Tà ác vô độ | I - 3: Giang Trạch Dân cản trở kế hoạch cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đặng Tiểu Bình cảm thấy rằng chính quyền ĐCSTQ phải tiếp tục thúc đẩy cải cách và phát triển nền kinh tế thị trường, lấy lại lòng tin của người dân thông qua những cải thiện kinh tế. Nhưng Giang Trạch Dân không đồng ý. Một xã hội cởi mở sẽ khiến ông ta khó kiểm soát người dân hơn. Ông ta từ bỏ chiến lược tập trung vào nền kinh tế của ông Đặng, thay vào đó, ông ta tập trung trấn áp các đối thủ chính trị cũng như thắt chặt các biện pháp kiểm soát.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương I: Sự trỗi dậy của Giang Trạch Dân

Phần 3: Giang Trạch Dân cản trở kế hoạch cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình

Giang Trạch Dân nổi lên với tư cách là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp theo giữa cuộc chiến giữa Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và phe thủ cựu. Điều này khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên. Ông Ngô Giá Tường (Wu Jiaxiang), từng làm việc tại Văn phòng Ban Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã gán cho Giang Trạch Dân và những người theo ông ta là “nhóm Ngựa ô”. Theo ông Ngô, “nịnh bợ là tên trò chơi của họ; họ luôn luôn đúng về mặt chính trị bởi vì họ không bao giờ xác nhận quan điểm nào cả”. Ông Ngô nói thêm: "họ hoàn toàn thực dụng và không muốn gì ngoài quyền lực và tiền bạc".

Sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, ĐCSTQ đã bị quốc tế lên án vì sử dụng vũ lực đối với các sinh viên không có vũ khí tại Quảng trường Thiên An Môn. Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận vũ khí. Trung Quốc bị cô lập.

Đặng Tiểu Bình cảm thấy rằng chính quyền ĐCSTQ phải tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế và phát triển nền kinh tế thị trường, lấy lại lòng tin của người dân thông qua những cải thiện kinh tế. Nhưng Giang Trạch Dân không đồng ý. Một xã hội cởi mở sẽ khiến ông ta khó kiểm soát người dân hơn. Ông ta từ bỏ chiến lược tập trung vào nền kinh tế của ông Đặng, thay vào đó, ông ta tập trung trấn áp các đối thủ chính trị cũng như thắt chặt các biện pháp kiểm soát.

Năm 1991, Liên Xô và hệ thống cộng sản tại Đông Âu sụp đổ. Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ bị giáng một đòn bất ngờ.

Vào cuối năm 1991, Đặng Tiểu Bình hết sức phẫn nộ trước những hành động của Giang Trạch Dân và mất niềm tin vào họ Giang - người được gọi là “nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba”. Mặc dù ông Đặng khi ấy không giữ bất kỳ chức vụ chính thức nào; nhưng ông vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả đối với quân đội. Bạn thân từ năm 1932 của ông Đặng là ông Dương Thượng Côn (Yang Shangkun) khi đó đang là Chủ tịch nước Trung Quốc. Anh trai của ông Dương Thượng Côn là ông Dương Bạch Băng (Yang Baibing) đang giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (Central Military Commission - QUTW) - cơ quan nắm quyền chỉ huy và kiểm soát Quân đội Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ. Cùng với Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing), lúc đó là Phó Chủ tịch QUTW, ông Đặng có sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo quân sự trung thành với ông. Giang Trạch Dân được bổ nhiệm làm Chủ tịch QUTW vào tháng 11/1989, trong khi trước đó ông ta thậm chí chưa từng đụng đến súng. Không ngạc nhiên khi các vị tướng không thấy ấn tượng gì về vị lãnh đạo mới này.

Đặng Tiểu Bình quyết tâm sử dụng sức ảnh hưởng của mình đối với quân đội để thay đổi tình hình. Tại Đại hội 14 của ĐCSTQ, ông Đặng đã lên kế hoạch thay thế nhóm chống cải cách kinh tế do Giang Trạch Dân lãnh đạo bằng những người ủng hộ cải cách, với tâm điểm Kiều Thạch (Qiao Shi) sẽ là Tổng Bí thư tiếp theo của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, thay thế Giang Trạch Dân.

