Trung - Mỹ đưa ra các tuyên bố khác nhau sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa tân Ngoại trưởng Mỹ và nhà ngoại giao Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có cuộc điện đàm đầu tiên vào hôm 6/2, nhưng hai bên lại đưa ra các tuyên bố có nội dung hoàn toàn khác biệt.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken và ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã có cuộc điện đàm hôm thứ Bảy (6/2). Sau đó hai bên ra tuyên bố cho biết đã thảo luận về 5 chủ đề, bao gồm: nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong; cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar; Đài Loan và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; trật tự của hệ thống quốc tế; và sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ. Tuy nhiên, cả hai bên đều tuyên bố những điều khác nhau và không có sự đồng thuận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với lãnh đạo nhiều quốc gia gồm Anh, Pháp, Nhật Bản và Nga trong hai tuần kể từ khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, vẫn chưa có cuộc trao đổi nào giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình, những người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hôm 6/2 vừa rồi là cuộc gọi công khai đầu tiên giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước.

Hoa Kỳ tuyên bố: Truy cứu trách nhiệm về các hành vi phá hoại hệ thống quốc tế của Bắc Kinh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một thông báo: “Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ của Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, và kêu gọi Trung Quốc (ĐCSTQ) tham gia cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar”.

"Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng, Hoa Kỳ sẽ hợp tác cùng các đồng minh và đối tác của mình để bảo vệ các giá trị và lợi ích chung của chúng ta, đồng thời truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc (ĐCSTQ) vì hành vi đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển Đài Loan, và việc nó (ĐCSTQ) phá hoại hệ thống quốc tế vốn dựa trên các quy tắc".

Sau đó, ông Blinken đã tóm tắt nội dung cuộc điện đàm đầu tiên với Trung Quốc trên tài khoản Twitter chính thức của mình và nói: “Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Bắc Kinh Dương Khiết Trì, tôi đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta và ủng hộ các giá trị dân chủ của chúng ta. Và sẽ truy cứu trách nhiệm hành vi lạm dụng (làm tổn hại) hệ thống quốc tế của Bắc Kinh”.

Trung Quốc tuyên bố: Muốn chính quyền Tổng thống Biden có nhiều thay đổi hơn nữa

Tuy nhiên, những tuyên bố quan trọng nói trên của ông Blinken hoàn toàn bị giấu nhẹm trong các báo cáo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ và các kênh truyền thông chính thức của chính quyền này như Tân Hoa Xã. Từ bản thông báo do phía Trung Quốc đưa ra, có thể thấy tuyên bố của ông Dương Khiết Trì có nội dung tương tự như các tuyên bố trước đây của Trung Quốc, nhưng nó đã trở nên cứng rắn hơn về giọng điệu và từ ngữ.

Hôm 25/1, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới qua video, ông cảnh báo Hoa Kỳ không nên tìm kiếm “sự đối đầu”. Sau đó, trong bài phát biểu trước Hoa Kỳ vào ngày 2/2, ông Dương Khiết Trì đã nói rõ hơn rằng mối quan hệ giữa hai nước bị hủy hoại là do chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Trump, và muốn chính quyền ông Biden "lập lại trật tự".

Các quan chức cấp cao khác của ĐCSTQ, chẳng hạn như Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, gần đây cũng đã có bài phát biểu nhắm vào Hoa Kỳ. Ông Vương nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden cần phải có nhiều thay đổi hơn so với phía Trung Quốc, và “thúc giục Hoa Kỳ sửa chữa những sai lầm mà họ mắc phải trong khoảng thời gian vừa qua".

Tờ The Wall Street Journal nhận xét rằng, bài phát biểu của ông Dương Khiết Trì là sự hô ứng với bài phát biểu gần đây của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, về các vấn đề như nhân quyền, ứng phó với đại dịch, và cái mà ông ta gọi là sự can thiệp của Mỹ vào sự vụ ở Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương, cuộc đàm phán là có hạn mức.

Dưới đây là bảng so sánh do The Epoch Times tổng hợp, nội dung tuyên bố của Trung Quốc lấy từ Tân Hoa Xã, và nội dung tuyên bố của Hoa Kỳ lấy từ Bộ Ngoại giao Mỹ:

