Tà ác vô độ | II - 2: Đại gia tộc Giang Trạch Dân - Thiên hạ đệ nhất tham nhũng

Giúp NTDVN sửa lỗi

​Dòng họ Giang Trạch Dân có rất nhiều đại phú ông, đại phú bà mà hầu hết trong số đó đều giàu lên một cách bất chính và có quan hệ chặt chẽ với những vị trí quyền lực chính trị đỉnh cao ở Trung Quốc. Đây là nhóm sở hữu lượng tài sản kếch xù, vượt xa bất kỳ tỷ phú nào tại Trung Quốc.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương II: Nạn hồng thủy tham nhũng thời Giang Trạch Dân

Phần 2: Đại gia tộc Giang Trạch Dân - Thiên hạ đệ nhất tham nhũng

China Affairs, một trang web tiếng Trung ở hải ngoại, khẳng định rằng Giang Trạch Dân có một tài khoản ngân hàng bí mật ở Thụy Sĩ, trong đó có ít nhất 350 triệu USD. Ở Bali của Indonesia, Giang Trạch Dân đã mua một khu dinh thự vào đầu năm 1990 với giá trị thị trường vào lúc đó là 10 triệu USD. Việc mua bán do cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền (Tang Jiaxuan) sắp xếp [2].

Giang Miên Hằng - con trai cả của Giang Trạch Dân

Vào những năm 1980, Giang Trạch Dân đã gửi con trai cả Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng) sang Mỹ du học. Năm 1992, khi Giang Trạch Dân trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính phủ và quân đội, ông ta đã điều con trai về nước. Tháng 01/1993, Giang Miên Hằng bắt đầu làm việc tại Viện Nghiên cứu Luyện kim Thượng Hải và leo lên vị trí Giám đốc chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi. Khi quyền lực của Giang Trạch Dân vững chắc hơn, Giang Miên Hằng quyết định bước chân vào thương trường.

Năm 1994, Giang Miên Hằng đã trả một khoản tiền danh nghĩa để mua Công ty Đầu tư Liên hợp Thượng Hải (SUIC), một công ty thuộc sở hữu của chính quyền trị giá 100 triệu nhân dân tệ (CNY), và khởi đầu sự nghiệp với tư cách là “ông hoàng viễn thông”. Mặc dù Phó giám đốc Ủy ban Kinh tế Thượng Hải đã rất nỗ lực trong việc lập kế hoạch và thành lập SUIC, chỉ 3 tháng sau khi SUIC đi vào hoạt động, vị Phó giám đốc này bất ngờ bị sa thải trong khi Giang Miên Hằng ngay lập tức được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Vào thời điểm đó, không ai ở SUIC biết Giang Miên Hằng là ai.

Mặc dù bề ngoài là một doanh nghiệp nhà nước, SUIC thực ra là tài sản cá nhân của Giang Miên Hằng. Vì là con trai của Giang Trạch Dân nên Giang Miên Hằng kinh doanh hái ra tiền. Vào thời điểm đó, Giang Miên Hằng thường xuyên được các ông trùm kinh doanh ở Trung Quốc và hải ngoại đến thăm. Trong vòng vài năm, Giang Miên Hằng đã lập nên đế chế viễn thông cho riêng mình. Năm 2001, SUIC có hơn 10 công ty trực thuộc bao gồm Mạng thông tin Thượng Hải (Shanghai Information Network), Mạng cáp Thượng Hải (Shanghai Cable Network) và China Netcom. Phạm vi kinh doanh bao phủ các lĩnh vực: truyền hình cáp, xuất bản điện tử, sản xuất CD và thương mại điện tử.

Giang Miên Hằng nổi tiếng trong giới kinh doanh Thượng Hải vì là thành viên trong Hội đồng quản trị của nhiều công ty thuộc một số lĩnh vực kinh tế quan trọng của thành phố. Ông ta thậm chí còn tham gia kinh doanh hệ thống đường hầm và tàu điện ngầm của Thượng Hải. Có một câu chuyện kể rằng khi một doanh nhân đáp chuyến bay của Hãng hàng không Thượng Hải, anh ấy tình cờ nhận ra Giang Miên Hằng trên một bức ảnh của tạp chí du lịch - bức ảnh chụp các thành viên Hội đồng quản trị của Hãng hàng không Thượng Hải. Giang Miên Hằng được biết đến là Ông hoàng viễn thông của Trung Quốc và Người anh cả của Thượng Hải.

Trước khi Giang Trạch Dân từ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Hoàng Cúc (Huang Ju)- thân tín của họ Giang và sau này là Bí thư Thành ủy Thượng Hải - đã khởi động dự án xây dựng hai dinh thự cho Giang Trạch Dân trong thành phố. Khi Giang Miên Hằng quyết định phát triển đế chế viễn thông và lấy Thượng Hải làm cơ sở, Hoàng Cúc đã bật đèn xanh cho Giang Miên Hằng từ lúc nộp đơn xin phê duyệt cho đến lúc nhận được các khoản vay ngân hàng.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn chưa đủ để khiến Giang Miên Hằng thỏa mãn. Ở Trung Quốc, một doanh nhân khó có thể bảo vệ sự giàu có của mình trừ khi anh ta nắm giữ vị trí trong chính quyền. Tháng 12/1999, mọi người đã rất ngạc nhiên khi thấy tên của Giang Miên Hằng xuất hiện trong danh sách những người được bổ nhiệm do Quốc vụ viện công bố. Ngoài ra, bằng cách nào đó, Giang Miên Hằng cũng được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc - “viện nghiên cứu khoa học uy tín nhất Trung Quốc, mặc dù Giang Miên Hằng hầu như không có bất kỳ thành tích học tập nghiên cứu nào [3]”.

Tại Diễn đàn Toàn cầu Fortune năm 2001 ở Hong Kong, Giang Trạch Dân đã giới thiệu Giang Miên Hằng với những người nổi tiếng thế giới và các tài phiệt thuộc các tập đoàn đa quốc gia nhằm mục đích mở rộng mạng lưới đế chế của con trai ông ta. Tháng 07/2001, ngay sau khi Bắc Kinh thành công nhận đăng cai Thế vận hội Olympic 2008, Giang Miên Hằng đã ký những đơn hàng lớn với các tập đoàn trong mạng lưới quen biết. Giang Miên Hằng trở thành đại diện cao nhất cho sự ‘hợp tác’ giữa doanh nghiệp và chính quyền.

China Telecom là công ty độc quyền của nhà nước Trung Quốc, cung cấp dịch vụ Internet và điện thoại cố định tại quốc gia tỷ dân. Năm 2002, Giang Trạch Dân đã ra lệnh tách China Telecom thành hai: China Netcom và China Telecom (mới và nhỏ hơn). China Netcom lấy toàn bộ tài sản và dịch vụ của China Telecom cũ ở 10 tỉnh phía bắc và đặt dưới sự kiểm soát của Giang Miên Hằng.

Năm 2000, báo chí Trung Quốc từng đưa tin về một liên doanh mới: Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Hongli Thượng Hải, do Giang Miên Hằng và Vương Văn Dương (Winston Wong) đứng đầu. Vương Văn Dương là con trai của ông trùm kinh doanh người Đài Loan Vương Vĩnh Khánh (Wang Yung-ching). Công ty Hongli Thượng Hải được xây dựng tại quận Phố Đông ở Thượng Hải, với tổng vốn đầu tư là 6,4 tỷ USD. Ba năm sau, Shanghai Hongli bắt đầu đi vào hoạt động.

Vào thời điểm đó, Vương Văn Dương thực sự không có bất kỳ tài sản nào của riêng mình; tiền của Vương Văn Dương đến từ người cha tỷ phú Vương Vĩnh Khánh. Vương Văn Dương từng nói với giới truyền thông rằng khoản đầu tư vào Hongli Thượng Hải không phải của ông ấy, mà là của Giang Miên Hằng - người chủ thực sự. Tất nhiên, tiền của Giang Miên Hằng cũng không phải từ bản thân ông ta, mà là từ quốc khố Trung Quốc.

Chu Chính Nghị (Zhou Zhengyi), được biết đến là người giàu nhất Thượng Hải, đã bị điều tra vào tháng 05/2003. Các hành vi phạm tội của ông ta gồm trốn thuế, thao túng thị trường chứng khoán và cho vay bất hợp pháp, qua đó dẫn đến việc sa thải Lưu Kim Bảo (Liu Jinbao) - khi đó là Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Hong Kong. Vụ việc này được gọi là “vụ gian lận tài chính lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [4]”. Các phát hiện từ cuộc điều tra đã hướng đến Giang Miên Hằng. Khi Hongli Thượng Hải mới được thành lập, chính Lưu Kim Bảo là người phê duyệt khoản vay trị giá hàng tỷ USD cho Hongli Thượng Hải, vi phạm nghiêm trọng quy định của ngân hàng.

Theo truyền thông Hong Kong, một cuộc điều tra về hành vi chiếm đoạt đất đai của Chu Chính Nghị cho thấy vụ việc có liên quan đến cả 2 con trai của Giang Trạch Dân. Giang Miên Hằng được cho là đã cướp một mảnh đất ở quận Phổ Đà ở Thượng Hải tương tự theo cách mà Chu Chính Nghị chiếm đất ở quận Tĩnh An lân cận. Hành động chiếm đất của Chu Chính Nghị và của Giang Miên Hằng đều đã được chính quyền địa phương chấp thuận.

Trung tâm Thông tin Nhân quyền và Dân chủ Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong từng báo cáo rằng Giang Miên Hằng cũng có liên quan tới vụ hối lộ của Chu Chính Nghị. Giới chức Trung Quốc nắm giữ trong tay một đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Giang Miên Hằng và Chu Chính Nghị. Vào ngày 26/05/2003, hai người họ đã gặp nhau tại một quán karaoke. Tại buổi gặp, Giang Miên Hằng đã tiết lộ bí mật quốc gia, bao gồm cả thông tin nội bộ về trường hợp của Lưu Kim Bảo - cựu Chủ tịch chi nhánh Hong Kong của Ngân hàng Trung Quốc. Vào thời điểm đó, vì giới chức Trung Quốc đang điều tra vụ hối lộ của Chu Chính Nghị nên họ đã nghe trộm điện thoại di động của ông ta. Cảnh sát do vậy cũng nghe lén được cuộc nói chuyện tại quán karaoke. Khi Giang Miên Hằng rời quán, cảnh sát đã lập tức tới bắt Chu Chính Nghị và giao băng ghi âm cho cơ quan chức năng cấp cao hơn.

Giang Miên Khang - con trai thứ của Giang Trạch Dân

Vụ bê bối hối lộ của Siemens lần đầu tiên bị phanh phui vào năm 2006. Giữa những năm 1990 và 2007, một số công ty con của Siemens bị nghi ngờ đã ‘lại quả’ hoặc sử dụng các hình thức hối lộ khác để thắng thầu dự án. Theo tạp chí Wirtschaftswoche của Đức, khoảng 90% hoạt động kinh doanh của Siemens tại Trung Quốc là thông qua bên thứ ba, có nghĩa là một số người thuộc chính quyền hoặc thuộc một gia đình chính trị quyền lực nào đó đã tác động đến các thương vụ kinh doanh này. Khoảng một nửa hoạt động của Siemens tại Trung Quốc có liên quan đến hối lộ.

Các nhà điều tra phát hiện ra rằng Giang Miên Khang (Jiang Miankang) - con trai ruột của Giang Trạch Dân, người từng làm việc cho Siemens - là một phần của vụ bê bối. Siemens có thể thắng thầu dự án tàu điện ngầm ở Thượng Hải là nhờ sự giúp đỡ của Giang Miên Khang. Sau khi thương vụ đó kết thúc, hơn 90% hoạt động kinh doanh của Siemens tại Trung Quốc được xử lý thông qua người trung gian Giang Miên Khang này. Tuy nhiên, Giang Miên Khang không bao giờ đề cập đến kinh nghiệm làm việc tại Siemens trong lý lịch của ông ta.

Vào thời điểm đó, trước áp lực từ tòa án Mỹ và Đức, Siemens đã cung cấp cho chính quyền Trung Quốc danh sách những người đã nhận hối lộ. Vì những cái tên trong danh sách quá nhạy cảm, Lý Trường Xuân (Li Changchun) - Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ - đã đích thân ra lệnh cho các nhà điều tra không được tiết lộ danh sách.

Giang Miên Khang vốn là một kỹ thuật viên vô tuyến điện; vậy mà trước khi nghỉ hưu, Giang Trạch Dân đã sắp xếp cho Giang Miên Khang vào quân đội. Dù không có đóng góp hay thành tích xuất sắc nào, Giang Miên Khang vẫn được thăng cấp lên hàm Thiếu tướng và giữ chức vụ Cục trưởng trực thuộc Tổng cục Chính trị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Từ Tài Hậu (Xu Caihou), khi đó là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, là bạn của Giang Trạch Dân trong quân đội. Chính Từ Tài Hậu là người đã bật đèn xanh cho việc thăng chức của Giang Miên Khang trong quân đội. Từ Tài Hậu sau này là sĩ quan cấp cao nhất trong lịch sử PLA bị điều tra về tội tham nhũng. Sau khi Từ Tài Hậu bị cách chức, nhiều Trung tướng và Thiếu tướng trong PLA cũng bị điều tra.

