Trên trời thiên thạch rơi, dưới đất xảy ra chuyện gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 11 tháng 10 năm 2019, một thiên thạch rơi ở gần thành phố Tùng Nguyên tỉnh Cát Lâm Trung Quốc kèm theo ánh sáng rực. Thiên thạch rơi khiến màn đêm sáng như ban ngày. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, bầu trời rực sáng lại trở về đêm đen. Theo truyền thông đưa tin, dân chúng ba tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang và Liêu Ninh đều tận mắt nhìn thấy cảnh tượng này. Đây là một kỳ quan thiên văn khiến mọi người bàn tán sôi nổi.

Thiên thạch tức là tàn dư đá của các ngôi sao khi rơi xuống mặt đất. Phần "Thiên quan thư" sách "Sử ký" có ghi chép: "Sao rơi đến đất là đá". Thời hiện đại, người ta nói rằng ai có thể nhặt được hòn đá từ trên trời rơi xuống thì được coi là phát tài Trời cho, giá cả của thiên thạch còn đắt hơn vàng. Nhưng vào thời cổ đại ở Trung Quốc khi xuất hiện thiên thạch rơi thì mọi người còn có cách lý giải khác.

Sao rơi là đá, khắc sấm ngữ "Thủy Hoàng chết, đất phân chia"

Người xưa cho rằng, sự biến động của thiên thể đối ứng với sự biến đổi ở nhân gian. Do đó mỗi triều đại đều có viên quan Tư thiên giám (hoặc Thái sử giám, Khâm thiên giám) phụ trách quan sát hiện tượng bất thường của thiên tượng để xem xét rất nhiều đại sự như: vận nước hưng suy, sự thay đổi của quyền lực hoàng đế, sự sống chết của thiên tử. Trong rất nhiều các hiện tượng dị thường thì thiên thạch rơi xưa nay luôn được cho là điềm không lành.

"Sử ký" ghi chép rằng, năm Tần Thủy Hoàng thứ 36 (năm 211 TCN), trên trời có ngôi sao rơi, xuống đến đất thành tảng thiên thạch lớn, ở trên có dòng chữ "Thủy Hoàng chết, đất phân chia" (Thủy Hoàng tử nhi địa phân). Tần Thủy Hoàng Đế nghe nói thiên thạch rơi, để tránh dữ đón lành, ông đã bắt đầu chuyến tuần du thiên hạ lần thứ 5, không ngờ giữa đường băng hà. Tần Thủy Hoàng chết, Tần Nhị Thế Hồ Hợi lên ngôi, thi hành bạo chính. Bách tính khắp nơi phất cờ khởi nghĩa, cuối cùng đã lật đổ được triều Tần. Chư hầu sáu nước bị Tần Thủy Hoàng thống nhất lại quay trở lại đất cũ của mình, tấp nập khôi phục lại quốc gia. Tảng thiên thạch đã cho biết trước thiên cơ.

tần thủy hoàng
Năm 211 TCN, trên trời có thiên thạch rơi, khắc dòng chữ: ""Thủy Hoàng chết, đất phân chia" (Thủy Hoàng tử nhi địa phân). (Ảnh: Wikipedia).

Trời rơi thiên thạch, hoàng đế băng hà, quốc gia đổi họ

Vào khoảng giữa thời Đông và Tây Hán có một vương triều ngắn ngủi, tức là triều Tân do Vương Mãng xây dựng. Những năm cuối triều Tân, quân khởi nghĩa, lục lâm, Xích Mi (một đội quân khởi nghĩa, cướp bóc, thành viên đều nhuộm lông mày đỏ nên gọi là Xích Mi - ND) nổi lên khắp nơi chống lại chính quyền Vương Mãng.

Quân lục lâm ủng hộ tông thất nhà Tây Hán là Lưu Huyền xưng đế, sử dụng lại quốc hiệu triều Hán, gọi là Canh Thủy Đế. Vương Mãng kinh sợ. Để tiêu diệt quân Hán, Vương Mãng đã sai Đại tư không Vương Ấp , Đại tư đồ Vương Tầm dẫn hơn 40 vạn binh mã đi tiêu diệt quân Hán. Để ngăn chặn quân Vương Mãng tràn xuống phía Nam, Lưu Huyền quyết định bao vây tấn công nơi trọng yếu là Uyển Thành (Nam Dương Hà Nam). Đồng thời ở khu vực Trĩ Xuyên, Lưu Huyền sai Vương Phượng, đại tướng Vương Thường, thiên tướng Lưu Tú dẫn 2 vạn quân tấn công Côn Dương, Định Lăng (phía Tây Yển Thành Hà Nam), huyện Yển (phía Nam Yển Thành Hà Nam), cùng với quân chủ lực bao vây tấn công Uyển Thành tạo thành thế ỷ giốc.

