Thông tin về lũ lụt thượng nguồn sông Trường Giang trở nên 'nhạy cảm', bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên tiếp những ngày vừa qua, nhiều nơi ở Trung Quốc trong đó có Trùng Khánh đã bị lũ lụt nghiêm trọng. Các kênh truyền thông của chính phủ Trung Quốc đã đưa tin về tình hình lũ lụt một cách “kín đáo", và để kiểm soát dư luận trên mạng, cảnh sát Trùng Khánh thậm chí đã đưa ra thông báo khẩn cấp, đe dọa bất cứ ai dám tiết lộ thông tin "vô trách nhiệm" về lũ lụt, một khi điều tra ra sẽ bị bắt ngay lập tức. Một số học giả có kiến thức pháp lý chỉ trích chính quyền Trung Quốc luôn dùng thủ đoạn phong tỏa thông tin để che đậy sự bất tài và tội lỗi của mình.

Những ngày gần đây, mưa lớn vẫn tiếp diễn ở phía tây nam Trung Quốc, bao gồm tỉnh Quý Châu, thành phố Trùng Khánh và sông Trường Giang. Sông Kỳ Giang, một nhánh của thượng nguồn sông Trường Giang và khu vực thượng nguồn của đập Tam Hiệp đã trải qua trận lũ lụt lớn nhất kể từ năm 1951. Các khu vực trong thành phố Trùng Khánh như quận Kỳ Giang, Giang Tân, Nam Xuyên, Bành Thuỷ… bị lũ lụt ở các mức độ khác nhau, nhiều khu vực bị nước nhấn chìm, đường xá lún sập, đường sắt biến dạng, nhà cửa và xe hơi ngâm trong bùn nước, có nơi thậm chí ngập đến tầng 2, tầng 3, và một số nơi khác nước lũ đổ từ trên cao xuống như thác nước.

Lũ lụt ở thượng nguồn sông Trường Giang, Trung Quốc đang hoành hành. Ngày 22/6, Kỳ Giang, Trùng Khánh và các khu vực khác đã xảy ra trận lũ lụt lớn nhất trong gần 80 năm qua. (Ảnh chụp màn hình video)

Những đoạn video ngắn được người dân địa phương quay lại và tải lên mạng cho thấy, khi nước lũ sông Kỳ Giang đổ về đến đoạn Trùng Khánh, toàn bộ một ngôi nhà ba tầng đã bị đổ sập xuống dòng sông.

Tuy nhiên, các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã cố tình xử lý các thông tin liên quan đến lũ lụt theo “cách quen thuộc”, chẳng hạn như cố tình đặt các bản tin về tình hình lũ lụt của Trùng Khánh ở vị trí không dễ thấy trên trang web.

Cư dân mạng tiết lộ rằng, để kiểm soát thông tin trực tuyến, cơ quan công an thành phố Trùng Khánh đã đưa ra một thông báo khẩn cấp, tuyên bố rằng nếu phát hiện có ai đăng thông tin "vô trách nhiệm" về tình hình lũ lụt lên Internet hoặc ở nơi công cộng, họ sẽ bị bắt ngay lập tức sau khi được xác minh, “quyết không nhân nhượng".

Một phụ nữ họ Chu nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng: "Trong những ngày mưa lớn, nhiều thành phố và làng mạc như nằm trong một đại dương bao la. Một số cư dân mạng đã đăng tải những sự thật này lên Internet, nhưng lại bị chính quyền Trùng Khánh đàn áp và che giấu. Chính quyền cho rằng những người tiết lộ sự thật là có tội, tôi thấy thật là quá đáng”.

Bà Chu cho rằng không cần phải che giấu thiên tai, chính phủ càng sớm đưa ra thông báo thiên tai cho dân chúng, thì có thể tránh được càng nhiều tổn thất. Chính quyền Trùng Khánh lại cố tình áp chế phong tỏa các thông tin liên quan, cách làm này đúng là "rất ngu ngốc".

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, ông Tống Kiến Sinh (Song Jiansheng), một học giả pháp lý ở Trùng Khánh, đã chỉ ra rằng mục đích mà ĐCSTQ che giấu lũ lụt và các mối nguy hiểm về sự an toàn của đập Tam Hiệp giống hệt như việc che giấu dịch bệnh [viêm phổi Vũ Hán], khiến người dân phải hứng chịu hiểm hoạ.

Ông Tống nói: "Chính quyền chặn những thông tin này khiến người dân không biết làm sao để tự bảo vệ, vì vậy, họ sẽ rơi vào tình huống bị động và không kịp tìm lối thoát thân. Mỗi một lần xảy ra thảm họa lớn, người ta đều bảo là “thiên tai”, nhưng nói là “nhân hoạ” có vẻ đúng hơn. Vậy nên mới nói trong loại tình huống này, chính quyền không có khả năng làm tốt công tác cứu trợ".

Ông Tống Kiến Sinh nói rằng khi một thiên tai lớn xảy ra, cần kết hợp các biện pháp cứu trợ thích hợp của chính phủ với việc chủ động tự bảo vệ bản thân của người dân thì mới đạt được hiệu quả cứu trợ tốt nhất. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ luôn có thói quen che giấu các thảm họa và ngăn chặn thông tin, chủ yếu là để che đậy sự bất tài của chính phủ và đạt được mục đích duy trì sự ổn định của chế độ.

Đông Phương

Theo NTDTV

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Thông tin về lũ lụt thượng nguồn sông Trường Giang trở nên 'nhạy cảm', bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát