Tại sao Nga mở cảng Vladivostok cho Trung Quốc trong khi đang bế tắc với Ukraine?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời điểm cuộc chiến Nga - Ukraine đang bế tắc, Nga lại mở cảng Vladivostok (Trung Quốc gọi là cảng Hải Sâm Uy) ở vùng viễn đông của nước này để Trung Quốc sử dụng làm cảng trung chuyển hàng hóa thương mại nội địa. Các chuyên gia cho rằng lần hợp tác này giữa Nga và Trung Quốc về cơ bản đã vạch trần việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là kẻ ủng hộ chính đằng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Vladivostok từng là lãnh thổ của Trung Quốc nhưng bây giờ Trung Quốc lại phải mượn để dùng, tin tức này cũng thu hút sự chú ý đến lịch sử bán nước của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.

Phân tích: Động thái này càng cho thấy ĐCSTQ là hậu thuẫn của Nga

Do các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang ở vùng Đông Bắc của Trung Quốc không có cảng biển nên họ phải đi hơn 1.000 km đường bộ để trung chuyển hàng hóa bằng đường biển tại cảng ở Liêu Ninh. Vào ngày 4/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo rằng, từ ngày 1/6, cảng Vladivostok sẽ được bổ sung làm cảng trung chuyển cho hàng hóa thương mại nội địa. Điều này có nghĩa là hàng hóa từ tỉnh Cát Lâm có thể đi đường biển qua cảng Vladivostok của Nga.

Liên quan đến việc Nga mở cửa Vladivostok cho Trung Quốc, Giáo sư Khấu Kiện Văn (Kou Chien Wen), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Đài Loan (Chengchi University), nói với The Epoch Times vào ngày 16/5 rằng đây là sự nhượng bộ của Nga đối với Trung Quốc, và có lẽ là do liên quan đến cuộc chiến kéo dài giữa Nga - Ukraine. "Nếu Nga nhanh chóng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine thì họ đã không cần phải nhượng bộ Trung Quốc ở những nơi khác".

Giáo sư Tống Quốc Thành (Song Guo-cheng), nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Đài Loan, cũng nói với The Epoch Times vào ngày 16/5 rằng địa vị chiến lược giữa Trung Quốc và Nga đã thay đổi đáng kể. “Anh cả và em trai đổi chỗ cho nhau, và bây giờ ĐCSTQ đang ở địa vị của anh cả trong phe xã hội chủ nghĩa”.

Ông Tống cho rằng, Nga cũng hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ tung ra một số phương tiện hỗ trợ để cứu vãn thế cục sa sút của họ trong cuộc chiến Nga - Ukraine.

Sau cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, Nga đã bị phương Tây trừng phạt và khối lượng giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nga cũng tăng lên đáng kể.

Đầu năm nay, Vladivostok và chính quyền châu tự trị Diên Biên của tỉnh Cát Lâm đã đạt được thỏa thuận tăng quy mô vận chuyển hàng hóa tại các cảng đường sắt và đường cao tốc. Nga mới đây đã thông qua thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc qua tuyến đường viễn đông, bao gồm đoạn xuyên biên giới từ thành phố Dalnerechensk đến thành phố Hổ Lâm, tỉnh Hắc Long Giang.

Vào tháng Ba năm nay, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Nga và ký một tuyên bố chung với ông Putin, trong đó cũng đề cập đến sự phát triển của hợp tác khu vực "Đông Bắc - Viễn Đông" giữa Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào hội trường trong cuộc họp tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga vào hôm 21/3/2023. (Alexey Maishev/Sputnik/AFP/Getty Images)

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật tại Úc, nói với The Epoch Times vào ngày 16/5 rằng việc Nga mở cửa Vladivostok cho Trung Quốc và tăng cường thương mại Trung - Nga cho thấy ĐCSTQ luôn đứng trong hậu trường của Nga, và xã hội quốc tế cũng không nên ôm mộng tưởng rằng ĐCSTQ sẽ không ủng hộ Nga.

Ông Viên chỉ ra, “Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thực sự là một liên minh tội ác không có giới hạn. Kẻ ủng hộ chính đứng đằng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga là ĐCSTQ”.

Ông nói rằng kể từ thời điểm ông Putin đến Bắc Kinh tham gia Thế vận hội Mùa đông trước khi phát động cuộc chiến, Trung Quốc và Nga đã hình thành một liên minh tội ác. "Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine thực chất là ĐCSTQ và Nga cùng nhau tấn công Ukraine. Đây mới là bản chất. Tôi hy vọng rằng các chính trị gia trong cộng đồng quốc tế sẽ không còn bị ĐCSTQ lừa dối nữa".

