Tà ác vô độ | I - 1: Thân thế của Giang Trạch Dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì sự nghiệp tương lai, Giang Trạch Dân đã dối trá khi tự nhận là con nuôi của một người chú - một chiến sĩ đã thiệt mạng khi chiến đấu với quân Nhật trong Thế chiến thứ hai; đồng thời hạ thấp mối quan hệ với cha ruột - người bị coi là Hán gian, kẻ phản bội đất nước.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương I: Sự trỗi dậy của Giang Trạch Dân

Ngày 17/08/1926, Giang Trạch Dân được sinh ra tại thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tính đến nay, năm 2022, Giang Trạch Dân vẫn còn sống và đã 96 tuổi.

Cha ông ta là quan chức cấp cao trong chính phủ bù nhìn thời Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc vào những năm 1940. Giang Trạch Dân nói ông ta được nhận nuôi bởi người chú của mình - người đã thiệt mạng khi chiến đấu với quân Nhật trong Thế chiến thứ hai. Liệu họ Giang có thật sự được nhận làm con nuôi hợp pháp như những lời ông ta tuyên bố? Vì sự nghiệp tương lai, Giang Trạch Dân muốn có mối liên hệ gia đình với chú của mình - một chiến sĩ chống Nhật; đồng thời hạ thấp mối quan hệ với cha ruột - kẻ bị coi là Hán gian, phản bội đất nước.

Giang Trạch Dân gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 04/1946. Hơn 40 năm sau, họ Giang được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngay sau khi nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và các trưởng lão của ĐCSTQ ra lệnh cho quân đội nổ súng vào sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (ngày 04/06/1989). Họ Giang đã thay thế Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) - khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, người có khuynh hướng ủng hộ các sinh viên. Sau đó, Giang Trạch Dân giữ chức Chủ tịch nước Trung Quốc từ tháng 03/1993 đến 03/2003 và Chủ tịch Quân ủy Trung ương (QUTW) ĐCSTQ từ tháng 11/1989 đến 09/2004 - khi ông ta miễn cưỡng từ chức. Kể từ đó, họ Giang tiếp tục tạo ảnh hưởng từ phía sau hậu trường thông qua bè phái và tay sai của mình.

Trong hầu hết các trường hợp, di sản của một người được xác định bởi nhân cách và tư cách đạo đức của người ấy; và điều này cũng không hề sai trong trường hợp của Giang Trạch Dân. Sự thèm khát quyền lực cũng như sự ghen tị và hèn nhát của ông ta đã tàn phá xã hội Trung Quốc trong hơn 20 năm. Những thiệt hại do triều đại ông ta gây ra vẫn tiếp tục hiện hữu cho đến ngày nay.

Phần 1: Thân thế của Giang Trạch Dân - Có bố là Hán gian, dối trá về tư cách thành viên ĐCSTQ

Bối cảnh gia đình Giang Trạch Dân

Giang Trạch Dân sinh ra trong một gia đình đông con. Ông nội của Giang Trạch Dân có 7 người con. Đáng chú ý, người con cả là Giang Thế Tuấn (Jiang Shijun) (cha của Giang Trạch Dân) đã ủng hộ Nhật Bản và chính phủ bù nhìn của đế quốc này ở Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai, khi Trung Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng. Giang Trạch Dân là con trai cả của một người cha thân Nhật Bản, chứ không phải của Giang Thượng Thanh (Jiang Shangqing) - quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) [1].

Các hồ sơ cho thấy, ông Giang Thế Tuấn đã tham gia tổ chức thân Nhật Bản là Hội đồng Cứu rỗi Hòa bình (Peace Salvation Council) vào năm 1938, sau vụ thảm sát Nam Kinh. Trong sự kiện đó, quân đội Nhật đã tàn sát thường dân Trung Quốc và tước vũ khí của các binh sĩ với số lượng từ 40.000 đến hơn 300.000 người. Quân Nhật đồng thời gây ra vụ hãm hiếp trên diện rộng cũng như cướp bóc trong 6 tuần, bắt đầu từ ngày 13/12/1937 - khi họ tấn công vào Nam Kinh. Giang Thế Tuấn sau đó làm việc cho Quân đội Nhật Bản tại Ủy ban Lâm thời Nam Kinh.

