Tài liệu Pháp Luân Công bị phá hoại tại nhiều địa điểm ở Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Luật an ninh quốc gia hà khắc của ĐCSTQ chấm dứt một Hong Kong tự do và phơi bày nỗi sợ hãi lớn nhất của ĐCSTQ đó là: ý nguyện tự do và tư duy tự do của người dân”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo viết trên Twitter.

Tại Hong Kong, gần đây, nhiều hình thức cung cấp thông tin về Pháp Luân Công bao gồm biểu ngữ, cờ và bảng thông tin đã bị những kẻ phá hoại tẩy xóa bằng sơn hoặc mực. Người dân qua đường chứng kiến sự phá hoại này đã cố gắng ngăn chặn kẻ phá hoại và gọi cho cảnh sát.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện Phật gia dựa trên nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn.

Vào ngày 20/7/1999, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công, vì lo sợ rằng số lượng học viên Pháp Luân Công - khoảng 100 triệu người vào thời điểm đó, theo ước tính của chính phủ Trung Quốc - vượt qua số lượng đảng viên ĐCSTQ là mối đe dọa đối với sự cai trị của mình. Bộ máy bức hại Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân vẫn tồn tại và tiếp tục thực hiện cuộc đàn áp cho đến ngày nay. Kể từ đó đến nay, mọi thông tin về Pháp Luân Công đều bị ĐCSTQ ở đại lục chặn và bóp méo.

Người đàn ông phỉ báng Pháp Luân Công nhắc đến Luật An ninh Quốc gia

Bà Shi là một học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong. Cách đây 5 năm, sau khi nghỉ hưu, bà đã chuyển đến quận Mong Kok để tham gia vào các hoạt động vạch trần cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công trên phố Soy, một địa điểm du lịch tại Hong Kong.

Sáng 21/8, như thường lệ, bà Shi đến địa điểm du lịch này. Sau khi quay trở lại từ nhà vệ sinh, bà thấy các biểu ngữ và cờ bị bôi mực đen.

Vào ngày hôm sau, khi bà đang phát những tờ báo có tin tức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một người đàn ông đã xịt mực lên các biểu ngữ rồi bỏ chạy.

Vào ngày 24/8, người đàn ông hôm trước lại đến phun mực rồi bỏ chạy. Bà Shi đã chạy sau kẻ này và hô lớn "Giúp tôi bắt anh ta lại". Hai nam thanh niên ở gần khu vực đã chạy tới và ngăn được kẻ phá hoại, đồng thời giúp gọi điện báo cảnh sát.

Theo bà Shi, kẻ phá hoại là một người đàn ông đội mũ lưỡi trai và đeo khẩu trang. Kẻ này khoảng 50 tuổi, gầy và da rám nắng, tóc tai bù xù và quần áo xộc xệch.

Người đàn ông đe dọa bà Shi, nói rằng: “Luật an ninh quốc gia đã được ban hành, vậy mà bà dám trưng bày [tài liệu Pháp Luân Công] này? Được rồi, tôi cũng muốn cảnh sát đến… đợi cảnh sát đến… xem cảnh sát sẽ bắt ai, bà hay tôi?”

Luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt tại Hong Kong chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7. Luật này cho phép ĐCSTQ toàn quyền trừng phạt bất kỳ hành vi nào mà chế độ này cho là hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với lực lượng nước ngoài. Hình phạt cao nhất cho các tội danh này là tù chung thân. Một cơ quan an ninh dưới sự kiểm soát trực tiếp của ĐCSTQ đã được thành lập ở Hong Kong để thực thi luật này.

Kẻ phá hoại bị buộc tội hình sự

Khi cảnh sát đến nơi, một số sĩ quan là nam đã thẩm vấn kẻ phá hoại tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và một nữ cảnh sát yêu cầu bà Shi mô tả các thiệt hại.

Bà Shi và một nữ học viên Pháp Luân Công khác đã đến đồn cảnh sát Mong Kok để báo cáo sự việc. Tại đồn cảnh sát, nhân viên cảnh sát hỏi hai học viên Pháp Luân Công rằng họ muốn buộc tội kẻ phá hoại hay yêu cầu kẻ này trả tiền bồi thường thiệt hại rồi thả anh ta. Bà Shi trả lời: "Tất nhiên chúng tôi phải buộc tội anh ta rồi". Cảnh sát cho biết họ sẽ kết luận anh ta vi phạm tội phá hoại.

Ngày hôm sau, hơn một chục người đến địa điểm du lịch trên đường Soy, nơi có trưng bày thông tin về Pháp Luân Công, chửi bới các học viên tại đó.

