Tết 2023 giảm 924 triệu lượt người đi lại, phân tích chỉ ra dân số Trung Quốc giảm đột biến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo dữ liệu về lượt người đi lại trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 do Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc công bố, nhà phân tích tài chính Tưởng Thiên Minh (Jiang Tianming) của Hong Kong nhận thấy rằng số lượt người Trung Quốc di chuyển trong năm nay đã giảm 924 triệu so với cùng kỳ năm 2019. Dữ liệu này cho thấy trong 4 năm qua, tổng dân số của Trung Quốc có thể đã giảm tới 385 triệu người.

“Xuân vận” là từ dùng để chỉ đợt di chuyển về quê nghỉ Tết Nguyên đán, là khoảng thời gian lưu lượng người đi lại cực kỳ cao ở Trung Quốc, kéo dài từ 15 ngày trước Tết Nguyên đán đến 25 ngày sau Tết Nguyên đán, tổng cộng là 40 ngày. Kể từ khi dịch Covid bùng phát vào cuối năm 2019, năm 2023 là năm đầu tiên chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn và không hạn chế đi lại.

Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, "lượng người đi lại trong toàn xã hội" Trung Quốc đợt "Xuân vận" năm nay là khoảng 4,733 tỷ lượt người. Trong đó có 1,595 tỷ lượt hành khách di chuyển bằng đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và hàng không dân dụng, giảm 1,385 tỷ lượt người so với năm 2019 trước khi dịch bùng phát. Con số này trong năm 2019 là 2,98 tỷ lượt người.

Ông Tưởng Thiên Minh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 6/3 rằng, "lượng người đi lại trong toàn xã hội" là một kiểu thống kê mới xuất hiện trong năm nay, do Bộ Giao thông Trung Quốc đề ra. Ngoài ra còn xuất hiện khái niệm “sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe loại nhỏ trên đường cao tốc”. Trước đây, thuật ngữ này chưa từng xuất hiện trong các hạng mục thống kê về lượt người đi lại trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay con số này lên tới 3,138 tỷ lượt người, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2019. Vậy suy ra, dữ liệu tương ứng trong năm 2019 là 2,677 tỷ lượt người.

Ông Tưởng Thiên Minh đặt nghi vấn: "Tại sao 2,677 tỷ lượt khách này không được đưa vào dữ liệu chính thức năm 2019? Con số 2,677 tỷ hành khách là rất lớn, gần bằng lượng hành khách di chuyển bằng đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và hàng không dân dụng trong năm 2019. Có phải vì số người đi lại bằng đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và hàng không dân dụng trong năm 2023 quá thấp, chính phủ không thể chỉ công bố số liệu [sụt giảm] đó nên phải tìm cách " thống kê" sức chở của xe nhỏ trên các tuyến cao tốc?".

Theo tuyên bố chính thức, 4,733 tỷ lượt người đi lại trong đợt “Xuân vận 2023” bao gồm:

  • 1,595 tỷ lượt hành khách di chuyển bằng đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và hàng không dân dụng;
  • 3,138 tỷ lượt người di chuyển bằng xe loại nhỏ trên đường cao tốc.

Còn lượng hành khách đi lại trong đợt “Xuân vận 2019” là 5,657 tỷ lượt người. Có thể ước tính rằng số lượt người đi lại trong Tết Nguyên đán năm 2023 đã giảm 924 triệu so với năm 2019.

Phân tích: Dữ liệu đi lại giảm cho thấy số người chết rất lớn

Ông Tưởng Thiên Minh cho biết, tình trạng sụt giảm này là một chỉ số mạnh mẽ cho thấy dân số Trung Quốc đã giảm rất nhiều. Người người mong được về quê ăn Tết, nhất là sau 3 năm Zero Covid bị phong tỏa và kiểm soát, người dân Trung Quốc mong được đoàn tụ với gia đình hơn bao giờ hết. Do đó, trong vòng 40 ngày kể từ khi bắt đầu Xuân vận, ngay cả khi dịch bệnh nghiêm trọng, khả năng người dân lựa chọn không đi lại là cực kỳ thấp.

Dựa trên dữ liệu Xuân vận được công bố vào năm 2019, ông Tưởng tính toán rằng trong 40 ngày trước và sau Tết Nguyên đán, số lần đi lại trung bình của một người ở Trung Quốc là 2,4 lần. Con số trung bình này được tính bằng cách chia "tổng số lượt đi được công bố trong năm 2019 (2,98 tỷ)" cho "dân số quốc gia dưới 64 tuổi được công bố vào cuối năm 2018 (1,238 tỷ)". Trong quá trình tính toán đã cân nhắc tới hành vi xã hội hợp lý khi đó và loại trừ một cách khách quan lượng người có tỷ lệ đi lại thấp.

Ông Tưởng Thiên Minh cho rằng, dựa trên tỷ lệ số lần đi lại bình quân của một người là 2,4 lần, việc giảm 924 triệu lượt di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán 2023 cho thấy trong 4 năm từ 2019 - 2023, dân số Trung Quốc có thể giảm tới 385 triệu người (lấy 924 triệu chia cho 2,4).

Ông Tưởng nói: "Thông thường, biến động dân số thường mất nhiều thời gian. Nếu dân số giảm mạnh chỉ trong ba đến bốn năm, thì phần lớn là do các trường hợp đột phát. Và trường hợp đột phát từ năm 2019 - 2023 chính là dịch bệnh Covid-19 bùng phát".