Tháng 11/1940, ông Giang Thế Tuấn làm việc trong chính phủ cộng tác của Uông Tinh Vệ (Wang Jingwei) ở Nam Kinh - chế độ bù nhìn của Nhật Bản. Chế độ này đối lập với chính phủ Trung Hoa Quốc dân Đảng ở Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên. Ông Giang Thế Tuấn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền trong chính phủ Uông Tinh Vệ và là người đứng đầu Ủy ban biên tập của Bộ. Nhiệm vụ của Bộ Tuyên truyền là tẩy não những cư dân địa phương sống dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản. Ông đã nhận được một số giải thưởng và bằng khen của Quân đội Nhật Bản cho những thành tích tại Bộ Tuyên truyền.

Với một người cha Hán gian nổi tiếng về ủng hộ Nhật và chống lại Trung Quốc, Giang Trạch Dân hầu như không có cơ hội giành được sự tin tưởng để thăng tiến trong ĐCSTQ. Vì vậy, ông ta phải tìm mọi cách để che giấu lý lịch thực sự của mình.

Giang Trạch Dân tự nhận làm con nuôi của một người đã khuất

Chú của Giang Trạch Dân là ông Giang Thượng Thanh (còn được gọi là Giang Thế Hậu), gia nhập ĐCSTQ năm 1928 và trở thành một quan chức cấp cao trong Đảng tại tỉnh An Huy. Bị giết bởi lực lượng vũ trang thân Nhật vào năm 1939 ở tuổi 28, Giang Thượng Thanh khi đó có vợ và hai con gái là Giang Trạch Linh (Jiang Zeling) và Giang Trạch Huệ (Jiang Zehui).

Để leo cao trong ĐCSTQ, nền tảng gia đình liệt sĩ và sự bảo trợ của các quan chức cấp cao là những điều rất quan trọng. Nhưng cha của Giang Trạch Dân bị coi là kẻ phản bội vì ông ta ủng hộ và phục vụ cho người Nhật. Khi còn là Phó giám đốc Ủy ban Xuất nhập khẩu Trung Quốc vào năm 1982, Giang Trạch Dân bắt đầu tìm kiếm những người cấp cao trong Đảng có quan hệ với chú của mình. Ông ta được biết rằng, chú của ông đã làm việc với Trương Ái Bình (Zhang Aiping) - khi đó là một tướng lĩnh của ĐCSTQ - trong Ủy ban đặc biệt của tỉnh An Huy phía đông bắc.

Giang Trạch Dân đã nhìn ra cơ hội trong một hội nghị toàn quốc của ĐCSTQ nơi có tướng Trương Ái Bình tham dự. Họ Giang đợi sẵn ở cửa ra vào. Khi Trương Ái Bình ra ngoài, Giang Trạch Dân hỏi ông ấy rằng, liệu tướng Trương có biết Giang Thượng Thanh không. Ông Trương khẳng định có biết Giang Thượng Thanh; trên thực tế, Giang Thượng Thanh là một trong những đồng đội tốt của ông. Giang Trạch Dân ngay lập tức đáp lại rằng, ông là con nuôi của Giang Thượng Thanh. Cụ thể, sau khi Giang Thượng Thanh bị giết, cha mẹ của Giang Trạch Dân đã gửi ông làm con nuôi cho Giang Thượng Thanh.

Tại lễ thăng chức của Giang Trạch Dân có thông tin lan truyền rằng Trương Ái Bình đã xác nhận việc Giang Thượng Thanh là cha nuôi của họ Giang. Điều đó có nghĩa là, Giang Trạch Dân là con nuôi của một liệt sĩ ĐCSTQ. Năm 1985, ba năm sau đó, theo đề nghị của Giang Trạch Dân, Trương Ái Bình đã chấp bút cho bia mộ của Giang Thượng Thanh. Ngay sau đó, họ Giang đã đưa vợ mình là Vương Dã Bình (Wang Yeping) và hai con gái của chú mình (Giang Trạch Linh và Giang Trạch Huệ), cũng như những người thân khác, đến nơi chôn cất. Như vậy, việc này đã hoàn tất quá trình biến Giang Trạch Dân từ con trai của một Hán gian thành con trai của một liệt sĩ ĐCSTQ.

