Sự trỗi dậy và suy tàn của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Phần 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang trỗi dậy, hưng thịnh hay suy tàn? Có nhiều tín hiệu và nguồn tin trái ngược nhau, cũng như không ít vọng tưởng theo nhiều chiều hướng về vấn đề này.

Hãy cùng tác giả Stu Cvrk - một Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ - phân tích chủ đề này trong hai phần: Sự Trỗi dậy (Phần I) và Sự Suy tàn (Phần II).

Sự trỗi dậy

Sự hỗ trợ bằng toàn bộ nguồn lực của trật tự quốc tế sau Thế chiến II do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của ĐCSTQ trong hơn 50 năm qua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ồ ạt, cơ hội tiếp cận với thị trường nước ngoài và các điều khoản thương mại tự do, tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc.

Song song với đó, ĐCSTQ đang bận rộn xâm nhập, mua chuộc và lật đổ các tổ chức quốc tế cũng như các chính phủ nước ngoài, các trường đại học và nhiều tổ chức khác hòng thay thế Hoa Kỳ, tiến tới trở thành cường quốc quân sự - kinh tế hàng đầu thế giới.

ĐCSTQ đã và đang theo đuổi một số mục tiêu đan xen nhằm thống trị nền kinh tế toàn cầu trong mọi lĩnh vực. Chính quyền Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kể trong các lĩnh vực như: thương mại, chính sách kinh tế, luật pháp quốc tế, mua lại công nghệ, sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực gây ảnh hưởng khác.

Ngoài ra, một chiến dịch chiến tranh thông tin được phối hợp “nhịp nhàng” - dưới sự dẫn dắt của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, đoàn ngoại giao Trung Quốc và những đồng minh nước ngoài - nhằm làm suy yếu tinh thần đối thủ cạnh tranh chính của họ: Hoa Kỳ. Nỗ lực này sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu cuối cùng: bá chủ toàn cầu bằng mọi giá.

Chiến dịch chiến tranh thông tin của ĐCSTQ tỏ ra cực kỳ hiệu quả. Truyền thông phương Tây không khỏi kinh ngạc trước "sự trỗi dậy của Trung Quốc" (rise of China) trong nhiều năm.

Gần như thể cụm từ “sự trỗi dậy của Trung Quốc” đã được đưa tin bởi các phương tiện truyền thông danh tiếng và lâu đời (vốn đã bị ĐCSTQ mua chuộc), các tổ chức tư vấn và “các nhóm hữu nghị” Mỹ - Trung.

Dưới đây là một vài bài báo tiêu biểu:

Đó chỉ là những tin tức giải trí, hay chúng ta có cơ sở để lo ngại?

Thành tựu của Trung Quốc

Một quốc gia sở hữu tiềm lực kinh tế và lực lượng quân sự hùng mạnh sẽ tạo ra đòn bẩy địa chính trị trên trường quốc tế. Trung Quốc đã tỏ ra xuất sắc ở cả hai lĩnh vực này. Trung Quốc ngày nay đã đạt được thành công có lẽ vượt quá cả những giấc mơ ngông cuồng nhất của giới lãnh đạo ĐCSTQ trong hai thập kỷ qua. Nền kinh tế và năng lực quân sự của Trung Quốc đã phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc.

Quân sự

Về phương diện quân sự, Hải quân của ĐCSTQ đã làm lu mờ Hải quân Hoa Kỳ. Theo báo cáo năm 2021 của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự của Trung Quốc: “Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về số lượng, với tổng lực lượng chiến đấu khoảng 355 tàu mặt nước và tàu ngầm, trong đó có khoảng hơn 145 tàu chiến chủ lực" .

Lực lượng Không quân PLA (PLAAF) lớn thứ ba trên thế giới, với tổng số hơn 2.800 máy bay, trong đó có khoảng 2.250 máy bay chiến đấu và một loạt công cuộc nâng cấp năng lực thường xuyên, bao gồm cả việc phát triển máy bay chiến đấu (tàng hình) thế hệ thứ năm. Và theo một bài báo của tờ Financial Times, các chuyên gia Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc dự đoán rằng, Lực lượng tên lửa PLA (PLARF) sẽ tăng gấp bốn lần kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân lên hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030 (Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân).

Như vậy, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng sánh ngang với Hoa Kỳ - thậm chí là tiến tới vị trí bá chủ toàn cầu.

Trung Quốc cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực không gian vũ trụ những năm gần đây, với các sứ mệnh lên sao Hỏa và Mặt Trăng, cũng như hàng chục vụ phóng tên lửa quay quanh Trái đất. Theo tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc, số lần phóng tàu vũ trụ vào không gian của nước này tiếp tục tăng hàng năm: “Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã thực hiện hơn 50 sứ mệnh thành công trong một năm, đưa hơn 140 tàu vũ trụ vào không gian với tỷ lệ phóng thành công đạt 100%".

Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) chỉ thực hiện 87 sứ mệnh quỹ đạo quay quanh Trái Đất trong năm 2022, theo báo cáo của Space Stats Online.

Theo Space Explored, Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian (SpaceX) là một nền tảng hàng không vũ trụ tư nhân của Mỹ, đã thực hiện 61 lần phóng trong năm 2022, một nửa trong số đó là để phóng các vệ tinh Starlink.

Ngoài ra, vào năm 2021, Trung Quốc đã gây chấn động thế giới khi phóng phương tiện lướt bội siêu thanh (hypersonic) ở quỹ đạo tầm thấp và bay vòng quanh Trái đất trước khi tấn công mục tiêu.

Khác với vũ khí siêu thanh (supersonic), vũ khí bội siêu thanh (hypersonic) được dùng để chỉ các loại vũ khí, phương tiện có tốc độ di chuyển vượt tốc độ âm thanh rất nhiều lần. Theo đó, Mach 1 là tốc độ của âm thanh. Tốc độ từ Mach 1 tới Mach 5 được xem là siêu thanh, trong khi trên Mach 5 là bội siêu thanh.

Tên lửa Trường Chinh 5B, mang theo mô-đun khoa học Mộng Thiên của Trung Quốc, mô-đun cuối cùng của trạm vũ trụ Thiên Cung, cất cánh từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 31/10/2022. (Ảnh: Getty Images)

Kinh tế

Nền kinh tế Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và có khả năng vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, theo đánh giá của một số nhà quan sát (quý vị có thể tham khảo tại đây, tại đâytại đây).

Vì Nghiên cứu và Phát triển (R&D) là chìa khóa cho sự thống trị kinh tế trong tương lai, điều đáng chú ý là “Trung Quốc dẫn đầu thế giới về các ứng dụng bằng sáng chế quốc tế thông qua Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế vào năm ngoái”, theo China Optics Valley. Ngoài ra, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã liệt kê Thâm Quyến - Hong Kong - Quảng Châu và Bắc Kinh là cụm khoa học và công nghệ lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới.

Theo Clarkson Research, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong việc chiếm 49% tổng đơn đặt hàng toàn cầu cho tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2022. Ngoài ra, các nhà máy đóng tàu của nước này cũng đã hạ thủy “tàu container lớn nhất thế giới” vào tháng 8/2022.

Trung Quốc thống trị ngành sản xuất năng lượng mặt trời. Theo Statista, Trung Quốc “thống trị tất cả các bước sản xuất tấm pin mặt trời”: polysilicon (66% thị phần toàn cầu), pin mặt trời (78%) và mô-đun năng lượng mặt trời (72%).

Theo tờ Daily Caller, Trung Quốc tiếp tục “thống trị thị trường xe điện (EV) và pin toàn cầu". Các nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology Co. Limited (CATL) và Build Your Dreams Limited (BYD) sản xuất hơn một nửa số pin xe điện trên thế giới, theo Financial Times.

Trung Quốc đã theo đuổi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”) của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với thành công đáng kể trên khắp thế giới. Theo một bản tóm tắt của Statista, BRI “là một chiến lược kinh tế và chính trị dài hạn của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước và ở các nước mới nổi, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của nước này trên phạm vi toàn cầu”.

Tính đến tháng 12/2022, 149 quốc gia đã được hưởng lợi từ khoản đầu tư trung bình hàng năm của Trung Quốc là 59,5 tỷ USD (giảm một nửa do đại dịch Covid-19), với tổng mức đầu tư hơn 1 nghìn tỷ USD.

Trung Quốc đạt được rất nhiều lợi ích, bao gồm các hợp đồng cơ sở hạ tầng sử dụng lao động Trung Quốc ở nhiều quốc gia trong số 149 quốc gia kể trên; tiếp cận nguyên liệu thô thúc đẩy các mối quan tâm sản xuất của Trung Quốc; tiếp cận tài nguyên hydrocarbon và tiếp cận thị trường nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa thành phẩm của Trung Quốc.

Ví dụ: vào năm 2021, khối lượng hàng hóa được vận chuyển bởi Tuyến đường sắt Trung Quốc - Châu Âu, một yếu tố chính của mạng lưới đường bộ BRI, đã vượt quá 1,4 triệu TEU (đơn vị tương đương 20 foot) vào năm 2021.

Kết luận

Để duy trì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiểm soát thuế quan và các rào cản thương mại khác ở mức tối thiểu, ĐCSTQ đã nỗ lực thuyết phục thế giới về ý định “nhân từ” của Trung Quốc.

Ví dụ, chính sách “sự trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc” của cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bị lãng quên từ lâu. Chính sách này nhằm mục đích cố ý che giấu những khía cạnh tàn ác hơn trong âm mưu của ĐCSTQ, chẳng hạn như tội ác diệt chủng ở Tân Cương, cuộc đàn áp Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số và tôn giáo khác. Quan trọng nhất là sự trỗi dậy và ngày càng hiếu chiến của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, triều đại của ông Tập Cận Bình đã lột chiếc mặt nạ đó và phơi bày ra trước toàn thế giới.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, thể hiện qua sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này, cũng như việc Trung Quốc gia tăng đàn áp các nhóm thiểu số và đe dọa Đài Loan, cuối cùng đã thu hút sự chú ý của các thành viên lưỡng đảng của Quốc hội Hoa Kỳ.

Vào ngày 11/1, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 365/65 để thành lập "Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc" nhằm chống lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.

Căn cứ vào danh sách những thành tựu ở trên (chỉ là một ví dụ mẫu), người ta có thể kết luận rằng, ĐCSTQ sẽ đạt được mục tiêu lãnh đạo thế giới tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập chính quyền Trung Quốc tính từ năm 1949.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, phần lớn trong số đó là do ĐCSTQ tự mình tạo ra. Phần II của loạt bài này sẽ phân tích một số điều kiện bất lợi và suy đoán xem liệu quỹ đạo chao đảo của ĐCSTQ đã đạt đến cực điểm hay chưa.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Tác giả Stu Cvrk là một Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm Nhà Phân tích hệ thống kiêm Nhà Hải Dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do. Tất cả những yếu tố này đã đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Sự trỗi dậy và suy tàn của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Phần 1