Trong 3 năm qua kể từ khi dịch bệnh hoành hành ở Trung Quốc, một lượng lớn người Trung Quốc đã bị nhiễm virus, các bệnh viện quá tải bệnh nhân cũng gây ra nhiều hệ lụy. Đồng thời, các chính sách hà khắc của ĐCSTQ chẳng hạn như hàn chết cửa nhà của người dân, buộc mẹ và con nhỏ chia cắt, v.v. không chỉ tước đi những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân, mà còn cắt đứt các dịch vụ y tế cần thiết và/hoặc khẩn cấp của nhiều bệnh nhân.

Ông cho biết: "Mặc dù ĐCSTQ đã che đậy dữ liệu thực về số người chết, nhưng dữ liệu này lại đang dần được phản ánh ra hiện thực. Việc giảm dân số sẽ làm giảm nhu cầu thị trường, bao gồm tất cả các khía cạnh như quần áo, thực phẩm, nhà ở và phương tiện đi lại. Số liệu di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 là một manh mối".

Chứng cứ gián tiếp từ dữ liệu của Công an Thượng Hải: Dân số Trung Quốc năm 2022 là khoảng 970 triệu

Để duy trì sự giả tạo về sức mạnh quân sự, năng lực kinh tế và năng suất lao động, ĐCSTQ từ lâu đã tuyên bố rằng Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, các chuyên gia dân số quốc tế và các kết luận nghiên cứu khác nhau đều đang đặt nghi vấn về dữ liệu này.

Vào tháng 12/2021, ông Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian), một nhà nhân khẩu học nổi tiếng quốc tế, ước tính rằng dân số Trung Quốc năm 2020 là khoảng 1,28 tỷ người, chứ không phải là 1,41 tỷ người như ĐCSTQ công bố.

Cuối tháng 6/2022, cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân quốc gia của Cục Công an Thượng Hải đã bị tin tặc "ChinaDan" đánh cắp, sau đó tin tặc này đã rao bán 970 triệu dữ liệu cá nhân của người Trung Quốc trên diễn đàn trực tuyến "Breach Forums”. Trong đó bao gồm thông tin về tên, ngày sinh, địa chỉ, ảnh, số điện thoại, giấy tờ tùy thân, v.v.

Đây là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất được biết đến của nhà nước Trung Quốc. Nhiều chuyên gia từ các bên đã điều tra và chứng minh được tính xác thực và tính đầy đủ của dữ liệu này. Họ kết luận rằng, từ giữa năm 2022 đổ về trước, tổng dân số của Trung Quốc nhiều nhất chỉ là khoảng 970 triệu người. Con số này chênh lệch hơn 400 triệu so với con số 1,4 tỷ dân mà ĐCSTQ tuyên bố.

Bằng chứng về số lượng thẻ CCCD của Bộ Công an: Trung Quốc chỉ có khoảng 960 triệu người

Vào năm 2021, các kênh truyền thông lớn ở nước ngoài đưa tin rằng dữ liệu nội bộ của Bộ Công an Trung Quốc cho thấy, nước này chỉ có khoảng 780 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD). Theo dữ liệu công khai do Nhóm lãnh đạo Tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ bảy của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố: Trong năm 2020, dân số trên 16 tuổi ở Trung Quốc chiếm khoảng 81%.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, những người dưới 16 tuổi không bắt buộc phải đăng ký làm thẻ, trong khi những người trên 16 tuổi bắt buộc phải có CCCD.

Giả sử rằng không có ai dưới 16 tuổi có thẻ CCCD, thì tổng dân số của cả Trung Quốc sẽ là 960 triệu người (lấy 780 triệu chia cho 81%). Con số này khá gần với dữ liệu dân số mà Công an Thượng Hải bị rò rỉ.

Dữ liệu dịch bệnh của Trung Quốc thiếu minh bạch

Kể từ khi Covid-19 bùng phát ba năm trước, nhiều kênh truyền thông quốc tế đã đưa tin rằng, từ các tài liệu nội bộ bị rò rỉ của ĐCSTQ có thể thấy số người chết ở nước này rất cao. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn tiếp tục công bố dữ liệu sai lệch rõ ràng.

Trước hành vi làm sai lệch dữ liệu này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công khai yêu cầu chính phủ Trung Quốc công bố cho thế giới dữ liệu cụ thể và theo thời gian thực về tình hình dịch bệnh mới nhất ở Trung Quốc, bao gồm cả số người nhập viện, số người trong phòng cấp cứu, đặc biệt là số người chết, đồng thời nhắc lại "tầm quan trọng của tính minh bạch".

Đại dịch kéo dài 3 năm đã tác động không ngừng đến thế giới. Nó gây ra suy thoái kinh tế, thay đổi cấu trúc xã hội và khiến bao gia đình sinh ly tử biệt. Đặc biệt là khi ĐCSTQ che đậy dịch bệnh, số người chết vì Covid ở Trung Quốc có thể còn cao hơn tổng số người tử vong vì đại dịch trên toàn thế giới, và người Trung Quốc đã trở thành nạn nhân vô tội lớn nhất trước dã tâm của chế độ Bắc Kinh.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tết 2023 giảm 924 triệu lượt người đi lại, phân tích chỉ ra dân số Trung Quốc giảm đột biến