Thủ đoạn chế độ Bắc Kinh sử dụng với giáo viên để quảng bá hình ảnh ĐCSTQ qua Viện Khổng Tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Hãy nói với học sinh của bạn về tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Hãy mô tả sự nhanh chóng, tiện lợi và tiên tiến của nó”.

“Đừng thảo luận về Đài Loan và Tây Tạng với sinh viên của bạn. Nếu các em có hỏi, hãy nói rằng chỉ có một Trung Quốc, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nếu các em hỏi thêm, hãy cố gắng đổi chủ đề”.

Cựu giáo viên Mike Chen và Sonia Zhao đã kể lại một số điều được giảng trong các khóa đào tạo mà họ tham gia trước khi họ được cử đến dạy tiếng Quan Thoại tại một trong số hàng trăm Học viện Khổng Tử (CI) mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập trên phạm vi quốc tế.

Anh Chen (bút danh) đã nói với The Epoch Times: “Họ đã nói với chúng tôi rằng sứ mệnh cao cả này là phục hưng Trung Quốc trên trường thế giới, và chúng tôi cảm thấy đó là lời kêu gọi của chúng tôi để truyền bá văn hóa Trung Quốc và quảng bá những hình ảnh tích cực của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài.

Tượng bán thân của Khổng Tử bên ngoài tòa nhà Viện Khổng Tử trong khuôn viên Đại học Troy, Alabama, Hoa Kỳ vào ngày 16/3/2018. (Kreeder13 / CC BY-SA 4.0 qua Wikimedia Commons)
Tượng bán thân của Khổng Tử bên ngoài tòa nhà Viện Khổng Tử trong khuôn viên Đại học Troy, Alabama, Hoa Kỳ vào ngày 16/3/2018. (Kreeder13 / CC BY-SA 4.0 qua Wikimedia Commons)

CI được tiếp thị cho các trường đại học như là trung tâm học thuật để học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Do Bắc Kinh cung cấp một phần đáng kể kinh phí và trả lương cho đội ngũ giảng viên, các CI đã nhanh chóng thiết lập sự hiện diện trong khuôn viên của hơn 540 trường đại học ở hơn 100 quốc gia kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2004, theo số liệu do Hanban, cơ quan chính phủ liên kết với Bộ Giáo dục giám sát chương trình CI.

Ở Anh, có khoảng 30 CI, con số cao nhất ở châu Âu, và chỉ đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch virus Vũ Hán, chương trình CI đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội ở một số quốc gia phương Tây vì những nỗ lực bị cáo buộc là làm suy yếu tự do học thuật trong khi thúc đẩy chương trình nghị sự và ảnh hưởng toàn cầu của chế độ độc tài Bắc Kinh.

Các quốc gia bao gồm Úc, Hoa Kỳ, Đức và Thụy Điển đã tăng cường nỗ lực đóng cửa các CI và cả các lớp học Khổng Tử, là những nhánh của CI ở các trường tiểu học và trung học.

Được đào tạo để quảng bá hình ảnh tích cực của ĐCSTQ

Anh Chen cho biết, tất cả các giảng viên ngôn ngữ do CI thuê đều phải dành từ sáu đến tám tuần tại một trại đào tạo ở khu vực dân cư tại Trung Quốc, nơi những người tham dự học cách quảng bá hình ảnh tích cực của Trung Quốc.

Trước các buổi đào tạo, anh Chen và những người tham dự khác đã được đưa đến thăm một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, chẳng hạn như Vạn Lý Trường Thành, cũng như các di tích lịch sử và bảo tàng trưng bày lịch sử “vẻ vang” của Trung Quốc và thành tựu của ĐCSTQ trong vài thập kỷ qua. Anh nói, những sự kiện này không phải là những chuyến đi giao lưu làm quen với các thực tập sinh mà là để truyền cho họ ý thức về chủ nghĩa dân tộc và lòng trung thành với Đảng.

Một người cảnh vệ đứng bên bức tượng của triết gia Trung Quốc Khổng Tử ở lối vào của Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 1 tháng 3 năm 2011. (Liu Jin / AFP qua Getty Images)
Một người cảnh vệ đứng bên bức tượng của triết gia Trung Quốc Khổng Tử ở lối vào của Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 01 tháng 3 năm 2011. (Liu Jin / AFP qua Getty Images)

“Hầu hết chúng tôi đều còn trẻ, nhiều người còn vừa mới ra trường. Với tất cả các chi phí đã trả bao gồm cả việc tham quan, và với viễn cảnh làm việc ở nước ngoài với mức lương đáng mơ ước, tất cả chúng tôi đều có tâm trạng tuyệt vời và vui vẻ tiếp nhận tất cả những gì mình được kể”, anh Chen nói.

“Các hoạt động, bối cảnh và cuộc thảo luận gợi lên trong chúng tôi một cảm giác tự hào mạnh mẽ rằng Trung Quốc đang trở thành quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất”.

Anh Chen ngạc nhiên trước việc có bao nhiêu giảng viên và giáo sư nổi tiếng được mời đến để huấn luyện họ.

