Trong cơn bão 'bông Tân Cương', từ doanh nghiệp cho tới cá nhân Trung Quốc đều phải thể hiện lòng trung thành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, thương hiệu quần áo Thụy Điển H&M và thương hiệu thể thao Mỹ Nike cùng các thương hiệu quốc tế khác đã bị Trung Quốc kêu gọi tẩy chay vì từ chối sử dụng bông Tân Cương. Đối mặt với trận phong ba này, từ những người nổi tiếng cho tới các doanh nghiệp đại lục đều phải nhanh chóng "thể hiện lòng trung thành”.

"Hiệp hội phát triển bông tốt hơn" (Better Cotton Initiative, BCI) của Thụy Sĩ đã đưa ra tuyên bố về lao động cưỡng bức ở Tân Cương vào tháng 10 năm ngoái. Với tư cách là thành viên của Hiệp hội này, năm ngoái H&M đã đưa ra tuyên bố tương tự và cho biết họ không sử dụng bông đến từ Tân Cương. Tuyên bố này gần đây đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lật lại, và ngay lập tức làm dấy lên làn sóng tẩy chay các nhãn hiệu quần áo nước ngoài ở nước này.

Bắt đầu từ ngày 24/3 năm nay, 27 quốc gia Liên minh Châu ÂU (EU), Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, New Zealand và Nhật Bản đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc lên án đối với một số quan chức và thực thể của ĐCSTQ vì bức hại nhân quyền. Trước tình thế đó, ĐCSTQ đã phải gấp rút chuyển dịch sự chú ý của người dân trong nước bằng cách khơi dậy một cuộc vận động tẩy chay hàng hóa nước ngoài.

Thương hiệu đầu tiên bị ĐCSTQ réo tên là H&M. Sau khi sự việc lan rộng, các thương hiệu quốc tế khác như Burberry, Adidas, Nike, New Balance, Uniqlo, GAP, FILA, Zara, Under Armour… đều rơi vào tầm ngắm vì ĐCSTQ nói rằng các thương hiệu này trước đó cũng đã đưa ra tuyên bố từ chối bông Tân Cương.

Các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc nhanh chóng thể hiện lòng trung thành

Nhiều thương hiệu quần áo ở Trung Quốc đại lục đã liên tiếp bày tỏ sự ủng hộ đối với bông Tân Cương. Li-Ning - một thương hiệu thời trang thể thao của Trung Quốc tuyên bố rằng, sẽ không gia nhập tổ chức BCI của Thụy Sĩ, và nhấn mạnh rằng Tân Cương là một trong những nguồn cung cấp nguyên liệu chính trong hệ thống chuỗi cung ứng của họ. Còn một thương hiệu thời trang thể thao nội địa khác của Trung Quốc là Anta đã gia nhập BCI, thì ra thông báo nói rằng công ty đang tiến hành các thủ tục liên quan để rút khỏi BCI. Anta cũng cho biết họ đã thu mua và sử dụng bông được sản xuất tại các khu vực sản xuất bông của Trung Quốc, bao gồm bông Tân Cương, và sẽ tiếp tục mua và sử dụng trong tương lai. 361 DegreesXtep cũng nói rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng bông Tân Cương.

Sau khi bày tỏ thái độ, cổ phiếu hôm 25/3 của Li-Ning tăng 10,74%; Anta tăng 8,4%; Xtep (1368) phá vỡ mức cao 52 tuần và cuối cùng tăng 2,72%.

Hàng chục thương hiệu nội địa trong lĩnh vực may mặc, vật dụng hàng ngày ở đại lục như Metersbonwe, Ribo Fashion, Septwolves, Semir, Heilan Home, v.v. đã công khai lên tiếng ủng hộ bông Tân Cương, và giá cổ phiếu ngày 25/3 của họ cũng tăng vọt.

Đồng thời, giá cổ phiếu của Top Esports - nhà phân phối nội địa lớn nhất của Nike và Adidas, đã giảm mạnh 12,36%. Còn giá cổ phiếu của Shenzhou International - nhà cung ứng Nike giảm 4,1%.

Các nghệ sĩ Hoa ngữ bị yêu cầu bày tỏ thái độ

Điều đáng chú ý là dưới sự công kích quá lớn của dư luận trong nước, hàng chục người nổi tiếng đại lục đã phải bày tỏ ý kiến vì sợ mất thị trường Trung Quốc, và khẩn cấp tuyên bố cắt đứt hợp đồng với nhiều thương hiệu.

