Tẩy chay trả nợ vay mua nhà ở Trung Quốc: Toàn bộ thị trường BĐS là phiên bản siêu khổng lồ của Evergrande

Giúp NTDVN sửa lỗi

Toàn bộ thị trường bất động sản của Trung Quốc đang là mô hình phóng đại của Tập đoàn Evergrande: đổ vỡ, phá sản và bất tín… Niềm tin của người mua nhà sụp đổ hoàn toàn, giống hệt như niềm tin người gửi tiền ở quốc gia này. Tiền đã biến mất…

Làn sóng người mua nhà dừng đóng tiền trước tiến độ cho những dự án chưa hoàn thành ở Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Nhiều khách hàng cáo buộc ngân hàng vi phạm quy định khi chuyển tiền ký quỹ cho chủ dự án khiến dự án bị ngắt vốn và chưa hoàn thành. Một số nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng này có thể là một ngõ cụt, rất khó để giải quyết.

Lượng lớn dự án xây dựng thiếu tiền ngừng thi công

Vào ngày 17/7, Xiao Cai, chủ sở hữu căn hộ Kaisa City Plaza Giai đoạn 5 ở thị trấn Từ Hành, quận Gia Định, Thượng Hải, nói với The Epoch Times rằng tòa nhà đã ngừng xây dựng từ tháng 10/2021 và vẫn chưa triển khai trở lại. Hơn 350 hộ dân mất ngủ hàng đêm và cảm thấy bị lừa dối. "Đợt đầu tiên của Từ Hành giai đoạn 5 về cơ bản không có tiến triển. Chủ hộ thế chấp 110 triệu nhân dân tệ, bị giai đoạn 4 tiêu gần hết, chỉ còn lại 15 triệu".

Ban đầu, Dự án Zhongyuan Grand View của Sunac ở Trịnh Châu dự kiến ​​bàn giao vào tháng 7 năm nay, nhưng đến nay, hầu hết các tòa nhà đều trong trạng thái ngừng xây dựng. Chủ sở hữu phản ánh rằng, nghi ngờ số tiền trong tài khoản giám sát của dự án đã bị chủ đầu tư chiếm đoạt.

Người mua nhà tại dự án Zhongyuan Grand View bắt đầu đòi quyền lợi từ giữa tháng 6/2022 nhưng lại bị gán mã y tế đỏ. Những người có mã đỏ không thể tự do đi lại, đây được cho là cách để chính quyền ngăn cản người dân đi kháng nghị. Sự việc gán mã đỏ ở đây và ở các ngân hàng nông thôn của tỉnh Hà Nam đều gây chú ý.

Sunac, nhà phát triển bất động sản lớn thứ ba của Trung Quốc, đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng USD vào tháng 5 năm nay và không thể trả khoản tiền lãi 105 triệu USD.

Còn những công trình đang xây dựng dở dang dưới cái tên Tập đoàn Evergrande thì đều có mặt trên 30 tỉnh, thành của Trung Quốc. Theo thống kê của Viện Chỉ số Trung Quốc (China Index Academy), đến tháng 11/2021, trong số 1.322 dự án xây dựng của Evergrande trên toàn quốc, diện tích các dự án đã ký bán nhưng chưa hoàn thiện vượt quá 300.000 mét vuông.

Trước tình hình của Evergrande, ông Tạ Kim Hà (Xie Jinhe), một chuyên gia tài chính, đã bình luận trên Facebook cá nhân vào ngày 16/7 rằng, theo lý thì "Evergrande lẽ ra phải được thanh lý và tuyên bố phá sản từ lâu, nhưng dưới thể chế xã hội đặc biệt của Trung Quốc, các công ty này vẫn tồn tại và chỉ có cổ phiếu là ngừng giao dịch". Ông Tạ giải thích thêm rằng, nguyên nhân chính là do “khoản nợ bị đóng băng, tạm thời ngân hàng sẽ không ép trả nợ”.

Hôm 16/7/2022, trước áp lực từ dư luận, một dự án bất động sản ở Vũ Hán thông báo sẽ "thi công trở lại". Nhưng ngay ngày hôm sau khi người mua nhà đến công trường khảo sát thì phát hiện đó là "thi công giả". (Ảnh chụp màn hình)

Tình trạng vỡ nợ bất động sản Trung Quốc là một khối u ác tính

Ông Phạm Trù (Fan Chou), một doanh nhân Đài Loan, dẫn lời một người bạn người Anh nói rằng “Trung Quốc đã bắt đầu hành trình mở rộng vay mượn từ năm 2007”. Ông nói, “Bây giờ có vẻ như Trung Quốc không hơn gì một Evergrande Group phiên bản siêu khổng lồ”. Evergrande, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc và thế giới, đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản vào năm 2022.

