Trung Quốc: 1,1 tỷ người dùng Taobao bị rò rỉ thông tin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Taobao, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, đã xảy ra sự cố rò rỉ dữ liệu và kéo dài trong vài tháng. Theo thống kê, vụ việc đã khiến thông tin cá nhân của hơn 1,1 tỷ người dùng bị rò rỉ, trong đó bao gồm những thông tin nhạy cảm như tên, tuổi, số điện thoại, v.v.

Theo truyền thông Đại Lục đưa tin, từ tháng 11/2019, một số nhà phát triển phần mềm của Trung Quốc đã sử dụng phần mềm "Trình thu thập web" do chính họ thiết kế trên Taobao để đánh cắp dữ liệu. Tính từ ngày 6/7 đến ngày 13/7/2020, trung bình mỗi ngày họ đã thu thập được 5 triệu thông tin người dùng. Trước khi Alibaba chú ý đến vấn đề này, có hơn 1,1 tỷ thông tin người dùng đã bị đánh cắp. Những thông tin bị đánh cắp bao gồm ID người dùng, tên tài khoản Taobao, số điện thoại di động, đánh giá của khách hàng, v.v.

Trong khi đang làm việc vào ngày 14/8/2020, nhân viên kiểm soát an ninh bảo mật của Taobao đã phát hiện có lưu lượng truy cập bất thường trên giao diện đánh giá của nền tảng. Sau khi điều tra phát hiện rằng, có người đã tiến hành thu thập dữ liệu mã hóa bằng cách bẻ khóa giao diện của nền tảng.

Theo báo cáo, hai nghi phạm đánh cắp thông tin đã kiếm được 340.000 nhân dân tệ (khoảng 1,21 tỷ VNĐ) từ việc này. Hiện tại, cả hai người đã lần lượt bị kết án 3 năm 3 tháng tù và 3 năm 6 tháng tù với tổng số tiền phạt là 450.000 nhân dân tệ (1,6 tỷ VNĐ).

Theo dữ liệu chính thức của Alibaba, Tập đoàn này hiện có hơn 1 tỷ người dùng đang hoạt động trên toàn thế giới, trong đó 891 triệu người đến từ Trung Quốc và 240 triệu người từ nước ngoài. Vụ rò rỉ dữ liệu này đã ảnh hưởng đến một lượng lớn người dùng đã và đang sử dụng Taobao, vì vậy các thông tin liên quan đã thu hút sự chú ý của ngoại giới.

Rất nhiều cư dân mạng cho rằng, ở Trung Quốc - một nơi luôn yêu cầu dùng “Hệ thống tên thật” (Real-name system) cho mọi việc, thì thông tin cá nhân sớm đã nằm trong tay của người khác.

Trên thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành giám sát khắp nơi ở Đại Lục và nhất cử nhất động của mỗi người dân đều nằm dưới sự kiểm soát "Dữ liệu an ninh công cộng" của ĐCSTQ.

ĐCSTQ đã sử dụng các hệ thống giám sát công nghệ cao để giám sát người dân và thủ đoạn giám sát đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của xã hội. Từ Vạn lý Tường lửa (Great Firewall of China) để kiểm soát và kiểm duyệt người dân Trung Quốc vào thời đầu, đến hệ thống giám sát toàn diện "Phòng hỏa trường thành" (Golden Shield Project); "Nhận diện khuôn mặt" (Face perception) và "Nhận diện dáng đi" (Gait analysis), v.v. ngày càng từng bước nâng cấp sự kiểm soát đối với người dân.

Vào tháng 3 năm nay, một cư dân mạng đã chia sẻ hình ảnh về hệ thống giám sát "Phân tích video giám sát khu vực của chính quyền thành phố” trên Twitter, cho thấy, ĐCSTQ đã tiến hành giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động trong các khoảng thời gian khác nhau đối với những “thành phần chủ chốt” như “dân oan, người liên quan đến ma túy, người có tiền án, người theo tín ngưỡng, v.v."

Một nhân viên họ Lý từng làm việc cho công ty viễn thông China Mobile, tiết lộ với Bitter Winter rằng, ở Trung Quốc không có bất kỳ sự tự do riêng tư nào, tất cả những nền tảng xã hội, cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại di động đều bị chính quyền giám sát chặt chẽ.

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: 1,1 tỷ người dùng Taobao bị rò rỉ thông tin