Tà ác vô độ | II -1: Thời kỳ thuận lợi cho đại tham nhũng hoành hành ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

​Tham nhũng là hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó Trung Quốc là ví dụ hàng đầu. Dưới thời trị vì của Giang Trạch Dân, tham nhũng tại quốc gia này đã gia tăng trên cả quy mô và mức độ.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương II: Nạn hồng thủy tham nhũng thời Giang Trạch Dân

Phần 1: Thời kỳ thuận lợi cho đại tham nhũng hoành hành ở Trung Quốc

Xây dựng chế độ tham nhũng để tiếp tục cai trị

Sự sụp đổ của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu làm cho thế giới tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản dưới dạng thức một hệ thống chính trị đã bị tiêu diệt. Cũng vào khoảng thời gian mà các quốc gia vệ tinh của chủ nghĩa cộng sản đang tháo gỡ xiềng xích ý thức hệ cộng sản, thì vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã xảy ra. Tại Trung Quốc, hy vọng về tự do và về một dấu chấm hết cho tham nhũng đã tiêu tan bởi tiếng súng máy vang khắp Quảng trường Thiên An Môn. Xe tăng quân đội đã nghiền nát cơ thể những người biểu tình trẻ tuổi. Vụ thảm sát này giáng một đòn chí mạng vào bất kỳ hy vọng nào mà người dân Trung Quốc dành cho Đảng Cộng sản. Khi hy vọng về một chủ nghĩa lý tưởng lụi tàn sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Giang Trạch Dân, với tư cách là Tổng Bí thư mới được bổ nhiệm, cần phải xây dựng lại chế độ trên một nền tảng khác. Các quan chức cộng sản ngày càng bại hoại. Tay chân của Giang Trạch Dân tham nhũng sa đọa, thu lợi bất chính, phạm tội không cần kiêng dè. Thân quyến của Giang Trạch Dân không từ thủ đoạn nào để tích lũy tài sản và trở nên giàu có tột độ. Bằng cách lờ đi những chuyện đó, Giang Trạch Dân đã mua được lòng trung thành của 80 triệu Đảng viên.

Các nhà lãnh đạo cộng sản trước Giang Trạch Dân ít nhất cũng có một số lý tưởng thể hiện dưới dạng hệ tư tưởng cách mạng. Họ có một tập hợp các lý thuyết và chính sách phù hợp với tầm nhìn của họ dành cho Trung Quốc. Họ sẵn sàng hy sinh thậm chí cả mạng sống của mình cho những lý tưởng đó. Trước thời trị vì của Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đã giới thiệu và áp dụng khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Làm giàu là vinh quang” là câu nói thường được cho là của Đặng Tiểu Bình, mặc dù có thể ông ấy không thực sự nói điều đó. Nhưng chủ nghĩa thực dụng mà Đặng Tiểu Bình theo đuổi, nếu không đi kèm với bản lĩnh về mặt đạo đức thì cá nhân hay tổ chức có thể dễ dàng bành trướng quyền lực. Với Giang Trạch Dân, ông ta không coi trọng cuộc cách mạng cộng sản và cũng không có lòng nhiệt tình đối với các nguyên tắc của hệ tư tưởng cộng sản. Thay vào đó, ông ta sống trong hoài nghi, tham nhũng và lợi dụng. Không có gì quan trọng hơn việc bảo toàn quyền lực chính trị của bản thân và của Đảng. Giang Trạch Dân đã bắt đầu một kỷ nguyên mà ở đó hối lộ và các hành vi gian dối khác trở nên phổ biến từ cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo, qua đó tạo điều kiện cho những người cộng sản tiếp tục cai trị Trung Quốc.

Bao che cho tham nhũng để lôi kéo tay chân

Giang Trạch Dân là một nhà lãnh đạo rất khác so với những người tiền nhiệm - Mao Trạch Đông (Mao Zedong) và Đặng Tiểu Bình. Mao Trạch Đông cai trị Trung Quốc trong hơn một phần tư thế kỷ. Quyền lực của ông ta được xây dựng và củng cố trong những năm đầu khi ông lãnh đạo những người cộng sản tiếp quản Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình giành được sự tôn trọng nhờ kinh nghiệm lâu năm trong quân ngũ và nhờ những bước tiến đạt được trong quá trình vượt qua giai đoạn hỗn loạn thời Mao.

Giang Trạch Dân thì lại không có gì để khoe khoang về lý lịch của mình. Nhiều người cùng thời với ông ta là những cán bộ cộng sản dày dạn kinh nghiệm hơn. Họ Giang được lựa chọn cẩn thận cho vị trí cao nhất đơn giản vì ông ta đã chọn sát cánh với Đặng Tiểu bình trong suốt cuộc đàn áp sinh viên năm 1989. Có thể hiểu, trong những năm đầu, Giang Trạch Dân chỉ có một nền tảng quyền lực yếu kém. Để xây dựng và đổi lấy lòng trung thành từ đội ngũ tay chân, họ Giang cho phép họ thực hiện các hoạt động tội phạm.

Lý Trường Xuân (Li Changchun), Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) và những nhân vật khác trong phe Giang đã kiếm được bộn tiền từ buôn lậu, bán đất và nhiều phương thức khác mà quyền lực mang đến. Các quan chức thuộc mọi cấp bậc, từ cao đến thấp, nhanh chóng xếp hàng dưới ngọn cờ của Giang Trạch Dân.

Giang Trạch Dân, người cống hiến ít ỏi cho Đảng, quân đội và đất nước Trung Quốc, đã thiết lập cơ sở quyền lực của mình chỉ trong vòng vài năm - nhanh chóng một cách khó tin, bằng cách đáp ứng lòng tham và tư lợi của các cá nhân. Họ Giang đã có được một chỗ đứng vững chắc và giữ vị trí quyền lực trong chính trường Trung Quốc trong 20 năm.

Vì sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân có ý nghĩa sống còn đối với địa vị và sự phồn vinh của những người ủng hộ ông ta cùng gia đình của họ nên những người này cần bảo vệ cho 'ngai vàng' của họ Giang.

Kinh tế thị trường bế tắc

Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân là một Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phát triển kinh tế để có được sự ủng hộ từ nhân dân Trung Quốc và lòng trung thành của các quan chức tham nhũng.

Mặc dù một nền kinh tế phồn thịnh cung cấp nền tảng vật chất vững chắc cho tham nhũng nhưng tham nhũng lại khiến nền kinh tế thị trường lành mạnh không thể phát triển được.

Thứ nhất, Trung Quốc mắc kẹt với một mô hình kinh tế bị chính quyền định hướng, bị chính quyền đè bẹp tinh thần kinh doanh tư nhân. Đất đai Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước. Các ngành công nghiệp chủ chốt như ngân hàng, máy móc, sản xuất, viễn thông, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, cũng như giao thông vận tải đều do các doanh nghiệp nhà nước chi phối. Các hoạt động kinh tế sôi động nhất luôn là xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn và các dự án công cộng. Loại hình kinh tế này tạo ra vô số cơ hội cho hối lộ và tham nhũng, bởi vì chính quyền các cấp từ trên xuống dưới đều có liên quan mật thiết và có thể can thiệp sâu rộng vào hoạt động kinh tế. Điều này khiến kinh tế Trung Quốc không thể chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thực sự - vốn có đặc tính bảo vệ tài sản cá nhân; nhấn mạnh vào hiệu quả, đổi mới, cạnh tranh và chấp nhận rủi ro kinh doanh.

Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc tạo ra một xã hội vô cùng bất bình đẳng. Những năm gần đây, người dân của quốc gia tỷ dân hết lần này đến lần khác phải bàng hoàng trước số tiền tham ô của những “con hổ” trong bối cảnh các chiến dịch chống tham nhũng diễn ra rầm rộ. Mặc dù mức thu nhập tuyệt đối của người dân Trung Quốc đã tăng lên, nhưng khoảng cách giàu nghèo lại ngày càng gia tăng, khiến hàng trăm triệu người bị tụt lại phía sau. Trung Quốc ngày nay có số lượng gia đình tỷ phú tương đương Mỹ và Nhật Bản, nhưng cũng có những người làm việc chăm chỉ và chỉ kiếm được vài USD mỗi ngày. Hơn nữa, lối suy nghĩ của con cái những người khá giả đã trở nên biến dị. Họ cho rằng, so với làm việc chăm chỉ, thì việc có được một vị trí trong chính quyền lại là cách nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều để thu về gặt hái cá nhân, về cả tài chính hay chính trị xã hội. Do vậy, hệ thống vận hành của Trung Quốc hiện nay khuyến khích hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học theo đuổi các vị trí trong chính quyền.

