Thảm họa hoành hành trên khắp Trung Quốc, ảnh hưởng hàng chục triệu người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay khi vẫn đang vật lộn với đại dịch virus Corona Vũ Hán, Trung Quốc tiếp tục phải hứng chịu từng đợt sóng thiên tai thảm họa ồ ạt tới trên khắp đất nước.

Theo giới chức, nhiều tuần mưa lớn đã gây ra những trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, tàn phá 26 tỉnh ở miền trung và miền nam Trung Quốc và làm gián đoạn cuộc sống của hơn 19 triệu người.

Trong những tuần gần đây, mưa đá và động đất cũng xảy ra ở nhiều nơi trên toàn Trung Quốc. Nạn châu chấu tràn lan và các bệnh truyền qua động vật là những tai ương mới nhất của đất nước đông dân nhất thế giới này.

Theo các cơ quan quản lý khẩn cấp của Trung Quốc, chỉ trong nửa đầu năm 2020, có gần 50 triệu người Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều loại thảm họa tự nhiên. Giới chức tuyên bố rằng thảm họa đã khiến 271 người mất tích hoặc chết, và 914.000 người phải sơ tán khẩn cấp, nhưng con số thực sự có khả năng cao hơn nhiều, do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường lấp liếm thông tin và che giấu số liệu thực tế.

Trận lụt đã tràn ngập bờ kè bên cạnh sông Dương Tử vào ngày 6/7/2020 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Getty Images)
Trận lụt đã tràn ngập bờ kè bên cạnh sông Dương Tử vào ngày 6/7/2020 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Getty Images)

‘Cùng đi ngắm biển nào’

Với lượng mưa lớn trút xuống hầu như mỗi ngày trên các vùng khắp Trung Quốc kể từ tháng Sáu, đã khiến mực nước của khoảng 300 con sông vượt quá mức an toàn và khiến hàng chục thành phố phải phát cảnh báo khẩn cấp. Người dân đã chứng kiến cảnh tượng những ngôi nhà và ô tô bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.

Tỉnh Hồ Bắc thuộc miền trung Trung Quốc bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi các trận mưa lớn. Chính quyền địa phương cho biết, lượng mưa cao chưa từng thấy đã làm tê liệt hàng trăm con đường, gây ngập 5 hồ lớn trong khu vực và khiến gần 1.100 hồ chứa bị tràn.

“Cùng đi ngắm đại dương ở Vũ Hán nào”, một người dân địa phương nói trong một video ghi lại cảnh mực nước trên đường cao đến đầu gối.

Tại Thượng Hải, một bộ ba thiên tai gồm mưa lớn, gió giật và sấm sét ầm ầm làm cư dân thức giấc sớm vào ngày 6/7. Theo những chia sẻ từ người dân địa phương và các video được chia sẻ trực tuyến, nước mưa tích tụ trên tầng thượng của một trung tâm mua sắm bắt đầu tràn ra, rồi nước từ dưới nắp cống phun lên. Tại siêu đô thị Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc, nước bùn chảy qua cửa sổ tầng ba của một tòa nhà dân cư, tạo thành một thác nước nhân tạo.

Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài, người dân địa phương và các chuyên gia lo ngại rằng đập Tam Hiệp, một trong những đập nước lớn nhất thế giới, có thể vỡ dưới áp lực nước khổng lồ, khiến sinh mạng của hàng trăm triệu người sống dọc bờ sông Dương Tử gặp nguy hiểm.

Lũ lụt tàn phá khắp cả nước , cần kiểm tra lại các lỗ hổng trong cấu trúc của đập nước lớn nhất Trung Quốc

Lũ lụt nghiêm trọng tại một quận thuộc tỉnh An Huy miền đông Trung Quốc đã khiến kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia tiếp tục bị trì hoãn vì chỉ có một phần tư trong số 2.000 học sinh đăng ký có thể tham dự, trong số đó có một số em đến trường thi bằng thuyền. Trước đó, kỳ thi tuyển đại học ở Trung Quốc đã bị hoãn một tháng do đại dịch virus Corona Vũ Hán.

