Tiền bạc có nhà tù e-CNY, tài sản tích lũy thì có nhà tù ‘Thịnh vượng chung’ (Kỳ 3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Mao tước đoạt toàn bộ tài sản, công việc và lý trí của người Trung Quốc bằng nhà tù "Thịnh vượng chung", Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhanh chóng tiêu sạch khối tài sản đó. Trước cảnh dân kiệt quệ, đảng không còn nguồn thu, ông Đặng Tiểu Bình trả lại quyền sinh tồn cơ bản cho người Trung Quốc với ý tưởng “để một bộ phận người và khu vực của Trung Quốc giàu lên trước”. Sau 4 thập kỷ tích luỹ, hiện ông Tập Cận Bình mở cửa trở lại nhà tù "Thịnh vượng chung" thời Mao để thâu tóm tài sản từ những người "được [ông Đặng cho] phép giàu có trước".

Xem thêm:

Kỳ 1; Kỳ 2

Ông Đặng tạm thả các 'tù nhân Trung Quốc' khỏi nhà tù 'Thịnh vượng chung' của Mao Trạch Đông

ĐCSTQ tự ca ngợi sự sáng suốt trong chương trình cải cách kinh tế của họ hồi thập kỷ 1970. Nhờ "cải cách", tiền bạc, tri thức, công nghệ, nguồn lực của giới tư bản đổ về Trung Quốc tìm kiếm lợi nhuận nhờ sức lao động giá rẻ của người dân Trung Quốc đang đói khát. ĐCSTQ cho rằng đó là thành công nhờ chỉ đạo sáng suốt của đảng. Một minh chứng hùng hồn cho sự tồn tại hợp pháp của đảng. Thậm chí tuyên truyền của đảng còn mạnh mẽ đến mức, họ khẳng định "không có ĐCSTQ thì không có đất nước và dân tộc Trung Hoa".

Nhiều người Trung Quốc bắt đầu tin vào điều đó. Thế giới cũng vậy.

Nhưng ĐCSTQ và Đặng Tiểu Bình đã cải cách gì? ĐCSTQ và ông Đặng khi đó chỉ trả lại cho người dân Trung Quốc, những tù nhân [nạn nhân] của họ chút quyền lợi mà chính họ đã tước đoạt đi trước đó. Tù nhân sau khi bị cướp đoạt hết quyền lợi, tài sản thì phẫn nộ. Nhưng phẫn nộ ấy đã bị ĐCSTQ dùng hết cuộc thanh trừng này đến cuộc đàn áp đẫm máu khác đè bẹp xuống, tâm phẫn nộ sớm bị thay thế bằng tâm sợ hãi. Sau khi tù nhân sợ hãi đủ rồi, đất nước đủ kiệt quệ vì mải miết thanh trừng phe phái, ĐCSTQ lúc này dùng chiêu bài "cải cách kinh tế" để tiếp tục tồn tại.

Thực chất của cải cách kinh tế chính là trả lại cho người dân Trung Quốc một chút quyền cơ bản đã bị ĐCSTQ tước đoạt từ năm 1949, đó là quyền được tự do kinh doanh, quyền được hưởng thành quả lao động của mình theo công sức đã bỏ ra. Những thứ quyền cơ bản đã mất đi trong cái nhà tù có tên 'Thịnh vượng chung' mà Mao Trạch Đông tạo ra, nay được giải phóng trở về khiến người Trung Quốc cảm kích không thôi. Lúc này, các tù nhân của ĐCSTQ (người dân Trung Quốc) trở nên cảm kích trước sự "sáng suốt của đảng" như được tuyên truyền. Đây chính là hội chứng Stockholm kinh điển mà ĐCSTQ vận dụng cực kỳ thành công. Nó khống chế, tước đoạt và ban phát thứ chính nó đã cướp đi để trở thành kẻ được hàm ơn, dùng khái niệm bị đánh tráo này để đảm bảo tính chính danh của mình.