Vào ngày 24/3, công ty đại diện của nữ nghệ sĩ Trung Quốc Victoria Song (Tống Thiến) và nam nghệ sĩ Hoàng Hiên cho biết họ không còn quan hệ hợp tác với H&M; vào ngày 25/3, Vương Nhất Bác và Đàm Tùng Vận cho biết họ đã chấm dứt hợp tác với Nike.

Theo thống kê của The Epoch Times, tính đến tối ngày 25/3, hơn 47 nghệ sĩ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan đã thông báo chấm dứt hợp đồng với nhãn hàng liên quan, chi tiết như sau:

H&M: Hoàng Hiên, Victoria Song, Jackie Li;

NIKE: Vương Nhất Bác, Đàm Tùng Vận;

CONVERSE: Bạch Kính Đình, Trương Nghệ Hưng (EXO), Âu Dương Na Na;

CK: Trương Nghệ Hưng, Lưu Vũ Hân, Hứa Quang Hán, Vương Lâm Khải;

Adidas: Dịch Dương Thiên Tỉ, Dương Mịch, Địch Lệ Nhiệt Ba, Đặng Luân, Trần Lập Nông, Vương Gia Nhĩ (Jackson Wang), Dương Dĩnh (Angela Baby), Tống Nghiêm Phi, Bành Vu Yến, Triệu Lộ Tư, Trương Quân Ninh, Khâu Thiên, Bành Dục Sướng, Đinh Vũ Hề, Nhậm Mẫn, Trần Dịch Tấn, Kim Thần, Hướng Tá, Lý Uyển Đán, Lưu Diệc Phi;

Tommy Hilfiger: Trần Vỹ Đình, Lý Chấn Ninh, Trình Tiêu;

Puma: Lý Hiện, Dương Dương, Lưu Hạo Nhiên, Cổ Lực Na Trát, Hứa Quang Hán, Lưu Văn;

Uniqlo: Tỉnh Bách Nhiên, Nghê Ni, Vương Nguyên, Lôi Giai Âm;

New Balance: Mạnh Mỹ Kỳ, Trương Tử Phong;

Burberry: Châu Đông Vũ, Tống Uy Long.

Chiến dịch chống lại các thương hiệu phương Tây do ĐCSTQ xúi giục cũng đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng với các chủ đề như: "Nghĩa Hòa Đoàn tái hiện", "Chủ nghĩa dân tộc bị đẩy đến cực đoan là hành vi kích động chiến tranh", "Nhân dân cả nước vẫn đang sa vào sự điên cuồng của chủ nghĩa dân tộc, ngày bế quan tỏa cảng không còn xa”.

Nhưng cũng có những nghệ sĩ đứng bên kia chiến tuyến với ĐCSTQ. Ngôi sao Hong Kong Đỗ Vấn Trạch đã đăng bài chế giễu hành động tẩy chay hàng hóa nước ngoài của ĐCSTQ. Khi đăng ảnh chiếc giày lên Facebook, anh viết: "Tôi tự hào khi dùng đồ Nike!" và "Tôi xem sau này mấy người sẽ đi giày thể thao gì ra đường!".

Những người nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao ở Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng

Thương hiệu thể thao Mỹ Nike đã trở thành mục tiêu tẩy chay trong nước Trung Quốc, nhưng các ngôi sao thể thao vẫn im hơi lặng tiếng, chứ không biểu hiện như các sao trong ngành giải trí.

Nike từ lâu đã tài trợ cho đấu trường thể thao của Trung Quốc và là một ông lớn trong ngành thể thao của Trung Quốc. Truyền thông trong nước Trung Quốc trước đây đưa tin rằng, chỉ riêng với bóng đá, Nike đã gia hạn hợp đồng 10 năm với Giải bóng đá Ngoại hạng Trung Quốc (Chinese Super League) vào năm 2018, với số tiền mặt cộng với tài trợ sản phẩm lên tới 3 tỷ nhân dân tệ; năm 2015 đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc cũng đã ký với Nike hợp đồng trị giá 1 tỷ nhân dân tệ trong 12 năm.

Năm 2018 Nike cũng đã ký hợp đồng tài trợ 10 năm với Hiệp hội Bóng rổ Trung Quốc, số tiền cho đến nay vẫn còn là một bí mật, và đội tuyển bóng rổ quốc gia Trung Quốc đều mặc áo của Nike.

Ngoài ra, Nike còn có nguồn tài nguyên bóng rổ khổng lồ, nếu Trung Quốc muốn đào tạo cầu thủ hoặc giao lưu với Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA, họ phải nhờ Nike giúp đỡ.

Ngoài ra, vào ngày 8/1/2020, Nike và Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc đã gia hạn hợp đồng trước thời hạn thêm 12 năm.

