Trung Quốc: Hàng ngàn giường bệnh được chuẩn bị cho làn sóng bùng phát dịch mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một vài ngày sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng tại thành phố Vũ Hán, thì một tỉnh thành ở phía Bắc Trung Quốc lại đang gấp rút chuẩn bị thêm hàng ngàn giường bệnh để đối phó với khả năng gia tăng các ca nhiễm virus Corona Vũ Hán, theo các tài liệu nội bộ mà The Epoch Times tiếp cận được.

Ngày 7/4/2020, tỉnh Hắc Long Giang đóng cửa thành phố biên giới Tuy Phân Hà nhằm ngăn chặn mầm bệnh “nhập khẩu” từ nước Nga.

Từ ngày 27/3 đến ngày 9/4/2020, thành phố này đã có hơn 100 ca nhiễm “ngoại lai” và 148 ca dương tính virus Corona Vũ Hán không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ báo cáo 3 ca nhiễm mới cho giai đoạn này.

Người dân tỉnh Hắc Long Giang đã nghi ngờ về những số liệu báo cáo chính thức. Họ cho rằng các nhà chức trách có thể hạ thấp mức độ nghiêm trọng của làn sóng lây nhiễm mới, bằng cách tập trung vào các ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài.

Thành phố Tuy Phân Hà đang xây dựng một bệnh viện dã chiến 600 giường bệnh dành riêng cho các ca dương tính không biểu hiện triệu chứng, và đang cách ly 70.000 người. Mỗi hộ gia đình chỉ được cử 1 thành viên đi mua sắm nhu yếu phẩm ba ngày một lần.

Tờ The Epoch Times đã ghi nhận lại một tin nhắn trên WeChat (một ứng dụng chat của Trung Quốc) từ một cán bộ địa phương này, nhấn mạnh về tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh tại một khu phức hợp ở thành phố Tuy Phân Hà.

Khi đề cập đến vấn đề nhiễm virus không triệu chứng, ông này viết: “Có ai biết điều này nghiêm trọng như thế nào không? Bạn không thể biết người nào mắc bệnh hay không và... những người không biểu hiện triệu chứng gì thậm chí còn đáng sợ hơn nữa”.

Ảnh chụp màn hình tài liệu ngày 8/4/2020 từ Ủy ban Y tế tỉnh Hắc Long Giang. (Cung cấp cho The Epoch Times)
Ảnh chụp màn hình tài liệu ngày 8/4/2020 từ Ủy ban Y tế tỉnh Hắc Long Giang. (Cung cấp cho The Epoch Times)

Trong khi đó, vào ngày 8/4/2020, một thông báo nội bộ từ Ủy ban Y tế tỉnh Hắc Long Giang, cho thấy các giới chức tỉnh đã lên kế hoạch xây dựng thêm khoảng 4.000 giường bệnh tại các vùng khác trong tỉnh.

Thông báo này cũng đề cập đến kế hoạch thành lập nhóm hỗ trợ y tế bao gồm 1.100 thành viên, và hướng dẫn chính quyền địa phương cung cấp danh sách ứng cử viên trong vòng 24 giờ.

Ảnh chụp màn hình tài liệu ngày 8 tháng 4 từ Ủy ban Y tế tỉnh Hắc Long Giang. (Cung cấp cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên)
Ảnh chụp màn hình tài liệu ngày 8 tháng 4 từ Ủy ban Y tế tỉnh Hắc Long Giang. (Cung cấp cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên)

Người mang mầm bệnh không biểu hiện triệu chứng

Số người nhiễm virus Coronai Vũ Hán không xuất hiện triệu chứng đã lên đến 25%, theo Ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết. Một số người có khả năng phát tán virus trong vòng 48 giờ trước khi họ bắt đầu đổ bệnh.

Thậm chí, có một số bệnh nhân đã khỏi bệnh lại có kết quả xét nghiệm dương tính lần 2. Ngày 10/4/2020, Hàn Quốc báo cáo 91 ca tái nhiễm sau khi đã khỏi bệnh. Ông Jeong Eun-kyeong, Giám đốc cơ quan y tế hàng đầu nước này, cho biết virus đã “được kích hoạt lại” ở những bệnh nhân này.

Ngày 1/4/2020, Trung Quốc báo cáo 1.541 ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng đang được theo dõi y tế. Trước đó, các ca này không được đưa vào báo cáo thường ngày.

Tháng 2/2020, trong các hướng dẫn chính thức của mình, Ủy ban Y tế Quốc gia đã xếp những người mang mầm bệnh không có triệu chứng vào trường hợp là “nguồn lây nhiễm tiềm năng”. Từ thời điểm đó, nhiều chuyên gia y tế Trung Quốc đã hạ thấp nguy cơ lây truyền từ các bệnh nhân không mang triệu chứng này.

Đầu tháng 4/2020, trong một cuộc phỏng vấn, Yang Jiong, một chuyên gia hô hấp của Trung Quốc, đã nói với truyền thông trong nước rằng có thể có từ 10.000 đến 20.000 ca mang bệnh không biểu hiện triệu chứng ở Vũ Hán. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn sau đó đã bị xóa.

Những nghi ngờ xung quanh dữ liệu công bố chính thức

Gần đây, chính quyền Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm mới trong nước rất thấp. Họ tuyên bố hầu hết các ca nhiễm mới đều “nhập cảnh” từ nước ngoài. Điều này làm dấy lên sự nghi ngờ của cư dân tỉnh Hắc Long Giang rằng chính quyền không báo cáo đầy đủ bức tranh toàn cảnh.

Yu, một cư dân sống ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, đã đặt câu hỏi rằng phải chăng các quan chức đang áp đặt cho tất cả các ca nhiễm mới là từ nước ngoài để giảm nhẹ tình hình trong nước.

“Nếu họ thừa nhận các ca nhiễm ở các địa phương, thì điều đó có nghĩa là dịch bệnh đã bùng phát không thể kiểm soát. Do đó, lý do các ca nhiễm ‘nhập cảnh’ sẽ là lời bào chữa thích hợp hơn”, ông nói với The Epoch Times. “Thay vì báo cáo con số thực tế, các quan chức địa phương lại đang che đậy điều này”.

Bà Đặng, một người bản địa ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, cho biết khu phố của bà hiện đang bị phong tỏa, và ban hành lệnh giới nghiêm từ 22 giờ. Bà cho biết ít nhất có 2 cư dân trong khu vực đã có hiển thị vàng và đỏ trên ứng dụng phát hiện virus tại cổng an ninh, có nghĩa là họ bị nghi nhiễm virus và sẽ bị cách ly.

Bà Đặng không dám làm rõ thêm vì sợ bị buộc tội “không tin chính quyền”. Bà nói: “Thông tin của chính quyền không hề minh bạch”.

Ông Lý, một cư dân thành phố cho biết, các khách sạn ở thành phố Tuy Phân Hà đã đóng cửa sau lệnh phong tỏa. Những người Trung Quốc từ Moscow trở về bị cách ly trong các nhà thi đấu thể thao của địa phương.

Ông Lý nói: “Về nước trong giai đoạn này rất nguy hiểm. Bạn có thể không mang virus, nhưng lại dễ bị lây nhiễm chéo ở nơi cách ly tập trung đông người, vì bạn không biết ai đang mang mầm bệnh”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Hàng ngàn giường bệnh được chuẩn bị cho làn sóng bùng phát dịch mới