Tròn 1 năm ngày Vũ Hán phong tỏa: Truyền thông Trung Quốc im bặt, còn dịch bệnh lại đang quay trở lại tấn công đại lục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay ngày 23/1, tròn một năm ngày Vũ Hán bị phong tỏa, nhưng các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều im bặt. Từ cuối năm ngoái đến nay, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lại tiếp tục bùng phát ở nhiều tỉnh và hiện tại Trung Quốc có tất cả 6 khu vực nguy cơ cao và 66 khu vực có nguy cơ.

Truyền thông Trung Quốc im bặt trong ngày kỷ niệm 1 năm Vũ Hán bị phong tỏa

Hôm nay là ngày kỷ niệm tròn 1 năm thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, nhưng các kênh truyền thông nhà nước của ĐCSTQ như Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báoCCTV đều im hơi lặng tiếng.

Ông Trung Nguyên, nhà bình luận thời sự người Hoa, nói rằng vào ngày 23/1 của một năm trước, do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát và không thể che đậy được nữa nên ĐCSTQ buộc phải phong tỏa Vũ Hán. Một năm đã trôi qua, và một ngày quan trọng như vậy lại bị chế độ Cộng sản Trung Quốc cố tình bỏ qua, còn các kênh truyền thông của ĐCSTQ cũng coi như chưa từng xảy ra chuyện gì.

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 23/1 năm ngoái, giới chức Vũ Hán bất ngờ tuyên bố đóng cửa toàn thành phố. Hàng trăm nghìn người đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để cố gắng thoát khỏi Vũ Hán trước khi thành phố bị phong tỏa. Sau khi trời sáng, người dân hoảng sợ đổ xô đi mua các loại vật dụng, và giá lương thực đột ngột tăng vọt.

Sau khi thành phố bị phong tỏa, hàng chục triệu người dân không được chuẩn bị tinh thần đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, các bệnh viện địa phương thì quá tải, có rất nhiều bệnh nhân đã không được điều trị, chỉ có thể tự sinh tự diệt; một lượng lớn nhân viên y tế bị lây nhiễm do thiếu trang thiết bị phòng chống dịch; số người được xác nhận nhiễm bệnh và tử vong cũng không từng tăng, Vũ Hán được ví như "địa ngục trần gian".

Thị trưởng Vũ Hán - ông Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang) nói với truyền thông Trung Quốc rằng, hơn 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi thành phố đóng cửa vào ngày 23/1 (năm 2020).

Do các cấp chính quyền ĐCSTQ che giấu sự thật từ trên xuống dưới và đàn áp các bác sĩ cùng những người dân truyền bá sự thật về bệnh dịch, cuối cùng đã khiến dịch bệnh lây lan ra khắp thế giới và gây ra trận đại dịch thế kỷ.

Sau khi virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát vào cuối năm 2019, Ủy ban Y tế Vũ Hán đã ra thông báo ba lần vào ngày 31/12/2019, ngày 5/1/2020 và ngày 11/1/2020 rằng “cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy [virus] lây từ người sang người”. Trong thông báo ngày 5/1 và 11/1, Ủy ban này lại nhắc lại rằng “không tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy [virus] lây từ người sang người” và “chưa phát hiện ra nhân viên y tế nào nhiễm bệnh”.

Mãi cho đến ngày 20/1/2020, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường mới lần đầu tiên công khai phê chỉ thị về bệnh dịch. Đêm đó, ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), một viện sĩ của Viện Kỹ thuật Trung Quốc, mới lần đầu tiên thừa nhận rằng virus “lây truyền từ người sang người”. Nhưng lúc này dịch bệnh đã hoàn toàn mất kiểm soát.

Một bài báo độc quyền đăng ngày 26/2/2020 trên trang Caixin của Trung Quốc tiết lộ rằng, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc và Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ đã yêu cầu tiêu hủy các mẫu virus hiện có lần lượt vào ngày 1/1 và 3/1 (năm 2020), đồng thời ra lệnh không được tự ý tiết lộ thông tin ra bên ngoài.

Việc ĐCSTQ che giấu đại dịch đã bị phơi bày trên toàn thế giới, các cường quốc cũng đã truy cứu trách nhiệm giải trình của ĐCSTQ nhưng chính quyền này vẫn tiếp tục phủ nhận và đổ lỗi cho nhiều quốc gia khác.

Dịch bệnh đang quay trở lại tấn công Trung Quốc

Tính đến 20h ngày 22/1 theo giờ Bắc Kinh, Trung Quốc có 6 khu vực nguy cơ cao và 66 khu vực có nguy cơ. Trong đó, có 6 khu vực nguy cơ cao nằm ở:

  • Hà Bắc (3): quận Cảo Thành ở thành phố Thạch Gia Trang, thành phố cấp huyện Tân Lạc do thành phố Thạch Gia Trang quản lý và thành phố cấp huyện Nam Cung do thành phố Hình Đài quản lý;
  • Hắc Long Giang (1): huyện Vọng Khuê, thành phố Tuy Hóa;
  • Cát Lâm (1): quận Đông Xương, thành phố Thông Hóa;
  • Bắc Kinh (1): khu phố Dung Hối, phường Thiên Cung Viện, quận Đại Hưng.

66 khu vực có nguy phân bố ở Bắc Kinh (2), tỉnh Hà Bắc (40), tỉnh Liêu Ninh (2), tỉnh Hắc Long Giang (14), tỉnh Cát Lâm (6) và Thượng Hải (2).

Tình hình dịch bệnh ở tỉnh Hắc Long Giang đang leo thang. Hôm 22/1, tỉnh Hắc Long Giang đã xác nhận thêm 56 trường hợp (bao gồm 40 trường hợp ở huyện Vọng Khuê, thành phố Tuy Hóa) và 37 ca nhiễm không triệu chứng (22 trường hợp ở huyện Vọng Khuê).

Vào ngày 22/1, tỉnh Hà Bắc có 15 ca nhiễm mới. Trong số đó, một bệnh nhân nam 67 tuổi ở Thạch Gia Trang đã được cách ly và theo dõi vào ngày 7/1. Sau 10 lần xét nghiệm axit nucleic đều cho kết quả âm tính thì đến lần xét nghiệm hôm 21/1 lại cho kết quả dương tính, bệnh nhân này đã được xác nhận nhiễm bệnh vào ngày 22/1.

Về vấn đề này, cư dân mạng đại lục bày tỏ: "Tôi rất nghi ngờ chất lượng của bộ kit xét nghiệm axit nucleic".

Chính quyền Thạch Gia Trang thông báo rằng sẽ tiến hành phân vùng phân cấp để quản lý từ ngày 23/1. Ngoài 2 khu vực nguy cơ cao là quận Cảo Thành và thành phố Tân Lạc, thì huyện Chính Định, quận Dụ Hoa, quận Cao Tân và quận Trường An cũng sẽ bị quản lý theo diện khu vực nguy cơ cao; nghiêm cấm mọi người dân ở 7 khu vực có nguy cơ rời khỏi khu phố hoặc thôn xóm.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh ở Cát Lâm cũng khá nghiêm trọng. Hôm 22/1, toàn tỉnh ghi nhận thêm 13 trường hợp nhiễm bệnh mới và 52 ca nhiễm không có triệu chứng. Thành phố Thông Hóa sẽ xây dựng các cabin cách ly riêng biệt trong Trung tâm Hậu cần Ngoại quan Thông Hóa, và dự kiến ​​1.186 cabin sẽ hoàn thành trước ngày 27/1.

Ngoài ra, Bắc Kinh và Thượng Hải cũng có các trường hợp mới được xác nhận. Vào tối ngày 22/1, một nhân viên của tòa nhà NetEase nằm ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, đã được chẩn đoán nhiễm bệnh. Hôm 21/1, nhân viên này đã phát sốt và có kết quả xét nghiệm axit nucleic dương tính. Hiện tại, quận Hải Điến đang niêm phong và kiểm soát Tòa nhà NetEase, và tiến hành xét nghiệm axit nucleic đối với tất cả nhân viên của tòa nhà.

Được biết, tòa nhà NetEase nằm ở phía tây bắc quận Hải Điến, đối diện NetEase là Sina Weibo, ở đằng sau là Baidu, bên cạnh là Tencent và Lenovo.

Báo cáo chính thức mới nhất cho biết vào ngày 22/1, Bắc Kinh có 3 trường hợp mới được xác nhận, tất cả đều ở khu phố Dung Hối, phường Thiên Cung Viện, quận Đại Hưng.

Các nhà chức trách Bắc Kinh nhận định rằng “tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp”. Vì các cơ quan quan trọng của đảng và chính phủ ĐCSTQ như Trung Nam Hải đều nằm ở quận Tây Thành của Bắc Kinh - nơi vừa có bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus và từng hoạt động ở trung tâm thành phố, nên kể từ ngày 22/1, quận Tây Thành và quận Đông Thành sẽ tiến hành đợt xét nghiệm axit nucleic kéo dài trong hai ngày.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Tròn 1 năm ngày Vũ Hán phong tỏa: Truyền thông Trung Quốc im bặt, còn dịch bệnh lại đang quay trở lại tấn công đại lục