Không phải ai cũng đều bị thuyết phục bởi tình tiết này. Có thông tin nói rằng, bà Giang Trạch Huệ từng nhận xét nếu không có gia đình bà ủng hộ việc Giang Trạch Dân tuyên bố được nhận làm con nuôi, ông ta sẽ là một trong năm “giai cấp đen”. ĐCSTQ đã gắn nhãn 5 nhóm công dân bị coi là hạ đẳng, bao gồm địa chủ, phú nông, phản động, phần tử xấu và cánh hữu. Đây là những mục tiêu tấn công trong các chiến dịch chính trị khác nhau của ĐCSTQ.

Mối quan hệ giữa Giang Trạch Dân và các tổ chức của Nhật Bản

Trong cuốn sách có tựa đề “The Man Who Changed China: The Life and Legacy of Jiang Zemin" (Người đàn ông đã thay đổi Trung Quốc: Cuộc đời và di sản của Giang Trạch Dân), tác giả Robert Lawrence Kuhn đã dành chương II - “Tôi là người yêu nước” - để mô tả chi tiết các hoạt động yêu nước của Giang Trạch Dân trong những năm 1940.

Tháng 09/1939, quân đội Nhật thành lập Bộ chỉ huy Lực lượng Viễn chinh Trung Quốc thuộc Lục quân Đế quốc Nhật Bản tại Nam Kinh. Từ năm 1940 đến 1945, họ lựa chọn những sinh viên Trung Quốc trung thành với Nhật Bản để gửi đến Nam Kinh theo học tại một trường Đại học Trung ương do chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ thành lập. Trường Đại học Trung ương Nam Kinh nguyên ban đầu đã cùng với chính phủ Quốc dân Đảng chuyển đến Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên.

Cuối năm 1943, chính phủ Nhật Bản đưa ra cái gọi là Chính sách Đối ngoại Trung Quốc Mới với cam kết “tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc”. Nhưng sự thật là chính sách này được thiết kế để đảm bảo hệ thống chính phủ cộng tác có thể hoạt động thống nhất với các mục tiêu của Nhật Bản. Bộ trưởng Tuyên truyền Lâm Bá Sinh (Lin Bosheng) của chính quyền Uông Tinh Vệ thậm chí còn muốn sử dụng cơ hội này để giành quyền cho chính phủ bù nhìn bán thuốc phiện ra công chúng (từ tay đế quốc Nhật).

Cha của Giang Trạch Dân - với tư cách là quan chức cấp cao của Bộ Tuyên truyền trong chính phủ bù nhìn - đã hướng dẫn con trai mình tích cực ủng hộ chính quyền của ông Uông.

Giang Trạch Dân đặc biệt tích cực trong những hoạt động ủng hộ này. Tuy nhiên, sau khi họ Giang trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ, hoạt động ủng hộ chính quyền Hán gian thời trẻ của Giang Trạch Dân lại được lý giải theo cách là họ Giang có lòng yêu nước. Người ta nói rằng, việc Giang Trạch Dân tích cực tham gia các phong trào của chính quyền Hán gian khi đó là theo sự chỉ đạo ngầm của ĐCSTQ. Cách giải thích này được tác giả Kuhn đưa vào sách.

Ngày 03/09/1945, Nhật Bản đầu hàng và chính phủ bù nhìn tan rã. Ngày 13/03/1946, chính phủ Quốc dân Đảng ban hành và sửa đổi “Sắc lệnh trừng phạt những kẻ phản bội”, có hiệu lực ngay lập tức. Ông Giang Thế Tuấn nằm trong danh sách truy nã. Bản thân Giang Trạch Dân đã sớm bị chính phủ Quốc dân Đảng truy nã để thẩm vấn. Ông ta chạy trốn đến một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Giang Tây để ẩn náu. Một lệnh bắt giữ đã được ban hành đối với họ Giang. Sáu tháng sau, do sự phản đối của sinh viên đối với việc thẩm vấn sinh viên, chính phủ Quốc dân Đảng đã hủy bỏ quy trình thẩm vấn. Cuối năm 1946, họ Giang trở lại Thượng Hải và nhập học Đại học Giao thông Thượng Hải.

