Trung Quốc trừng phạt các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm nghị sĩ Rubio và Cruz

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 13/7, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố trừng phạt bốn quan chức và một tổ chức của Hoa Kỳ, vài ngày sau khi Hoa Kỳ ra lệnh trừng phạt các quan chức ĐCSTQ liên quan đến cuộc đàn áp các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc cho biết họ sẽ trừng phạt 2 Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio, Dân biểu Chris Smith, và ông Sam Brownback - đại sứ toàn quyền của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế. Ủy ban điều hành của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc cũng có trong danh sách.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phản đối động thái này trong một tuyên bố cùng ngày. Một phát ngôn viên của Bộ này cho biết, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đã “thể hiện rõ hơn việc ĐCSTQ từ chối chịu trách nhiệm về hành động của mình [tại Tân Cương]”.

“Không có sự tương đương về mặt đạo đức giữa các lệnh trừng phạt và hành động của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], với các quyết định do các quốc gia khác ban hành để buộc các quan chức ĐCSTQ chịu trách nhiệm trước hành vi vi phạm nhân quyền của họ”, người phát ngôn bổ sung.

Thượng nghị sĩ Rubio đã viết trên Twitter rằng: “ĐCSTQ đã cấm tôi nhập cảnh vào nước này. Tôi đoán là họ không thích tôi?”

Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Cruz cho biết: “ĐCSTQ đang khiếp sợ và [tìm cách] trút giận. Họ đã cưỡng chế [bắt giam] hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung và tham gia vào chiến dịch thanh lọc sắc tộc, bao gồm các chính sách ép buộc phá thai và triệt sản tàn bạo”.

“Thật không may, tôi không có kế hoạch đi thăm thú một chế độ độc tài đã che giấu đại dịch virus Corona và gây nguy hiểm cho hàng triệu mạng sống trên toàn thế giới”, ông nói thêm.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz (R-Texas) trong phiên điều trần của Tòa án tư pháp Thượng viện về các pháp lý trong khu vực, trong Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington vào ngày 22/10/2019. (Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (R-Texas) trong phiên điều trần của Tòa án tư pháp Thượng viện về các pháp lý trong khu vực, trong Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington vào ngày 22/10/2019. (Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)

Dân biểu Smith nói rằng trước đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu trực thuộc ĐCSTQ đã đe dọa sẽ có “các biện pháp trả đũa” chống lại ông vì chiến dịch vận động của ông nhắm vào các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, ông Smith khẳng định: “Hai tuần trước, FBI đã thông báo với tôi rằng mối đe dọa là có thật và hành động của ĐCSTQ có thể có nhiều hình thức, từ hối lộ đến bóp méo thông tin trên mạng xã hội và từ chối cấp thị thực (visa)”.

“Khi [đại dịch] COVID-19 suy giảm, tôi định lên kế hoạch cho một chuyến đi tới Hong Kong, Bắc Kinh và Urumqi - thủ phủ của Tân Cương”, ông nói thêm, nhưng không làm rõ liệu những kế hoạch đó đã bị hủy bỏ hay chưa.

Ông Smith nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục sát cánh cùng người dân Trung Quốc chống lại một chính phủ Trung Quốc ngày càng độc tài, đàn áp những mong muốn chính đáng [của người dân] đối với tự do và công lý”.

Đại sứ Brownback chưa có phản hồi đối với yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ là mục tiêu để ĐCSTQ ban hành các lệnh trừng phạt, vì đã lên tiếng phản đối cách đối xử của chính quyền Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc Hồi giáo đang bị ĐCSTQ đàn áp. Ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở khu vực hẻo lánh, thuộc tỉnh Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc.

Trong tháng này, Dân biểu Smith đã kêu gọi hành động sau khi một báo cáo cáo buộc rằng Bắc Kinh đang thực hiện chính sách cưỡng chế triệt sản đối với người Duy Ngô Nhĩ. Các Thượng nghị sĩ Rubio và Cruz đã thúc đẩy dự luật trừng phạt hành động của các quan chức ĐCSTQ ở Tân Cương, nơi cư trú của khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Hoa Kỳ tuần trước đã công bố các lệnh trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Bí thư Đảng ủy khu vực Tân Cương. Cùng bị xử phạt còn có ông Chu Hải Luân (Zhu Hailun), cựu phó bí thư khu vực; ông Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), giám đốc Văn phòng Công an Tân Cương; ông Hoắc Lưu Quân (Huo Liujun), cựu bí thư của ủy ban; và cả ủy ban tỉnh Tân Cương.

Đại sứ Brownback đã có lời khen ngợi động thái này, nói rằng đây là biện pháp yêu cầu “trách nhiệm giải trình trong một thời gian dài sắp tới”. Các biện pháp trừng phạt cho thấy chính quyền của ông Trump “sẽ bảo vệ tự do tôn giáo bằng mọi giá”, ông Brownback nhận định.

Trong ngày 13/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Huaying) nói với các phóng viên rằng các vấn đề ở Tân Cương “hoàn toàn là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, nhưng không nói rõ chi tiết của lệnh trừng phạt.

Bà Hoa nhấn mạnh: “Hoa Kỳ không có quyền hay căn cứ để can thiệp [vào vấn đề này]”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc trừng phạt các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm nghị sĩ Rubio và Cruz