Cho đến nay, Hiệp hội Bóng rổ, Hiệp hội Bóng đá và Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về vụ việc bông Tân Cương.

Theo các kênh truyền thông cá nhân ở Trung Quốc, ngành thể thao của nước này khác với ngành công nghiệp giải trí, nếu Hiệp hội Bóng rổ và Hiệp hội Bóng đá muốn đưa ra quyết định, trước tiên phải nhận được sự đồng ý của người anh cả đứng sau nó: Tổng cục Thể thao Quốc gia của ĐCSTQ.

Người Trung Quốc đang tự tay đập vỡ bát cơm của chính mình

Cuộc tẩy chay đã ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của những người bán hàng trên mạng qua Livestream, nhất là nơi bán các thương hiệu như Nike và Adidas. Họ bị cư dân mạng chửi bới, bị yêu cầu dừng Livestream, gỡ sản phẩm và phải "thay đổi công việc".

Còn có một số cư dân mạng hưởng ứng cuộc tẩy chay bằng cách giơ các tấm biển kháng nghị trước các cửa hàng của H&M, một số kích động hơn thì quát mắng nhân viên trung tâm mua sắm đến can ngăn, cuối cùng họ đã bị cảnh sát bắt đi.

Ngay cả các blogger ở Trung Quốc cũng nhắc nhở rằng, hành động tẩy chay hàng ngoại chính là đang “nhấc đá tảng lên và thả xuống chân mình”. Hầu hết nhân viên trong các phòng Livestream bán hàng trực tiếp của Nike hay nhân viên làm việc trong cửa hàng H&M đều là người Trung Quốc, và hầu hết hàng hóa được bày bán trong đó là hàng Trung Quốc. Không cẩn thận thì việc tẩy chay người khác vô tình có thể là một đòn giáng mạnh vào bát cơm của gia đình.

Có các cư dân mạng cũng để lại lời nhắn trên trang web của The Epoch Times, nói rằng: "Vào lúc này, người dân Trung Quốc nên suy nghĩ thấu đáo hơn. Trong các cuộc vận động chủ nghĩa dân tộc do ĐCSTQ xúi giục, người dân Trung Quốc đều đang tự tay đập phá tài sản của chính mình. Các công ty nước ngoài cung cấp cho người dân Trung Quốc nhiều cơ hội việc làm, nếu ép bức những công ty này rời đi thì ai mới là nạn nhân? Con cái của những quan chức cấp cao đó vẫn đang dùng hàng ngoại và còn di dân sang Mỹ”.

"Hơn nữa, lý do gì khiến các công ty nước ngoài không sử dụng bông Tân Cương? Đó là họ không sử dụng sản phẩm của những người Tân Cương bị cưỡng bức lao động. Các công ty nước ngoài thực sự đang giúp đỡ người dân Trung Quốc. Các công ty nước ngoài đang chống lại hành vi xâm phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Vậy người Trung Quốc cớ gì mà phải tẩy chay các công ty nước ngoài, kẻ bị tẩy chay nên là kẻ khởi xướng cuộc tẩy chay này — ĐCSTQ — mới đúng”.

"ĐCSTQ kích động chủ nghĩa dân tộc là nhằm đánh lạc hướng sự bất mãn của người dân đối với ĐCSTQ. Vì vậy, chúng ta phải thấy rõ sự thật rằng ĐCSTQ kích động người dân nhằm chuyển hướng cuộc khủng hoảng cai trị của nó, đừng làm con tốt và tay chân phá hoại cho ĐCSTQ nữa".

Nhà bình luận thời sự người Hoa - ông Hoành Hà (Heng He) nói rằng, lượng xuất khẩu bông của Tân Cương không lớn và chủ yếu được xuất khẩu sau khi đã thành thành phẩm, nếu họ tiếp tục tẩy chay các thương hiệu may mặc nước ngoài, bên bị thiệt hại sau cùng chính là Trung Quốc.

"Cuộc tẩy chay quy mô lớn hiện nay đối với các thương hiệu quốc tế, cũng chính là (tẩy chay) một phần hàng dệt may của Trung Quốc, chính là đang buộc dây chuyền công nghiệp nhanh chóng di chuyển ra nước ngoài, nó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập ngoại hối và việc làm trong nước Trung Quốc. Cả hai điều này là những thứ mà ĐCSTQ không thể để mất vào lúc này… ĐCSTQ đang tự làm tổn hại đến lợi ích của chính nó”, ông Hoành nói.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trong cơn bão 'bông Tân Cương', từ doanh nghiệp cho tới cá nhân Trung Quốc đều phải thể hiện lòng trung thành