Trung Quốc: Biểu tình ở Quảng Châu leo ​​thang thành đụng độ giữa cảnh sát và dân thường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã đụng độ với cảnh sát trong đêm 29/11 để phản đối các biện pháp chống dịch Covid hà khắc ở nước này. Cuộc "cách mạng giấy trắng" mà ĐCSTQ đang cố gắng trấn áp có nguy cơ leo thang.

Các chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hạn chế đáng kể quyền tự do của người dân nước này. Nền kinh tế Trung Quốc cũng bắt đầu trì trệ sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, vô hình trung đã giải phóng sự bất mãn của dân chúng được tích tụ bấy lâu nay.

Trong một video được đăng tải trên Twitter, hàng chục cảnh sát chống bạo động trong bộ đồ hazmat màu trắng giương cao tấm khiên trong khi người dân ném đồ vật về phía họ.

Sau đó, cảnh sát đã áp giải một hàng người bị còng tay đến một địa điểm không xác định.

Một video khác cho thấy người dân ném đồ vật vào cảnh sát, trong khi video thứ ba cho thấy một hộp hơi cay rơi xuống giữa một đám đông trên một con phố nhỏ khiến mọi người tháo chạy.

Tờ Reuters xác minh rằng, các video được quay ở quận Haizhu của Quảng Châu, nơi xảy ra tình trạng bất ổn liên quan đến Covid hai tuần trước, nhưng không thể xác định thời điểm các clip được quay hoặc trình tự chính xác của các sự kiện và điều gì đã gây ra các cuộc đụng độ.

Các bài đăng trên mạng xã hội cho biết các vụ đụng độ diễn ra vào tối ngày 29/11 và do tranh cãi về các biện pháp phong tỏa. Chính quyền Quảng Châu không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Tổ chức China Dissent Monitor - được điều hành bởi Freedom House do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ - ước tính có ít nhất 27 cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Trung Quốc từ hôm 26/11 đến 28/11. Tổ chức tư vấn ASPI của Úc ước tính đã nổ ra 43 cuộc biểu tình ở 22 thành phố của Trung Quốc.

Các quan chức tỉnh Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc hôm 29/11 cho biết, họ sẽ cho phép những người tiếp xúc gần với các trường hợp Covid-19 được cách ly tại nhà. Quyết định này phá vỡ thông lệ của "chính sách Zero Covid" của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cũng công bố một danh sách dài các tòa nhà tiếp tục bị phong tỏa.

Vài giờ trước khi có thông báo, các quan chức y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, họ sẽ phản hồi "những lo ngại khẩn cấp" do công chúng nêu ra và cho biết, các chính sách nên được thực hiện linh hoạt hơn tùy theo tình hình ở từng khu vực.

Tờ Reuters chỉ ra rằng, những nới lỏng và nhượng bộ này dường như là một nỗ lực nhằm xoa dịu công chúng. Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng đã bắt đầu truy tìm những người tham gia các cuộc biểu tình gần đây.

“Cảnh sát đã đến trước cửa nhà tôi, hỏi tôi rồi yêu cầu tôi điền vào một tờ biên bản", một cư dân Bắc Kinh yêu cầu giấu tên nói với tờ Reuters hôm thứ Tư (30/11).

Một cư dân khác cho biết, một số người bạn đăng video phản đối trên mạng xã hội đã bị đưa đến đồn cảnh sát và yêu cầu ký cam kết "không tái phạm".

Không rõ làm thế nào chính quyền Trung Quốc xác định được các cá nhân này, hoặc họ đã liên lạc với bao nhiêu cá nhân như vậy.

Cục Công an thành phố Bắc Kinh từ chối bình luận.

Trong một tuyên bố vào hôm 29/11 không đề cập đến các cuộc biểu tình, Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết, Bắc Kinh kiên quyết trấn áp “các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch, cũng như các hành vi phạm pháp và tội phạm phá vỡ trật tự xã hội".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, các quyền lợi và tự do phải được thực hiện trong phạm vi luật pháp cho phép.

Hôm thứ Hai 28/11, Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ quyền tự do biểu tình của người dân Trung Quốc nhưng không lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ngày 28/11 rằng: “Mọi người nên được cho phép hội họp và phản đối một cách hòa bình các chính sách, luật pháp hoặc mệnh lệnh mà họ cho là có vấn đề. Nhà Trắng ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa".

Dữ liệu hôm 30/11 cho thấy, hoạt động của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 11 chạm mốc thấp nhất được ghi nhận kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa vào tháng Tư.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 29/11 cảnh báo tổ chức này có thể phải cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Biểu tình ở Quảng Châu leo ​​thang thành đụng độ giữa cảnh sát và dân thường