạch Dân thiếu kinh nghiệm, ông ta “hiểu biết về chính trị, năng động và đáng tin cậy”.

Ngày 01/06, thời điểm diễn ra vụ thảm sát đã được thống nhất. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, lên đến 300.000 quân ở Bắc Kinh, đã được lên kế hoạch để phát động cuộc tấn công vào đêm ngày 03/06. Khi thế giới thức dậy vào ngày hôm sau, hơn 10.000 sinh viên và người dân không có vũ khí đã bị giết bởi súng đạn và xe tăng. ĐCSTQ luôn đưa ra tuyên bố ngớ ngẩn rằng không có ai thiệt mạng trong vụ việc này. Mức độ háo hức tàn sát của quân đội đối với những người biểu tình trẻ tuổi không có vũ khí, hầu hết đều cố gắng chạy trốn để thoát khỏi lưỡi hái tử thần, cho thấy sự tàn ác dã man của ĐCSTQ.

Câu chuyện về sinh viên Phương Chính (Fang Zheng) là đặc biệt kinh hoàng. Là sinh viên năm cuối Khoa Lý thuyết thuộc Học viện Giáo dục Thể chất Bắc Kinh, anh bị mất cả hai chân khi một chiếc xe tăng quân sự cố tình cán qua người anh.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2005 với The Epoch Times, Phương Chính nói như sau: “Tôi không có thời gian để né [xe tăng] và bị hất văng xuống đất. Xe tăng sau đó chạy qua chân tôi. Lốp xe có nhiều xích và bánh răng quay trong chúng; tôi cảm thấy quần của mình bị xích kéo vào bánh răng và có một lực rất lớn. Tôi còn chút hơi tàn và có thể biết cơ thể mình đang bị kéo lê trên mặt đất. Sau đó, các bác sĩ tại bệnh viện nói với tôi rằng đầu, lưng và vai của tôi bị rách và bầm tím. Sau khi dây xích trên bánh răng xé toạc quần và nghiền nát chân tôi, tôi ngã xuống đất và lăn ra lề đường gần hàng rào vỉa hè… Sau này, tôi đã tình cờ nhìn thấy cảnh tượng ấy khi tôi lướt Internet bằng DynaWeb. Tôi đã thấy những gì xảy ra với tôi vào đêm đó. Tôi nghĩ nó có sẵn trên các trang web do một số quốc gia bên ngoài Trung Quốc lưu trữ. Bạn có thể thấy một người nằm trên mặt đất bên hàng rào, hai chân không còn nữa. Người đó là tôi. Cả hai chân của tôi bị tách thành nhiều đoạn. Chân phải của tôi bị đứt lìa ở đùi trên, chân trái ở đầu gối [3]”.

Vu khống rằng sinh viên tạo ra ‘bạo loạn’

ĐCSTQ muốn vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn được xóa hoàn toàn khỏi trí nhớ của người dân. Đảng thậm chí sẽ không tha thứ cho bất kỳ cuộc thảo luận nào về sự kiện này.

Tuy nhiên, bên ngoài Trung Quốc, lễ kỷ niệm ngày 04/06 “Lục Tứ” luôn được đánh dấu bằng các cuộc biểu tình và phỏng vấn, những bức ảnh lịch sử và các bài báo kỷ niệm vụ thảm sát. Đó là một điều đáng xấu hổ đối với ĐCSTQ và điều này khiến Giang Trạch Dân không thể chịu đựng được. Người ta nói rằng vào năm 2002, ngay trước khi thôi giữ chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, ông ta đã đặt ra một số quy tắc cho Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Một trong số đó là nghiêm cấm đảo ngược quyết định gọi vụ thảm sát là "bạo loạn", với mục đích cáo buộc những người biểu tình sinh viên đã sử dụng bạo lực chống lại quân đội. Quyết định này chẳng màng đến thực tế rằng chỉ với cực ít trường hợp ngoại lệ, các sinh viên đều không có vũ khí; trong khi quân đội ĐCSTQ lại được trang bị súng máy và xe tăng.

Sau cuộc đàn áp, Giang Trạch Dân ra lệnh bắt giữ trên diện rộng những người biểu tình và những người ủng hộ sự kiện, đồng thời trấn áp mọi cuộc biểu tình ở Trung Quốc, trục xuất các nhà báo nước ngoài và kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin của các phương tiện truyền thông về tình trạng bất ổn xã hội.

Trong một cuộc họp báo không lâu sau ngày 04/06/1989, một nhà báo Pháp đã hỏi họ Giang về một người Trung Quốc, một phụ nữ bị thương ở Quảng trường Thiên An Môn. Người phụ nữ này sau đó đã bị bắt và bị đưa đến trại giam, nơi cô bị hãm hiếp 3 lần chỉ trong tuần đầu tiên. Giang Trạch Dân trả lời rằng thông tin này như "những câu chuyện cổ tích trong Nghìn lẻ một đêm" [4].

Đối với Giang Trạch Dân, điều quan trọng nhất là xóa bỏ những gì ông ta đã làm trong vụ thảm sát Thiên An Môn khỏi ký ức của người dân Trung Quốc. Vì mục tiêu này, họ Giang đã ra lệnh sản xuất các chương trình truyền hình dựng cảnh sinh viên đốt xe quân sự, để những người không trực tiếp trải qua vụ việc sẽ tin rằng bạo loạn là do sinh viên tạo nên.

Trong cuộc thanh trừng sau vụ thảm sát, Giang Trạch Dân đã học cách khéo léo khai thác bộ máy tuyên truyền và bạo lực của ĐCSTQ. Mười năm sau, họ Giang lặp lại những chiến thuật này khi phỉ báng Pháp Luân Công. Ví dụ tai tiếng nhất là vào ngày 23/01/2001, khi ĐCSTQ dàn dựng cái gọi là vụ tự thiêu ở Thiên An Môn, có sự tham gia của một số diễn viên đóng giả các học viên Pháp Luân Công ngồi thiền và tự thiêu. Vụ tự thiêu bị dàn dựng đã được phát đi phát lại trên sóng truyền hình trên toàn Trung Quốc với mục đích hạ bệ uy tín của Pháp Luân Công và khiến người dân Trung Quốc phản đối những người tu luyện Pháp Luân Công.

Đọc tiếp: Chương I - Phần 3: Giang Trạch Dân cản trở kế hoạch cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình

[3] Cuộc phỏng vấn đặc biệt của The Epoch Times về Phương Chính (2005, ngày 31 tháng 05). Tank Rolled Over My Legs (Xe tăng cán qua chân tôi). http://www.epochtimes.com/gb/5/5/31/n938787.htm.

[4] Kristof, Nicholas. (1989, ngày 27 tháng 09) Tiananmen Killings Not a ‘Tragedy,’ Chinese Party Chief Says (Lãnh đạo ĐCSTQ: Vụ giết người ở Thiên An Môn không phải là một ‘bi kịch’). The New York Times. https://www.nytimes.com/1989/09/27/world/tiananmen-killings-not-a-tragedy-chinese-party-chief-ays.html.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | I - 2: Giang Trạch Dân thăng tiến chóng mặt nhờ tận lực thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn