Trung Quốc: 4 trẻ em bị vùi sống trong hố sâu tại công trường, phóng viên tới phỏng vấn bị đánh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài ngày trước, ở huyện Nguyên Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc xảy ra sự việc 4 đứa trẻ bị khối đất lớn tại công trường xây dựng chôn vùi trong hố sâu một cách kỳ lạ, sự việc khiến dư luận vô cùng lo ngại. Chính quyền đã từng tuyên bố đây là một "vụ án hình sự", nhưng kết luận cuối cùng là "một vụ tai nạn liên quan đến việc đổ đất". Truyền thông Đại lục liên tục tập hợp hàng loạt điểm nghi ngờ trong vụ án này. Một số phóng viên đến hiện trường phỏng vấn nhưng đã bị đánh và bị cướp điện thoại.

Sáng ngày 19/4, trang web của chính quyền huyện Nguyên Dương đã báo cáo rằng từ 17h30 đến 22h40 ngày 18/4, trong khi đào đất ở tiểu khu Thịnh Hòa Phủ của huyện Nguyên Dương, đã tìm thấy thi thể của 4 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo phán đoán sơ bộ, do khối đất đè lên chôn vùi khiến các em nghẹt thở đến chết. Đội điều tra địa phương sau đó nói với truyền thông rằng cảnh sát ban đầu đã xác định đây là một "vụ án hình sự" và đang điều tra.

Ngày 21/4, các kênh truyền thông địa phương dẫn lời cảnh sát địa phương nói rằng nguyên nhân của vụ việc là "thi công bất hợp pháp" và "làm việc vi phạm quy định". Khi xe xây dựng đổ đất, nó "không may đổ đè lên và chôn sống 4 đứa trẻ đang chơi đùa ở công trường". Cảnh sát đã bắt giữ 8 nghi phạm nghi ngờ "phạm tội tắc trách”.

Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị ngoại giới nghi ngờ. Có kênh truyền thông đã tổng kết 4 điểm nghi vấn của vụ án này.

Đầu tiên, những đứa trẻ ở đâu trước khi vụ việc xảy ra? Theo cha của hai đứa trẻ, trong 4 đứa trẻ có 2 đứa con của ông và một người con của gia đình họ hàng. Lúc 16h10 cùng ngày cả 3 đứa trẻ đang ở nhà ăn quà chiều và vào khoảng 16h30 đến siêu thị gần nhà mua đồ, lúc đó không có bất kỳ điều gì bất thường. Cho đến khoảng 17h, có tin tức ở công trường người lái máy đào lên được thi thể trẻ em. Vậy những đứa trẻ ở đâu từ 16h30 đến 17h?

Thứ hai, làm thế nào những đứa trẻ có thể vào được công trường và bị chôn vùi trong một cái hố sâu. Cha của một em trong vụ tai nạn cho biết, nơi xảy ra tai nạn bắt đầu xây dựng vào khoảng tháng 3 năm nay, được bao quanh bởi hàng rào kim loại, nhưng cũng có nhiều lỗ hổng. Hố lớn nơi những đứa trẻ bị chôn sống sâu 4-5 mét. Làm thế nào mà chúng bị chôn vùi trong hố sâu như thế?

Một số dân làng cho biết, có các camera ở cổng phía bắc và phía tây của công trường, và cũng có camera trên máy xúc. Tuy nhiên, sau vụ việc, video giám sát đã được cảnh sát chuyển đi và thậm chí các thành viên gia đình nạn nhân cũng không được phép xem, nói rằng đó là "bí mật".

Thứ ba, tại sao ngăn cản dân làng giải cứu? Thi thể đầu tiên được tìm thấy vào khoảng 17h, và sau đó sử dụng tiếp máy xúc mất hơn 5h, đến 22h40 mới thấy thi thể cuối cùng. Gia đình nạn nhân tiết lộ rằng, ngoại trừ một đứa trẻ thân thể bị tổn thương ít, ba thi thể còn lại đã bị máy xúc làm tổn hại nghiêm trọng, vô cùng thương tâm.

Trong thời gian này, một số dân làng mang xẻng tới định đào, nhưng cảnh sát đã ngăn họ vào công trường. Một số dân làng cho biết, lúc hơn 9h đào lên một cậu bé vẫn có thân nhiệt, vì vậy người dân đặt câu hỏi liệu đứa trẻ sẽ được cứu nếu cho phép đào bằng tay không?

Thứ tư, tại sao công trường xây dựng không có giấy phép thi công? Truyền thông Đại lục tiết lộ rằng công trường này đến 14/4 mới nhận được giấy phép quy hoạch dự án xây dựng, và chưa có giấy phép xây dựng, vào ngày 15/4 công trình lại được yêu cầu sửa đổi. Nhưng việc xây dựng ở đây vẫn chưa dừng lại.

Phóng viên bị đánh trong khi phỏng vấn

Ngày 21/4, bốn cậu bé gặp nạn đã được chôn cất. Được sự đồng ý của gia đình, một số phóng viên truyền thông Đại lục đã đến phỏng vấn. Nhưng ở lối vào nghĩa trang, phóng viên đã bị hơn 10 người lạ chặn lại. Những người này từ chối tiết lộ danh tính của họ. Một người phụ nữ trong số họ tuyên bố: "Không có sự cho phép của chính phủ, không thể vào phỏng vấn".

Sau đó, những người này xô ngã và đánh các phóng viên. Điện thoại di động được phóng viên sử dụng để quay sự việc đã bị cướp.

Tại hiện trường có ít nhất một nhân viên của chính quyền huyện Nguyên Dương, nhưng đã không tiến tới để ngăn cản.

Vào buổi tối cùng ngày, Phó trưởng Ban Tuyên giáo của Đảng ủy huyện Nguyên Dương đã xin lỗi và trả lại điện thoại di động cho phóng viên. Phóng viên nhận thấy rằng điện thoại đã được cài lại và tất cả các thông tin đã bị xóa. Phóng viên đã hỏi Phó trưởng ban Tuyên giáo ai đã đưa cho họ chiếc điện thoại di động bị đánh cắp này, ai là người đã đánh phóng viên và tại sao phóng viên bị chặn phỏng vấn. Nhưng họ chỉ nhận được câu trả lời không biết và không rõ.

Minh Thanh

Theo NTDTV

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: 4 trẻ em bị vùi sống trong hố sâu tại công trường, phóng viên tới phỏng vấn bị đánh