Cây bút Robert Kuhn đề cập trong cuốn sách của mình rằng, Giang Trạch Dân đã tham gia nhiều hoạt động biểu tình trên đường phố trong khi theo học Đại học Giao thông Thượng Hải. Tuy nhiên, theo ông Hồ Tỏa Minh (Hu Suoming) - một đảng viên ngầm của ĐCSTQ tại Đại học Giao thông Thượng Hải vào thời điểm đó và học trên Giang Trạch Dân một năm, ông không hề có ký ức nào về việc nhìn thấy họ Giang trong bất kỳ hoạt động nào do tổ chức ngầm của ĐCSTQ lãnh đạo ở Đại học Giao thông Thượng Hải.

Giang Trạch Dân theo học một trường Đại học dưới sự kiểm soát của Nhật Bản

Bản sao thẻ thư viện sinh viên của Giang Trạch Dân tại Đại học Trung ương (do chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ thành lập) chứng minh ông ta đã theo học tại đây. "Sổ địa chỉ của cựu sinh viên Đại học Trung ương Nam Kinh (1940-1945)" được sửa đổi và tái bản vào tháng 07/1989 đã liệt kê Giang Trạch Dân ở trang 42, cho biết ông ta đã học và rời đi vào năm 1942 mà không được nhận bằng từ Khoa Kỹ thuật Điện (thuộc Trường Kỹ thuật tại Đại học Trung ương).

Việc theo học tại Đại học Trung ương - một ngôi trường nằm dưới sự điều hành của chính phủ cộng tác của Uông Tinh Vệ - không phải là điều mà Giang Trạch Dân muốn khoe khoang.

Năm 2002, khi chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, Đại học Nam Kinh đã tìm thấy bảng điểm và thẻ thư viện của Giang Trạch Dân. Họ đã báo cáo cho Ban Tổ chức Trung ương của ĐCSTQ, hy vọng rằng họ Giang sẽ có thể tham dự các hoạt động kỷ niệm 100 năm của trường cũ. Trước sự ngạc nhiên của trường, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã từ chối lời mời. Trường đại học này được lệnh không đề cập đến vấn đề đó. Cuối cùng, Đại học Nam Kinh cũng biết rằng, thời đó Giang Trạch Dân theo học Đại học Trung ương dưới thời chính quyền bù nhìn, chứ không phải Đại học Trung ương Nam Kinh danh tiếng thời nay.

Giang Trạch Dân dối trá về tư cách thành viên ĐCSTQ

Họ Giang khai rằng, ông ta gia nhập ĐCSTQ, khi đó còn hoạt động ngầm, vào tháng 04/1946 tại Đại học Giao thông Thượng Hải. Một số cựu chiến binh ĐCSTQ đã cung cấp bằng chứng cho thấy tuyên bố đó là dối trá [2].

Ông Hồ Tỏa Minh (sinh năm 1925) gia nhập tổ chức ngầm ở Thượng Hải của ĐCSTQ vào năm 1942. Cùng năm, ông được nhận vào Khoa Cơ khí tại Đại học Giao thông Thượng Hải và tốt nghiệp vào năm 1946. Theo ông Hồ, Giang Trạch Dân được chuyển đến Đại học Giao thông Thượng Hải khi Đại học Trung ương Nam Kinh sáp nhập vào Đại học Giao thông Thượng Hải năm 1946. Giang Trạch Dân học tại Khoa Điện máy và học dưới ông Hồ một năm. Hồ Tỏa Minh đã không nhìn thấy họ Giang trong tất cả các hoạt động do tổ chức ngầm của ĐCSTQ tổ chức ở Đại học Giao thông Thượng Hải. Cũng không ai đề cập về Giang Trạch Dân với ông, hay thông báo cho ông biết rằng Giang Trạch Dân là thành viên trong tổ chức ngầm của ĐCSTQ. Ông không biết và không tin rằng Giang Trạch Dân đã trở thành đảng viên trước năm 1949, khi ĐCSTQ tiếp quản khu vực này.