Trong vụ bê bối lương hưu ở Thượng Hải năm 2006, cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ (Chen Liangyu) cùng với 20 quan chức khác bị phát hiện là liên can và bị cách chức. Tháng 08/2011, WikiLeaks công bố một bức điện được gửi vào tháng 12/2006 từ Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thượng Hải đến Washington, tiết lộ rằng con trai và con gái của một số lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ cũng có liên quan đến vụ việc trên, bao gồm cả con trai lớn của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng và con trai thứ Giang Miên Khang.

Vụ án tham nhũng của Chu Chính Nghị, ông trùm bất động sản và từng là “người giàu nhất Thượng Hải”, được biết đến là “vụ gian lận tài chính lớn nhất” kể từ năm 1949 [5]. Tháng 11/2007, Chu Chính Nghị bị kết án 16 năm tù về tội hối lộ và 4 tội danh khác.

Tại thời điểm đó, truyền thông Hong Kong khẳng định rằng con trai cả của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng có liên quan đến vụ án Chu Chính Nghị. Ông Trịnh Ân Sủng (Zheng Enchong), luật sư nhân quyền tại Thượng Hải, nói rằng Giang Miên Khang cũng tham gia vào vụ việc. Khoảng trên 20 báo cáo và khiếu nại, bao gồm thông tin do một số quan chức thành phố Thượng Hải cung cấp, đã đề cập đến hai con trai của Giang Trạch Dân.

Theo luật sư Trịnh Ân Sủng, chính quyền Thượng Hải đã thỏa thuận với Chu Chính Nghị, qua đó cho phép ông ta thuê 8 mảnh đất ở quận Tĩnh An (Thượng Hải) - khu vực buôn bán sầm uất - mà không cần trả tiền. Trên thực tế, Giang Miên Hằng lấy 1 trong số 8 mảnh đất đó dưới tên Công ty Đầu tư Liên hợp Thượng Hải (SUIC), trong khi Giang Miên Khang lấy một mảnh khác dưới tên Ủy ban Xây dựng Chính quyền Thành phố Thượng Hải.

Luật sư Trịnh tin rằng Chu Chính Nghị thực ra là máy rút tiền của Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang. Chu Chính Nghị được gia đình họ Giang sử dụng như người đứng ra thu tiền từ vô số doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của gia tộc này.

Giang Chí Thành - cháu trai của Giang Trạch Dân

Giang Chí Thành (còn được biết đến với tên Alvin Jiang) là con trai của Giang Miên Hằng, cháu trai của Giang Trạch Dân. Tốt nghiệp Đại học Harvard, Giang Chí Thành từng làm việc tại Goldman Sachs, sau đó đã ngồi vào Hội đồng quản trị của công ty đầu tư Boyu Capital. Boyu thu hút sự chú ý của giới công nghiệp và truyền thông khi kiếm được hàng trăm triệu USD nhờ đầu tư vào Cinda International Holdings Limited và cửa hàng Sunrise Duty Free tại sân bay Thượng Hải và Bắc Kinh. Tin đồn về những thành công trong hoạt động kinh doanh của Giang Chí Thành là nhờ vào mối quan hệ của gia tộc họ Giang đã nhanh chóng lan rộng.

Tháng 09/2010, khi Boyu Capital được thành lập tại Hong Kong, Giang Chí Thành có tên trong Danh sách Hội đồng Quản trị đầu tiên được nộp cho cơ quan đăng ký vào thời điểm thành lập. Sau đó công ty đổi tên thành Boyu Investment Advisory Co., Ltd.. Các nhà đầu tư gồm có Temasek - Quỹ đầu tư quốc gia Singapore và Quỹ đầu tư của ông trùm kinh doanh Hong Kong Lý Gia Thành (Li Ka-shing). Trong vòng một năm rưỡi sau khi được thành lập, Boyu đã thắng lớn nhờ thực hiện 2 trong số những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đáng chú ý nhất ở Trung quốc, bao gồm IPO của Alibaba và IPO của Cinda International Holdings Limited. Không một công ty đầu tư Trung Quốc nào khác có thể thực hiện được 2 thương vụ kinh doanh siêu hạng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Đầu năm 2011, Boyu Capital đã mua lại các cửa hàng Sunrise Duty Free ở Sân bay Quốc tế Thượng Hải và Bắc Kinh. Sự kiện này khiến nhiều người ngạc nhiên. Ngay cả doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng khó có thể mua lại các cửa hàng miễn thuế làm ăn phát đạt này. Qua đó có thể thấy, cháu trai của Giang Trạch Dân có thể tiếp cận với khu vực nhà nước được kiểm soát chặt chẽ.

Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp chỉ ra việc Giang Trạch Dân sử dụng quyền lực và ảnh hưởng cá nhân để giúp Boyu giành được các thỏa thuận làm ăn, nhưng thực tế là ĐCSTQ có quyền kiểm soát đối với nền kinh tế Trung Quốc, qua đó tạo điều kiện cho “các ông vua con” thu về khối tài sản khổng lồ. Vì các phương tiện truyền thông Trung Quốc luôn bị kiểm duyệt gắt gao và không thể đưa tin về các hành vi trái đạo đức của giới chức trách, nên “các ông vua con” luôn có thể tận dụng địa vị và mối quan hệ của họ để kiếm gia tài bạc tỷ.

Các thành viên khác trong gia tộc của Giang Trạch Dân

Giang Thượng Thanh (Jiang Shangqing) - chú của Giang Trạch Dân, người mà họ Giang nhận là bố nuôi - có hai con gái: Giang Trạch Huệ (Jiang Zehui) và Giang Trạch Linh (Jiang Zeling). Giang Trạch Huệ vốn chỉ là một giảng viên bình thường tại Đại học Nông nghiệp An Huy. Khi Giang Trạch Dân leo lên vị trí cao nhất, ông ta đã liên tiếp đề bạt Giang Trạch Huệ, đầu tiên là vị trí Viện trưởng Viện Lâm học thuộc Đại học Nông nghiệp An Huy, tiếp theo là Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp An Huy và cuối cùng là Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Trung Quốc.

Ngô Chí Minh (Wu Zhiming) thuộc dòng họ xa bên mẹ của Giang Trạch Dân. Trước khi Giang Trạch Dân trở thành nhân vật chính trị tầm cỡ, Ngô Chí Minh từng làm công nhân ngành đường sắt trong 18 năm. Khi Giang Trạch Dân trở thành Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Ngô Chí Minh gia nhập Đảng Cộng sản và thăng tiến ngoạn mục qua các cấp bậc: Ủy viên Thường vụ Thành ủy Thượng Hải, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Công an Thượng Hải và cuối cùng là Chính ủy thứ nhất của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Thượng Hải.

Thai Triển (Tai Zhan) là con trai của Giang Trạch Linh, cháu trai của Giang Trạch Dân. Người này đã mắc nhiều sai lầm khi đầu cơ bất động sản và phải gánh khoản nợ 11,5 triệu CNY (1,7 triệu USD). Các chủ nợ đã kiện Thai Triển ra tòa. Tòa án thậm chí còn phát hiện Thai Triển làm giả con dấu trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Nhưng vì Thai Triển là cháu trai của Giang Trạch Dân nên tòa phải chịu áp lực rất lớn và đã phải bác bỏ các cáo buộc. Cụ thể, tháng 03/2000, tòa đã thông báo tạm dừng việc điều tra và xét xử vụ án. Thai Triển cuối cùng không phải chịu bất kỳ hình phạt nào và các chủ nợ không nhận được bất kỳ bồi thường nào.

Trong hơn một thập kỷ, Thai Triển đã nhúng tay vào đầu tư bất động sản, thị trường chứng khoán và ngành giải trí. Ông ta từng đảm nhận các chức vụ Tổng Giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị của nhiều công ty giải trí khác nhau. Thai Triển cũng lợi dụng danh tính là cháu trai của Giang Trạch Dân để vay hàng triệu USD từ Norinco, nhà sản xuất súng và đạn dược cho lực lượng quân đội Trung Quốc, để kinh doanh cổ phiếu. Ngày 06/02/2012, Phó Chủ tịch thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân (Wang Lijun) đã đào thoát đến lãnh sự quán Mỹ và gây ra một cơn địa chấn chính trị. Thai Triển sau đó đã được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch thành phố Trùng Khánh, một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Giang Trạch Dân vẫn hiện diện mạnh mẽ ở Trùng Khánh.

