Tại sao Trung Quốc có tàu vũ trụ nhưng lại không thể sản xuất được động cơ xe hơi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu hỏi trên được tác giả Đàm Tiếu Phi đưa ra phân tích sâu sắc trong bài viết của mình dưới đây. Ông đã chỉ rõ ra căn nguyên của vấn đề, căn nguyên đằng sau của ngành sản xuất Trung Quốc.

Sau khi kênh thu mua chip bị Hoa Kỳ cắt đứt, Huawei – doanh nghiệp được chính quyền Trung Quốc chống lưng, về cơ bản đang ở trong tình trạng chờ chết. Gần đây, có tin đồn rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có kế hoạch phát triển và sản xuất chip cao cấp với mức vốn khổng lồ. Nhưng liệu điều ấy có thể trở thành hiện thực hay không thì lại là một vấn đề khác.

Chưa nói đến việc ĐCSTQ có khả năng thu được số tiền lớn như vậy hay không, chỉ tính riêng về độ khó của kỹ thuật chip cao cấp cũng đủ để khiến kế hoạch của họ bị phá sản. Ngay như nói về khả năng tự chủ sản xuất động cơ ô tô, thì một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ cũng đã có thể làm được, ấy vậy mà Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể chế tạo ra. Vậy nên vấn đề ở đây không phải là tiền bạc, cũng không phải vấn đề về con người, mà là vấn đề về bộ máy quan liêu của ĐCSTQ.

Năm 2011, một trận sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, một nhà máy sản xuất động cơ của Nhật Bản phải đóng cửa, kết quả là một số nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đã buộc phải ngừng sản xuất và nằm chờ. Cách đây không lâu, Ủy ban Cải cách và Phát triển của ĐCSTQ đã ban hành một tài liệu nói rằng, có thể thu hồi các bộ phận và thành phần của ô tô cũ để tái chế sản xuất ô tô mới. Có lẽ là để đề phòng chăng? Điều kỳ lạ là những chiếc xe đó đã ra đời hơn 100 năm, và trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng hiện nay, động cơ đã không còn là sản phẩm công nghệ cao hay tối tân gì nữa. Hơn nữa, ĐCSTQ cũng đã soán ngôi quyền lực hơn 70 năm nay và còn có câu khẩu hiệu “Đất nước tôi quả là lợi hại”. Vậy thì tại sao ngay cả động cơ cũng không sản xuất được?

Kỳ lạ thì cũng kỳ lạ, nhưng thực tế vẫn là thực tế, thực tế chính là họ không thể sản xuất được. Về những khó khăn kỹ thuật khi sản xuất động cơ, tác giả bài viết đã phỏng vấn một kỹ sư được đào tạo chuyên nghiệp về thiết kế và chế tạo động cơ đã công tác hơn 30 năm trong nghề. Kỹ sư này đề cập đến một loạt các kỹ thuật gia công, bao gồm xử lý nhiệt, đúc một lần, v.v., rất nhiều kỹ thuật về cơ bản là ở Trung Quốc không có. Hơn nữa, việc sản xuất động cơ cũng cần rất nhiều thiết bị, chẳng hạn như máy tiện CNC điện tử cao cấp, Trung Quốc cũng phải nhập khẩu. Trên thực tế, ngoài động cơ ra thì ĐCSTQ còn có một danh sách rất dài những thứ dường như không quá khó để sản xuất nhưng lại không thể tự sản xuất được như vòng bi, thiết bị nghiên cứu khoa học và thiết bị y tế.

Nếu không nhờ ông Thủ tướng Lý Khắc Cường công khai thừa nhận rằng ĐCSTQ không thể sản xuất bút bi, thì chúng ta sẽ không thể tưởng tượng được năng lực sản xuất của họ yếu kém đến mức nào. Đương nhiên, ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc đã chính thức đưa tin rằng họ có thể sản xuất “bi” ở đầu bút bi, nhưng tin tức từ một ‘chính quyền chuyên đi nói dối’ liệu có đáng tin hay không?

