Tại sao cuộc đàn áp Pháp Luân Công là thảm họa nhân quyền lớn nhất của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Vấn đề nhân quyền lớn nhất ở Trung Quốc là vấn đề Pháp Luân Công". Các luật sư nhân quyền tại Trung Quốc đại lục là Tạ Yến Ích (Xie Yanyi) và Tạ Dương (Xie Yang) đã viết trong một bức thư gửi công khai tới Liên minh Châu Âu. Trong đó nói rằng: "Phạm vi và hậu quả của cuộc đàn áp này có thể nói là thảm họa nhân đạo lớn nhất trong lịch sử loài người kể từ khi Thế chiến II kết thúc cho đến nay…”.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), “rõ ràng là hành vi sai trái nghiêm trọng, là một tai hoạ lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian kéo dài, hệ lụy đến không biết bao nhiêu người thiện lương vô tội, e là tội ác ngàn đời chưa từng có!”. Luật sư nhân quyền đại lục Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) - người từng bị ĐCSTQ kết tội phi pháp 4 năm đã cảm khái như trên.

Tại sao 3 vị luật sư đại lục lại nói như vậy? Tại sao cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ là thảm họa nhân quyền lớn nhất ở Trung Quốc?

Trong đại dịch, nhiều người chết trong các nhà tù, trại giam và đồn cảnh sát

Ngày 18/6/2020 ở quận Phong Nhuận (Fengrun), thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, chính quyền đã phái một lượng lớn cảnh sát đến bắt cóc hơn 30 học viên Pháp Luân Công. Ngày hôm đó, bà Hàn Ngọc Cần (Han Yuqin), một học viên Pháp Luân Công 68 tuổi, bị buộc phải ngồi trên “ghế sắt" tại Sở cảnh sát đường Đoan Minh (Duanming). Bà bị tra tấn đến chết vào chiều hôm đó.

Ảnh ghế sắt. (The Epoch Times)

Ngày 23/2/2020, tại thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh. Học viên Pháp Luân Công Vu Vĩnh Mãn (Yu Yongman) bị tra tấn và qua đời trong Trại giam thành phố Liêu Dương. Bác sĩ pháp y phát hiện ra rằng ông Vu bị gãy xương sườn và phổi bị rách. Trại giam gọi là "bệnh đột phát".

Chỉ 3 tháng sau khi bị bắt cóc, học viên Pháp Luân Công Vu Vĩnh Mãn đã chết một cách kỳ lạ tại Nhà tù thành phố Liêu Dương. (Minghui.org)

Vào ngày 31/1/2020, tại nhà tù nữ Cát Lâm, học viên Pháp Luân Công Tiêu Vĩnh Phần (Xiao Yongfen) đột ngột qua đời. Nhà tù nói rằng bà Tiêu bị ngã khi đang vệ sinh cá nhân, và chết vì cấp cứu không có tác dụng. Khi gia đình bà đến nơi, thi thể của bà Tiêu đã được hóa trang, nhưng không thể che được vết sưng đỏ trên gò má.

 

Bà Tiêu Vĩnh Phần bị kết án oan trong 7 năm và bị giam trong nhà tù nữ Cát Lâm. Bà bị bức hại và chết đột ngột vào tháng 1/2020. (Minghui.org)

Trên đây chỉ là một số ít các học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong nửa đầu năm 2020.

Theo thống kê từ trang web Minghui.org, trong nửa đầu năm nay, có 39 học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết, trong đó có 21 người trên 65 tuổi. Hơn nữa, 10 người già đã bị bức hại đến chết trong thời gian bị ĐCSTQ tống giam phi pháp.

Ngoài ra, ĐCSTQ đã kết án bất hợp pháp 132 học viên Pháp Luân Công trong nửa đầu năm nay, trong đó 24 người trên 65 tuổi.

