Thiếu tiền, nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc giảm lương công chức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gầy đây có thông tin rằng, ít nhất 5 tỉnh ở Trung Quốc đã ra thông báo giảm lương đối với cán bộ công chức. Ngay lập tức, thông tin này trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội.

Có cư dân mạng tiết lộ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rằng, vào tháng 12, các cán bộ công chức ở Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến và Thượng Hải đã nhận được thông báo giảm lương, với mức giảm từ 20% đến 30%. Một số đợt giảm lương đã xảy ra và một số đợt sắp xảy ra.

Một nữ công chức ở tỉnh Chiết Giang đã phàn nàn về điều này trong một bài đăng trên Weibo rằng: Sở tài chính địa phương đã thông báo giảm lương của công chức mà không tiết lộ lý do cụ thể. Nữ công chức này bị giảm 50.000 nhân dân tệ (khoảng 180,9 triệu VNĐ), tức khoảng 25%. "Nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường ngày của chúng tôi và mang đến áp lực mưu sinh lớn cho nhiều người lao động có gia cảnh bình thường", cô nói.

Hiện tại chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn chưa xác nhận thông tin giảm lương đối với công chức Trung Quốc. Phóng viên của The Epoch Times đã liên hệ với một số người thạo tin tại 5 tỉnh thành nói trên và đều nhận được câu trả lời khẳng định rằng: Nhân viên công chức tại các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông đều đã bị giảm lương; Thượng Hải hiện tại chưa bị giảm nhưng vấn đề này đang được thảo luận sôi nổi.

Ngoài ra, các thành phố khác nhau trong cùng một tỉnh lại có những hình thức khác nhau. Các nguồn tin khác nói với The Epoch Times rằng, ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông thì giảm lương; thành phố Thiều Quan chủ yếu giảm số lượng các công chức thuộc biên chế. Việc giảm biên chế tương đương với cắt giảm nhân sự hoặc thay đổi chức vụ. Đối với chính quyền địa phương, điều đó cũng có nghĩa giảm bớt gánh nặng tài chính.

Một bài báo của cổng thông tin NetEase của Trung Quốc cho biết ngày 10/12, việc điều chỉnh cán bộ công chức lần này là kế hoạch trả lương dựa trên hiệu suất (Performance related pay, PRP).

Để giảm gánh nặng tài chính, chính quyền địa phương đã quyết định thực hiện điều chỉnh lương theo hiệu suất làm việc. Ngoài ra các tỉnh thành đều có thể sẽ thực hiện những biện pháp tương ứng.

Ước tính rằng, nơi bị ảnh hưởng lớn nhất là những khu vực có chế độ đãi ngộ nhân viên công chức tốt nhất, bởi vì việc trả lương theo hiệu suất ở các khu vực kém phát triển thường không cao.

Ở Trung Quốc, việc giảm lương công chức cũng từng có tiền lệ. Theo tình hình tài chính của các khu vực được công bố vào tháng 8 bởi Ge Longhui - nền tảng thông tin tài chính chuyên nghiệp của Trung Quốc, trong số các khoản thu chi tài chính của 31 tỉnh thành ở Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, chỉ có Thượng Hải là "thặng dư ngân sách", 30 tỉnh thành còn lại đều xuất hiện vấn đề “thu không đủ bù chi”.

Không có tiền thì chỉ có thể đi vay. Theo số liệu về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố ngày 23/11, cả nước đã phát hành 6,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1 nghìn tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay. Tính đến cuối tháng 10, tổng số dư nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc là 29,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (4,7 nghìn tỷ USD).

Tập đoàn Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ, cho biết trong một báo cáo tháng 9 rằng, tổng số nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng lên hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.

Theo Luật của Bắc Kinh, một số khoản trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt sẽ không phải báo cáo với trung ương và không hạch toán vào nợ công quốc gia. Nhưng dù luật của Trung Quốc có khác biệt thế nào, thị trường tài chính quốc tế vẫn liệt chúng vào các khoản nợ của chính quyền Bắc Kinh để đánh giá rủi ro nợ của nền kinh tế này.

Trong bài phát biểu ngày 2/12, ông Lý Đạo Quỳ, chuyên gia kinh tế của ĐCSTQ cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc trong những năm tới có thể là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 40 năm qua. Ông Lý nói rằng chuỗi sản xuất công nghiệp sẽ được tổ chức lại sau dịch bệnh và nhu cầu nội địa của Trung Quốc là không đủ.

Ngoài ra, ở tỉnh Quảng Đông và Giang Tô cũng lan truyền thông tin giáo viên bị giảm lương. Hiện tại, có giáo viên ở tỉnh Giang Tô đã xác nhận với phóng viên của The Epoch Times rằng gần đây họ “cũng bị giảm lương".

Minh Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thiếu tiền, nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc giảm lương công chức