Tuy nhiên cũng không thể nói quá tuyệt đối. Một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển của một tỉnh phát triển ở khu vực duyên hải từng nói với tác giả rằng, không phải là Trung Quốc không có khả năng sản xuất động cơ. Nếu đầu tư nhân lực, vật lực và tài lực với bất kể chi phí nào, chẳng hạn như tập hợp một lượng lớn cán bộ khoa học công nghệ và công nhân kỹ thuật cao cấp, mua sắm vật tư thiết bị sản xuất tiên tiến nhất, chế tạo thử và cuối cùng chế tạo ra 10.000 động cơ, thì thể nào cũng tìm được một số ít động cơ trong đó có hiệu suất đạt chuẩn. Tuy nhiên, nếu để tiến hành thương mại hóa, tức là vừa phải sản xuất hàng loạt động cơ có hiệu suất ổn định và đạt tiêu chuẩn, vừa phải giữ chi phí sản xuất trong phạm vi có thể chấp nhận được thì Trung Quốc sẽ không thể làm được (Xin lưu ý hai điểm chính: sản xuất hàng loạt và kiểm soát chi phí).

Điều này đã giúp trả lời cho câu hỏi sau: Tại sao ĐCSTQ có thể thực hiện được chuyến bay vũ trụ có con người nhưng lại không thể sản xuất động cơ. Một ví dụ tương tự khác là: ĐCSTQ đã vung một đống tiền vào cộng đồng quốc tế, nhưng lượng đầu tư vào sinh kế của người dân ở trong nước họ lại ít đến mức đáng thương. Đây là hậu quả xấu do bộ máy quan liêu của ĐCSTQ mang lại.

Lấy chuyến bay vũ trụ có con người làm ví dụ, ĐCSTQ đã tuyên truyền rầm rộ và xuất bản hàng loạt bài báo tô son điểm phấn cho chính nó để lừa dối người dân. Tuy nhiên, ĐCSTQ sẽ không thể nào công bố cho người dân biết về số tiền đã được đầu tư, cũng sẽ không thừa nhận rằng công nghệ này chẳng có gì là tiên tiến và không có tính thực tế. Trong cái gọi là chuyến bay vũ trụ có con người, ĐCSTQ chỉ đang chi một số tiền khổng lồ để lắp ghép các công nghệ mà họ đã mua. Nếu như thiếu bất kỳ công nghệ hoặc thiết bị nước ngoài nào, chẳng hạn như máy tiện CNC cao cấp, chuyến bay vũ trụ có con người của ĐCSTQ sẽ tan vỡ như bong bóng.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn tự tuyên bố (sự thật thế nào thì không thể biết được) rằng, họ có thể đưa 20 tấn khối lượng hàng vào không gian, trong khi Nga đã đưa được hơn 90 tấn từ 20 năm trước. Các bạn đừng đánh giá thấp khoảng cách này, mỗi một kg khối lượng phóng vào không gian đều không phải là chuyện nhỏ và có liên quan chặt chẽ với vấn đề kỹ thuật. Trong video CCTV ghi lại cảnh cabin tàu vũ trụ của Trung Quốc trở về trái đất, có một chiếc xe địa hình Toyota và Mercedes-Benz. Nếu không có những chiếc xe địa hình nhập khẩu này, liệu lực lượng cứu hộ có thể đến hiện trường kịp thời hay không vẫn là một câu hỏi.

Các quốc gia như Anh, Pháp, Nhật Bản và Đức cũng không phải là không thể thực hiện chuyến bay vũ trụ có con người, nhưng chính phủ của các quốc gia dân chủ dưới chế độ pháp quyền này không dám lãng phí tiền thuế của người dân vào những thứ hào nhoáng ấy, và họ cũng không cần những thứ này để lừa dối người dân.