“Tôi chỉ biết tên của họ từ sách giáo khoa trước đây”, anh nói.

Cô Zhao, người đã tham dự một đợt tập huấn CI khác ở Trung Quốc trên cương vị là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đã chia sẻ trải nghiệm tương tự vào năm 2011 sau khi rời công việc tại một CI ở Canada, The Epoch Times đưa tin vào thời điểm đó.

Theo cô Zhao, trong quá trình đào tạo, họ được dạy rằng nếu một học sinh khăng khăng hỏi một câu hỏi, các giáo viên phải tuân theo đường lối của ĐCSTQ về vấn đề này, chẳng hạn như: Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và Tây Tạng đã được "giải phóng" nhờ ĐCSTQ.

Sau khi được thành lập, các CI đã trở thành những diễn đàn để truyền bá sâu hơn tuyên truyền của ĐCSTQ.

Pháp Luân Công, vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn, và nguồn gốc của Chiến tranh Triều Tiên nằm trong số nhiều chủ đề khác bị chế độ Trung Quốc coi là cấm kỵ.

Đảm bảo đường lối chính trị ‘đúng đắn’ của giáo viên

Anh Chen, giống như tất cả những người tham gia một đợt tập huấn khác, đã trải qua một quá trình kiểm tra để đảm bảo tư tưởng chính trị của anh ấy phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng.

Anh nói, mọi ứng viên cho một vị trí giảng dạy đều phải nộp ít nhất một thư giới thiệu từ trường đại học hoặc người sử dụng lao động hiện tại.

Anh Chen nói: “Nếu bạn không có tư tưởng chính trị đáp ứng tiêu chuẩn của họ, bạn sẽ không được nhận.

Trong một thư giới thiệu mà The Epoch Times có được từ Đại học Hạ Môn, đánh giá về “tư tưởng chính trị” của người ứng viên được liệt kê là mục đầu tiên được đề xuất đưa vào biểu mẫu, trước cả “khả năng giảng dạy” và “Sức khỏe thể chất và tinh thần".

Hơn nữa, cần có hai chữ ký, một là từ Bí thư chi bộ nơi ứng viên hiện đang học tập hoặc làm việc. Tất cả các doanh nghiệp lớn hoặc được nhà nước hậu thuẫn, bao gồm cả các trường học ở Trung Quốc, đều có sự hiện diện của ĐCSTQ nhằm đảm bảo rằng các đơn vị này tuân thủ đường lối chính trị của ĐCSTQ.

Học sinh tại trường tiểu học Yang Dezhi, "trường tiểu học của Hồng quân”, ở Wenshui, tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 7/11/2016. (Fred Dufour / AFP / Getty Images)
Học sinh tại trường tiểu học Yang Dezhi, "trường tiểu học của Hồng quân”, ở Wenshui, tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 7/11/2016. (Fred Dufour / AFP / Getty Images)

Đại học Hạ Môn là một trong những trường đại học đối tác chính làm việc cho Hanban để đào tạo và tuyển dụng đội ngũ giảng viên cho 15 Viện Khổng Tử và 46 lớp học Khổng Tử. Tại Vương quốc Anh, Hạ Môn là trường đại học đối tác của CI tại Đại học Newcastle, Đại học Cardiff và Đại học Southampton.

Cô Zhao cũng đã trải qua quá trình tuyển dụng mang đầy tính chính trị và phân biệt đối xử.

Trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy tiếng Quan Thoại tại một CI ở Đại học McMaster ở Canada, cô Zhao phải ký một hợp đồng quy định rằng các nhân viên không được làm bất cứ điều gì trái với đường lối của ĐCSTQ và nói rõ rằng họ không được tu luyện Pháp Luân Công.

Cô Zhao và mẹ cô đã âm thầm tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện Phật gia bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999. Vì sợ bị bắt và giam giữ như mẹ cô, cô đã che giấu đức tin của mình và ký hợp đồng trái với lương tâm của mình.

Năm 2011, cô Zhao thông báo cho McMaster về hoạt động tuyển dụng phân biệt đối xử của CI và đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền. Sau khi không thể buộc Hanban loại bỏ các yêu cầu phân biệt đối xử, trường đại học đã quyết định đóng cửa CI vào năm 2013.

Anh Chen cho biết gần đây, những đề cập trực tiếp đến các nhóm ​​như Pháp Luân Công và Tây Tạng Tự do đã bị xóa khỏi hợp đồng, có thể do sự giám sát ngày càng tăng của quốc tế. Thay vào đó, hiện nay có nhiều điều khoản chung hơn cấm giáo viên CI tham dự “các sự kiện không được Viện chấp thuận”.

“Tất cả chúng tôi đều hiểu điều đó có nghĩa là gì”, anh Chen nói. Anh ấy không tin những từ ngữ khác nhau phản ánh sự thay đổi trong thái độ.

Anh Chen nói: “Yêu cầu đối với một lá thư giới thiệu thể hiện ‘bản lĩnh chính trị ’của các ứng viên vẫn được áp dụng.