Các đường phố và tòa nhà ngập nước sau cơn mưa lớn đã gây ra lũ lụt ở huyện Dương Sóc, thuộc tỉnh Quảng Tây ở phía nam Trung Quốc vào ngày 7/6/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Các đường phố và tòa nhà ngập nước sau cơn mưa lớn đã gây ra lũ lụt ở huyện Dương Sóc, thuộc tỉnh Quảng Tây ở phía nam Trung Quốc vào ngày 7/6/2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Bà Deng là cư dân ngụ tại thành phố Hoàng Sơn, một điểm thu hút khách du lịch miền núi ở An Huy cho biết: “Nhà của chúng tôi có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào”. Chia sẻ với The Epoch Times, bà cho biết vì sợ rằng nước lũ có thể tràn vào nhà, bà đã không thể ngủ vào ban đêm. Nước lũ ở khu vực này đã gây sạt lở ở một con đường dẫn đến địa điểm du lịch và nghiền nát một đường hầm bên dưới, tạo ra một lỗ hổng dài hơn 7m.

Một cư dân khác là bà Huang cho biết bà đang theo dõi chặt chẽ các lỗ thoát xem có bất kỳ dấu hiệu nào của nước. “Cơn mưa quá lớn, nếu bạn không chú ý dù chỉ 10 phút, ngôi nhà sẽ bị chìm ngay”, bà Huang nói và nhấn mạnh rằng sẽ có nhiều mưa hơn trong những ngày tới.

Các khủng hoảng khác

Bầy châu chấu đã hủy hoại mùa màng ở nhiều tỉnh nông nghiệp kể từ tháng Sáu, một số khu vực sau đó đã bị vùi lấp bởi lũ lụt.

Tại Tuyền Châu - một huyện nông nghiệp phía nam thành phố Quế Lâm hiện đang ngập trong lũ - chỉ trong 10 ngày châu chấu đã xâm chiếm và dọn sạch những cánh đồng ngô, ngũ cốc, cùng các vườn cây cam, cây liễu được trồng dọc theo bờ sông để ngăn chặn lũ lụt, dân làng quanh khu vực cho biết.

Một nông dân địa phương là ông Zhao nói với The Epoch Times rằng: “Ngay cả những chiếc lá cũng không còn”. Đầu tháng Sáu, đàn châu chấu tấn công tỉnh Hồ Nam, lan tràn khắp các sân vườn của người dân, khiến cư dân phải trốn ở nhà và đóng chặt cửa sổ.

Tuy chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Trung Quốc Yuan Longping đã bác bỏ khả năng khủng hoảng lương thực, nhưng các nhà phê bình và người dân địa phương vẫn thấy lo ngại về vấn đề này do các thảm họa gần đây. Các quan chức từ thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên đã đưa ra một thông báo khuyến cáo dân làng chuyển đổi vườn cây ăn trái thành cánh đồng lúa, cho thấy tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra.

Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện ở 9 tỉnh của Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Hồ Bắc, Vân Nam và Giang Tô. Dịch bệnh này lần đầu tiên bùng phát trong quần thể lợn Trung Quốc vào tháng 8/2018. Theo một nghiên cứu ngày 29/6 đăng trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences của Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng xác định một loại virus cúm lợn có tên là G4 có thể lây lan sang người. Virus G4 này phát triển từ chủng cúm H1N1, gây ra đại dịch cúm toàn cầu năm 2009 và đã được phát hiện trên hơn 30.000 con lợn ở 10 tỉnh Trung Quốc trong những năm gần đây.

Giới chức ở Nội Mông đã đưa ra cảnh báo sau khi một người nhập viện và nghi ngờ mắc phải bệnh dịch hạch, vốn là nguyên nhân gây ra đại dịch “Cái chết đen” cách đây hơn 670 năm.

Một thành phố ở phía tây nam tỉnh Quý Châu, nơi cũng ghi nhận lượng mưa lớn bất thường, đã trải qua 2 trận động đất quy mô nhỏ vào ngày 2/7, trong khi các thành phố phía bắc bao gồm Bắc Kinh và Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc lân cận đã phải hứng chịu những trận mưa đá dữ dội vào ngày 1/7 và 5/7. Hồi cuối tháng 6, một cơn mưa đá ở Bắc Kinh kéo dài liên tục 7 giờ, trút xuống những cục mưa đá có hình dạng giống như một con virus.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thảm họa hoành hành trên khắp Trung Quốc, ảnh hưởng hàng chục triệu người