Đặc điểm lớn nhất của bộ máy quan liêu của ĐCSTQ là giở trò dối trá, hào nhoáng trống rỗng và làm việc tắc trách, hời hợt. ĐCSTQ đã thâm nhập vào các tổ chức xã hội và làm thay đổi chức năng của các tổ chức này như những tế bào ung thư. Bởi vì ĐCSTQ muốn “lãnh đạo hết thảy”, bất kể là cơ quan nào, chỉ cần có đảng ủy ĐCSTQ, nó sẽ trở thành bộ máy quan liêu của ĐCSTQ. Các chức năng ban đầu của cơ quan ấy đều sẽ chỉ là biểu hiện bề ngoài. Do đó, truyền thông không còn ra truyền thông nữa, các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng không còn nghiên cứu khoa học nữa, các doanh nghiệp nhà nước cũng không còn ra dáng doanh nghiệp nữa.

Những gì chính quyền Trung Quốc làm là bảo vệ lợi ích của nó, giở trò làm giả và biên tạo ra những thành tựu to lớn để ca ngợi ĐCSTQ. Ví dụ, năng suất mỗi mẫu là 5.000 kg, nhưng thay vì nghiên cứu cách cải tạo đất, cải tạo giống, canh tác,… để thực sự tăng năng suất trên mỗi mẫu thì quan chức ĐCSTQ lại dồn lúa lại với nhau rồi chụp ảnh gửi báo cáo, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đỡ tốn công sức mà lại làm lãnh đạo hài lòng, ai ai cũng vui vẻ. Đây là phương thức suy nghĩ và hành vi của thể chế quan liêu ĐCSTQ, hơn nữa thể chế này còn có cơ chế tự duy trì bằng cách đào thải tinh anh, tức là giữ lại những kẻ đồng lõa và loại bỏ người tài.

Vậy nên những người làm những việc một cách chân chínhh lại là đối tượng bị lật đổ, đàn áp và loại bỏ trong thể chế này. Theo thời gian, bộ máy quan liêu của ĐCSTQ vững chắc đến nỗi không thể phá vỡ. Đồng thời, những hoạt động trong hộp đen quyền lực của ĐCSTQ không có sự giám sát, điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng của bộ máy quan liêu ấy.

Một người quen của tác giả là một nghiên cứu sinh tại một sở nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), nói rằng quỹ nghiên cứu của họ về cơ bản không được sử dụng cho nghiên cứu. Cách đây vài năm đã xuất hiện các ổ USB flash giá cao ngất trời của CAS, trong khi các ổ USB flash thông thường có giá thị trường dưới 300 nhân dân tệ (khoảng 239.000 VND), thì giá của CAS là hơn 6.000 nhân dân tệ (khoảng 20,48 triệu VND). Còn về lĩnh vực sản xuất, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước có thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm hay không? Cách đây không lâu, có tin đồn rằng những chiếc xe tăng mà quân đội ĐCSTQ mua đều sử dụng thép tấm thông thường. Đây không phải là những trường hợp đơn nhất, mà là những hiện tượng phổ biến dưới bộ máy quan liêu của ĐCSTQ.

Tất nhiên, sẽ không chính xác nếu nói rằng bộ máy hành chính của ĐCSTQ không đạt được gì. Rốt cuộc thì ĐCSTQ cũng đã sản xuất được bom nguyên tử, tên lửa, vệ tinh, v.v. ĐCSTQ lấy nhục làm vinh và tuyên bố rằng, đây là một lợi thế của thể chế: Tập trung lực lượng để làm những điều lớn lao. Thực ra là đang đốt tiền, các chế độ độc tài khác cũng làm được như vậy, ví dụ Triều Tiên cũng có bom nguyên tử.