Không chỉ người dân Trung Quốc bị mắc lừa, Mỹ và Châu Âu cũng bị mắc lừa trước 'cải cách kinh tế' của ĐCSTQ. Mỹ và Châu Âu đã tin rằng, cùng với sự cải cách kinh tế, sự thịnh vượng, bình thuốc độc là ĐCSTQ sẽ bớt độc, nó sẽ thay đổi chính mình để trở thành một thể chế tự do và dân chủ. Nhưng thời gian chứng minh rằng Mỹ và Châu Âu đã quá ngây thơ.

Trung Quốc đã không cải cách và không bao giờ có ý định làm như vậy. Một số người thậm chí còn cho rằng ĐCSTQ đã lừa dối Washington kể từ năm 1972, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc và bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh. Theo quan điểm này, Trung Quốc chỉ đơn thuần giả vờ khao khát tự do hóa. Đó là cách hiểu sai về đường lối kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc sau 1949, toàn bộ tài sản của dân tộc bị tinh hoa của ĐCSTQ thâu tóm trong nhà tù: Thịnh vượng chung, thiết kế bởi Mao Trạch Đông.

Trong nhà tù này, 100% của cải đã tích luỹ được của người Trung Quốc trở thành của cải của Mao và các đồng chí của ông ấy. Người Trung Quốc chỉ còn sức lao động là thứ duy nhất họ sở hữu. Nhưng ngay cả sức lao động cũng không được tự do sử dụng kiếm sống mà còn phải xem ĐCSTQ muốn sử dụng hay không và sử dụng sức lao động của họ vào việc gì. Ví dụ, để đè bẹp tinh thần phê phán của giới tri thức, Mao buộc sức lao động của tri thức phải bán trên ruộng đồng của nông thôn. Tri thức và sức lao động của một số nông dân mù chữ lại được bán cho ĐCSTQ vào việc quản lý đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Hai siêu cường Trung - Mỹ tranh giành quyền lực. (Ulrich Baumgarten/ Getty Images)
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa siêu cường toàn cầu mới nổi. Cạnh tranh giành quyền tối cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh biểu tượng về các chủ đề kinh tế, công nghiệp, tội phạm mạng, gián điệp công nghiệp, v.v ... Bức ảnh thể hiện một quả địa cầu trên lá cờ của Trung Quốc và Hoa Kỳ. (Ảnh của Ulrich Baumgarten/ Getty Images)

Sau một thời gian vài chục năm, Mao và các đồng chí của ông ấy tiêu dùng hết số tài sản tích luỹ ở nhà tù "thịnh vượng chung" đời đầu. Trong khi các tù nhân Trung Quốc chẳng còn gì trong tay để nộp thuế cho những kẻ cai trị.

Người cai trị lúc này là Đặng Tiểu Bình, người gánh một quốc gia khánh kiệt với 1,4 tỷ dân sắp chết đói, chẳng có gì để tịch thu từ cái nhà tù "Thịnh vượng chung" ấy nữa.

Của cải khối tư nhân tích luỹ đe doạ quyền lực tuyệt đối của đảng

Để cứu đói cho chính mình và các đồng chí của mình, để tiếp tục duy trì chế độ mà Mao đã dựng lên, Đặng Tiểu bình đã mở cửa nhà tù mà Mao dựng lên qua cái gọi là: cải cách kinh tế Trung Quốc.

Ông Đặng Tiểu Bình, cựu Tổng bí thư của ĐCSTQ, luôn được ca ngợi như nhà lãnh đạo sáng suốt nhất của ĐCSTQ, người mở cửa cho Trung Quốc với thế giới bên ngoài, là công thần thúc đẩy Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, có câu nói nổi tiếng thế này:

  • “Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”;
  • “Ẩn mình chờ thời”;
  • “Hãy để một số người làm giàu trước”…;
  • “Tôi đã quan sát thế giới trong nhiều năm và rút ra một kết luận: Các nước có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có”.

Nhờ được tự do làm ăn, kinh doanh, tích lũy tư bản hoang dã khu vực tư nhân ngày một lớn mạnh dưới thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào (30 năm). Và hiện tại, lượng tài sản tích luỹ khổng lồ này đang đi kèm với làn sóng công nghệ 4.0.