Trong vài ngày, nhiều địa điểm tại Hong Kong trưng bày thông tin về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công đã bị những kẻ không rõ danh tính phá hoại. Một địa điểm ở trên phố Argyle ở Mong Kok cũng đã bị phá hoại nhiều lần bằng cách bôi mực lên các tài liệu thông tin. Các học viên Pháp Luân Công đã bảo vệ các biểu ngữ bằng cách gói chúng trong túi nhựa trong. Các khẩu hiệu trưng bày ở Causeway Bay cũng đã bị phá bỏ.

Hong Kong đã được cam kết là có mức độ tự trị cao khi Vương Quốc Anh chuyển giao việc cai trị đặc khu này cho Trung Quốc vào năm 1997, trong đó ĐCSTQ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và các quyền tự do khác vốn không tồn tại ở Trung Quốc đại lục. Các học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong vốn tự do tổ chức các hoạt động công cộng, tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã bị các nhóm thân Bắc Kinh sách nhiễu và phá hoại.

Với việc ĐCSTQ ban hành luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, các học viên Pháp Luân Công tại đặc khu hành chính này bày tỏ quan ngại rằng luật này có thể đe dọa tự do tôn giáo trong lãnh thổ của đặc khu.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ (American thought leaders) của The Epoch Times, nhà hoạt động nhân quyền và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Hong Kong Watch có trụ sở tại Vương quốc Anh - ông Benedict Rogers nói rằng luật an ninh mới mà Bắc Kinh áp đặt tại Hong Kong đã phá hủy tự do tín ngưỡng của thành phố này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo viết trên Twitter: “Luật an ninh quốc gia hà khắc của ĐCSTQ chấm dứt một Hong Kong tự do và phơi bày nỗi sợ hãi lớn nhất của ĐCSTQ đó là: ý nguyện tự do và tư duy tự do của người dân”.

Vào ngày 2/7, Thượng viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Đạo luật về quyền tự trị của Hong Kong, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ liên quan đến việc đe dọa và làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong, cũng như các ngân hàng và công ty có giao thương với các quan chức này. Trước đó, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc lưỡng đảng đã cùng đưa ra Đạo luật Trú ẩn An toàn của Hong Kong. Đạo luật này sẽ cung cấp quyền tị nạn cho những người dân Hong Kong chạy trốn khỏi cuộc đàn áp chính trị.

Từ bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc

Theo báo cáo, Pháp Luân Công hiện đã được phổ truyền ở hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Nhiều giải thưởng cũng như thư ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đã được trao cho môn tu luyện cả tâm lẫn thân này và người sáng lập ra môn này.

Nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13/5/2020, các học viên Pháp Luân Công đã nhận được thư từ hơn 200 chính trị gia ở Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc, Hong Kong, Đài Loan và những nơi khác trên thế giới chúc mừng Pháp Luân Công phổ truyền rộng rãi trên thế giới.

Vào tháng Bảy, hơn 600 nhà lập pháp bao gồm đương nhiệm và đã về hưu từ 30 quốc gia đã ký vào một tuyên bố chung kêu gọi ĐCSTQ ngay lập tức dừng cuộc bức hại có hệ thống và tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công.

Bà Shi cho biết bà cảm thấy tiếc cho những người có quan điểm ủng hộ ĐCSTQ. Bà nói: “ĐCSTQ không đại diện cho Trung Quốc. ĐCSTQ đã làm quá nhiều điều tồi tệ. Chỉ bằng cách tránh xa ĐCSTQ, chúng ta mới có thể đảm bảo hòa bình”.

Bà Shi 70 tuổi và đã tập Pháp Luân Công được 23 năm. Tại đường phố ở Hong Kong trưng bày thông tin về Pháp Luân Công, bà thường giải thích cho mọi người cách tập luyện giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, đồng thời giúp họ nâng cao nhận thức về chiến dịch bức hại của ĐCSTQ.

Bà Shi nói rằng nhiều người dân Hong Kong là người nhập cư từ Trung Quốc đại lục, đã đến các địa điểm trưng bày thông tin về Pháp Luân Công để tuyên bố rằng họ thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Phong trào từ bỏ hoặc thoái xuất khỏi ĐCSTQ, được gọi là “Tuidang” trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là thoái đảng, bắt đầu từ cuối năm 2004. Theo trang web Epochtimes.com bằng tiếng Trung thống kê những người Trung Quốc thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, tính đến này có hơn 360 triệu người Trung Quốc đăng ký trên trang web này và tuyên bố thoái xuất.

Lý Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tài liệu Pháp Luân Công bị phá hoại tại nhiều địa điểm ở Hong Kong