ĐCSTQ đã tung hỏa mù và tẩy não người dân bằng cách cấm các phương tiện truyền thông sử dụng thuật ngữ "người nộp thuế", nếu không người nộp thuế sẽ biết họ là người nộp thuế. Kết quả là, những người dân bình thường không có khái niệm ​​gì về các quyết toán trong ngân sách tài chính quốc gia, chứ chưa nói đến quyền được biết và giám sát. Nếu có bất cứ ai đề nghị được biết và giám sát, người đó có lẽ đang ở trong tù. ĐCSTQ có thể được cho là tự tung tự tác, không kiêng nể gì mà phung phí tiền thuế của người dân và cách nó đốt tiền có thể nói là điên rồ. Ví dụ, nếu tác giả đập nồi bán sắt (ý chỉ bất chấp tốn kém mà quyết làm cho bằng được điều gì đó), mang tất cả đồ trong nhà bán đi thì cũng có thể mua được một chiếc Porsche. Lái xe Porsche nhưng lại chỉ có rơm có cỏ mà nhai, gia đình tan vỡ, vậy thì tác giả không phải phú ông mà là kẻ chết não. Đây chính là những gì ĐCSTQ làm, chỉ có điều người phải nhai rơm nhai cỏ không phải là các chức sắc của ĐCSTQ mà là những người dân thường. ĐCSTQ thường hô hào phải "bằng mọi giá", chính là cái ý này.

Cần lưu ý rằng, dự án hạt nhân và không gian “Hai bom, một vệ tinh” của ĐCSTQ đều là những sản phẩm đơn lẻ được chế tạo cẩn thận, không thể sản xuất hàng loạt cũng như không được áp dụng cho thương mại. Điều này có sự khác biệt về bản chất so với việc chế tạo chip cao cấp. Lý do rất đơn giản là, hoạt động thương mại không thể "bất chấp chi phí". Chưa nói đến chip cao cấp, chỉ nói riêng về động cơ thì đối với ĐCSTQ, động cơ của máy bay chiến đấu cũng quan trọng không kém gì dự án “Hai bom, một vệ tinh”. Những gì không dùng cho mục đích thương mại và có thể bỏ qua chi phí thì ĐCSTQ còn có thể làm được, chứ động đến sản xuất hàng loạt thì nó chỉ có bó tay chịu thua. Vì sản xuất hàng loạt và chế tạo đơn lẻ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Điều đó có nghĩa là, việc bỏ ra nhiều tiền để mua thể diện bất chấp giá cả là sở trường của ĐCSTQ, còn muốn làm việc một cách thực chất và nghiêm túc trong cái thể chế này thì quả là khó càng thêm khó. Vậy nên để có thể nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm thương mại như động cơ và chip, thì đúng là chuyện nghìn lẻ một đêm. Nhìn từ góc độ này, thì ĐCSTQ còn chẳng bằng Liên Xô. Sự mất cân đối nghiêm trọng về tỷ trọng các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng trong nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô đã khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn, nhưng cuối cùng họ cũng xây dựng được một hệ thống công nghiệp nặng hoàn chỉnh.

ĐCSTQ đã tung hoành trong nhiều thập kỷ và dưới ách thống trị của nó, hàng chục triệu người dân Trung Quốc đã chết một cách bất thường. Cho đến nay, tất cả những thứ cao cấp ở Trung Quốc đều phải phụ thuộc vào nhập khẩu, các ngành công nghiệp cơ bản vô cùng yếu kém và không có hệ thống công nghiệp nào đáng để nhắc đến. Theo ý kiến chủ quan của tác giả, Trung Quốc không có công nghiệp sản xuất, chỉ có công nghiệp lắp ráp. Đây là hậu quả xấu do bộ máy quan liêu của ĐCSTQ mang lại, mà hết thảy những sự việc này đều không phải là ngẫu nhiên. Người Trung Quốc có câu: “Băng dày ba thước, không phải chỉ vì rét có một ngày”.

Mặc dù ĐCSTQ không thể sản xuất chip cao cấp nhưng điều này không ảnh hưởng đến việc đưa ra các kế hoạch liên quan. Đây cũng là quán tính của thể chế quan liêu ĐCSTQ, không những có thể táo tợn và tiếp tục lừa dối người dân bằng cách hô hào khẩu hiệu, mà còn có nhiều nhóm lợi ích khác nhau đang nhăm nhe ăn miếng trả miếng để chia chác chiến lợi phẩm. Ngoài ra, cũng không có khái niệm trách nhiệm trong thể chế ĐCSTQ.

Tác giả: Đàm Tiếu Phi

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Trung Quốc có tàu vũ trụ nhưng lại không thể sản xuất được động cơ xe hơi?