Những màn tra tấn có hệ thống và nghiêm trọng nhất của ĐCSTQ

Hình vẽ một loại cực hình của ĐCSTQ: Áo cưỡng chế (Minghui.org)

“Áo cưỡng chế”: Dùng sợi dây đai rộng khoảng 3 cm trói 2 chân rồi trói 2 tay ngược ra đằng sau, siết chặt rồi kéo qua vai để tứ chi và thân trên cột thành một khối, treo cả ngày lẫn đêm và không nới lỏng dây. Theo nhân chứng kể lại, những người chịu cực hình này sẽ hít thở khó khăn; có người thì hai cánh tay lập tức tàn phế, những chỗ như vai, khuỷu tay, cổ tay gân đứt xương gãy; những người bị treo lâu thì xương lưng bị gãy hết.

Năm 2019, ở nhà tù Bảo An Chiểu (Baoanzhao) thuộc Nội Mông, học viên Pháp Luân Công Vương Tuấn (Wang Jun) đã bị tra tấn bằng “áo cưỡng chế" khi cơ thể anh đang cực kỳ yếu nhược do tuyệt thực kháng nghị bức hại.

Vào ngày 4/6/2003 tại Trại Lao động Thập Bát Lý Hà (Shibalihe) ở tỉnh Hà Nam, học viên Pháp Luân Công Quản Qua (Guan Ge) đã bị tra tấn đến chết bằng "áo cưỡng chế". Khi đó Quản Qua mới chỉ 33 tuổi. Chỉ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công và không từ bỏ niềm tin vào "Chân - Thiện - Nhẫn" mà khi còn sống bà Quản đã bị tước bằng học vị tiến sĩ.

Quản Qua bị tra tấn đến chết tại Trại lao động Thập Bát Lý Hà. (Minghui.org)

"Ngũ mã phanh thây": một loại cực hình kéo căng; trói tứ chi lại và kéo về 4 hướng khác nhau, càng kéo càng mạnh đến mức thân thể treo trên không trung; có lúc còn kèm theo các kiểu dày vò khác như đánh đập tàn nhẫn...

Từ ngày 28/7 đến ngày 28/8 năm 2005, ở nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm, bà Đinh Hiểu Hà (Ding Xiaoxia), một học viên Pháp Luân Công, đã phải chịu loại cực hình này: "Sau 11 ngày bị kéo căng, chân tay tôi bị thít chặt đến nỗi trầy da rách thịt. Ngay cả khi mỗi đêm được hạ xuống thì tôi cũng không thể ngủ được. Bốn sợi dây đó vẫn thít chặt như vậy, đau đớn không dứt. Nỗi đau không thể diễn tả được, vô cùng thê thảm! Thật đúng là ngũ mã phanh thây".

Một học viên ở thành phố Trường Xuân tên là Lý Tri Tú (Li Zhixiu) cũng bị tra tấn như vậy. Bà nhớ lại: "Cơ thể bị treo trên không trung và bị kéo rất căng, loại cực hình này khiến tôi chảy máu không ngừng và luôn hôn mê bất tỉnh".

Vào ngày 21/4/2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2017. Ông John Sullivan, Quyền Bộ trưởng Ngoại giao, tuyên bố rằng các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ tra tấn và bức hại một cách có hệ thống, nghiêm trọng hơn các nhóm bị bức hại khác rất nhiều.

Vào ngày 7/12/2013, trang Minghui.org đã xuất bản "Báo cáo điều tra về hành vi tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ". Thống kê cho thấy, trong 65% số người chết, 21% bị đánh đập tàn nhẫn đến chết, 11% bị bức thực đến chết, 10% tử vong do bị tiêm thuốc tâm thần hoặc thuốc độc, 2% bị tra tấn đến chết và 2% bị giết vì sốc điện... 26% số người chết vì các thủ đoạn tra tấn tổng hợp của ĐCSTQ.

Hình ảnh minh hoạ một số loại cực hình của ĐCSTQ. (Minghui.org)

Hơn một triệu ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ, thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công

Vào tháng 3/2006, bà Annie, một y tá từng làm việc tại Bệnh viện Huyết khối Tô Gia Đồn ở Thẩm Dương, đã làm chứng tại Washington, DC. Chồng cũ của bà, một bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Huyết khối Tô Gia Đồn, đã lấy giác mạc sống của khoảng 2.000 học viên Pháp Luân Công.

