Thị trấn nộp đơn ‘xin giảm’ 31% dân số, Trung Quốc có thực sự là quốc gia tỷ dân?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xét nghiệm axit nucleic (PCR) toàn dân rất có thể đã tình cờ tiết lộ dân số thực tế của Trung Quốc. Một thị trấn ở tỉnh Cát Lâm đã nộp đơn xin giảm khoảng 31% số người thường trú vì không thể hoàn thành số lượng xét nghiệm. Thông tin này lại một lần nữa làm dấy lên nghi vấn rằng, liệu Trung Quốc có thực sự là quốc gia tỷ dân.

Gần đây, Văn phòng chính quyền thị trấn Bình Đài (Pingtai) thuộc quận Thao Bắc, thành phố Bạch Thành, tỉnh Cát Lâm đã nộp đơn lên Văn phòng Nhóm lãnh đạo về Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh, yêu cầu giảm số lượng người thường trú tại các ngôi làng giáp ranh với Nội Mông, để hoàn thành chính xác số lượng làm xét nghiệm axit nucleic.

Theo tờ Sound Of Hope, thông tin này được đăng trên trang web chính thức của chính quyền quận Thao Bắc (Taobei), thành phố Bạch Thành (Beicheng).

Đơn xin điều chỉnh nhân khẩu thường trú tại các thôn làng tiếp giáp với Nội Mông Cổ của thị trấn Bình Đài đăng trên trang web của chính quyền quận Thao Bắc, thành phố Bạch Thành, tỉnh Cát Lâm. Ngày lập đơn 15/10/2021. Ngày công bố 19/10/2021. (Ảnh chụp màn hình)
Đơn xin điều chỉnh nhân khẩu thường trú tại các thôn làng tiếp giáp với Nội Mông Cổ của thị trấn Bình Đài đăng trên trang web của chính quyền quận Thao Bắc, thành phố Bạch Thành, tỉnh Cát Lâm. Ngày lập đơn 15/10/2021. Ngày công bố 19/10/2021. (Ảnh chụp màn hình)

Đơn xin nêu rõ rằng, theo cuộc tổng điều tra dân số lần thứ 7 vào năm 2020, dân số thường trú của làng Vĩnh Lạc (Yongle), làng Dân Sinh (Minsheng), làng Đại Lĩnh (Daling) và khu dân cư Đài Phủ (Taifu) ở thị trấn Bình Đài là 1.743 người. Trong đó Vĩnh Lạc có 206 người, Dân Sinh có 413 người, Đại Lĩnh có 343 người, Đài Phủ có 781 người.

Trong đó viết, do Bình Đài là một thị trấn ngoại ô, dân cư không cố định, số lao động đi nơi khác làm ăn và số người chuyển tới đều khá đông, nên để hoàn thành chính xác và hiệu quả hơn công tác xét nghiệm axit nucleic cho tất cả cư dân, thị trấn xin được điều chỉnh số lượng thường trú nhân. Sau khi điều chỉnh, số lượng thường trú nhân ở bốn nơi sẽ còn 1.195 người, cụ thể là Vĩnh Lạc, Dân Sinh, Đại Lĩnh và Đài Phủ lần lượt có 158, 281, 267 và 489 người.

Theo đơn xin trên, dân số cư trú của bốn nơi này đã giảm đi 548 người sau khi điều chỉnh, tức là giảm 31,44% so với con số 1.743 người được báo cáo trong cuộc tổng điều tra dân số lần thứ 7.

Ngay khi tin tức này truyền ra đã thu hút sự quan tâm lớn từ cư dân mạng Trung Quốc:

"Không phải đang tự tiết lộ rằng dữ liệu của cuộc điều tra dân số lần thứ 7 là làm giả sao”.

"Có khi nào số người tử vong do COVID-19 hoặc tử vong do tiêm vaccine cũng là giả?”.

"Cũng có khả năng là có nhiều người chết trong năm nay".

"Dữ liệu làm giả, dân số đáng lo ngại".

"Haha, dịch bệnh có lẽ sẽ trở thành đợt chống hàng giả lớn nhất".

“Trấn nhỏ quê tôi cũng thế, khai man dân số hơn 10.000 người, kết quả là khi phải thống kê tỷ lệ tiêm chủng thì phát hoảng, ép nhân viên cấp cơ sở đi khắp nơi tìm người [tiêm] để hoàn thành chỉ tiêu".

“Thật vậy, bạn học của tôi đến từ Đông Bắc Trung Quốc cũng nói thế, ở đó họ khai khống số người thường trú cho nên bây giờ áp lực hoàn thành nhiệm vụ về tỷ lệ tiêm chủng rất lớn".

"Chuyện là... hai năm rồi tôi đi làm bên ngoài không về nhà, ở quê điều tra tình hình tiêm chủng của tôi, cuối cùng bị tính cả ở 2 nơi” (tức là một người bị thống kê 2 lần, nơi cư trú hiện tại và ở quê đều đưa người này vào danh sách đã tiêm chủng).

Cuộc tổng điều tra dân số lần thứ 7 của Trung Quốc đã hoàn thành vào cuối năm 2020. Chính quyền Trung Quốc cũng đã công bố kết quả vào ngày 11/5 năm nay. Số liệu cho thấy tổng dân số của Trung Quốc năm 2020 là 1,41 tỷ người, tăng 5,38% so với cuộc tổng điều tra cách đây 10 năm, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 0,53%. Đây là tốc độ tăng trung bình thấp nhất trong mỗi 10 năm.

Ban đầu, dữ liệu điều tra dân số năm 2020 được dự kiến ​​công bố vào đầu tháng 4 năm nay, nhưng đã bị trì hoãn một tháng. Tờ Financial Times của Anh tiết lộ vào cuối tháng 4 rằng, vì dữ liệu "vô cùng nhạy cảm" và cần có sự đồng thuận từ nội bộ chính quyền thì mới được công bố.

Nếu tính theo tỷ lệ dân số giảm 31% ở thị trấn Bình Đài, tỉnh Cát Lâm, thì dân số Trung Quốc trong cuộc tổng điều tra lần thứ 7 sẽ chỉ còn hơn 900 triệu người.

Tin tức về việc cưỡng chế tiêm vaccine cũng vô tình tiết lộ số dân

Tờ Civil Rights & Livelihood Watch đã phỏng vấn một số người làm việc trong thể chế Trung Quốc vào tháng trước. Qua đó thu được một số thông tin đáng tin cậy về việc cưỡng chế tiêm vaccine COVID-19, đồng thời để lộ vấn đề dân số.

Trang mạng này cho biết hôm 11/9, dữ liệu do các tỉnh, thành, huyện, xã báo cáo lên trên đều là thống kê giả, cho nên con số mà chính quyền trung ương công bố trong các cuộc tổng điều tra dân số trong vài thập kỷ qua cũng đều là giả.

Những dữ liệu này liên quan rất lớn đến lợi ích của chính quyền các cấp. Ví dụ, biên chế công chức được phân bổ theo số nhân khẩu, ngoài ra còn liên quan đến các vấn đề khác như cấp bậc hành chính, nguồn chi tài chính và cơ cấu ban ngành, v.v. Vì việc thống kê số liệu nhân khẩu đều do quan chức địa phương các cấp thực hiện, nên đương nhiên họ sẽ đặt lợi ích địa phương lên hàng đầu.

Theo một quan chức nắm rõ tình hình tiết lộ, số liệu vaccine là do chính phủ trung ương tính toán, sau khi trừ đi 40% số người Trung Quốc không thể tiêm chủng vaccine vì yếu tố bệnh tật, thì còn lại 60% dân số là tiêm được, tức là 840 triệu người trong số 1,4 tỷ dân. Nhưng chính quyền địa phương lại thực thi chính sách 100% dân số đều phải tiêm vaccine. Do đó mới xảy ra trường hợp những người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh không thể tiêm chủng đều phải chủng ngừa. Như vậy mới không để lộ việc khai man dân số và vấn đề biên chế công chức, cũng như việc khai khống ngân quỹ.

Đây cũng có thể là căn cứ để khẳng định một nhận định phổ biến của ngoại giới rằng, dân số Trung Quốc hiện nay có chưa tới 900 triệu người.

Theo Reuters, từ số liệu dân số mới do chính quyền Trung Quốc công bố, có thể dự đoán rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nhanh chóng. Dân số thu hẹp có nghĩa là ít lao động hơn, do đó thu được ít thuế hơn, và dẫn đến các vấn đề về lương hưu. Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số cận kề.

Đông Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Thị trấn nộp đơn ‘xin giảm’ 31% dân số, Trung Quốc có thực sự là quốc gia tỷ dân?