Tháng 01/2003, Giang Trạch Dân đã ‘cài cắm’ một người cháu khác, Hạ Đức Nhân (Xia Deren), ở tỉnh Liêu Ninh. Hạ Đức Nhân từng có ghế ngồi trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Liêu Ninh, từng là Phó Bí thư Thành ủy Đại Liên và Chủ tịch thành phố Đại Liên. Kể từ đó, Đại Liên trở thành sân sau của Giang Trạch Dân. Bạc Hy Lai (Bo Xilai) và Hạ Đức Nhân đã thi hành nhiều chính sách tàn ác để đàn áp các học viên Pháp Luân Công theo chỉ đạo của Giang Trạch Dân. Đại Liên vì thế mà trở thành một trong những khu vực mà cuộc bức hại diễn ra tồi tệ nhất. Trong suốt chuyến thăm Mỹ năm 2002, Hạ Đức Nhân đã bị kiện với cáo buộc thực hiện tra tấn và tội ác chống lại loài người. Năm 2004, một Tòa án Quận của California đã kết luận Hạ Đức Nhân có tội với các cáo buộc kể trên.

Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) tự nhận là cháu vợ Giang Trạch Dân và thường khoe khoang là "thân tín của Chủ tịch Giang". Theo lời kể của những người thân cận với Chu Vĩnh Khang, ông ta thường sống trong khách sạn và bí mật trả tiền cho gái mại dâm. Họ Chu đã nhiều lần tấn công tình dục các nữ nhân viên khách sạn. Chu Vĩnh Khang cũng là người đi đầu trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông ta sau đó được bầu làm Bộ trưởng Bộ Công an. Năm 2007, trong Đại hội 17 của ĐCSTQ, Giang Trạch Dân đã thăng chức cho Chu Vĩnh Khang lên làm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương (2007–2012) và làm Ủy viên ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Sau khi quyền lực và ảnh hưởng của Giang Trạch Dân suy yếu, Chu Vĩnh Khang đã phải trả giá cho tội ác mà ông ta gây ra. Cuối năm 2013, họ Chu bị điều tra với cáo buộc lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Đây là lần đầu tiên một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị bị điều tra về tội tham nhũng. Lần này, Giang Trạch Dân không thể cứu ông ta. Dưới áp lực của Tập Cận Bình (Xi Jinping), Giang Trạch Dân cuối cùng đã quay lưng lại với Chu Vĩnh Khang và hỗ trợ cuộc điều tra. Năm 2015, Chu Vĩnh Khang bị kết tội hối lộ và lạm dụng quyền lực; ông ta đang thụ án tù chung thân.

Đọc tiếp: Chương II - Phần 3: Hối lộ, chủ nghĩa thân hữu và tham ô

[2] Zhang, Dun. (2014, ngày 08 tháng 05) Jiang Zemin’s Overseas Secret Account of Astronomical Figure Could be Exposed (Tài khoản bí mật ở nước ngoài của Giang Trạch Dân). Epoch Times. http://www.epochtimes.com/gb/14/5/8/n4149898.htm

[3] Ong, Larry. (2016, ngày 09 tháng 06) Son of Former Chinese Leader Jiang Zemin Said to Be Under House Arrest (Con trai của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân được cho là bị quản thúc tại gia). The Epoch Times. https://www.theepochtimes.com/son-of-former-chinese-leader-jiang-zemin-said-to-be-under-house-arrest_2087988.html

[4] Guo, Hui. (2015, ngày 15 tháng 01) Jiang Mianheng’s Kingdom of Corruption (Đế chế tham nhũng của Giang Miên Hằng). Epoch Times. http://www.epochtimes.com/gb/15/1/14/n4341826.htm

[5] Ji, Shuoming & Jiang, Xun. (2003, ngày 15 tháng 06) A Case inside a case of financial fraud hit hard on Zhongnanhai Politics (Một vụ án bên trong vụ gian lận tài chính đã tác động nặng nề đến Chính trường Trung Nam Hải). Asianweek. http://www.yzzk.com/cfm/content_archive.cfm?id=1368774193631&docissue=2003-24



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | II - 2: Đại gia tộc Giang Trạch Dân - Thiên hạ đệ nhất tham nhũng