Đầu tư nặng tay

Trong khi chính thức trực thuộc Bộ Giáo dục, hội đồng quản trị của Hanban do bà Tôn Xuân Lan, Phó thủ tướng và là thành viên của Bộ Chính trị quyền lực, làm chủ tịch. Từ năm 2014 đến năm 2017, và Tôn Xuân Lan đã lãnh đạo Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, cơ quan vận hành có ảnh hưởng lớn ở trong và ngoài Trung Quốc, báo cáo trực tiếp với Ủy ban Trung ương Đảng.

Không giống như các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa khác, chẳng hạn như Hội đồng Anh hoặc Alliance Française, các CI được tích hợp vào các trường đại học chủ nhà của họ, giúp việc tác động đến diễn thuyết học thuật trong khuôn viên trường trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều.

Bắc Kinh chi hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm để duy trì và xây dựng thêm các CI mới.

Theo The Economist, Bắc Kinh cung cấp 100.000 đến 200.000 đô la một năm cho mỗi CI, trong đó khoản chi nhiều nhất là tiền lương cho giáo viên và tổ chức các sự kiện được tài trợ. Báo cáo thường niên của Hanban cho thấy rằng 5 năm sau khi bắt đầu dự án, vào năm 2009, chi tiêu hàng năm đã đạt mức đáng kinh ngạc là 170 triệu đô la. Con số đó đã tăng vọt lên 278 triệu đô la vào năm 2013, và ngân sách năm 2016 là hơn 310 triệu đô la. Từ năm 2006 đến năm 2016, chính quyền Trung Quốc đã chi hơn 2 tỷ đô la cho các CI.

Các giáo viên của CI được trả lương đặc biệt cao theo tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Một thông báo tuyển dụng công khai cho các vị trí giảng dạy của CI cho thấy mức lương thấp nhất bắt đầu từ 1.500 đô la một tháng cho vị trí trợ giảng, cộng với tiền thưởng hàng năm và các đặc quyền khác nhau như trợ cấp di chuyển, đi lại và thuê nhà.

Theo anh Chen, mức lương đầu vào tại một CI cho một người có kinh nghiệm hạn chế hoặc không có kinh nghiệm tương tự như mức thu nhập của một phó giáo sư ở Trung Quốc có bằng tiến sĩ và có tối đa 10 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học.

Việc chi tiêu của Bắc Kinh để hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài không chỉ khiến nhiều người ngạc nhiên và “chiêu mời” sự nghi ngờ của phương Tây, mà còn khiến nhiều người Trung Quốc mất tinh thần, vì họ cho rằng nhu cầu của sinh viên trong nước, thường là những người nghèo khó, đang bị phớt lờ, theo một bài báo trên Foreign Policy năm 2014.

Một blogger Trung Quốc viết: “Chính phủ đã ra nước ngoài với số tiền mặt đầy ắp để mở trường học, đến mức mà ngay cả người Mỹ cũng không thể chịu đựng được”.

Đóng cửa và đánh giá

Kể từ khi Đại học McMaster đóng cửa CI vào năm 2013, hơn 50 trường đại học khác ở Canada, Hoa Kỳ, Úc, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch đã cắt đứt quan hệ với chương trình này.

Mọi người phản đối quan hệ đối tác của Hội đồng trường học quận Toronto với Viện Khổng Tử do Bắc Kinh kiểm soát ngày 29/10/2014. (Allen Zhou / The Epoch Times)
Mọi người phản đối quan hệ đối tác của Hội đồng trường học quận Toronto với Viện Khổng Tử do Bắc Kinh kiểm soát ngày 29/10/2014. (Allen Zhou / The Epoch Times)

Hoa Kỳ gần đây đã thực hiện một bước bổ sung. Tháng trước, Bộ Ngoại giao đã xếp Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ, một trung tâm phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, là phái bộ nước ngoài của Trung Quốc nhằm phản ánh rằng đây là “một thực thể đang thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền toàn cầu và gây ảnh hưởng xấu của Bắc Kinh trên các trường đại học và các trường phổ thông của Hoa Kỳ”.

Bằng cách chỉ định CI là phái bộ nước ngoài, chính quyền Tổng thống Trump muốn hướng tới việc đảm bảo rằng “các trường đại học, một lần nữa, hãy xem xét kỹ những gì các viện đó đang làm trong khuôn viên của họ và sau đó tự quyết định xem đây có phải là cơ quan hỗ trợ và thúc đẩy tự do học thuật và các giá trị dân chủ hay không”, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell cho biết trong một cuộc họp báo từ xa vào tháng 8/2020.

Trong một báo cáo tháng 2/2019, Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ của Vương quốc Anh khuyến nghị chính phủ Anh khẩn trương xem xét lại tất cả các thỏa thuận hiện có giữa các trường đại học và CI của Anh và tạm dừng các quan hệ đối tác khác cho đến khi quá trình xem xét hoàn tất.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Thủ đoạn chế độ Bắc Kinh sử dụng với giáo viên để quảng bá hình ảnh ĐCSTQ qua Viện Khổng Tử