Tháng 3 năm Canh Thủy Đế thứ nhất (năm 23), Vương Ất, Vương Tầm dẫn đại quân bao vây thành Côn Dương mấy chục vòng, còn đóng mấy trăm doanh trại ở ngoài thành. Trước đại quân Vương Mãng, trong thành Côn Dương chỉ có tám, chín nghìn người, làm thế nào chống cự được đại quân trên 40 vạn của triều Tân? Tướng lĩnh quân Hán đều hoảng sợ không yên, dự tính bỏ binh giáp trốn về nhà. Duy chỉ có Lưu Tú là vẫn cười nói ung dung. Các tướng khoanh tay không có kế sách gì, đành nghe theo sự chỉ huy của thiên tướng Lưu Tú. Lưu Tú để người trấn thủ trong thành, ông cùng các tướng lĩnh khác ra khỏi thành tìm viện binh.

Quân Tân bao vây tấn công Côn Dương, tên bắn loạn xạ, tên rơi như mưa. Tướng lĩnh quân Hán là Vương Phượng có ý đầu hàng, nhưng thống soái quân Tân là Vương Tầm, Vương Ấp cho rằng sẽ rất nhanh chóng công phá được thành nên không chấp nhận quân Hán đầu hàng. Không ngờ đêm hôm đó, trời xuất hiện hiện tượng lạ. Sử sách ghi chép: "Đêm có sao băng rơi vào trong doanh trại, ngày có mây như núi sập. Trong doanh trại có thiên thạch rơi, cách mặt đất chưa tới một thước thì tan vỡ, quan lại, binh sỹ đều kinh sợ phủ phục xuống".

Sách "Tục Hán chí" viết: "Mây như núi sập, đó là sao Doanh Đầu. Xem chiêm tính rằng: ' Sao Doanh Đầu rơi, ở nơi nó rơi quân tan tướng chết, máu chảy ngàn dặm' ".

thiên thạch rơi điềm báo xấu
"Mây như núi sập, đó là sao Doanh Đầu. Xem chiêm tính rằng: ' Sao Doanh Đầu rơi, ở nơi nó rơi quân tan tướng chết, máu chảy ngàn dặm' ". (Ảnh: Pxhere).

Sau đó, Lưu Tú dẫn quân cứu viện đánh bại hơn 40 vạn quân chủ lực triều Tân. Trận chiến thành Côn Dương, Lưu Tú lấy ít thắng nhiều. Trận chiến này đã trực tiếp dẫn đến sự diệt vong của triều nhà Tân của Vương Mãng. Quân đội chủ lực triều Tân bị tiêu diệt dưới thành Côn Dương đã ứng nghiệm với điềm báo sao băng thiên thạch rơi. Tháng 9 năm đó, Vương Mãng chết trong trận hỗn chiến, triều Tân bị diệt vong. Lưu Tú là cháu đời thứ 9 của Hán Cao Tổ Lưu Bang đã lên ngôi vào năm Canh Thủy Đế thứ 3, khôi phục nhà Đại Hán.

Sao rơi, ở dưới có chiến trường

Năm Cảnh Sơ thứ 2 đời Ngụy Minh Đế (năm 238), Minh Đế triệu Thái úy Tư Mã Ý về, lệnh ông xuất chinh Liêu Đông thảo phạt quân phiệt địa phương là Công Tôn Văn Ý. Tư Mã Ý bao vây tấn công Công Tôn Văn Ý ở Tương Bình. Một đêm tháng 8, một ngôi sao băng lớn dài chừng mấy chục trượng phát ra ánh sáng trắng. Sao băng lướt qua thành Tương Bình rơi ở phía Đông Nam thành.

Khi đó có người xem chiêm tinh, bói rằng: "Vây thành mà có sao băng phía trên rồi rơi vào trong thành thì bị phá", nghĩa là trong thời gian thành bị bao vây, xuất hiện sao băng bay qua phía trên thành rồi rơi vào trong thành, thì đó là điềm báo bên giữ thành sẽ bị thất bại. Kết quả xem còn nói: "Sao rơi, ở dưới có chiến trường".

Đến tháng 9, Công Tôn Văn Ý đột phá vòng vây trốn chạy. Khi ông ta chạy đến chỗ sao băng rơi thì bị tướng của Tư Mã Ý giết chết.

Theo một loạt các sự kiện lịch sử mà "Tấn thư" - quyển 13 ghi chép, mỗi khi xuất hiện dị tượng như thiên thạch rơi hoặc sao băng như mưa thì đối ứng với việc thế gian sẽ dẫn đến những điềm báo sau: "Quốc gia thay đổi họ (tức thay người họ khác làm vua)", "vua băng hà", "dùng loạn chinh phạt loạn", "có đại chiến, máu chảy", "quân tướng nổi giận", "bách tính làm phản" v.v. Từ những ghi chép trong các sách Thiên văn chí cho thấy, thiên thạch rơi thực sự không phải là điềm lành.