Cuối cùng, tham nhũng làm cho kinh tế Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả và gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Người ta tính toán rằng, hệ thống quan liêu khổng lồ của Trung Quốc bao gồm 6 tầng. Sự tồn tại của một hệ thống như vậy cho phép chính quyền can thiệp vào hầu hết mọi khía cạnh của hoạt động kinh tế, đồng thời đưa nhiều yếu tố bất hợp lý vào doanh nghiệp. Ví dụ, ở Thâm Quyến, để bắt đầu kinh doanh, cần đến 39 con dấu từ chính quyền. Mỗi con dấu tương đương một chuyến thăm văn phòng giới cầm quyền. Đôi khi, một người phải đến cùng một văn phòng nhiều lần. Một bài đăng trên Internet ở Trung Quốc từng liệt kê cách thức và địa điểm để có được 39 con dấu [1]. Toàn bộ quá trình ấy kéo dài thêm 3 tháng.

Chủ nghĩa thân hữu nở rộ

Tham nhũng là đặc điểm nổi bật trong thời đại Giang Trạch Dân.

Bắt đầu từ thời họ Giang, tham nhũng trở thành con đường thăng tiến của quan chức; trong khi quan chức thực sự trong sạch lại là đối tượng của những cuộc điều tra. Một ví dụ điển hình là Hoàng Kim Cao (Huang Jingao), Bí thư Huyện ủy Liên Giang, tỉnh Phúc Kiến. Là một người nói không với tham nhũng, Hoàng Kim Cao phải chịu nhiều áp lực từ cấp trên; đồng thời thường xuyên bị côn đồ đe dọa vì ông tiến hành nhiều cuộc điều tra tham nhũng. Ngày 11/08/2004, ông đã đăng bài viết “Tại sao tôi phải mặc áo giáp trong suốt 6 năm?” trên tờ PNhân dân Nhật báo (人民日报 - People’s Daily). Tuy nhiên, áo giáp đã không thể bảo vệ ông Hoàng khỏi lãnh đạo cấp trên. Ông bị bắt và phải nhận án tù chung thân vào ngày 10/11/2005.

Với bản chất dễ lây lan như một căn bệnh truyền nhiễm, tham nhũng thường len lỏi và sau đó ‘nhấn chìm’ toàn bộ tổ chức hoặc gia đình. Lấy trường hợp của Chu Vĩnh Khang - người đứng đầu một số tổ chức gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Tỉnh ủy Tứ Xuyên và Ủy ban Chính trị Pháp luật của Đảng Cộng sản - làm ví dụ. Những vụ tham nhũng của Chu Vĩnh Khang có sự tham gia của một số lượng lớn tay sai trong ngành dầu mỏ, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, cũng như các cơ quan pháp luật và tư pháp. Ngoài ra, tất cả con trai, anh em, cháu trai và họ hàng của ông ta đều ‘nhúng chàm’.

Năm 2012, cuộc điều tra tham nhũng đối với La Âm Quốc (Luo Yinguo), khi đó là Bí thư Thành ủy Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, được công khai. Vụ việc liên quan đến 303 quan chức cấp thành phố và các cấp dưới. La Âm Quốc bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ, cũng như sở hữu một số lượng lớn tài sản không giải trình được.

Năm 2014, tỉnh Sơn Tây đã chứng kiến ​​một biến động chưa từng có. Hơn 40 quan chức bị điều tra và bắt giữ. Họ bao gồm hai Phó Chủ tịch tỉnh, nhiều thành viên của tỉnh ủy, một vài Chủ tịch thành phố, và nhiều quan chức lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chính quyền cấp tỉnh khác.

Trong khi đó, tỉnh Giang Tô đã trải qua một loạt địa chấn chính trị từ sau năm 2012 khi các quan chức tham nhũng của tỉnh này bị phanh phui. Các quan chức bị lật đổ bao gồm 6 vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, chẳng hạn như Lý Vân Phong (Li Yunfeng) - Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tô, Quý Kiến Nghiệp (Ji Jianye) - Chủ tịch thành phố Nam Kinh và Dương Vệ Trạch (Yang Weize) - Bí thư Thành ủy Nam Kinh.

Đọc tiếp: Chương II - Phần 2: Đại gia tộc Giang Trạch Dân - Thiên hạ đệ nhất tham nhũng

[1] Bài đăng trên Tianya Club - một diễn đàn trực tuyến nổi tiếng ở Trung Quốc. Thirty-nine seals are needed to set up a company in Shenzhen (Cần đến 39 con dấu để thành lập một công ty ở Thâm Quyến). http://bbs.tianya.cn/post-funinfo-2030642-1.shtml



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | II -1: Thời kỳ thuận lợi cho đại tham nhũng hoành hành ở Trung Quốc