TikTok kiểm duyệt một tài khoản sinh viên vì chế nhạo quốc ca Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok đã khóa tài khoản của một sinh viên Trung Quốc du học tại Hoa Kỳ, sau khi anh đăng một video chế nhạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Người sinh viên này cho rằng quyết định của Tik Tok là một minh chứng cho sự phục tùng của nền tảng này đối với các quy tắc kiểm duyệt của ĐCSTQ.

TikTok được phát triển và sở hữu bởi công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh.

Đầu tháng 6, sinh viên Zhou Jianming, người hiện đang học tập tại New Jersey, Hoa Kỳ, đã đăng một đoạn video châm biếm ĐCSTQ và chế lại lời bài hát quốc ca của Trung Quốc.

Sinh viên Zhou nói rằng đây là cách anh bày tỏ sự phản đối việc chính quyền Bắc Kinh thông qua dự luật lập pháp để hình sự hóa hành vi xúc phạm quốc ca Trung Quốc tại Hong Kong. Cơ quan lập pháp tại Hong Kong vốn bị chi phối bởi các nhà lập pháp thân Bắc Kinh.

Kiểm duyệt

Đoạn video kéo dài 48 giây cũng chứa đầy hình ảnh châm biếm các quan chức Trung Quốc và những sai phạm của ĐCSTQ khi xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong đoạn video này, Zhou mặc áo phông có in hình một bông hoa dương tử kinh - loài hoa biểu tượng của Hong Kong, và hát lên lời ca: “Quỳ xuống, những kẻ phản bội muốn làm nô lệ” [ám chỉ các quan chức ĐCSTQ].

Trong vòng chưa đầy 24 giờ, TikTok đã xóa tài khoản của Zhou, với lý do vi phạm nguyên tắc cộng đồng, theo một email được gửi bởi TikTok mà The Epoch Times có được. Ứng dụng này cũng từ chối yêu cầu kháng cáo của Zhou.

“Việc này khiến tôi vô cùng tức giận”, Zhou nói với The Epoch Times, lưu ý thêm rằng anh đang sử dụng ứng dụng Tik Tok phiên bản Hoa Kỳ. “Đáng lý nếu họ hoạt động tại Hoa Kỳ, họ nên tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ”, anh nói.

Zhou Jianming ở Denver vào mùa hè 2014. (Ảnh từ Zhou Jianming)
Zhou Jianming ở Denver vào mùa hè 2014. (Ảnh từ Zhou Jianming)

 

Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về an ninh quốc gia, các nhà lập pháp và nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ từ lâu đã chỉ trích TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc, với lý do các ứng dụng này có thể thu thập dữ liệu từ người dùng Hoa Kỳ để cung cấp cho ĐCSTQ. Cơ quan An ninh Giao thông và Quân sự Hoa Kỳ (TSA), cũng như Bộ Quốc phòng Úc đã ngừng cho phép nhân viên sử dụng ứng dụng này do những lo ngại về vấn đề này.

Những lo ngại về cách thức TikTok kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của mình đã xuất hiện vào tháng 11 năm ngoái, khi công ty này chặn tài khoản của một thanh niên Hoa Kỳ vì đã đăng một đoạn video chỉ trích cách đối xử của chính quyền Bắc Kinh đối với tộc người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, Trung Quốc.

Zhou cho biết, phía TikTok đã không giải thích rõ rằng anh đã vi phạm nguyên tắc cộng đồng cụ thể nào. Zhou tin rằng khả năng cao là ĐCSTQ đã đứng sau gây sức ép với Tik Tok và ra lệnh khóa tài khoản của anh.

TikTok đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Ảnh chụp màn hình email mà Zhou Jianming nhận được từ TikTok thông báo cho anh rằng tài khoản của anh đã bị cấm. (Ảnh từ Zhou Jianming)
Ảnh chụp màn hình email mà Zhou Jianming nhận được từ TikTok thông báo cho anh rằng tài khoản của anh đã bị cấm. (Ảnh từ Zhou Jianming)

Sau khi đăng video, những kẻ gây sự trực tuyến trên TikTok đã gửi tin nhắn tới Zhou với những lời dọa giết. Một người dùng thậm chí nói với Zhou rằng anh “sẽ bị xé tan thành từng mảnh vào lần tới khi [anh] bước ra khỏi cửa”.

Các ứng dụng liên kết khác của Trung Quốc gần đây đã được xem xét kỹ lưỡng. Ứng dụng gọi video nhóm Zoom gần đây đã thu hút sự giám sát từ hàng chục nhà lập pháp lưỡng đảng Hoa Kỳ, vì ứng dụng này đã khóa tài khoản của 3 nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng theo yêu cầu của ĐCSTQ hồi tháng 6. Ứng dụng Zoom trở nên thịnh hành trong thời gian phong tỏa do đại dịch khi nhiều người buộc phải làm việc tại nhà. Công ty Zoom thuộc sở hữu của một doanh nhân người Mỹ gốc Trung Quốc, có nhân viên nghiên cứu và phát triển cũng như các máy chủ đặt tại Trung Quốc.

Theo báo cáo tháng 5 của cơ quan giám sát kỹ thuật số Citizen Lab, ứng dụng nhắn tin Trung Quốc WeChat đã ứng dụng bộ máy kiểm duyệt của ĐCSTQ bằng cách giám sát người dùng ở nước ngoài. Ứng dụng nhắn tin này rất phổ biến trong cộng đồng người Hoa di cư.

Khao khát tự do

Zhou nói rằng anh vốn có bất hòa với gia đình về tư tưởng chính trị, vì anh thấy họ luôn tin vào luận điệu tuyên truyền của ĐCSTQ.

Mặt khác, Zhou vốn luôn say mê Hoa Kỳ từ năm 13 tuổi; đó là khi anh tìm thấy một bức ảnh có hình lá cờ Hoa Kỳ và đã quyết định in nó ra, đặt nó trong phòng của mình.

Từ khi học cấp hai, Zhou đã luôn có ác cảm với ĐCSTQ và cảm thấy bức bối khi phải học tập trong nền giáo dục tẩy não của chính quyền này. Anh cho biết tại trường học, mọi học sinh bị ép buộc phải có những suy nghĩ giống hệt nhau.

“Đây là một sự vi phạm các quyền cá nhân toàn diện. Tôi nghĩ gì trong đầu là tự do cá nhân và quyền lợi của tôi. Điều đó thì gây ảnh hưởng gì tới bất kỳ ai khác? Làm sao người khác có quyền kiểm soát cách thức các tế bào não của tôi hoạt động như thế nào?”

Tại trường đại học, Zhou đã học được cách vượt qua “Vạn Lý Tường Lửa” để truy cập thông tin bị chặn ở Trung Quốc đại lục, ví dụ: vụ thảm sát Thiên An Môn, nạn đói 1959-1961 và Đại Cách mạng Văn hóa đã giết chết hàng triệu người. Càng đọc, anh càng cảm thấy tức giận đối với ĐCSTQ vì “những hành động sai trái đáng khinh” của chế độ độc tài này.

Giờ đây, việc chính quyền Bắc Kinh che giấu thông tin về virus Corona Vũ Hán đã gây nguy hiểm cho toàn thế giới. Zhou nói rằng cần có “một người nào đó có đủ can đảm để đứng lên và chống lại sự tàn bạo của [ĐCSTQ]”.

Zhou hiện đang học tập để lấy bằng thạc sĩ về khoa học máy tính tại Hoa Kỳ và không có kế hoạch trở về Trung Quốc.

“Trung Quốc dưới thời cai trị của ĐCSTQ giống như Đức Quốc xã vậy, ở đó chẳng có gì đáng để quay trở lại”, Zhou thẳng thắn chia sẻ.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

TikTok kiểm duyệt một tài khoản sinh viên vì chế nhạo quốc ca Trung Quốc