Về vấn đề này, chuyên gia tài chính Tạ Kim Hà giải thích thêm rằng, tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng của các công ty bất động sản Trung Quốc là một khối u ác tính, nó đáng sợ hơn cả nền kinh tế bong bóng Nhật Bản năm 1990. Nhưng dưới chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ không dám cắt bỏ khối u này, nó sinh ra một lượng lớn các công ty cương thi, hậu quả rất nghiêm trọng.

Gần đây trên mạng Internet lan truyền một báo cáo tóm tắt của China Everbright Bank (Ngân hàng Quang Đại Trung Quốc). Có khoảng 6 triệu đến 8 triệu dự án tham gia vào chính sách “đảm bảo giao nhà” ở Trung Quốc. Riêng Evergrande có 1,4 triệu dự án và tổng số vốn bị khuyết là từ 2 nghìn tỷ đến 3 nghìn tỷ CNY.

Chủ sở hữu các căn hộ dang dở trên khắp Trung Quốc đã công bố "Thông báo ngừng thanh toán thế chấp dự án bất động sản". Họ yêu cầu phía chủ dự án phải tiếp tục xây dựng trong kỳ hạn, nếu không sẽ ngừng đóng tiền trước tiến độ. Theo thống kê, chủ hộ tại hơn 300 dự án đã tham gia làn sóng đình chỉ thế chấp, nhưng do toàn bộ mạng lưới ở Trung Quốc bị Đảng Cộng sản Trung Quốc phong tỏa, tin tức này không thể lan truyền rộng.

Một khi các quỹ giám sát bị rút sạch, dự án sẽ mãi dở dang

Ông Trịnh Nghĩa (Zheng Yi) từng là một nhà đầu tư ngân hàng ở Trung Quốc. Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times vào ngày 17/7 rằng, trong quá trình các nhà phát triển Trung Quốc khai thác bất động sản, phải giữ lại 30% đến 40% doanh thu bán hàng làm tiền ký quỹ và được gửi vào một tài khoản ngân hàng do Cục Quản lý Nhà ở chỉ định để giám sát.

Ông Trịnh nghi ngờ rằng tiền trong tài khoản giám sát đã biến mất, ngân hàng không thể tự ý chuyển số tiền này, bởi vì nếu không được chính phủ phê duyệt, không ai có thể chuyển tiền của ngân hàng, điều này cho thấy có sự thông đồng giữa nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương.

Các quan chức có thể nghĩ rằng nếu nhà phát triển trả lại tiền cho ngân hàng, ngân hàng sẽ ngay lập tức giải ngân số tiền tương tự, số tiền này chẳng qua là đi một vòng, bằng với việc ngân hàng mượn khoản vay mới để trả khoản vay cũ, ông phân tích thêm.

Tuy nhiên, ông Trịnh Nghĩa nói rằng số tiền mà chủ dự án lấy được từ các ngân hàng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn tài chính của họ, phần lớn tiền vốn đến từ các quỹ tín thác, quỹ, bảo hiểm và các nguồn tài chính phi tiêu chuẩn khác.

Ông Trịnh nói, "Có rất nhiều là quỹ tín thác tập thể, tức là gây quỹ từ những người dân thường và chỉ định một kế hoạch tín thác chung". Do đó, nếu quỹ tín thác không được trả lại, sẽ ngay lập tức xảy ra sự cố mang tính quần thể.

Còn tiền vay ngân hàng thì có hàng vạn người gửi chứ không phải một nhóm đối tượng cụ thể nào, nên đối với các doanh nghiệp, khi trả nợ họ sẽ hoàn trả một số khoản vay tín thác và vay bảo hiểm trước, đây là cách làm thông thường của họ. Sau khi nhà phát triển cầm được tiền trong tài khoản ký quỹ giám sát, họ sẽ trả các khoản vay khác, hoặc trả cho tổng thầu, trả khoản nợ xây dựng, thậm chí có thể nhân cơ hội lấy tiền bỏ trốn. Tóm lại, một khi các quỹ giám sát bị rút sạch, ngôi nhà sẽ mãi không được hoàn thành.

Ông Trịnh phân tích thêm rằng, việc nhà phát triển bất động sản bị đứt chuỗi vốn ắt là do họ nợ tất cả chủ nợ, không thể chỉ nợ một ngân hàng, khi không thể giải quyết được thì phải dùng đến tiền trong tài khoản giám sát; chính quyền sẽ đồng ý cho nhà phát triển dùng số tiền trong tài khoản giám sát vì họ cũng không còn cách nào khác, chính quyền không thể dùng nguồn tài chính của nhà nước để trả nợ cho các nhà phát triển bất động sản, ngay bản thân chính quyền địa phương cũng đang nợ tiền ngân hàng.

Trước thông tin ngân hàng muốn người mua nhà tiếp tục trả khoản thế chấp, người mua nhà cũng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục xây dựng, nhưng hoạt động trở lại thế nào, lấy tiền đâu ra? Ông Trịnh Nghĩa nói: "Giống như là đi vào ngõ cụt, hiện tại không thể phá giải".