Bà Annie nói rằng có một tầng hầm ở Tô Gia Đồn. Năm 2002, khoảng 6.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong đó, đến năm 2006, không một ai sống sót trở ra.

Kể từ đó, cộng đồng quốc tế đã đưa ra nhiều báo cáo điều tra cáo buộc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm như các học viên Pháp Luân Công.

Vào ngày 22/6/2016, cuốn sách “Bloody Harvest/The Slaughter: An Update” (Tạm dịch: Thu Hoạch Đẫm Máu/Đại Tàn Sát - Bản Cập Nhật) đã được phát hành tại Washington, DC.

Ba đồng tác giả: cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương David Kilgour, phóng viên điều tra kỳ cựu của Hoa Kỳ Ethan Gutmann và luật sư nhân quyền Canada David Matas, nói rằng trong 15 năm qua ở Trung Quốc đại lục, ước tính có khoảng 1,5 triệu ca phẫu thuật ghép tạng đã được thực hiện. Nguồn nội tạng chính đến từ các học viên Pháp Luân Công.

Ông Matas tuyên bố rằng việc thu hoạch nội tạng người của ĐCSTQ là "một tội ác chưa từng có trên hành tinh này".

Vào tháng 6/2019, Tòa án Nhân dân Độc lập do Ngài Geoffrey Nice QC - Luật sư cao cấp của Hoàng gia Anh chủ trì và ra phán quyết, “hành vi cưỡng chế mổ cướp nội tạng đã được tiến hành ở Trung Quốc trong nhiều năm và quy mô rất lớn, các học viên Pháp Luân Công vẫn luôn là và có khả năng là nguồn cung cấp tạng chủ yếu nhất”.

Tòa án Nhân dân Độc lập cũng ước tính rằng ĐCSTQ thực hiện khoảng 60.000 đến 90.000 ca phẫu thuật nội tạng mỗi năm.

Pháp Luân Công là mục tiêu đầu tiên của cuộc tấn công và giám sát không gian mạng của ĐCSTQ

Năm 1999, vì e sợ số học viên Pháp Luân Công đông hơn số đảng viên Đảng Cộng sản trong nước, ĐCSTQ đã phát động một cuộc đàn áp, kiểm soát tất cả dư luận truyền thông, bôi nhọ và phỉ báng Pháp Luân Công. Chính quyền Trung Quốc lần lượt ‘bào chế’ ra vụ "1.400 cái chết" và "Vụ án tự thiêu giả Thiên An Môn" để duy trì cuộc bức hại. Cùng lúc đó, ĐCSTQ cũng phong tỏa Internet nghiêm ngặt, 3 từ "Pháp Luân Công" (法轮功) từ đó tới giờ vẫn luôn là mục tiêu giám sát, phong tỏa và công kích số 1 của ĐCSTQ.

Một báo cáo điều tra được công bố năm 2005 bởi ông John Palfrey, Giáo sư luật tại Đại học Harvard Hoa Kỳ, cho thấy ĐCSTQ đã chặn 100% các thông tin báo cáo chính diện về Pháp Luân Công.

Năm 2008, một bản báo cáo tóm tắt về hoạt động kinh doanh của Cisco - nhà sản xuất thiết bị Internet lớn của Mỹ, đã chỉ ra rằng mục tiêu của "Dự án Khiên Vàng" (Golden Shield Project) là "chiến đấu với Pháp Luân Công và các phần tử đối địch khác". "Dự án khiên vàng" là "Dự án thông tin hoá công tác an ninh công cộng quốc gia" của ĐCSTQ.

