Tập Cận Bình ra 'chỉ thị quan trọng' để 'xây dựng một Trung Quốc bình an’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, ông Tập Cận Bình đã ban hành "chỉ thị quan trọng" để "xây dựng một Trung Quốc bình an”. Ông kêu gọi tập trung vào các vấn đề nổi cộm có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, ổn định xã hội và trật tự trị an của người dân. Ngoại giới cho rằng, đây chỉ là bề ngoài, thực chất là ông Tập lo cho sự an toàn chế độ, và điều này cũng phản ánh sự lo lắng bất an trong lòng ông ta.

Hôm 11/11, các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin rằng, Hội nghị Công tác Xây dựng Trung Quốc Bình An đã được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 10/11. Ông Quách Thanh Côn (Guo Shengkun), Ủy viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và là bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, đã truyền đạt những “chỉ thị quan trọng" của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị này.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, việc xây dựng một Trung Quốc với mức độ an toàn cao hơn nữa có ý nghĩa rất to lớn. Các cơ quan liên quan ở tất cả các khu vực được yêu cầu phải "thực hiện theo chính sách an ninh tổng thể của quốc gia, tuân thủ định hướng chung cùng xây dựng, cùng cai quản, và tập trung vào các vấn đề nổi cộm có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, ổn định xã hội và trật tự trị an của người dân".

Ông Quách Thanh Côn cũng phát biểu và nhấn mạnh rằng, trọng tâm là ngăn chặn và giải quyết các rủi ro nổi cộm ảnh hưởng đến an ninh và ổn định.

Tham dự cuộc họp còn có ông Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) - Ủy viên Quốc vụ viện ĐCSTQ và là Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Chánh án Tòa án Tối cao Chu Cường (Zhou Qiang) và Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Trương Quân (Zhang Jun).

Nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan) cho rằng, việc hô hào xây dựng "Trung Quốc bình an" dưới cái mác vì "an ninh quốc gia, ổn định xã hội và trật tự trị an của người dân" thực chất là một cuộc vận động để duy trì ổn định, với trọng tâm là an ninh của chế độ. Vì ĐCSTQ đàn áp nhân quyền nên mới tạo ra bất ổn xã hội. Ông Trịnh cũng nhận định rằng, trước những khó khăn cả ở trong và ngoài nước mà ĐCSTQ đang phải đối mặt hiện nay, thì việc đề cập đến vấn đề “an toàn an ninh” cho thấy ông Tập đang thực sự lo sợ và bất an.

Sau khi Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ kết thúc, chính quyền đã ra thông cáo chính thức về cuộc họp. Mặc dù trọng điểm của Phiên họp là bàn về kế hoạch phát triển kinh tế trong 5 năm tới (Kế hoạch 5 năm lần thứ 14), nhưng thông báo chính thức lại không có nhiều từ liên quan chặt chẽ đến kinh tế, toàn văn chỉ đề cập đến "tiêu dùng" 1 lần, "tăng trưởng kinh tế" 2 lần, "đầu tư" 3 lần, "việc làm" 3 lần, "nhu cầu trong nước" 4 lần...

Tuy nhiên, từ "an toàn" được nhắc đến 22 lần, là từ có tần suất xuất hiện cao nhất.

Theo một bài viết trên tờ Kiểm sát Nhật báo của Bộ Tư pháp Trung Quốc đăng ngày 6/7, ĐCSTQ đã bí mật thành lập một Đội an ninh chính trị chuyên trách thuộc Nhóm điều phối xây dựng Trung Quốc bình an. Gần đây, đội nhóm này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Bắc Kinh và giải thích rằng đó là bố trí của chính phủ trung ương trong việc duy trì an ninh quốc gia với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt.

Cuộc họp này không hề giấu giếm khi nói rằng “an ninh chính trị” có nghĩa là an ninh của chế độ. Trong thể chế ĐCSTQ, an ninh của chế độ chính là an ninh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà an ninh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính là an ninh của chính ông Tập Cận Bình.

RFI phân tích cho rằng, trong chính quyền ĐCSTQ, các cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh có nào là Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, giờ lại xuất hiện thêm một Đội an ninh chính trị chuyên trách nữa, với tầng tầng lớp lớp bảo vệ như vậy, có thể nói là an toàn trên cả an toàn người, khó mà xảy ra bất trắc gì, vậy nên động thái này cho thấy có lẽ người ở vị trí tối cao đang có cảm giác không an toàn vô cùng mãnh liệt.

Trong năm vừa qua, vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ khi bắt đầu 'cải cách mở cửa' năm 1980, và thậm chí kể từ khi ĐCSTQ được thành lập. Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, ngoài chiến tranh thương mại thì hai nước còn đối đầu gay gắt trên nhiều lĩnh vực bao gồm ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, tài chính và truyền thông...

Sau khi đại dịch virus Viêm phổi Vũ Hán lan rộng toàn cầu, mối quan hệ giữa Trung Quốc và hầu hết các nước trên thế giới đều trở nên căng thẳng hơn. Với chính sách ngoại giao chiến lang, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc cũng nhanh chóng trở nên tiêu cực. ĐCSTQ đang rơi vào thế cô lập chưa từng có.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), nhiều học giả cho rằng nếu Trung Quốc không tích cực cải thiện các mối quan hệ đối ngoại, thì tình hình kinh tế Trung Quốc cũng sẽ không thể thay đổi.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không thể thoát khỏi hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, sự xuất hiện của một lượng lớn người dân thất nghiệp và lượng lớn các gia đình quay trở lại cảnh nghèo đói, chắc chắn sẽ gây ra bất ổn xã hội và gây nguy hiểm cho chế độ Cộng sản Trung Quốc.

Đông Phương

Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Tập Cận Bình ra 'chỉ thị quan trọng' để 'xây dựng một Trung Quốc bình an’