Trong 7 ngày, 7 tỉnh Trung Quốc xảy ra 16 trận động đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ngày gần đây, Trung Quốc đại lục thường xuyên xuất hiện động đất, chỉ trong vòng 1 tuần đã có 16 trận với cường độ từ 2,8 đến 5,0 độ Richter xảy ra ở 7 tỉnh là Giang Tô, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Ninh Hạ, Hà Bắc, Hà Nam và Tân Cương. Hai trận gần đây nhất là ở Tứ Xuyên và Hà Nam vào rạng sáng ngày hôm nay 23/11, đều là 3,0 độ Richter.

Theo ghi nhận của Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC), từ ngày 17 đến rạng sáng ngày 23/11, Trung Quốc xảy ra: 3 trận động đất vào ngày 17; 2 trận vào ngày 18; 1 trận vào ngày 19; 4 trận vào ngày 20; 2 trận vào mỗi ngày 21, 22, 23. Trong số đó, nhiều nhất là Tứ Xuyên có 6 trận, chủ yếu ở các huyện thuộc thành phố Nghi Tân; và Tân Cương có 4 trận, 3/4 số đó là ở địa khu Aksu. Hiện chưa có báo cáo về thương vong.

Trong 16 trận này, 3 trận có cường độ từ 4,0 đến 5,0 độ Richter; 9 trận từ 3,0 đến 3,9 độ Richter; 4 trận dưới 3,0 độ Richter. Cao nhất là 5,0 độ xảy ra vào lúc 1h54 chiều ngày 17/11 trên vùng biển huyện Đại Phong, thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, tâm chấn nằm ở 33,5 độ vĩ Bắc, 121,19 độ kinh Đông, với tiêu cự sâu 17 km.

Trước việc Trung Quốc gần đây liên tục xảy ra động đất, đặc biệt là ở Tứ Xuyên, cộng thêm một báo động "Lỗi hệ thống" 8,1 độ Richter cũng ở Tứ Xuyên vào hôm 5/10 mà sau đó chính quyền vội thanh minh là "Thông báo sai do lỗi kỹ thuật", người dân không khỏi nghĩ tới những thảm họa động đất trước kia.

Hai trận động đất từng gây chấn động cả trong và ngoài Trung Quốc

Theo Vision Times, hai trận động đất lớn gây chấn động cả trong và ngoài nước mà người Trung Quốc không bao giờ quên được là "Động đất Đường Sơn 1976" và "Động đất Tứ Xuyên 2008" (người Trung Quốc hay gọi là “Động đất Mân Xuyên” vì tâm chấn nằm ở huyện này).

Động đất Đường Sơn 1976

Vào lúc 3 giờ 42 phút 53,8 giây rạng sáng ngày 28/7/1976, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Chỉ trong 10 giây, thành phố công nghiệp với dân số 1,5 triệu người ở miền bắc Trung Quốc này biến thành địa ngục trần gian trong chốc lát. Hơn 80% người dân đang ngủ say không kịp phản ứng đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Tuy nhiên, số liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc cho thấy, trận động đất ở Đường Sơn đã khiến hơn 240.000 người chết, hơn 160.000 người bị thương nặng và 7.200 gia đình cả nhà tử vong. Nhưng số người thiệt mạng truyền tai nhau trong nhân dân là ít nhất 600.000 người. Theo ông Trương Dục Minh (Zhang Yuming), cựu bác sĩ tại Đại học Y Hà Nam và là nhà nghiên cứu ung thư đã nghỉ hưu tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, trận động đất ở Đường Sơn thực sự mạnh 9,0 độ Richter và số người chết lên tới 750.000 người.

Cuộc điều tra dài (sách cấm) có tên "Đường Sơn Cảnh thế Lục" (tạm dịch: Ghi chép Cảnh tỉnh người đời về Đường Sơn) do tạp chí Reportage của Trung Quốc phát động cho thấy, trận động đất ở Đường Sơn đã được "dự đoán chính xác trước khi xảy ra động đất", và ít nhất một chục điểm giám sát đã gửi dự đoán động đất ngắn hạn đến các cơ quan cấp trên trong chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, các thông tin này đã bị xem nhẹ và không được xử lý. Đằng sau trận động đất ở Đường Sơn là "nhân họa" do sự tắc trách của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Động đất Tứ Xuyên 2008

Trận động đất ở Tứ Xuyên xảy ra vào ngày 12/5/2008 mạnh 8,2 độ Richter cũng là trận động đất thảm khốc nhất sau trận ở Đường Sơn, với số người thương vong nặng nề. Điều khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ là một lượng lớn học sinh đã thiệt mạng do các công trình bã đậu phụ (ý chỉ các công trình bị rút ruột nên có chất lượng kém) sập đổ.

Cuối cùng, ĐCSTQ báo cáo rằng có 6.376 học sinh đã chết, 1.274 người mất tích, và 1.107 người bị chôn vùi trong các ngôi trường bị sập, tổng số 8.757 người. Vào tháng 4/2009, tại một cuộc biểu tình của người Hoa ở San Francisco, Hoa Kỳ, một thành viên của Hội đồng minh Ba Thục (Ba Thục là tên gọi cũ của Tứ Xuyên), đã công bố phát hiện của họ, "Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, số người chết là khoảng 300.000, và số học sinh tử vong là trên 30.000, hơn nữa trong đó có rất nhiều trẻ mẫu giáo".

ĐCSTQ đã không truy cứu nguyên nhân tại sao có nhiều công trình trường học bã đậu phụ như vậy, nhưng lại ngăn cản người dân bảo vệ quyền lợi của mình. Sau trận động đất ở Tứ Xuyên, một công dân Trung Quốc tên là Trương Hiểu Huy (Zhang Xiaohui) đã kiện Cục quản lý Động đất Trung Quốc (CEA) vì công bố thông tin sai lệch và che giấu dự đoán động đất, nhưng đơn kiện đã bị bác bỏ.

Ông Hoàng Kỳ (Huang Qi) là người sáng lập "64 Tianwang" – trang web nhân quyền về sự kiện thảm sát Thiên An Môn. Sau trận động đất ở Mân Xuyên, trong vòng 28 ngày, ông Hoàng đã tổ chức 13 nhóm đến vùng thiên tai để quyên góp hàng cứu trợ. Qua đó, hàng chục vụ học sinh tử vong do các công trình bã đậu phụ đã bị phanh phui. Hành động này của ông bị chính quyền coi là làm rò rỉ bí mật nhà nước nên đã kết án ông 3 năm.

Phó giáo sư Quách Tuyền (Guo Quan) của Đại học Sư phạm Nam Kinh đã viết một bài báo chỉ trích "công trình bã đậu phụ" của các trường học nằm trong vùng thảm họa. Một nhà văn Tứ Xuyên tên là Đàm Tác Nhân (Tan Zuoren) cũng đã dốc sức điều tra về các công trình trường học bị rút lõi. Họ cũng thu thập danh sách các em học sinh thiệt mạng. Cuối cùng 2 người này bị buộc tội "lật đổ chính quyền nhà nước", ông Quách bị kết án 10 năm tù, còn ông Đàm bị kết án 5 năm tù và bị tước quyền lợi chính trị trong 3 năm.

Đông Phương



BÀI CHỌN LỌC

Trong 7 ngày, 7 tỉnh Trung Quốc xảy ra 16 trận động đất