Chủ đề Tuyên bố bên phía Hoa Kỳ Tuyên bố bên phía Trung Quốc Bối cảnh
Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền và giá trị dân chủ ở các khu vực Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong. Các sự vụ liên quan đến Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng đều là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào can thiệp vào. Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong theo luật pháp của Quốc hội Mỹ, và chính quyền Tổng thống Biden cũng phải tuân theo các luật này.
Myanmar Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về tình hình hiện tại ở Myanmar và nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế cần tạo ra một môi trường tốt để giải quyết vấn đề Myanmar một cách hợp lý. Hoa Kỳ xác định rằng hành vi tiếp quản của quân đội Myanmar vào ngày 1/2 là một cuộc đảo chính quân sự và sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt có tính nhắm thẳng vào quân đội Myanmar; Trung Quốc từ chối trực tiếp lên án quân đội Myanmar. Dưới sự can thiệp của ĐCSTQ, Liên Hợp Quốc cũng đã lược bỏ hai chữ "đảo chính" trong tuyên bố lên án vấn đề ở Myanmar.
Đài Loan Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại... truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc vì hành vi đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển Đài Loan Vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung - Mỹ... Mỹ cần tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “một Trung Quốc” và ba thông cáo chung của Trung - Mỹ. Tuyên bố của Trung Quốc nói rằng, ông Blinken nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách một Trung Quốc và tuân thủ ba bản thông cáo chung giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đây là lập trường chính sách không thay đổi. Tuyên bố của Mỹ không đề cập đến nội dung này.
Hệ thống quốc tế Ông Blinken nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác cùng các đồng minh và đối tác của mình để bảo vệ các giá trị và lợi ích chung của chúng ta, đồng thời truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc vì… phá hoại hệ thống quốc tế vốn dựa trên các quy tắc. Ông Dương Khiết Trì nói rằng, những điều mà các quốc gia trên thế giới nên giữ gìn và bảo vệ... không phải là trật tự quốc tế dựa trên cơ sở quy tắc của một vài quốc gia. Chính sách của ông Biden là quay trở lại các tổ chức quốc tế mà cựu Tổng thống Trump đã rút khỏi. ĐCSTQ luôn ủng hộ hợp tác đa phương, nhưng Trung Quốc và Hoa Kỳ có cách hiểu hoàn toàn tương phản về thế nào là quy tắc và thế nào là tuân thủ quy tắc.
Quan hệ Trung - Mỹ Không đề cập đến quan hệ Trung - Mỹ; tài khoản Twitter chính thức của Ngoại trưởng Mỹ đã tóm tắt cuộc điện đàm này: "Tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta và ủng hộ các giá trị dân chủ của chúng ta. Và sẽ truy cứu trách nhiệm hành vi lạm dụng (làm tổn hại) hệ thống quốc tế của Bắc Kinh". Ông Dương Khiết Trì nói rằng, Trung Quốc kêu gọi Mỹ sửa chữa những sai lầm đã mắc phải trong quãng thời gian vừa qua... không xung đột không đối đầu, tập trung vào hợp tác và quản lý sự khác biệt. Tuyên bố của Trung Quốc nêu rằng, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng phát triển quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc; hai bên nhất trí duy trì liên lạc và trao đổi về quan hệ song phương cùng các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Nhưng tuyên bố của Mỹ không đề cập đến những điều này.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức, ông đã có các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia bao gồm Anh, Pháp, Nhật Bản và Nga, nhưng nguyên thủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại chưa từng có cuộc gọi trao đổi nào.

ĐCSTQ đã lên kế hoạch và sắp xếp cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden từ tháng 12 năm ngoái, nhưng hiện giờ chính quyền Tổng thống Biden có vẻ như lại không vội vàng tiếp xúc với phía Trung Quốc.

Tổng thống Biden đã có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại vào ngày 4/2. Ông nói rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) là "đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất" của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ sẽ đáp trả ĐCSTQ về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và nhân quyền; nhưng trên tiền đề là vì lợi ích của Hoa Kỳ, cũng không loại trừ việc hợp tác với Bắc Kinh.

Cho đến nay, thông tin về chính sách Trung Quốc mà Ngoại trưởng Blinken công bố rất giống với chính sách của người tiền nhiệm Mike Pompeo. Ông Blinken vẫn mô tả Trung Quốc (ĐCSTQ) là một “thách thức lớn” mà Hoa Kỳ phải đối mặt, nhưng ông nói rằng đối với Washington thì đó là một lợi thế trước Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tuy nhiên, ông Blinken cũng cho rằng, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một mối quan hệ phức tạp, có cả khía cạnh đối kháng và cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng có hợp tác.

Người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố rằng, chính quyền Tổng thống Biden sẽ thực hiện "kiên nhẫn chiến lược" để tìm kiếm các cách thức mới để giao tiếp với Bắc Kinh, bao gồm tiến hành đánh giá liên cơ quan về chính sách Trung Quốc hiện tại và tham vấn cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung - Mỹ đưa ra các tuyên bố khác nhau sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa tân Ngoại trưởng Mỹ và nhà ngoại giao Trung Quốc