Họ Giang khai rằng, Vương Gia Du (Wang Jiayou) - một đảng viên ngầm của ĐCSTQ tại Đại học Trung ương Nam Kinh - đã bảo trợ để ông ta trở thành đảng viên ĐCSTQ tại Đại học Giao thông Thượng Hải. Tuy nhiên, ông Hồ Tỏa Minh cho rằng, bản thân ông Vương không thể được coi là một đảng viên vì ông ấy không hoàn thành thủ tục trở thành đảng viên ĐCSTQ khi còn ở Đại học Trung ương Nam Kinh. Vì vậy, ông Vương không đủ tư cách để bảo lãnh cho bất kỳ ai gia nhập ĐCSTQ.

Sau khi chiến tranh kết thúc, cơ quan đăng ký và liên kết thành viên ĐCSTQ từ Nam Kinh được chuyển giao cho tổ chức ngầm của ĐCSTQ ở Thượng Hải. Sự chuyển giao này bao gồm những thành viên ngầm của ĐCSTQ từng làm việc hoặc học tập tại Đại học Trung ương Nam Kinh và đã chuyển đến Thượng Hải. Những người có liên quan đến việc chuyển giao không thể nhớ lại tên của Giang Trạch Dân trong sổ đăng ký. Cụ thể, ông Ngô Tăng Lượng (Wu Zengliang) - người đứng đầu tổ chức ngầm của ĐCSTQ tại Đại học Giao thông Thượng Hải - nói rằng, Giang Trạch Dân không thuộc tổ chức ngầm của ĐCSTQ của ông ấy. Người này còn khẳng định, họ Giang không hề bày tỏ với ông bất kỳ sự quan tâm nào về việc gia nhập ĐCSTQ.

Việc liệu Giang Trạch Dân có phải là thành viên tổ chức ngầm của ĐCSTQ hay không là vấn đề rất quan trọng. Bản thân các nhân vật Ngô Tăng Lượng, Hạ Sùng Dần (He Chongyin) và Trần Tu Lương (Chen Xiuliang) đều có ký ức về sự việc này. Họ đã gặp nhau và thảo luận các chi tiết. Họ kết luận rằng, dù ở Đại học Trung ương Nam Kinh hay ở Đại học Giao thông Thượng Hải, Giang Trạch Dân đều không phải là thành viên trong tổ chức ngầm của ĐCSTQ vào năm 1946. Ngoài ra, ông ta không phải là đảng viên ĐCSTQ trong thời gian từ năm 1946 cho đến khi ĐCSTQ tiếp quản Thượng Hải năm 1949.

Sau khi Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư của ĐCSTQ, để chứng minh rằng mình đã gia nhập ĐCSTQ vào năm 1946, họ Giang không chỉ giới thiệu Vương Gia Du là người bảo trợ để gia nhập Đảng tại Đại học Giao thông Thượng Hải, mà còn nói rằng Hạ Sùng Dần cũng bảo trợ cho ông ta. Ông Hạ đã rất không hài lòng vì tuyên bố xuyên tạc này và luôn cố gắng bác bỏ nó. Vào thời điểm đó, Giang Trạch Dân là lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ và là nguyên thủ quốc gia. Vì lo sợ cho sự an toàn của bản thân, Hạ Sùng Dần đã không công khai bác bỏ câu chuyện của họ Giang, nhưng vẫn cố gắng viết các bài báo ngụ ý rằng, ông ấy không bảo trợ cho Giang Trạch Dân gia nhập ĐCSTQ.

Đọc tiếp: Chương I - Phần 2: Thăng tiến chóng mặt nhờ tận lực thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn

[1] Mục này và ba mục tiếp theo được viết dựa trên Lv, Jiaping (2009, ngày 05 tháng 12). Jiang Zemin’s “Two Traitors and Two Lies” Political Fraud and Request for Investigation. http://www.epochtimes.com/gb/10/1/9/n2781579.htm.

[2] Mục này được viết dựa trên Lv, Jiaping (2010, ngày 13 tháng 8). New Evidence Showing Jiang Zemin Was Not an Underground Communist Party Member. http://www.aboluowang.com/2010/0813/175594.html.

Xem thêm:



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | I - 1: Thân thế của Giang Trạch Dân