Vào ngày 4/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh. (ALEXEI DRUZHININ/Sputnik/AFP/Getty Images)

Hành vi bán nước của ông Giang Trạch Dân ở Vladivostok thu hút sự chú ý

Vladivostok, trước đây được gọi là Hải Sâm Uy, là một lãnh thổ của Trung Quốc trong thời nhà Thanh. Vào giữa thế kỷ 19, sau khi chính quyền nhà Thanh bại trận và ký các hiệp ước bất bình đẳng như "Điều ước Bắc Kinh" và "Điều ước Aigun" với Sa hoàng Nga, hơn 1 triệu km2 lãnh thổ ở vùng Đông Bắc của Trung Quốc đã bị cắt đứt. Trong 163 năm tiếp theo, Hắc Long Giang và Cát Lâm không có cảng biển.

Cụm từ "Vladivostok của Nga" vẫn được sử dụng trong tài liệu thông báo nói trên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cái tên Vladivostok có nghĩa là "chinh phục phương Đông" và do Nga đặt vào năm 1860 sau khi chiếm được Hải Sâm Uy từ nhà Thanh.

Các chính phủ từ thời Trung Hoa Dân Quốc đến Đảng Cộng sản Trung Quốc đều không công nhận tính hợp pháp và hiệu lực của hiệp ước mà Nga chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của ông Giang Trạch Dân, vào ngày 9/12/1999, ĐCSTQ và Nga đã ký "Nghị định thư tường thuật về các phần phía đông và phía tây của ranh giới Trung - Nga", theo đó chính thức thừa nhận rằng vùng đất rộng lớn vốn thuộc về Trung Quốc sẽ thuộc Nga, trong đó có cả Vladivostok. Vào ngày 11/12/1999, tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đã đưa tin về hiệp ước này.

Giáo sư Tống Quốc Thành nói với The Epoch Times rằng việc hiện nay Trung Quốc có thể sử dụng cảng biển này không đáng để người dân Trung Quốc tự hào hay vui mừng, bởi đó là "Những thứ vốn thuộc về bạn, và giờ người ta chỉ đang mở cho bạn dùng mà thôi".

Ông Tống đặt câu hỏi, ĐCSTQ đã nhiều lần tuyên bố rằng họ kiên định với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời thường nhấn mạnh rằng có một số nơi đã là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại, “vậy Hải Sâm Uy không phải là một phần lãnh thổ của Trung Quốc từ xưa hay sao”?

Trước lễ ký kết tại Bắc Kinh vào ngày 9/12/1999, Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov (trái) bắt tay với người đồng cấp Trung Quốc Đường Gia Triền, trước mặt Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (ngoài cùng bên phải) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Trung Quốc và Nga đã chấm dứt tranh chấp biên giới kéo dài 30 năm bằng cách ký ba hiệp định biên giới trong hội nghị thượng đỉnh năm đó. (AFP/Getty Images)

Trong khi một số cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích ông Giang Trạch Dân "làm mất chủ quyền khiến đất nước chịu nhục" thì mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow lại càng trở nên thân thiết hơn dưới thời ông Tập Cận Bình. Ông Tập còn công khai nói rằng ông Putin là “người bạn tốt nhất” của mình.

Trong một cuộc họp trực tuyến được tổ chức vào ngày 28/6/2021, ông Tập và ông Putin đã công bố gia hạn "Hiệp ước láng giềng tốt đẹp, hữu nghị và hợp tác Trung - Nga" thêm 5 năm. Tuyên bố chung Trung - Nga được đưa ra vào ngày hôm đó nêu rõ: "Trung Quốc và Nga đã giải quyết triệt để các vấn đề biên giới do lịch sử để lại và không có yêu sách lãnh thổ đối với nhau".

Liên quan đến việc Nga mở lại cảng Vladivostok cho Trung Quốc sau 163 năm, tờ Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đã đăng một bài bình luận vào ngày 16/5 nói rằng, không cần phải giải thích quá mức về vấn đề này. Các kênh truyền thông chính thống của Trung Quốc còn tuyên bố, việc ngoại giới nói rằng "Nga có thể trở thành chư hầu của Trung Quốc" là hành vi cố ý hạ thấp Nga và là sự khiêu khích ác ý đối với quan hệ cường quốc theo mô hình mới giữa Trung Quốc và Nga, v.v.

Theo ông Tống Quốc Thành, các tuyên bố của truyền thông chính thống Trung Quốc cho thấy, vì Vladivostok vốn thuộc lãnh thổ của Trung Quốc nên lần này ĐCSTQ thực sự đang ở trong một tình huống khó xử.

Ông Viên Hồng Băng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 10/9 năm ngoái rằng, quốc gia chiếm nhiều lãnh thổ của Trung Quốc nhất trong lịch sử là nước Nga Sa hoàng. Hiện nay, ĐCSTQ lại đang liên minh với quốc gia hiếu chiến đã gây tổn hại lớn nhất cho Trung Quốc trong lịch sử, điều này cho thấy ĐCSTQ hoàn toàn có thể vì lợi ích của chế độ mà bán rẻ lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Nga mở cảng Vladivostok cho Trung Quốc trong khi đang bế tắc với Ukraine?