Tiền là huyết mạch, thông tin là sinh tồn. Cả hai thứ này, nếu không quản được, sẽ là lỗ hổng thất thoát quyền lực của ĐCSTQ, thậm chí đe dọa quyền lực thống trị của đảng này. (Ảnh: Tổng hợp)

Làn sóng này làm thay đổi hoàn toàn hệ thống tài chính vốn phát triển ỳ ạch, bảo thủ do hoàn toàn thuộc về nhà nước. Lúc này các doanh nghiệp tư nhân như Alibaba, Tencent,.. học hỏi và áp dụng công nghệ mới vào thanh toán điện tử, huy động điện tử, cho vay điện tử,... Các sản phẩm tích hợp công nghệ và tài chính như vậy làm hoạt động thanh toán, huy động - cho vay, trở nên đơn giản, thuận lợi hơn bao giờ hết. Dù Mỹ và phương Tây đã tạo ra sự thuận tiện tương tự trong ngành tài chính từ năm 2000, nhưng người Trung Quốc mới chỉ biết đến sự thuận tiện này khi các đế chế công nghệ tư nhân như Alibaba, Tencent,.. xuất hiện. Các tập đoàn công nghệ phát triển thị phần như Thánh Gióng. Rất nhanh, Alibaba chiếm tới 10% thị phần tín dụng cá nhân của Bắc Kinh. Chỉ một doanh nghiệp gọi xe công nghệ như Didi đã nắm tới 80% thông tin của toàn dân Trung Quốc.

Tiền là huyết mạch, thông tin là sinh tồn. Cả hai thứ này, nếu không quản được, sẽ là lỗ hổng thất thoát quyền lực của ĐCSTQ, thậm chí đe dọa quyền lực thống trị của đảng này.

Khu vực tư nhân Trung Quốc đã quá giàu có. Theo báo Người lao động, Trung Quốc có 1.058 tỷ phú vào năm 2020 so với con số 696 ở Mỹ. Trong số 610 tỷ phú mới nổi trên toàn cầu, 318 người đến từ Trung Quốc, nhiều hơn so với 95 ở Mỹ, dựa trên đánh giá của Hurun.

Ông Tập tái mở cửa nhà tù 'Thịnh vượng chung'

Quá nhiều người giàu, quá nhiều người bỏ ra nước ngoài định cư, quá nhiều người chạy trốn khỏi Bắc Kinh. Rất nhiều trong số những tù nhân "được phép giàu có trước" đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Thứ tài sản mà ĐCSTQ cho phép họ có được họ lại không giao nộp lại cho giới tinh hoa của ĐCSTQ. Điều này hoàn toàn chệch hướng chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình.

Chưa kể, chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc ngày một đáng xấu hổ và đáng báo động.

Giáo sư Tạ Điền, ​​giáo sư chủ nhiệm tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, cho biết: "Mức độ bất bình đẳng giàu nghèo hiện nay là bao nhiêu? Có một hệ số Gini được sử dụng để mô tả sự phân phối của cải, và có là hệ số Gini trên thế giới. Đặc biệt là 0,9 và 1 là kết quả cực đoan, tức là sự giàu có không cân bằng và nếu nó bằng 0 thì sự giàu có là cân bằng. ĐCSTQ vẫn công bố hệ số Gini cách đây hơn chục năm, nhưng hiện tại chỉ số này đã tăng chóng mặt. Giờ ĐCSTQ cũng không dám công bố con số thực tế của chỉ số này”.

Lần cuối cùng Trung Quốc chính thức công bố hệ số Gini là vào năm 2000, khi hệ số Gini là 0,412. Sau đó, vào năm 2013, hệ số Gini của mười năm trước được công bố và chúng đều nằm trong khoảng 0,473 đến 0,491. Vào tháng 12/2012, báo cáo thống kê của Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam Trung Quốc ước tính rằng hệ số Gini của Trung Quốc đạt 0,61.

Theo thông lệ quốc tế, thu nhập dưới 0,2 được coi là thu nhập bình đẳng tuyệt đối, 0,2-0,3 được coi là mức bình đẳng trong thu nhập là trung bình; 0,3-0,4 được coi là mức bình đẳng trong thu nhập tương đối hợp lý; 0,4-0,5 được coi là bất bình đẳng lớn trong thu nhập và khi hệ số Gini đạt 0,5 trở lên, nó có nghĩa là thu nhập hoàn toàn bất bình đẳng.

Hiện tại, hệ số Gini thu nhập của Trung Quốc đang ở mức trung bình cao trên thế giới và hệ số Gini giàu có thuộc hàng kém nhất thế giới. Theo bài báo "Báo cáo phân phối thu nhập của Trung Quốc năm 2021: Hiện trạng và so sánh quốc tế" của Ren Zeping, cựu kinh tế gia trưởng của Soochow Securities, hệ số Gini thu nhập của Trung Quốc nằm trong khoảng 0,46-0,47 trong những năm gần đây. Hệ số Gini về sự giàu có của Trung Quốc cao tới 0,704.

Dữ liệu này về cơ bản giống với dữ liệu của Đại học Bắc Kinh. Theo "Báo cáo về sự phát triển của sinh kế người dân Trung Quốc năm 2014" do Trung tâm Khảo sát Khoa học Xã hội Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh công bố, hệ số Gini của tài sản ròng của các hộ gia đình Trung Quốc đạt 0,73 vào năm 2012. Báo cáo tin rằng hơn 30% của cải xã hội của Trung Quốc hiện đang được chiếm bởi 1% số hộ gia đình hàng đầu, trong khi 25% số hộ gia đình dưới cùng chỉ sở hữu 10% của cải xã hội.

Để một lần nữa nắm 100% tài sản toàn dân để đảm bảo duy trì quyền lực tuyệt đối của đảng, ông Tập đã dựa vào tình trạng bất bình đẳng thu nhập để kêu gọi 'Thịnh vượng chung'; tức là nhà giàu phải nộp lại của cải tích luỹ để lấy đó chia cho nhà nghèo. Dĩ nhiên, nhà giầu nộp tại tài sản tích luỹ cho ĐCSTQ, ĐCSTQ lấy tiền đó chi tiêu cho nhà nghèo. Đây là cách Mao đã làm rất thành công sau năm 1949 và đẩy cả Trung Quốc vào khánh kiệt.

Trong báo cáo tại Đại hội 20, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng bước tiếp theo sẽ là dẫn dắt người dân đi đến "thịnh vượng chung". Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề xuất “quy phạm cơ chế tích lũy của cải", chính là quy định về phạm vi và cơ chế tích lũy của cải.

3 lần tái phân phối của cải - 3 hàng rào thép gai

Trong chương trình Chính luận thiên hạ ngày 19/8, Giảng viên Khoa Khoa học và Nhân văn của Đại học Phi Thiên - Giáo sư Chương Thiên Lượng đã đề cập đến việc phân phối lại tài sản lần thứ 3 và tính hiệu quả của phân phối này.

Nếu đề cập đến người giàu có nhất Trung Quốc, có thể một số người sẽ cho rằng đó là Jack Ma, Mã Hóa Đằng, những người làm kinh doanh thành công và có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Tuy nhiên, những thương nhân này chỉ là nhân vật ở “trên sân khấu”, người giàu thật sự nằm sau hậu trường là các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.

Hình thức phân phối lại chính là lấy của người giàu chia cho người nghèo. Khi muốn thịnh vượng chung được thực hiện, ông Tập nên phải lấy tài sản của các quan chức cấp cao giàu nhất mà chia cho người nghèo? Ông Tập chắc chắn sẽ không làm như vậy.

Thành tích ấn tượng của ông Tập trong nhiều năm giữ vị trí lãnh đạo là chống tham nhũng. Nhưng lý do thật sự đằng sau việc các quan chức ngã ngựa trong cuộc chiến chống tham nhũng không phải vì họ tham nhũng mà là vì họ ‘chống Tập’. Nói cách khác, họ đã đứng sai bên trong đấu đá chính trị. Những quan chức còn lại thì ông Tập không có ý tấn công, đặc biệt đồng mình thân tín, bởi vì đó là nhóm người duy trì vững chắc nhất quyền lực thống trị của ông ta. Người nhiệt tình duy trì chế độ và thể chế hiện hành, chính là những quan chức nhận được lợi ích trong thể chế.

Trung Quốc sẽ ngày càng đối đầu với Mỹ nếu ông Tập có được nhiệm kỳ thứ 3
Màn hình lớn chiếu cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Quảng trường Thiên An Môn, ngày 01/07/2021, ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Lintao Zhang / Getty Images)

Để giải thích cụ thể hơn về việc 3 lần phân phối tài sản, chúng ta có thể lấy ví dụ sau: bạn kiếm được tiền thông qua sức lao động, họ trả lương cho bạn dựa trên sự đóng góp và hiệu quả của bạn, đây là phân phối lần thứ nhất. Sau đó bạn đóng thuế là phân phối lần 2, đưa tiền của người kiếm nhiều cho những người nghèo. Tiếp đó, dựa trên sức mạnh của đạo đức, thông qua quyên tặng tự nguyện sẽ chuyển của cải từ người giàu sang người có thu nhập thấp, đây là phân phối lần 3.

Phân phối lần thứ nhất thì tương đối dễ giải thích, còn phân phối lần 2 ở Trung Quốc là một tình huống khác.

Về danh nghĩa thì mức thuế thu nhập của công ty Trung Quốc không cao, khoảng 25%. Nhưng thực tế, gánh nặng của công ty Trung Quốc không phải ‘thuế’ mà là ‘phí’. Ví như nếu an toàn phòng cháy chữa cháy làm không tốt, cơ quan chính phủ sẽ phạt bạn một khoản tiền. Đây là một cách mà các cơ quan chính phủ thực để tạo ra thu nhập để kiếm thêm.

Tương tự như nông dân Trung Quốc, bên cạnh số tiền thuế nông nghiệp rất thấp mà họ phải trả, họ còn phải trả thêm các loại phí như: phí làm thuỷ lợi, xây dựng đường, kế hoạch hoá gia đình… cộng thêm các khoản phạt. Mà phần phí này chiếm một phần lớn trong chi phí của họ.

Các công ty Trung Quốc nếu muốn tồn tại, họ không chỉ đóng thuế mà còn phải tạo mối quan hệ với nhiều quan chức chính phủ như đi cửa sau, hối lộ…, hay nói cách khác, họ phải đưa các quan chức rất nhiều tiền. Sau đó còn phải đưa thêm các khoản để làm ‘phí bảo vệ’. Như thế gánh nặng về phí và thuế của doanh nghiệp Trung Quốc là rất lớn.

Ông Tập Cận Bình có thể nói: ‘Bạn kiếm được nhiều tiền, cho nên phải tăng mức thuế’. Nhưng thuế cao luôn kìm hãm mong muốn tạo ra của cải của người dân. Nếu tôi kiếm được 10 mà tôi phải đóng 7 thì tôi không muốn làm, vậy nên tôi sẽ ‘nằm dài’ khi đạt được mức thu nhập nhất định. Đây cũng là một lý do cho phong trào ‘nằm thẳng’ đang diễn ra rất mạnh mẽ ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

Hơn nữa, phân phối lần 2 của Trung Quốc khác với các nước phương tây. Ở phương tây, họ lấy thuế từ người giàu trợ cấp cho người nghèo. Nhưng ở Trung Quốc là thu thuế hoặc phí của người nghèo để đem lại lợi ích cho người giàu, mà những người giàu này là quan chức trong Đảng và chính phủ. Bởi vì ĐCSTQ nuôi rất nhiều đảng viên, những đãi ngộ của họ đều rất cao.

Chính phủ thu tiền của dân nghèo cho ai? Cho các quan chức cấp cao các cấp của ĐCSTQ. Cho nên bạn nhìn vào các quan chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ của ĐCSTQ, họ được khám chữa bệnh miễn phí hàng năm, có tiền đi du lịch. Các cán bộ ấy khi đi du lịch thì… đưa cả gia đình theo, các dịch vụ họ dùng hầu như là hạng nhất.

Nói rõ ràng hơn, ĐCSTQ ‘phân phối lần 2’ thông qua thuế lấy tiền của người nghèo cho người giàu chỉ làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo.

Phân phối lần 3 dựa trên các khoản đóng góp; không phải là tự nguyện và là cưỡng ép. Các khoản quyên góp ở Trung Quốc là bắt buộc chứ không phải tự nguyện như ở Mỹ. Các khoản đóng góp bắt buộc không được gọi là quyên góp. Khi ông Tập nói ‘phân phối lần 3’ là thanh toán chuyển khoản, điều này đủ để các quan chức địa phương ép buộc các công ty quyên góp. Trên thực tế, quyên góp ép buộc không phải là quyên góp mà là thu thuế, do đó không có vấn đề ‘phân phối lần 3’ như cách làm của ông Tập, hơn nữa loại ‘sưu cao thuế nặng’ thêm vào này chính là cướp đoạt.

Mặt khác ở Trung Quốc không cơ chế miễn thuế khi làm từ thiện, nghĩa là dù khu vực tư nhân có quyên góp thì họ vẫn phải đóng thuế như thường.

Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, cơ hội đầu tư không còn là điều mà doanh nghiệp quan tâm nữa, mà thay vào đó là tìm cách bảo vệ tài sản mà họ đã đổ mồ hôi công sức để kiếm được. Họ đang cố gắng sử dụng 3 phương pháp chính để giữ tiền: Một, đầu tư nhiều hơn vào các quỹ tín thác ngoài nước; hai, đa dạng hóa cổ phần vào công nghệ xanh và các công ty nước ngoài; và ba, thuê những người đổi tiền ngầm để chuyển tiền khi cần thiết.

Những người siêu giàu ở Trung Quốc đã bắt đầu xóa tài khoản mạng xã hội, từ chối tiếp tục sử dụng mạng xã hội, cũng như từ chối thực hiện các cuộc phỏng vấn. Họ làm như vậy với mục đích ngăn không cho những lời nói của họ bị sử dụng để chống lại chính họ, hay bị hiểu thành chống lại chính phủ.

Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc đang dâng cao hơn bao giờ hết. Năm 2021, theo danh sách mới nhất về top 50 người giàu nhất Singapore do Forbes Asia công bố năm ngoái (2021), có 8 người đến từ Trung Quốc, tổng tài sản của họ là 73,56 tỷ USD, chiếm 35% tổng tài sản của top 50 người giàu nhất đảo quốc sư tử. Không chỉ thế, trong năm nay, đã có đến 10.000 triệu phú với 48 tỷ USD dự kiến rời Trung Quốc; một lượng lớn trong đó nhắm tới đích đến là Singapore với lượng hồ sơ chờ phê duyệt lên tời hàng ngàn.

Cùng với e-CNY, nhà tù 'Thịnh vượng chung' với công cụ là 'phân phối lại tài sản lần 1, lần 2 và lần 3' sẽ đảm bảo tiền bạc (đang có và sẽ làm ra trong tương lai), tài sản tích luỹ suốt hơn 40 năm trở thành của cải kiểm soát 100% bởi ĐCSTQ. Bằng các nhà tù chính sách kết hợp với công nghệ 4.0 này, ĐCSTQ hy vọng nó có thể vượt qua cơn sóng dữ lần này, tái khởi sức mạnh quyền lực tuyệt đối một lần nữa như thời Mao Trạch Đông bất chấp sự cùng khổ, khánh kiệt của người dân Trung Quốc.

Thanh Đoàn - Minh Đăng

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Mời quý vị đọc giả đón đọc Kỳ 4 "Giám sát dân bằng chấm điểm tín nhiệm xã hội và dự án Sharp eyes" trong Chuyên đề: "Cả Trung Quốc là một nhà tù khổng lồ".



BÀI CHỌN LỌC

Tiền bạc có nhà tù e-CNY, tài sản tích lũy thì có nhà tù ‘Thịnh vượng chung’ (Kỳ 3)