Nếu như những sự thực lịch sử này đã quá xa xôi thì hãy xem những lần thiên thạch rơi ở Trung Quốc thời hiện đại, qua đó cũng có thể thấy được sự kỳ diệu của Thiên - nhân cảm ứng.

Thiên thạch rơi ứng với điềm báo xuất hiện đại sự

Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cướp chính quyền thì vùng Trung Nguyên đã xảy ra 4 lần thiên thạch rơi.

Lần thứ 1

Ngày 8 tháng 3 năm 1976, Cát Lâm rơi thiên thạch như mưa, quy mô lớn, hiếm thấy trên đời. Cũng trong năm đó Đường Sơn xảy ra địa chấn khiến gần 300.000 người thiệt mạng. Cũng trong năm đó, 3 người đứng đầu ĐCSTQ là Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai lần lượt qua đời. Mao Trạch Đông chết ngày 9 tháng 9 thì không lâu sau, ngày 6 tháng 10 nội bộ ĐCSTQ xảy ra chính biến, "bè lũ 4 tên" bị bắt, đại kiếp nạn Cách mạng Văn hóa đến đây kết thúc.

mưa thiên thạch ở cát lâm rơi báo hiệu đại cách mạng văn hóa kết thúc
Ngày 08/03/1976, Cát Lâm rơi thiên thạch như mưa, báo hiệu sự kết thúc cuộc Đại Cách mạng Văn hóa - một chương đen tối, khủng khiếp trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Elekes Andor/CC BY-SA 2.0).

Lần thứ 2

Ngày 15 tháng 4 năm 1986 ở Tùy Châu, Hà Bắc có thiên thạch rơi. Trước đó, Hồ Diệu Bang đã lấy lại công bằng cho các án giả, oan sai, đồng thời lấy lại công bằng cho 61 người vụ án oan Bạc Nhất Ba, và tăng quan tước cho ông ta. Bạc Nhất Ba từ một người tù trở thành người quyền quý trong ĐCSTQ, Hồ Diệu Bang là đại ân nhân của ông ta. Nhưng vào năm thiên thạch rơi ở Tùy Châu này, Bạc Nhất Ba vong ân bội nghĩa, trong hội nghị đã dẫn đầu nhục mạ Hồ Diệu Bang, đồng thời ép Hồ Diệu Bang từ chức. Hồ Diệu Bang lúc đó đang là lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ đã phải từ chức Tổng bí thư.

Lần thứ 3

Ngày 15 tháng 2 năm 1997, khu vực xung quanh Quyên Thành tỉnh Sơn Đông có mưa thiên thạch. Chỉ 4 ngày sau, ngày 19 tháng 2, ĐCSTQ tuyên bố Đặng Tiểu Bình từ trần. Giang Trạch Dân bắt đầu nắm quyền toàn diện, và 2 năm sau đã trở thành kẻ thủ mưu cầm đầu đàn áp 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công, gây ra khổ nạn vô tận cho xã hội và người dân Trung Quốc. Mưa thiên thạch năm 1997 đã lần nữa báo trước chính xác sự biến đổi của thiên tượng và sự việc nhân gian, lãnh đạo ĐCSTQ đổi chủ.

Lần thứ 4

Ngày 11 tháng 2 năm 2012, mưa thiên thạch quy mô lớn ở Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Theo truyền thông đưa tin, quy mô chỉ sau thiên thạch rơi năm 1976. Năm đó, Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh là Vương Lập Quân đã đem theo các tài liệu cơ mật chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô xin được tị nạn chính trị. Sự kiện này chấn động khắp trong và ngoài ĐCSTQ khiến toàn thế giới chú ý. Sau đó, các phái trong lãnh đạo cao cấp ĐCSTQ chia rẽ, rất nhiều tội ác tày trời như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai bí mật làm đảo chính, mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công, buôn bán thi thể ở chợ đen trên thế giới... rất nhiều vấn đề bị phơi bày gây ra cơn sóng thần chính trị ở "Đại hội 18" ở Trung Nam Hải. Chính cuộc biến đổi lớn: Tập Cận Bình làm Tổng bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương.

Trở lại vấn đề ở phần mở đầu, ngày 11 tháng 10 vừa qua, thiên thạch rơi ở Cát Lâm, cuối cùng sẽ ứng với sự kiện gì? Trung Quốc lại xảy ra những đại sự gì? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Tài liệu tham khảo:
- Sử ký - quyển 6
- Hậu Hán thư - quyển 1
- Tấn thư - quyển 13.

Trung Hòa biên dịch
Tác giả: Chương Các
Theo epochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Trên trời thiên thạch rơi, dưới đất xảy ra chuyện gì?