Vào ngày 17/7/2011, chương trình "Bão Internet tới rồi" (网络风暴来了) do CCTV7 sản xuất trong chuyên mục "Khoa học và Công nghệ quân sự" cho thấy trường quân sự của ĐCSTQ đã thực hiện các cuộc tấn công mạng như thế nào. Các mục tiêu công kích được trình bày trong chương trình là các trang web của Pháp Luân Công, bao gồm 法轮大法在北美 (Pháp Luân Đại Pháp tại Bắc Mỹ), 阿拉巴马地区法轮大法 (Pháp Luân Đại Pháp ở khu vực Alabama), 法轮大法网站 (falundafa.org), 明慧网站 (Minghui.org), v.v. (xem Hình 1).

Hình 1. (Minghui.org)

ĐCSTQ sử dụng 1/4 nguồn tài chính của quốc gia để bức hại Pháp Luân Công

Năm 2003, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã chỉ ra rằng, “một phần tư tài nguyên kinh tế của Trung Quốc được sử dụng để bức hại Pháp Luân Công”.

Vào tháng 12/2001, lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) đã một lúc chi ra 4,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14.000 tỷ VNĐ) để thành lập một "trung tâm tẩy não" hoặc căn cứ để chuyển hoá các học viên Pháp Luân Công.

Năm 2001, thông tin nội bộ từ Bộ Công an của ĐCSTQ cho thấy: Chỉ riêng chi phí truy quét các học viên Pháp Luân Công ở Thiên An Môn là từ 1,7 đến 2,5 triệu nhân dân tệ mỗi ngày (khoảng 5,7 đến 8,3 tỷ VNĐ), tương đương 620 đến 910 triệu nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 2.056 tỷ đến 3.018 tỷ VNĐ).

Để đủ chỗ giam giữ số lượng học viên Pháp Luân Công đến quảng trường Thiên An Môn đòi công lý ngày càng tăng, các trại lao động của ĐCSTQ đã được mở rộng. Ví dụ, tổng số tiền đầu tư vào dự án di dời trại lao động ở riêng thành phố Dương Tuyền (Yangquan), tỉnh Sơn Tây lên tới 19,37 triệu nhân dân tệ (khoảng 64,4 tỷ VNĐ).

Một quan chức của Sở Tư pháp tỉnh Liêu Ninh từng nói tại cuộc họp ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia rằng: "Khoản đầu tư tài chính để đối phó với Pháp Luân Công đã vượt quá kinh phí cho một cuộc chiến tranh".

Cuộc bức hại của ĐCSTQ nhắm vào 100 triệu học viên kéo dài 21 năm

Vào ngày 20/7, nhân kỷ niệm 21 năm các học viên Pháp Luân Công phản bức hại, ông Samuel Brownback, Đại sứ Hoa Kỳ về quyền tự do tôn giáo quốc tế, đã nói với các học viên Pháp Luân Công trong một cuộc họp rằng, ĐCSTQ trước tiên đã đàn áp Pháp Luân Công và sau đó sử dụng các phương pháp tương tự để đàn áp các nhóm người khác.

Ông Levi Browde, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, nói rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Cùng với đó là có rất nhiều thủ đoạn đàn áp hiện đang được áp dụng vào các nhóm người khác, như tẩy não, tra tấn, xét xử sai, giám sát mạng, nhận dạng khuôn mặt, giám sát dữ liệu lớn, v.v.

Ông nói: "Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người".

"Một điểm rất quan trọng là trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã bức hại 100 triệu người, chiếm 1/13 dân số của một đất nước. Vậy thì hãy thử tính xem có bao nhiêu thành viên gia đình hoặc đơn vị công tác của họ bị ảnh hưởng? Có bao nhiêu gia đình phải ly tán?".

"Nếu cuộc đàn áp Pháp Luân Công không dừng lại và những người phải chịu trách nhiệm không bị đưa ra công lý, thì những tổn hại mà đất nước Trung Quốc phải chịu sẽ không bao giờ được bù đắp".

Đông Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao cuộc đàn áp Pháp Luân Công là thảm họa nhân quyền lớn nhất của Trung Quốc?