Tín hiệu cho thấy Bắc Kinh tiếp tục nhượng bộ trước cuộc 'Cách mạng Pháo hoa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi cuộc “Cách mạng Giấy trắng" nổ ra, chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức từ bỏ Zero Covid. Vào những ngày đầu năm 2023, người dân Trung Quốc ở nhiều nơi đã đốt pháo bất chấp lệnh cấm, sau đó chính quyền một số địa phương đã tuyên bố nới lỏng có giới hạn lệnh cấm đốt pháo. CCTV, cơ quan ngôn luận hàng đầu của Bắc Kinh, cũng đã phát đi tín hiệu “nới lỏng” lệnh.

Năm 2018, chính quyền Trung Quốc bắt đầu cấm công chúng đốt pháo hoa và đốt pháo với lý do “phòng ngừa ô nhiễm môi trường và hỏa hoạn”. Thế nhưng những ngày gần đây, người dân nhiều nơi đã đua nhau đốt pháo, thách thức lệnh cấm của chính quyền. Thậm chí, người dân huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam còn lật ngược chiếc xe cảnh sát định xông tới bắt người.

Sau cuộc “Cách mạng Pháo hoa” này, chính quyền các thành phố Bắc Kinh, Sơn Đông, Liêu Ninh và nhiều nơi khác đã lần lượt nới lỏng có điều kiện lệnh cấm đốt pháo hoa.

Trong số đó, thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, thành phố Đông Doanh và Tân Châu ở tỉnh Sơn Đông quy định rằng, có thể đốt pháo trong một khoảng thời gian hạn định trong dịp năm mới. Còn quận Thông Châu ở Bắc Kinh cho phép đốt pháo trong một khu vực hạn chế. Tuy nhiên, hầu hết các khu vực ở Bắc Kinh cần phải nộp đơn cho chính quyền thành phố thì mới có thể đốt pháo.

Ngoài ra, vào ngày 2/1, một thông báo khẩn của Sở Công an thành phố Tây An đã bị rò rỉ trên Internet. Theo thông báo, mặc dù chính quyền thành phố chưa sửa đổi lệnh cấm đốt pháo, nhưng cũng đề cập rằng mong muốn đốt pháo của người dân đã “mạnh mẽ hơn”, và dặn dò lực lượng công an “thực thi pháp luật một cách văn minh và linh hoạt, không để xảy ra xung đột trực tiếp với quần chúng, không tạo ra dư luận tiêu cực về công an”. Thông báo này đã nêu bật nỗi sợ của chính quyền địa phương trước các cuộc biểu tình của người dân, đồng thời ngầm phát đi tín hiệu "nới lỏng” lệnh cấm.

Trên thực tế, một lượng lớn video lan truyền trên mạng cho thấy, gần đây cư dân ở nhiều thành phố có đốt pháo hoa nhưng công an địa phương đã không dùng bạo lực trấn áp, mà thậm chí còn "thưởng thức" cùng người dân.

Ngoài ra, vào ngày 6/1, tài khoản Weibo chính thức của trang mạng CCTV cũng đăng một bài bình luận có tiêu đề "Việc cấm và cho phép đốt pháo, đã đến lúc nhìn thẳng vào [vấn đề]". Bài viết cũng phát đi tín hiệu "nới lỏng" lệnh cấm đốt pháo.

Bài bình luận thừa nhận rằng, đốt pháo và đốt pháo hoa là "linh hồn" của truyền thống ăn Tết tại Trung Quốc, người dân cũng hy vọng dùng pháo hoa để xua tan "bóng đen của dịch bệnh" kéo dài 3 năm. Bài báo còn tán thành cách làm “nới lỏng” lệnh cấm đốt pháo ở một số nơi, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương cho phép đốt pháo trong giới hạn.

Ông Tần Bằng (Qin Peng), một nhà bình luận kinh tế và chính trị Trung Quốc sống ở New York, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, cái gọi là “bảo vệ môi trường và an toàn” thực chất chỉ là cái cớ để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm đốt pháo hoa. Bởi vì ý nghĩa của việc đốt pháo trong truyền thống Trung Hoa là xua đuổi tà ma, mà ĐCSTQ biết bản thân nó rất tà ác, cho nên nó mới không cho người dân đốt pháo.

Ông Tần cũng cho rằng, trong 3 năm "ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh" vừa qua, người dân Trung Quốc đã tích tụ quá nhiều nỗi đau và uất ức, nhiều nơi đã tức nước vỡ bờ, ĐCSTQ cũng hiểu rất rõ là chính nó đã khiến quần chúng phẫn nộ.

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, cho rằng các chính sách thay đổi sau "Phong trào Pháo hoa" và "Phong trào Giấy trắng" đều là sự nhượng bộ bất đắc dĩ của chính quyền ĐCSTQ từ trung ương đến địa phương trước sự kháng cự của người dân.

Ông Tần Bằng nói rằng, về mặt tâm lý, sự nhượng bộ này của ĐCSTQ sẽ khuyến khích người dân hơn nữa, từ đó sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn. Bắc Kinh đã duy trì chế độ này trong hàng chục năm qua bằng chính sách cai trị hà khắc, một khi nó bắt đầu lùi bước, cơ chế ứng phó của nó cũng sẽ dần đổ nát. Do đó, sự phản kháng không ngừng của người dân có thể dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tín hiệu cho thấy Bắc Kinh tiếp tục nhượng bộ trước cuộc 'Cách mạng Pháo hoa'