Đặng Tiểu Bình cũng dự định đưa Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), một nhà cải cách kiên định đang bị quản thúc tại gia, trở lại làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Ông Đặng đã cử người đến nói chuyện với ông Triệu và yêu cầu ông ấy công khai bác bỏ hành động ủng hộ sinh viên trong vụ thảm sát ngày 04/06. Ông Triệu từ chối. Ông nói: “Tại sao tôi rời nhiệm sở mà không nhận lỗi cho hành vi sai trái nào? Bởi vì đó là sự lựa chọn của tôi… Tôi không nghĩ rằng mình đã làm bất cứ điều gì sai trái. Việc thừa nhận rằng tôi đã làm điều gì đó sai trái là hành động bóp méo sự thật”.

Để thúc đẩy chương trình cải cách kinh tế của mình, ông Đặng ở tuổi 88 đã thực hiện một chuyến công du mà ngày nay được gọi là “Cuộc kiểm tra của Đặng Tiểu Bình ở phía nam Trung Quốc”, bao gồm Vũ Xương, Thâm Quyến, Chu Hải và Thượng Hải từ ngày 18/01 đến 21/02/1992. Đặng Tiểu Bình đã đi cùng vợ, con gái và một số bạn bè cũ, bao gồm cả Dương Thượng Côn.

Sự phản kháng của Giang Trạch Dân đối với cải cách khiến Đặng Tiểu Bình phẫn nộ

Ngày 18/01, ông Đặng đến Vũ Xương. Ông yêu cầu các quan chức địa phương nói với Giang Trạch Dân rằng: “Bất kỳ ai phản đối đường lối chiến lược do Đại hội 13 của ĐCSTQ đề ra [tức là cải cách kinh tế] cần phải từ chức”. Họ Giang đã phẫn nộ trước điều đó nhưng vẫn miễn cưỡng tuyên bố ủng hộ các bài phát biểu về cải cách của cơ quan thanh tra miền nam của ông Đặng.

Ngày 19/01, chuyến tàu chở Đặng Tiểu Bình đã đến Thâm Quyến. Dù bình thường ít nói, ông Đặng đã có một bài phát biểu dài, được coi như một tối hậu thư cho Giang Trạch Dân. Trong bài phát biểu của mình, ông Đặng đã nhắc lại thông điệp trước đó của mình: “Cải cách và mở cửa là con đường được lựa chọn bởi [ĐCSTQ] và nhân dân. Ai chống lại thì nên từ chức”.

Ngày 20/02/1992, tại một cuộc họp Bộ Chính trị, Giang Trạch Dân đã gạch bỏ phần lớn nội dung trong các bài phát biểu của ông Đặng trong chuyến thị sát miền nam, đặc biệt là những tuyên bố như: “Cải cách và mở cửa là lộ trình được [ĐCSTQ] và nhân dân ủng hộ. Bất cứ ai chống lại nó nên từ chức". Họ Giang nhận định rằng một số nhận xét của Đặng Tiểu Bình "có thể dẫn đến sự bất ổn trong các quan chức của [ĐCSTQ]". Ông ta cũng ra lệnh cho các phương tiện truyền thông nhà nước không đưa tin về các chi tiết trong chuyến công du phía nam của ông Đặng.

Ngày 18/01/2012, 20 năm sau chuyến công du phía nam của Đặng Tiểu bình, tờ Nam phương Nhật báo (南方 日报 - Nanfang Daily) đưa tin về một số nhận xét chưa bao giờ được công khai mà ông Đặng đưa ra vào thời điểm đó. Ông Đặng nói: "Không phát động các chiến dịch chính trị, không chú trọng vào hình thức, các nhà lãnh đạo nên có đầu óc rõ ràng và không để [hệ tư tưởng của họ] ảnh hưởng đến công việc của họ". Đặng Tiểu Bình cũng nói rằng: “Các nhà lãnh đạo đang già đi nên từ chức. Nếu không, họ dễ mắc sai lầm. Hãy nhìn tôi, tôi là một ông già với trí nhớ kém; tôi hay nói lắp khi nói chuyện. Vì vậy, những người cao tuổi chúng ta nên từ chức và hết lòng ủng hộ các nhà lãnh đạo trẻ hơn [5]”.