Theo ông, để phá vỡ thế bế tắc này, thị trường nhà đất cần phải phục hồi từng chút một, tòa án sẽ miễn trừ một số khoản nợ, hoặc ngân hàng sẽ xuất thêm tiền để trả các khoản vay mới. Nhưng vấn đề then chốt là, hiện nay không phải chỉ một nhà phát triển, mà là rất nhiều dự án và nhà phát triển địa ốc ở rất nhiều khu vực và thành thị đều xuất hiện vấn đề, đây đã trở thành vấn đề mang tính hệ thống. Do đó, việc người dân không trả khoản thế chấp và chờ chủ đầu tư tiếp tục xây dựng có thể là kết quả tốt nhất trong tất cả các phương án.

Ông Trịnh cho rằng, mặc dù các ngân hàng đều nói rằng họ "có thể kiểm soát rủi ro", nhưng số liệu thống kê của họ không phản ánh tình hình thực tế. Ông nhấn mạnh, hiện tại bên khó khăn nhất và rủi ro nhất là các ngân hàng.

Ông giải thích, do rủi ro thế chấp bằng bất động sản thấp, đây lại là tài sản chất lượng cao của ngân hàng và chiếm một phần trong khối lượng kinh doanh thông thường của ngân hàng, vì vậy, sau khi ngân hàng bung hết tiền, giờ không còn chỗ nào để thu tiền, nếu lúc này xuất hiện tình trạng người gửi đổ xô đi rút tiền thì ngân hàng sẽ sụp đổ.

Cơn bão tài chính Trung Quốc sắp càn quét

Hôm 18/7, ông Thạch Đào (Shi Tao), một nhà bình luận tại Mỹ, đã phân tích trên kênh cá nhân rằng, nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từ bỏ trái phiếu kho bạc Mỹ và muốn đổi thành tiền mặt để dùng trong nước, nó có nghĩa là Trung Quốc thực sự không còn tiền.

Ông Thạch Đào nói, điều này báo hiệu rằng trong bối cảnh các dự án bị khách hàng từ chối thanh toán khoản vay thế chấp như hiện nay, các ngân hàng địa phương và chính quyền địa phương đã gây tác động đến chính phủ trung ương và trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ.

Ông nhấn mạnh, kết luận là cơn bão tài chính Trung Quốc thực sự đã đến, đường đi của bão thực sự có liên quan trực tiếp đến vụ lừa đảo ngân hàng ở Hà Nam. Nó đến quá đột ngột và thời điểm bùng lên là tháng 5 năm nay.

Chuyên gia tài chính Tạ Kim Hà nhấn mạnh rằng, "Các dự án dở dang ở Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến sụp đổ hệ thống tài chính, nó sắp bắt đầu".

Cơn bão tài chính Trung Quốc từ sớm đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Ủy ban Quản lý Giám sát Tài chính Đài Loan (FSC Taiwan) cho biết vào ngày 19/7, tính đến cuối tháng 5/2022, các chi nhánh ngân hàng của 14 ngân hàng quốc doanh Đài Loan ở Trung Quốc đều không bị ảnh hưởng bởi sự cố “dự án bất động sản dở dang”; hơn nữa, để ứng phó với những thay đổi kinh tế ở Trung Quốc, FSC Taiwan đã yêu cầu ngành ngân hàng nâng cao khả năng chấp nhận rủi ro từ 1 đến 2 năm qua.

Trước sự cố xây dựng dở dang ở Trung Quốc, cư dân mạng liên tục đặt câu hỏi rằng tiền đã đi đâu? Khoản vay thế chấp của khách hàng đã chuyển hết cho chủ đầu tư, ví dụ tổng cộng chi 30% cho quyền sử dụng đất và phí xây dựng, nhưng bây giờ công trình lại dang dở?

Một cư dân mạng khác bình luận: "Người mua nhà thông thường đều ở thế yếu, không có quyền lên tiếng. Cần phải bảo vệ quyền lợi bản thân theo quy định của pháp luật, dừng thanh toán khoản vay thế chấp là chính xác".

Một số cư dân mạng khác giận dữ chỉ trích:

“Quan chức và doanh nhân thông đồng, mặc kệ người dân sống chết, sẽ bị báo ứng”.

“Một nước xã hội chủ nghĩa làm giá nhà đất còn cao hơn các nước tư bản, lãi suất thế chấp gần như cao nhất thế giới, thanh niên không dám lập gia đình, không dám sinh con”.

"Vấn đề lớn nhất là công dân không có quyền lên tiếng, bị hại nhưng không có cách nào để cầu cứu ... Rõ ràng là khế ước bán thân".

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tẩy chay trả nợ vay mua nhà ở Trung Quốc: Toàn bộ thị trường BĐS là phiên bản siêu khổng lồ của Evergrande