Sự vắng mặt của Nga tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Trung Quốc cho thấy tham vọng của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Trung Quốc đã bế mạc tại Trung Quốc vào ngày 19/5 nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin không được mời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố tình gạt Nga, một cường quốc quan trọng trong khu vực.

ĐCSTQ đã tổ chức tiệc chiêu đãi năm quốc gia Trung Á tại Tây An, điểm khởi đầu của Con đường tơ lụa với một bữa tiệc sang trọng trong Cung điện nhà Đường.

Được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh có Tổng thống Kassym-Jomart K. Tokayev của Kazakhstan, Tổng thống Sadyr Japarov của Kyrgyzstan, Tổng thống Emomali Rahmon của Tajikistan, Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedow của Turkmenistan và Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan, ở đây họ nhận được sự chào đón xa hoa.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự có trụ sở tại Hoa Kỳ Shi Shan nói với The Epoch Times vào ngày 22/5 rằng chế độ Bắc Kinh đánh giá cao hội nghị thượng đỉnh này do tầm quan trọng của nó đối với chiến lược an ninh quốc gia của Bắc Kinh.

“Đầu tiên, đó là sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI). Tây An là điểm khởi đầu của Con đường tơ lụa lịch sử trên đất liền. Đây là tuyến đường bộ gần nhất từ Trung Quốc đến châu Âu”, ông Shi cho biết.

“Thứ hai, miền tây Trung Quốc, đặc biệt là Tân Cương, là điểm yếu đối với an ninh quốc gia của chế độ Trung Quốc".

“Các quốc gia Trung Á và các dân tộc thiểu số ở Tân Cương có mối liên hệ về mặt lịch sử. Họ có cùng tôn giáo, nói các ngôn ngữ giống nhau và đều là người Thổ Nhĩ Kỳ. Sự ổn định của Tân Cương không thể đạt được nếu không có sự hợp tác của các nước Trung Á”.

'Tình bạn không giới hạn'?

Ông Putin và lãnh đạo ĐCSTQ ông Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 2 năm ngoái, ba tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine, rằng Nga và Trung Quốc có “tình bạn không giới hạn”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ ký kết sau cuộc hội đàm Nga - Trung bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, hôm 11/9/2018. (Ảnh: Sergei Chirikov/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nghi vấn liệu đã từng có bất kỳ tình hữu nghị thực sự nào giữa hai nước hay không.

Vào những năm 1920, ĐCSTQ đã đưa chủ nghĩa cộng sản vào Trung Quốc từ Liên Xô mà họ gọi là “Anh cả”. Tuy nhiên, vào những năm 1950, ông Mao Trạch Đông, không muốn bị Liên Xô kiểm soát nên đã có mâu thuẫn với ông Khrushchev, người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ.

Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc và Nga đã tranh giành quyền kiểm soát Trung Á.

Trước thế kỷ XVII, Trung Á từng là quê hương của Đế chế Timurid hùng mạnh và vương quốc Uzbek Khanate. Vào cuối thế kỷ XVII, khi những người nông dân chiếm thế thượng phong trước những người du mục, Trung Á bị các nước láng giềng Ba Tư, Sa hoàng Nga, xâm chiếm và nhà Thanh Mãn Châu cai trị Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, Sa hoàng Nga cuối cùng đã chinh phục hầu hết Trung Á.

Liên Xô tan rã

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, năm quốc gia Trung Á tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, trong một thời gian sau đó, năm quốc gia Trung Á tiếp tục dựa vào Nga về kinh tế và quân sự, với các hiệp ước hữu nghị và quốc phòng được ký kết.

Khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh kinh tế, Bắc Kinh đã đưa ra sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013, một bước hướng tới tăng cường ảnh hưởng kinh tế để mở rộng tham vọng chính trị của ĐCSTQ ở Trung Á và Châu Âu.

Trong khi đó, khi sức mạnh kinh tế của Nga suy giảm, nước này có rất ít cơ hội chống lại sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Trung Á, từ đường ống dẫn dầu đến đường sắt, đồng thời trở thành đối tác thương mại lớn với các nước trong khu vực.

Sau khi Nga xâm chiếm Ukraine, thương mại giữa Trung Quốc và các nước Trung Á đã vượt mức cao kỷ lục 70 tỷ USD vào năm 2022. Trong quý đầu tiên của năm nay, khối lượng thương mại tăng thêm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, nền kinh tế của Nga đã bị suy kiệt do các lệnh trừng phạt kinh tế.

“Thay vì là một thách thức đối với hội nghị thượng đỉnh G-7, hội nghị thượng đỉnh Trung Á-Trung Quốc giống như một cuộc đấu tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Nga”, ông Shi cho biết.

“Lần này, ĐCSTQ không mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh nhằm làm giảm ảnh hưởng của Nga. Tôi tin rằng ĐCSTQ đã cố tình chọn thời điểm này vì Nga hiện đang bị cô lập chưa từng có và sức mạnh kinh tế của nước này đã bị thu hẹp đáng kể”.

Nền kinh tế Nga giảm 2,1% vào năm 2022 do các lệnh trừng phạt được áp đặt. Vào mùa xuân năm 2022, lạm phát đã tăng lên hơn 2% mỗi tuần ở Nga với việc đồng rúp giảm 60% so với đồng đô-la.

Cuộc chiến giành quyền thống trị

Trong bài phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Trung Quốc vào ngày 18/5, ông Tập cho biết đất nước của ông có thể giúp cải thiện khả năng thực thi pháp luật, an ninh và quốc phòng của khu vực.

Ông Tập tuyên bố rằng Trung Á có các điều kiện và khả năng trở thành trung tâm của Á-Âu và nói rằng chủ quyền, an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của khu vực này phải được tôn trọng. Tuyên bố này dường như là một lời châm chọc vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh trong cuộc họp báo chung của Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây phía bắc Trung Quốc vào ngày 19 tháng 5 năm 2023. (Florence Lo/POOL/AFP qua Getty Images)

Trong vài năm qua, ĐCSTQ đã giữ một danh tiếng thấp khi triển khai quân đội của mình ở Trung Á. Năm 2018, một quan chức Tajikistan nói với báo chí rằng Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật với Tajikistan vào năm 2015 hoặc 2016 để tân trang lại tới 30-40 đồn bốt ở biên giới phía Tajikistan với Afghanistan. Lực lượng biên phòng Trung Quốc đã thay thế lực lượng bảo vệ Tajikistan tại các khu vực rộng lớn dọc biên giới Tajik-Afghanistan.

Năm 2022, Tajikistan đồng ý cho phép lực lượng an ninh Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập chống khủng bố thường xuyên trên lãnh thổ của mình. Tajikistan cũng đã ba lần tổ chức các cuộc tập trận quân sự song phương với Trung Quốc kể từ năm 2015.

“ĐCSTQ đang lấn chiếm ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, và hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Trung Quốc mới chỉ là bước khởi đầu”, ông Shi nói. “Nga khó có thể từ bỏ sự thống trị của mình một cách dễ dàng vì Nga cũng coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh địa chính trị lớn nhất của mình”.

Trong khi Trung Quốc cạnh tranh để giành ưu thế ở Trung Á trước Nga, tại hội nghị thượng đỉnh G-7 được tổ chức tại Hiroshima, Nhật Bản cùng lúc, các nhà lãnh đạo từ bảy quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc thúc giục Nga chấm dứt hành động xâm lược quân sự và thề sẽ phản đối mọi hình thức cưỡng bức kinh tế.

Theo The Epoch Times

Thuỷ Tiên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sự vắng mặt của Nga tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Trung Quốc cho thấy tham vọng của Bắc Kinh