Ai có thể biết được điều gì đã diễn ra trong tâm trí Giang Trạch Dân khi ông đọc được những nhận xét đó vào năm 1992? Thay vì chú ý đến những nhận xét này, họ Giang đã trì hoãn việc chuyển giao quyền lực cho lãnh đạo tiếp theo của ĐCSTQ là ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) - người được Đặng Tiểu Bình lựa chọn cẩn thận. Họ Giang đã sử dụng mọi cơ hội để kiềm chế ông Hồ, ngay cả khi họ Giang đã từ chức. Bằng những động thái này, Giang Trạch Dân đã tạo ra những rạn nứt kéo dài cho đến ngày nay trong ĐCSTQ .

Các tướng lĩnh quân đội đã vào cuộc. Dương Bạch Băng, Chủ tịch QUTW của ĐCSTQ phát biểu tại một cuộc họp quân sự rằng ý định của QUTW là “bảo vệ cuộc cải cách”. Theo chỉ đạo của ông, tờ báo quân sự của ĐCSTQ là Nhân dân Giải phóng quân Nhật báo đã xuất bản một bài xã luận có tiêu đề “Bảo vệ công cuộc cải cách và mở cửa”. Bài xã luận tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc sẽ “kiên định làm theo lời kêu gọi của đồng chí Đặng Tiểu Bình và bảo vệ quá trình cải cách”.

Giang Trạch Dân hạ mình

Sự ủng hộ công khai của Chủ tịch QUTW Dương Bạch Băng đối với các bài phát biểu ủng hộ cải cách của ông Đặng đã thể hiện rõ lòng trung thành của quân đội ĐCSTQ đối với Đặng Tiểu Bình. Lời hùng biện mạnh mẽ đã làm rung chuyển họ Giang và nhóm chống cải cách của ông ta.

Khi chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra Đại hội 14 của ĐCSTQ, là lúc những thay đổi về lãnh đạo thường xuyên xảy ra. Thành tích tầm thường của Giang Trạch Dân, thủ đoạn chính trị và việc tiếp tục phản kháng cải cách sau chuyến công du phía nam của Đặng Tiểu Bình đã đẩy ông Đặng đến giới hạn. Ông ấy lại phải lên tiếng. Ngày 22/05/1992, bất chấp cái nóng kỷ lục, Đặng Tiểu Bình đến thăm Công ty Gang thép Thủ đô ở Bắc Kinh. Ông Đặng than phiền với một nhóm lớn cán bộ và công nhân: “Một số người chỉ ủng hộ những bài phát biểu của tôi trên bề mặt, ủng hộ một cách nửa vời; một số im lặng để thể hiện sự phản đối và không đồng tình; chỉ một bộ phận nhỏ người dân thực sự phản hồi bằng hành động”. Ông cũng yêu cầu các quan chức đi cùng đến từ Bắc Kinh chuyển lời của mình tới chính quyền trung ương, tức là tới Giang Trạch Dân.

Vào đầu mùa hè năm 1992, danh tiếng của Giang Trạch Dân trong giới môi giới quyền lực của ĐCSTQ đã giảm mạnh. Đã có những cuộc thảo luận về việc ông ấy sẽ giữ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ của mình trong bao lâu. Họ Giang ngày càng trở nên bồn chồn, lo sợ bị mất quyền lực và trở thành mục tiêu chỉ trích quy mô lớn trong ĐCSTQ. Sau đó, Giang Trạch Dân phải công khai tuyên bố ủng hộ chính sách cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, đồng thời đến thăm riêng ông Đặng. Với đôi mắt ngấn lệ, ông ta thề với Đặng Tiểu Bình về lòng trung thành của ông ta với ông Đặng và về quyết tâm thực hiện cải cách kinh tế. Lịch sử sẽ chứng minh rằng đây chỉ là một trong những màn kịch của Giang Trạch Dân. Việc cam kết trung thành không có nghĩa là họ Giang tin tưởng vào chính sách cải cách và mở cửa của ông Đặng, mà đó là một động thái cơ hội để duy trì quyền lực.

Đọc tiếp: Chương I - Phần 4: Giang Trạch Dân thanh trừng phe đối lập chính trị

[5] Zhou, Hucheng. (2014, ngày 14 tháng 11). Secret: Which two sentences in Deng Xiaoping’s “Southern Talks” have not been reported? (Bí mật: Hai câu nào trong “Cuộc nói chuyện về phương nam” của Đặng Tiểu Bình không được báo cáo?). People’s Daily Online. http://history.people.com.cn/n/2014/1124/c372327-26081466.html



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | I - 3: Giang Trạch Dân cản trở kế hoạch cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình