Thành phố Tam Sa – Thùng thuốc súng ở Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo được phát hành trong năm nay bởi Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (U.S Naval War College) đã tiết lộ một số chi tiết gây sốc về thành phố Tam Sa ở Biển Đông. Hòn đảo chính – nơi đặt trụ sở chính quyền nhân dân thành phố – hiện đã mở rộng cơ sở hạ tầng bến cảng, cơ sở khử muối nước biển và xử lý nước thải, nhà ở công cộng mới, phủ sóng mạng 5G; có trường học, nhà tù, tòa án; và có các chuyến bay định kỳ đi lại về Đại lục. Nếu nổ ra chiến tranh trong khu vực, thành phố này có thể là thùng thuốc súng châm ngòi cho chiến tranh.

Một thành phố chiếm phần lớn Biển Đông, có diện tích gấp 1.700 lần thành phố New York của Mỹ, chính là thành phố Tam Sa do Trung Quốc thành lập vào năm 2012.

Báo cáo của U.S Naval War College cho biết, thành phố này được thành lập để quản lý một khu vực mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bao gồm: quần đảo Paracel (Việt Nam gọi là Hoàng Sa, Trung Quốc gọi là Tây Sa), quần đảo Spratly (Việt Nam gọi là Trường Sa, Trung Quốc gọi là Nam Sa), quần đảo Zhongsha (bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough, Trung Quốc gọi là Trung Sa) cùng các vùng biển xung quanh.

Theo phân cấp hành chính của Trung Quốc, Tam Sa là một thành phố cấp địa khu thuộc tỉnh Hải Nam và có chính quyền nhân dân đặt tại đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm). Thành phố Tam Sa bao gồm quận Tây Sa và quận Nam Sa. Trong số đó, Việt Nam và Đài Loan đang tuyên bố chủ quyền ở các khu vực của Tây Sa (Hoàng Sa); số quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Nam Sa (Trường Sa) thậm chí còn nhiều hơn, gồm Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia, và Brunei.

Nếu Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ này và phát triển nó thành một thành phố thực tế của Trung Quốc, thì điều đó sẽ là khiêu khích rất lớn đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông. Một khi các quốc gia như Việt Nam và Philippines quyết định hành động trước hành vi chiếm đóng trái phép của Trung Quốc, thành phố Tam Sa có khả năng trở thành trung tâm của một cuộc đối đầu lớn. Bởi vì Bắc Kinh đã vượt quá ngưỡng mà các nước tranh chấp ở Biển Đông có thể chịu đựng.

thành phố tam sa, biển đông
Bản đồ quy hoạch thành phố Tam Sa. Trong đó, phần màu xanh lá là quận Tây Sa (Hoàng Sa), vị trí ngôi sao đỏ là đảo Vĩnh Hưng (Phúc Lâm); phần màu đỏ là quận Nam Sa (Trường Sa). (Nguồn ảnh: Bản đồ công cộng)

Trung tâm thành phố Tam Sa được phát triển nhiều cơ sở hạ tầng

Trên bản đồ có thể thấy, thành phố Tam Sa nằm ở trung tâm của khu vực có nhiều tranh chấp trên Biển Đông. Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện rộng khắp ở thành phố rộng lớn này. Trung Quốc cũng phát triển một lượng lớn khu dân cư, tạo thành lớp lá chắn dân thường khiến các bên khó bề xử trí. Lấy ví dụ về đảo Vĩnh Hưng (Phúc Lâm), một trong những đảo thuộc quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Nơi đây từng là một tiền đồn hẻo lánh, nhưng ngày nay nó là trụ sở của Tòa thị chính thành phố Tam Sa.

Báo cáo của U.S Naval War College nêu rõ: "Hòn đảo này hiện đã mở rộng cơ sở hạ tầng bến cảng, cơ sở khử muối nước biển và xử lý nước thải, nhà ở công cộng mới, hệ thống tư pháp đang hoạt động, phủ sóng mạng 5G, có trường học và các chuyến bay định kỳ đi lại về Đại lục".

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, thành phố Tam Sa đang “phát triển ngành du lịch ở quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), thu hút hàng trăm công ty đăng ký mới, đào tạo nuôi trồng thủy sản và khuyến khích cư trú lâu dài”. Trung Quốc thậm chí đã xây dựng nhà tù và tòa án. Có hai người đã bị xét xử và kết án vì tội buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa).

thành phố tam sa, biển đông
Bản đồ Biển Đông với các khu vực tranh chấp. (CC BY-SA 3.0 / Wikipedia)

Trung Quốc mô tả thành phố Tam Sa là một “địa cấp thị” (thành phố cấp địa khu). Ở Trung Quốc đại lục, “địa cấp thị” là khu vực bao gồm một thành phố trung tâm, các thành phố vệ tinh xung quanh, thị trấn, làng mạc và khu vực nông thôn. Báo cáo của U.S Naval War College đã giải thích động cơ đằng sau việc Bắc Kinh phát triển thành phố Tam Sa thành một “địa cấp thị”. Trong đó chỉ ra rằng, "việc mở rộng các tổ chức của đảng và chính quyền ở thành phố Tam Sa cho phép chính quyền thành phố có thể trực tiếp quản lý các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, và đảm bảo lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc được ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách ở địa phương".

Bắc Kinh đã chiếm đóng một số vùng lãnh thổ mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Vậy nên không ai ngạc nhiên khi Trung Quốc chiếm một khu vực gọi là thành phố Tam Sa. Tuy nhiên, vấn đề chính là sự kiểm soát của Trung Quốc đối với khu vực này đang vượt khỏi phạm vi chiếm đóng của quân đội và dần biến thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bên tranh chấp Biển Đông cũng như các nước muốn kiềm chế hành vi hiếu chiến của Trung Quốc. Họ phải nhanh chóng hành động, nếu không chế độ Trung Quốc sẽ không ngừng tăng cường kiểm soát dân sự đối với thành phố Tam Sa.

Đông Phương

Theo Cổ Vọng Cầm (Gu Wangqin) - Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Thành phố Tam Sa – Thùng thuốc súng ở Biển Đông